"Bắt tay" với doanh nghiệp FDI để sản xuất linh phụ kiện trong nước
Bộ Công Thương sẽ hỗ trợ và kết nối các doanh nghiệp trong nước với các doanh nghiệp FDI phát triển công nghiệp hỗ trợ trong một số ngành trọng điểm như công nghiệp ôtô, điện tử, dệt may và da giày.
Sản xuất linh kiện điện tử chất lượng cao tại Công ty Cổ phần Manutronic Việt Nam. (Ảnh: Trần Việt/TTXVN)
|
Thông tin từ Bộ Công Thương cho hay, năm 2022 sẽ phối hợp chặt chẽ với một số doanh nghiệp FDI đa quốc gia như Samsung, Toyota... tăng cường tìm kiếm, kết nối các doanh nghiệp sản xuất nguyên vật liệu, linh phụ kiện trong nước đủ khả năng sản xuất thay thế nguồn nhập khẩu trong ngắn hạn cũng như trong dài hạn.
Năm 2022, để góp phần đạt tốc độ tăng trưởng GDP của cả nước tăng từ 6-6,5%, ngành công thương phấn đấu đạt mục tiêu IIP tăng khoảng 7-8%.
Bộ Công Thương xác định sẽ triển khai hiệu quả các đề án hỗ trợ ngành công nghiệp hỗ trợ theo Chương trình phát triển công nghiệp hỗ trợ đã phê duyệt trong một số ngành trọng điểm như công nghiệp ôtô, điện tử, dệt may và da giày; tập trung vào khâu tổ chức kết nối và hỗ trợ các doanh nghiệp trong nước tham gia được vào chuỗi cung ứng cho các doanh nghiệp và các dự án có vốn đầu tư nước ngoài nhằm khai thác hiệu quả quá trình hội nhập.
“Đồng thời, phối hợp chặt chẽ với một số doanh nghiệp FDI đa quốc gia (như Samsung, Toyota...) tăng cường tìm kiếm, kết nối các doanh nghiệp sản xuất nguyên vật liệu, linh phụ kiện trong nước đủ khả năng sản xuất thay thế nguồn nhập khẩu trong ngắn hạn cũng như trong dài hạn,” ông Trần Quốc Khánh khẳng định.
Theo báo cáo tình hình sản xuất công nghiệp năm 2021 Bộ Công Thương vừa công bố, năm 2021 sản xuất công nghiệp gặp nhiều khó khăn nhưng vẫn duy trì và giữ được nhịp độ tăng trưởng tích cực.
Trong mức tăng trưởng của toàn nền kinh tế năm 2021, sản xuất công nghiệp duy trì tốc độ tăng trưởng khá, giá trị tăng thêm ngành công nghiệp tăng 4,82%, cao hơn so với cùng kỳ năm trước và cao hơn mức tăng trưởng chung của nền kinh tế.
Nhóm ngành công nghiệp chế biến chế tạo phát triển tích cực. Các ngành công nghiệp chủ lực (như điện tử, dệt may, da giày, đồ gỗ...) tăng trưởng ở mức khá, là yếu tố chính đóng góp vào phát triển của ngành công nghiệp Việt Nam.
Đáng chú ý, phát triển công nghiệp ở các địa phương đã nỗ lực vượt qua khó khăn trong đại dịch: có 48 địa phương có chỉ số IIP tăng, chỉ có 15 địa phương có chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) giảm so với năm 2020; trong đó, tăng cao nhất các tỉnh gồm: Ninh Thuận (24,6%), Đắk Lắk (23,8%), Gia Lai (20,5%), Hải Phòng (18,2%), Bình Phước (17,8%)...
Bên cạnh kết quả đạt được, phát biểu tại Hội nghị tổng kết công tác năm 2021, triển khai nhiệm vụ năm 2022 ngành công thương ngày hôm nay 9/1/2022, Thứ trưởng Bộ Công Thương Trần Quốc Khánh đánh giá, sản xuất công nghiệp vẫn còn hạn chế nhất định.
Cụ thể, hoạt động sản xuất công nghiệp gặp nhiều khó khăn hơn nhiều so với năm 2020 do dịch COVID-19 đã lây lan, xâm nhập các khu công nghiệp, khu chế xuất đã ảnh hưởng đến tốc độ tăng chung của ngành.
Các doanh nghiệp sản xuất trong nước chủ yếu có quy mô vừa, nhỏ, sức cạnh tranh còn thấp gặp rất nhiều khó khăn dưới tác động của dịch bệnh COVID-19 kéo dài. Chi phí sản xuất tăng cao do giá nguyên liệu đầu vào tăng, chi phí vận chuyển, logistics tăng và phát sinh thêm chi phí phòng, chống dịch bệnh khiến cho các doanh nghiệp khó khăn lại càng khó khăn.
Nhiều doanh nghiệp bị gián đoạn sản xuất, giảm đơn hàng, thiếu hụt lao động, doanh thu giảm mạnh.
Bên cạnh đó, một số địa phương không duy trì được tăng trưởng công nghiệp như: Tp. Hồ Chí Minh (giảm 14,3%), Cần Thơ (giảm 10,1%), Trà Vinh (giảm 9,5%), Đồng Tháp (giảm 8%)...
"Công nghiệp hỗ trợ phát triển chậm, chưa đáp ứng được nhu cầu của các ngành công nghiệp xuất khẩu trong nước dẫn đến tỷ lệ nội địa hóa trong các ngành công nghiệp đạt thấp, giá trị gia tăng tạo ra trong nước chưa đạt như mong muốn,” Thứ trưởng Trần Quốc Khánh nói.
Vấn đề tiếp theo được lãnh đạo Bộ Công Thương đề cập tới là, năng lực sản xuất công nghiệp chậm được cải thiện, đặc biệt là trong các ngành công nghiệp có tính nền tảng, then chốt dẫn đến ta vẫn tiếp tục nhập khẩu lớn máy móc thiết bị, phụ tùng và nguyên vật liệu cho sản xuất các ngành công nghiệp trong nước.
Liên kết giữa các doanh nghiệp FDI với doanh nghiệp trong nước còn yếu nên chưa thúc đẩy phát triển kỹ năng quản trị, chuyển giao công nghệ, hình thành các chuỗi cung ứng vật tư, nguyên liệu và cụm liên kết ngành.
“Chưa có sự tham gia mạnh của các doanh nghiệp trong nước vào các chuỗi sản xuất, chuỗi cung ứng toàn cầu,” ông Khánh khẳng định./.
Đức Dũng
Vietnam+
|