Thứ Ba, 21/12/2021 10:01

Việt Nam vẫn là “công xưởng” nhiều thương hiệu toàn cầu

Thời điểm cao điểm đại dịch ở phía Nam (tháng 6, 9), thông tin nhiều thương hiệu thời trang chuyển dần sản xuất, đơn hàng ra khỏi “công xưởng lớn châu Á”, trong đó có Việt Nam, để giảm chi phí vận chuyển và tránh đứt gãy chuỗi cung ứng, đã thu hút nhiều sự quan tâm. Song thực tế cho đến nay Việt Nam vẫn là “xưởng” sản xuất lớn của nhiều thương hiệu thời trang toàn cầu.

Bên trong nhà máy sản xuất giày thương hiệu Nike tại Việt Nam

Vị trí quan trọng trong chuỗi

Thương hiệu thời trang Uniqlo (Nhật Bản) có lẽ không còn xa lạ với nhiều người tiêu dùng Việt Nam. Từ khi chính thức mở cửa hàng đầu tiên vào tháng 12-2019, đến nay thương hiệu này đã sở hữu 9 cửa hàng bán lẻ tại Hà Nội, TPHCM và vừa khai trương thêm cửa hàng online.

Những con số này chắc chắn chưa dừng lại trong những năm tới, vì Việt Nam được đánh giá là thị trường tiêu thụ lớn của Uniqlo nhờ quy mô dân số lớn, thu nhập bình quân đầu người ở mức cao và tầng lớp trung lưu đang gia tăng mạnh mẽ. Thêm nữa, Việt Nam còn là cơ sở sản xuất lớn thứ 2 trên toàn cầu cho Uniqlo.

Cụ thể, Uniqlo hiện là đối tác thu mua của 45 nhà máy may mặc tại Việt Nam để cung cấp cho thị trường nội địa và thế giới. Lãnh đạo tập đoàn này cũng đánh giá cao chất lượng nguồn nhân lực ngày càng được cải thiện của Việt Nam.

Cho đến nay ngành dệt may, da giày của Việt Nam ngày càng trở thành mắt xích quan trọng trong chuỗi cung ứng toàn cầu của nhiều thương hiệu thời trang lớn. Nike hay Adidas là những cái tên dễ nhận thấy nhất, là đối tác thu mua lớn của khoảng 200 nhà cung cấp tại Việt Nam.

Với Adidas, Việt Nam cũng là nhà cung cấp lớn khi chiếm tới 30% sản lượng cung ứng toàn cầu của thương hiệu này. Thời điểm dịch Covid-19 bùng phát ở các tỉnh phía Nam, Nike vẫn rất tin tưởng các nhà cung ứng Việt Nam.

Cụ thể, Tổng Công ty may Việt Tiến, một trong số các nhà cung ứng của Nike chưa mất đơn hàng nào từ đối tác này bất chấp ảnh hưởng của dịch Covid-19.

Theo kết quả đánh giá thống kê thương mại thế giới mới nhất của Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO), Việt Nam đã vượt Bangladesh trở thành nước xuất khẩu hàng may mặc lớn thứ 2 thế giới, với trị giá 29 tỷ USD trong năm 2020 (chỉ sau Trung Quốc).

Sản phẩm may mặc “made in Vietnam” chiếm 4,6% thị phần thế giới. Việt Nam gần đây đã sản xuất nhiều hàng may mặc cao cấp với lực lượng lao động có trình độ học vấn.

Song hành với ngành dệt may, sản xuất giày dép của Việt Nam cũng ngày càng giữ vị trí quan trọng trên thế giới. Trung tâm thông tin công nghiệp và thương mại (Bộ Công Thương) dẫn số liệu từ World Footwear Yearbook, cho thấy Việt Nam xếp thứ 2 thế giới về xuất khẩu giày dép, với lượng xuất khẩu đạt 1,23 tỷ đôi trong năm 2020.

Với kết quả này, lần đầu tiên Việt Nam vượt qua mức 10% tổng số lượng giày dép xuất khẩu của thế giới (chiếm 10,2%), tăng 4,4 lần so với năm 2011 (chiếm 2,3%, với 316 triệu đôi giày được xuất khẩu). Đáng chú ý, Việt Nam trở thành nước xuất khẩu giày vải lớn nhất (về giá trị), vượt xa Trung Quốc. Đây là lần đầu tiên Trung Quốc không dẫn đầu xuất khẩu đối với một loại giày dép.

Hàng loạt thương hiệu giày dép nổi tiếng thế giới như Nike, Adidas, Reebok, Puma… đều được gia công và sản xuất ở Việt Nam với số lượng lớn. Triển vọng cho ngành sản xuất giày dép của Việt Nam vẫn chưa dừng lại, khi Trung Quốc tiếp tục chủ trương giảm ưu đãi đầu tư trong lĩnh vực da giày để tập trung cho các ngành công nghệ cao, nên các đơn hàng gia công giày dép sẽ tiếp tục xu hướng dịch chuyển từ Trung Quốc sang Việt Nam.

Cam kết và nỗ lực từ DN Việt

Dù với lợi thế chi phí nhân công vẫn duy trì ở mức hợp lý, nhưng các DN cũng đang nỗ lực đầu tư nhiều hơn cho công nghệ để đáp ứng yêu cầu ngày càng khắt khe của các đối tác thu mua.

Lý giải việc Nike chưa dịch chuyển bất cứ đơn hàng nào đã đặt trước đó với Tổng Công ty may Việt Tiến, ông Vũ Đức Giang, Chủ tịch Hiệp hội Dệt may Việt Nam, cho biết: “Tính đến thời điểm tháng 10 khi chúng ta mở cửa trở lại, ở Tổng Công ty May Việt Tiến, nhãn hàng Nike cũng chưa chuyển đơn hàng nào đi bởi không chọn được nhà sản xuất đáp ứng được yêu cầu, đòi hỏi của họ về thời gian, chất lượng, hệ thống đánh giá như ở Việt Nam".

Ông cũng phân tích chỉ khi nào nào áp lực về thời gian giao hàng quá gấp và không thể tính toán cân đối được thời gian bán hàng, các nhãn mới chuyển đơn hàng đến quốc gia đáp ứng được yêu cầu.

Tuy nhiên, cũng có số lượng đơn hàng theo mùa vụ bị dịch chuyển khỏi Việt Nam để đảm bảo cho mùa mua sắm cuối năm tại các thị trường lớn.

Cụ thể, theo ông Vũ Đức Giang trong thời gian giãn cách xã hội vừa qua, DN dệt may Việt Nam không đáp ứng được tiến độ giao hàng, nên đã có số lượng đơn hàng nhất định giao tháng 11 và 12 phục vụ Tết 2022 được chuyển đi, ước tính khoảng 13-14%. Nhưng các đơn hàng đã có dấu hiệu trở lại. Tương tự trong ngành da giày cũng có lượng nhỏ đơn hàng theo mùa bị dịch chuyển ra khỏi Việt Nam.

Theo đánh giá, việc cam kết và uy tín của các DN Việt Nam cũng là một trong những yếu tố quan trọng để các đối tác nước ngoài yên tâm hợp tác lâu dài. Đợt dịch lần thứ 4 vừa qua cho thấy rõ điều này. Ngay sau khi được hoạt động trở lại, các DN đã lập tức cho công nhân tăng ca, thậm chí chấp nhận chuyển hàng bằng đường hàng không với chi phí đội lên gấp mấy lần so với đường biển, để kịp giao hàng cho khách nhất là trong mùa cao điểm cuối năm.

Đứt gãy chuỗi vì dịch nhưng vẫn giao hàng đúng hẹn là lý do đối tác không thể không ưu tiên cho nhà cung ứng Việt Nam. Về lâu dài, việc Việt Nam tham gia nhiều hiệp định thương mại tự do (FTA) lớn như CPTPP hay EVFTA… cũng là lý do các thương hiệu ưu tiên chọn Việt Nam là cứ điểm sản xuất quan trọng, vì khi xuất hàng đi sẽ được hưởng ưu đãi thuế theo các FTA này.

Hàng loạt thương hiệu thời trang, giày dép nổi tiếng thế giới như Uniqlo, Nike, Adidas, Reebok, Puma… đang được gia công và sản xuất ở Việt Nam với số lượng lớn.

Thanh Dung

Sài Gòn Đầu Tư Tài Chính

Các tin tức khác

>   Việt Nam nhập khẩu gần 100 tỷ USD từ Trung Quốc trong 11 tháng năm 2021 (21/12/2021)

>   Loay hoay gỡ tắc nông sản ở biên giới Lạng Sơn (21/12/2021)

>   TP.HCM yêu cầu tăng cường thanh tra nhập khẩu, mua sắm kit test nhanh Covid-19 (20/12/2021)

>   WHO không chấp nhận kit test của Công ty Việt Á: Bộ Y tế nói gì? (20/12/2021)

>   Thu phí cao tốc đầu tư công: Có khả thi? (20/12/2021)

>   Mở rộng đón khách quốc tế đến Việt Nam bằng đường biển, đường bộ (20/12/2021)

>   Doanh nghiệp lo lâm nợ khi hàng hóa mắc kẹt ở cửa khẩu (20/12/2021)

>   Nhóm người giàu nhất Việt Nam cũng giảm mạnh thu nhập vì Covid-19 (20/12/2021)

>   Biến đổi khí hậu tác động tiêu cực nhiều mặt trong nông nghiệp (19/12/2021)

>   Các nền tảng, giải pháp của FPT giành giải thưởng thành phố thông minh Việt Nam 2021 (19/12/2021)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật