Bán 'chui' cổ phiếu: Thị trường chứng khoán có là 'công cụ đầu cơ'?
Việc các 'cá lớn' âm thầm bán lượng cổ phiếu lớn mà không báo cáo và công bố thông tin khiến dư luận lo lắng đây trở thành 'công cụ đầu cơ,' gây tổn hại tới tính minh bạch của thị trường chứng khoán.
* Chủ tịch Trịnh Văn Quyết có thể bị phạt bao nhiêu vì bán chui cổ phiếu FLC?
* UBCKNN đang phối hợp với các cơ quan liên quan để xử lý vi phạm của ông Trịnh Văn Quyết
* Ông Trịnh Văn Quyết đăng ký bán 175 triệu cp FLC từ ngày 10/01 nhưng chưa công bố trên HOSE
Trước việc Chủ tịch FLC “âm thầm” bán ra lượng cổ phiếu lớn, ngày 10/1, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước công bố sẽ phối hợp với các cơ quan liên quan để xem xét xử lý vi phạm của ông Trịnh Văn Quyết, Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty cổ phần Tập đoàn FLC do giao dịch bán 74,8 triệu cổ phiếu FLC nhưng không báo cáo và công bố thông tin theo quy định của pháp luật.
Đây không phải là lần đầu tiên các trường hợp 'âm thầm' bán cổ phiếu lớn. Trước đó đã có rất nhiều vụ việc tương tự. Điều này khiến các thành viên thị trường chứng khoán đang lo ngại việc trên có thể đã mang về một khoản lợi nhuận rất lớn và khiến thị trường chứng khoán trở thành “công cụ đầu cơ” dễ dàng cho các 'tay to' trong lĩnh vực này.
Giao dịch chứng khoán “chui” như “cơm bữa”
Về luật pháp, các chế tài xử phạt các hành vi phạm quy định về giao dịch (của cổ đông sáng lập, cổ đông lớn, nhóm người có liên quan sở hữu từ 5% trở lên số cổ phiếu của công ty đại chúng...” đã được quy định tại Nghị định số 156/2020/NĐ-CP ngày 31/12/2020 của Chính phủ về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực chứng khoán và thị trường chứng khoán.
Tuy nhiên, ngay trong những ngày đầu của năm 2022, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước liên tục đã công bố xử phạt các cá nhân, tổ chức vi phạm công bố thông tin trên thị trường.
Cụ thể, trường hợp của bà Nguyễn Thị Thanh Hương (người có liên quan đến thành viên Hội đồng quản trị - mã chứng khoán ELC) bị phạt 80 triệu đồng do không công bố thông tin về việc dự kiến giao dịch mua và bán cổ phiếu ELC.
Ông Nguyễn Xuân Thủy (người có liên quan đến Phó Chủ tịch Hội đồng quản trị - mã chứng khoán LPB) bị phạt 70 triệu đồng cùng với lý mua “chui” cổ phiếu LPB; ông Nguyễn Vũ Hiếu cũng bị phạt 70 triệu đồng do không công bố thông tin khi sở hữu từ 5% trở lên số cổ phiếu có quyền biểu quyết của một công ty đại chúng hoặc khi không còn là cổ đông lớn. Ông này đã thực hiện giao dịch mua và bán cổ phiếu MPT dẫn đến tỷ lệ nắm giữ sau giao dịch lên/xuống ngưỡng 5% tại công ty.
Với trường hợp của tổ chức, Công ty cổ phần CMC chỉ phải nộp mức phạt 85 triệu đồng với một loạt sai phạm không công bố đối với thông tin về các tài liệu (Giải trình chênh lệch kết quả kinh doanh tại báo cáo tài chính, báo cáo kiểm toán năm 2020; Nghị quyết Hội đồng quản trị về kết quả hoạt động năm 2019 và kế hoạch năm 2020; Về việc thay đổi địa chỉ chi nhánh Công ty, ký hợp đồng lựa chọn kiểm toán, đầu tư mua khu đất mới, đầu tư mở rộng sản xuất Nhà máy, điều chỉnh kế hoạch kinh doanh, lợi nhuận và cổ tức năm 2021).
Những ví dụ trên cho thấy các trường hợp vi phạm giao dịch chứng khoán “chui” vẫn đang diễn ra như “cơm bữa” trên thị trường chứng khoán. Theo ông Phạm Tuyến, Giám đốc tư vấn đầu Công ty chứng khoán KIS Việt Nam, chi nhánh Bà Triệu (Hà Nội), nguyên do là các mức chế tài xử phạt cho các hành vi trên là chưa đủ mạnh, không đủ sức răn đe đối với các “ông chủ” doanh nghiệp niêm yết.
Cần có chế tài đủ mạnh để ngăn chặn các hành vi bán chui cổ phiếu để thị trường được minh bạch hơn
|
Ở trường hợp ông Trịnh Văn Quyết bán ra 74,8 triệu cổ phiếu FLC nhưng không báo cáo và công bố thông tin, ông Tuyến cho rằng đây không phải là lần đầu tiên 'chóp bu' của FLC làm việc này.
Cụ thể, vào tháng 11/2017, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước đã từng xử phạt vi phạm hành chính 65 triệu đồng đối với ông Trịnh Văn Quyết vì báo cáo việc dự kiến giao dịch bán 57 triệu cổ phiếu FLC (trong khoảng thời gian 20 - 24/10/2017).
Ảnh hưởng tới tính minh bạch của thị trường
Đánh giá về sự việc vừa diễn ra, ông Tuyến cho rằng “ông chủ” một tập đoàn lớn như FLC đã gây ảnh hưởng mạnh đến tính minh bạch của thị trường chứng khoán Việt Nam.
“Việc phạt hành chính với hành vi này là quá bé so với việc họ thu được lợi ích từ sự việc trên,” ông Tuyến nhấn mạnh.
Một chuyên gia tài chính có uy tín cho hay sự việc trên của FLC khiến ông liên tưởng đến vụ bê bối của Công ty ENRON trên thị trường chứng khoán Mỹ trong năm 2001, khiến cho các nhà đầu tư mất trắng và đã đệ đơn kiện 40 tỷ USD sau khi giá cổ phiếu của công ty từ mức 90,75USD/cổ phiếu (giữa năm 2000) rơi xuống 1USD (cuối tháng 11/2001).
Trước đó, FLC công bố doanh thu trong quý 3/2021 đạt 1.455 tỷ đồng, tuy nhiên lợi nhuận sau thuế của công ty mẹ chỉ đạt 5,3 tỷ đồng.
“Mặc dù chưa nói đến kết quả kinh doanh, song việc lẩn tránh công bố thông tin và giao dịch một lượng cổ phiếu quá lớn như vậy khiến cho thị trường ‘méo mó’ đồng thời nhà đầu tư sẽ không kịp trở tay. Bởi, cổ đông lớn khi công bố thông tin đăng ký bán một lượng cổ phiếu lớn, thông thường giá cổ phiếu sẽ điều chỉnh về một vùng giá mới trong một khoảng thời gian và khi đó các nhà đầu tư có thể cân nhắc ra quyết định phù hợp với tình hình mới,” vị chuyên gia trên trao đổi.
Bên cạnh đó, thị trường Việt Nam đang có bước tiến mới trong lộ trình nâng hạng lên thị trường chứng khoán mới nổi. Vừa qua, Việt Nam chính thức đưa vào hoạt động Sở Giao dịch chứng khoán Việt Nam (VNX) - cơ quan đầu mối quản lý chung thị trường chứng khoán Việt Nam. Chính phủ cũng có kế hoạch thành lập trung tâm thanh toán bù trừ trung tâm (trực thuộc VNX), dự kiến sẽ giải quyết điểm nghẽn về tỷ lệ ký quỹ giao dịch bằng tiền mặt, nút thắt trong việc nâng hạng thị trường chứng khoán Việt Nam lên thị trường mới nổi mà cả hai tổ chức FTSE và MSCI cùng đề cập.
Tuy nhiên, ông Tuyến quan ngại với những hành vi “khoắng tay trong bị” như của ông Trịnh Văn Quyết có thế dẫn tới những tiền lệ xấu trên thị trường, ảnh hưởng không chỉ các doanh nghiệp đang niêm yết khác mà còn ảnh hưởng đến uy tín của thị trường chứng khoán Việt Nam mà Chính phủ đang nỗ lực xây dựng.
“Đó là một thị trường bậc cao, có sự minh bạch về thông tin, công bằng đối với nhà đầu tư, qua đó thu hút nguồn vốn từ xã hội, từ nhà đầu tư nước ngoài để đưa nguồn vốn vào phát triển kinh tế-xã hội. Do đó, những sự việc trên nếu không xử lý dứt điểm và xây dựng các quy chế đủ mạnh thì việc ‘nhờn’ với các pháp luật hiện hành sẽ thường xuyên xảy ra,” ông Tuyến nói./.
Hạnh Nguyễn
Vietnam+
|