Vàng thế giới rút khỏi đỉnh 1 tháng
Giá vàng gần như đi ngang vào ngày thứ Tư (29/12), khi đồng USD suy yếu đã giúp bù đắp áp lực từ đà tăng lợi suất trái phiếu Mỹ và nhu cầu ngày càng tăng đối với các tài sản rủi ro.
Kết thúc phiên giao dịch ngày thứ Tư, hợp đồng vàng giao ngay gần như đi ngang tại mức 1,804.56 USD/oz. Hợp đồng vàng tương lai mất 0.3% còn 1,805.80 USD/oz.
Chỉ số đồng USD lùi 0.2% xuống mức thấp nhất trong gần 1 tháng, làm vàng trở nên ít đắt đỏ hơn đối với người nắm giữ những đồng tiền khác.
Vào đầu phiên, giá vàng đã giảm gần 1% xuống thấp nhất trong 1 tuần khi lợi suất trái phiếu Chính phủ Mỹ kỳ hạn 10 năm tăng lên cao nhất kể từ ngày 29/11/2021, trong khi Phố Wall nới rộng đà tăng.
Peter Mooses, Chiến lược gia thị trường cấp cao tại RJO Futures, nhận định đà suy giảm có thể không kéo dài và chỉ diễn ra trong vài ngày trong bối cảnh bất ổn xung quanh số ca nhiễm Omicron.
Giá vàng có thể dao động quanh mốc 1,800 USD/oz trong quý đầu tiên của năm 2022, và các phạm vi giá rộng hơn có thể được thấy nếu tin tức về biến thể Omicron xấu đi, ông Mooses nói.
Số ca nhiễm Covid-19 trung bình mỗi ngày ở Mỹ đạt mức cao kỷ lục 258,312 ca trong 7 ngày qua, Reuters đưa tin.
Chuyên gia phân tích Warren Venketas của DailyFX nhận định: “Với dư địa lạm phát tiếp tục leo cao sau áp lựa mua sắm mùa lễ hội và vấn đề gián đoạn chuỗi cung ứng, giá vàng giao ngay có thể ghi nhận đà tăng mới trước khi xu hướng ‘diều hâu’ từ hầu hết các ngân hàng trung ương lớn tác động tiêu cực đến kim loại quý trong năm tới”.
Một số nhà đầu tư xem vàng như một kênh phòng ngừa lạm phát, tuy nhiên lợi suất trái phiếu cao hơn đã làm giảm phần nào sức hấp dẫn của kim loại quý, vốn không đem lại lợi suất.
Vàng đang trên đà ghi nhận năm giảm mạnh nhất kể từ năm 2015, kim loại quý đã sụt gần 5% từ đầu năm đến nay.
An Trần (Theo CNBC)
FILI
|