Bước sang năm 2022, mục tiêu đưa tuyến cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận vào vận hành khai thác trong năm 2021 coi như đã thất bại.
Khi được hỏi về thời điểm hoàn thành toàn bộ dự án, lãnh đạo Sở GTVT Tiền Giang đưa ra mốc dự kiến là 30/4/2022. Tuy nhiên, thời điểm chính xác không được ấn định bởi vẫn còn vướng mắc trong việc đầu tư trạm thu phí cho dự án.
Chưa thống nhất vị trí đặt trạm thu phí
Trao đổi với Zing, ông Trần Văn Bon, Giám đốc Sở GTVT Tiền Giang, cho biết cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận đã hoàn tất thảm bê tông nhựa, có thể mở cửa tạm cho người dân đi lại trong dịp Tết Nhâm Dần 2022. Sau Tết, tuyến đường được đóng lại để tiếp tục hoàn thiện.
Trong văn bản gửi Thủ tướng, UBND tỉnh Tiền Giang kiến nghị lùi thời hạn hoàn thành cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận sang quý II/2022 để nhà đầu tư có thời gian hoàn thành hệ thống thu phí. Tỉnh này cũng tiếp tục kiến nghị Bộ GTVT sớm có hướng dẫn phương án thu phí cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận.
"Sau khi tỉnh báo cáo lên Chính phủ, Thủ tướng đã giao Bộ GTVT làm việc với tỉnh, dự kiến trong tuần sau làm việc", ông Trần Văn Bon, Giám đốc Sở GTVT Tiền Giang, chia sẻ.
Nút giao Thân Cửu Nghĩa, điểm đầu cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận, vẫn chưa có trạm thu phí. Ảnh: Phạm Ngôn.
|
Trong báo cáo gửi UBND tỉnh Tiền Giang, Công ty cổ phần BOT Trung Lương - Mỹ Thuận, doanh nghiệp dự án, cho biết sẽ hoàn tất thảm bê tông nhựa vào 31/12 và tổ chức thông xe kỹ thuật toàn tuyến vào ngày 18/1.
Nhà thầu đang hoàn thiện một số hạng mục như cầu vượt, đường gom, hệ thống chiếu sáng và hệ thống an toàn. Công trình dự kiến hoàn thành trong tháng 3/2022.
Tuy nhiên, doanh nghiệp cho biết biết khó khăn hiện nay là đề án thu phí tuyến cao tốc TP.HCM - Trung Lương chưa được phê duyệt. "Vì vậy, việc thu phí hoàn vốn đầu tư cho dự án Trung Lương - Mỹ Thuận sẽ không thực hiện được và còn chậm trễ kéo dài...", báo cáo của nhà đầu tư nêu.
Vấn đề thu phí dự án của nhà đầu tư được đề cập rõ hơn trong báo cáo của UBND tỉnh Tiền Giang gửi Thủ tướng ngày 8/12.
Theo đó, UBND tỉnh Tiền Giang cho biết Bộ GTVT từng có kế hoạch kết nối hệ thống thu phí của cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận với hệ thống thu phí của tuyến cao tốc TP.HCM - Trung Lương. Trên cơ sở đó, UBND tỉnh đã chỉ đạo Công ty BOT Trung Lương - Mỹ Thuận thiết kế đồng bộ hệ thống thu phí của 2 tuyến cao tốc này.
Tuy nhiên, đề án thu phí sử dụng cao tốc TP.HCM - Trung Lương vẫn chưa được cấp có thẩm quyền phê duyệt và chưa xác định được thời gian thu phí.
Trên cơ sở xem xét kiến nghị của doanh nghiệp dự án, UBND tỉnh Tiền Giang có nhiều văn bản đề nghị Bộ GTVT sớm có ý kiến đối với đề án thu phí của cao tốc TP.HCM - Trung Lương, cũng như xem xét hướng dẫn phương án thu phí tạm trên cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận. Theo Giám đốc Sở GTVT Tiền Giang, Bộ GTVT đến nay vẫn chưa phản hồi ý kiến của tỉnh.
Vướng mắc nêu trên dẫn đến một tình huống tại dự án BOT Trung Lương - Mỹ Thuận là các hạng mục thi công sắp hoàn thành mà trạm thu phí đầu vào của cao tốc (gần nút giao Thân Cửu Nghĩa) vẫn chưa được thi công.
Nhà đầu tư muốn tích hợp thu phí cả 2 cao tốc
Trao đổi với Zing, đại diện Bộ GTVT cho biết tuyến cao tốc TP.HCM - Trung Lương đã hết hạn thu phí hoàn vốn từ 1/1/2019. Để đảm bảo chất lượng và tốc độ lưu thông chuẩn cao tốc, Bộ GTVT đang xây dựng đề án thu phí các tuyến cao tốc do Nhà nước đầu tư. Đề án chưa được thông qua, nhà chức trách chưa có cơ sở để tổ chức thu phí trở lại tuyến cao tốc TP.HCM - Trung Lương.
"Thời gian này, nhà đầu tư cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận bày tỏ mong muốn tổ chức thu phí từ TP.HCM đến Mỹ Thuận. Nhà đầu tư cũng mong muốn sau này có cơ chế cho họ vận hành thu phí cả đoạn từ TP.HCM đến Trung Lương. Tiền thu phí sẽ trả lại cho Nhà nước và dùng để duy tu, nâng cấp quốc lộ 1", vị này chia sẻ.
Trong trường hợp tuyến cao tốc TP.HCM - Trung Lương được thu phí trở lại, đại diện Bộ GTVT cho biết sẽ có 2 phương án tổ chức thu phí là Nhà nước dùng ngân sách đầu tư hệ thống thu phí mới (do các trạm thu phí cũ của tuyến TP.HCM - Trung Lương đã lỗi thời) hoặc nhượng quyền thu phí cho nhà đầu tư khai thác.
Nhà đầu tư đề xuất phương án cải tạo, nâng cấp các trạm thu phí trên cao tốc TP.HCM - Trung Lương để phù hợp với kế hoạch thu phí kín cho cả tuyến TP.HCM - Trung Lương - Mỹ Thuận.
|
Theo quy hoạch thiết kế được UBND tỉnh Tiền Giang phê duyệt, cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận có một trạm thu phí đầu tuyến nằm gần nút giao Thân Cửu Nghĩa. Tuy nhiên, trạm thu phí này đến nay vẫn chưa được xây dựng.
Nhà đầu tư giải thích việc chưa xây dựng trạm thu phí này là do phương án tổ chức thu phí trên cao tốc TP.HCM - Trung Lương vẫn chưa được thông qua. Ngoài ra, khi dự án cao tốc TP.HCM - Trung Lương thu phí trở lại, hệ thống trạm thu phí đặt trên tuyến chính không tận dụng lại được sẽ gây lãng phí hoặc phát sinh thêm hạng mục trạm thu phí khi dự án cầu Mỹ Thuận 2 đưa vào khai thác.
Thay vì xây trạm thu phí mới, nhà đầu tư đã đề xuất UBND tỉnh Tiền Giang phương án cải tạo các trạm thu phí của tuyến TP.HCM - Trung Lương, kết hợp với các trạm thu phí của dự án Trung Lương - Mỹ Thuận để đảm bảo thu phí kín cho dự án.
Theo kịch bản này, lối vào cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận được án ngữ bởi 4 trạm thu phí của tuyến TP.HCM - Trung Lương, gồm trạm Chợ Đêm (điểm đầu TP.HCM), trạm Bến Lức, trạm Long An và trạm Thân Cửu Nghĩa. Các trạm thu phí này đã dừng hoạt động từ năm 2019, muốn vận hành trở lại phải cải tạo và nâng cấp thêm hệ thống thu phí ETC.
Nhà đầu tư phân tích nhược điểm của phương án này là tốn thêm 20 tỷ đồng để cải tạo, nâng cấp các trạm hiện hữu, đồng thời tốn thêm nhân sự vận hành các trạm này. Tuy nhiên, ưu điểm là khi dự án cao tốc TP.HCM - Trung Lương cho phép thu phí trở lại, Nhà nước có thể thực hiện thu phí ngay và đồng bộ với hệ thống thu phí của 2 dự án.
Nếu vẫn quyết định xây trạm thu phí mới, không tận dụng các trạm cũ của tuyến TP.HCM - Trung Lương, nhà đầu tư ước tính thời gian đưa dự án vào thu phí hoàn vốn sẽ bị chậm khoảng 6 tháng, phát sinh phí lãi vay khoảng 396 tỷ đồng.
Tại Công văn số 9261/VPCP-CN ngày 20/12/2021, Phó thủ tướng Lê Văn Thành yêu cầu UBND tỉnh Tiền Giang chỉ đạo nhà đầu tư dự án cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận và các đơn vị có liên quan đẩy nhanh tiến độ triển khai dự án.
Phó thủ tướng cũng yêu cầu Bộ GTVT chủ trì, cùng với UBND tỉnh Tiền Giang khẩn trương xử lý dứt điểm phương án đặt trạm thu phí của dự án, bảo đảm công tác thu phí hoàn vốn dự án được triển khai khi dự án đưa vào sử dụng; báo cáo kết quả lên Thủ tướng trước ngày 15/1/2022.
Dự án cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận có chiều dài hơn 51 km, xuyên qua 5 huyện của tỉnh Tiền Giang, là một trong những tuyến đường huyết mạch kết nối TP.HCM với các tỉnh Tây Nam Bộ. Điểm đầu cao tốc tại nút giao Thân Cửu Nghĩa (nối với cao tốc TP.HCM - Trung Lương); điểm cuối tại nút giao An Thái Trung (nối với dự án cầu Mỹ Thuận 2).
Dự án được đầu tư theo hình thức BOT với tổng vốn đầu tư 12.668 tỷ đồng, trong đó vốn BOT là 10.482 tỷ đồng và vốn Nhà nước là 2.186 tỷ đồng. Khởi công từ năm 2009, dự án trải qua 10 năm thi công chậm tiến độ, trước khi được tái khởi động vào năm 2019.
|