Triển vọng thị trường dầu mỏ thế giới năm 2022: Nhiều kịch bản
Nhiều kịch bản đối với thị trường dầu mỏ năm 2022 được đưa ra với những đánh giá khác nhau. Tuy nhiên, các chuyên gia đều dự đoán, diễn biến dịch bệnh với sự xuất hiện của biến thể Omicron sẽ có tác động mạnh mẽ đến nguồn cầu dầu mỏ thế giới.
Ảnh minh họa
|
Báo cáo mới nhất của chuyên trang đầu tư Schorders về triển vọng thị trường dầu mỏ năm 2022, các chuyên gia cho rằng, diễn biến dịch Covid-19 và nguồn cung của Iran sẽ tác động lớn tới nhu cầu sử dụng nguyên liệu toàn cầu. Các chuyên gia dự đoán nhu cầu sẽ tăng lên 100,23 triệu thùng/ngày vào năm 2022, tăng 3,5 triệu thùng/ngày so với năm 2021 và cao hơn mức của năm 2019. Điều này dựa trên dự báo về tăng trưởng GDP toàn cầu. Nhu cầu gia tăng cũng do các nước chuyển đổi từ khí đốt sang dầu, cũng như các hoạt động vận chuyển hàng hóa bằng đường hàng không gia tăng khi nền kinh tế toàn cầu phục hồi trở lại.
Trong báo cáo triển vọng năm 2022, các chuyên gia cho rằng có 3 rủi ro chính mà thị trường dầu phải đối mặt trong năm 2022. Thứ nhất là diễn biến của dịch Covid-19, với các biến thể mới có thể khiến thế giới đối mặt với các lệnh phong tỏa mới.
Chuyên gia chiến lược thị trường toàn cầu thuộc Viện Đầu tư Wells Fargo nhận định: “Thị trường lo ngại sẽ có thêm nhiều các biện pháp phong tỏa hơn. Với biến thể Omicron xuất hiện đã khiến dầu thô bị bán tháo trên thị trường dầu mỏ. Nếu người dân thế giới lại phải ngồi nhà, không được đi du lịch và giá xăng sẽ giảm, tác động lớn hoạt động đi lại và kinh tế toàn cầu. Đó là mối quan tâm lớn đối với các nhà đầu tư lúc này”.
Yếu tố thứ hai là nhu cầu giảm do giá tăng đột biến trong ngắn hạn và thứ 3 là tăng trưởng suy yếu do gián đoạn chuỗi cung ứng. Các chuyên gia cũng nhận định rủi ro lớn nhất về nguồn cung đến từ Iran. Nếu Mỹ và Iran đạt được thỏa thuận vào nửa đầu năm 2022, sản lượng dầu của Iran sẽ tăng lên rõ rệt vào 6 tháng cuối năm, tác động lớn đến giá dầu thế giới.
Theo giới chuyên gia, nếu OPEC+ sụt giảm sản lượng trong năm 2022 sẽ làm lộ rõ sự bi quan trong tình hình cung cầu toàn cầu sau năm 2022. Nếu sản lượng dầu thô của Mỹ không tăng như dự kiến, đồng thời các cuộc đàm phán về thỏa thuận hạt nhân Iran chưa có tiến triển, thì tình hình nguồn cung sẽ xấu đi vào trước nửa cuối năm 2022.
Trong khi đó, Tổ chức Các nước xuất khẩu dầu mỏ và các đối tác (OPEC+) dự đoán hồi đầu tuần rằng biến thể Omicron sẽ có tác động nhẹ đến thị trường dầu mỏ và cho biết họ dự kiến nhu cầu sẽ đạt 100 triệu thùng/ngày vào quý 3/2022. Họ cũng nâng dự báo nhu cầu trong quý đầu tiên của năm 2022 thêm 1,1 triệu thùng mỗi ngày.
Vào tháng 11, OPEC+ đã tăng sản lượng dầu thô thêm 500.000 thùng/ngày, khi họ không cam kết cắt giảm sản lượng mà họ đã thống nhất trong giai đoạn đầu của cuộc khủng hoảng do đại dịch gây ra.
Hồi đầu năm 2020, tổ chức này đã cắt giảm sản lượng dầu thô gần 10 triệu thùng/ngày vào mùa xuân năm 2020 - thời điểm giá dầu giảm mạnh khi cả thế giới chao đảo với đại dịch.
Trong khi đó, các chuyên gia của Tổ chức Năng lượng quốc tế (IEA) cho rằng,với diễn biến dịch Covid-19 với biến chủng Omicron mới, nhu cầu sử dụng nhiên liệu có thể bị sụt giảm khi các quốc gia có thể thực hiện các biện pháp giãn cách. Đặc biệt, các chuyến bay quốc tế vẫn chưa thể nối lại sẽ ảnh hưởng đến lượng tiêu thụ dầu mỏ của thế giới.
Mặc dù vậy, bất chấp sự bất ổn, IEA cho rằng, sản lượng đã sẵn sàng để vượt qua nhu cầu từ tháng 12, dẫn đầu là sản lượng tăng từ Hoa Kỳ và các nước OPEC+. IEA cho biết, xu hướng tăng này sẽ kéo dài đến năm 2022, với việc Mỹ, Canada và Brazil sẽ tăng sản lượng hàng năm cao nhất từ trước nữa. IEA cho biết: “Ả Rập Xêút và Nga cũng có thể tăng sản lượng kỷ lục nếu OPEC+ vẫn không khôi phục lại sản lượng đã cắt giảm.”
Liên quan đến giá dầu, IEA cũng điều chỉnh triển vọng giảm.
“Giả định giá dầu của chúng tôi sẽ thấp hơn khoảng 15% vào năm 2022 so với báo cáo của tháng trước”, tác giả của báo cáo cho biết. “Giá dầu Brent trung bình là 70,80 USD/thùng vào năm 2021 và 67,60 USD/thùng vào năm 2022”.
Thu Thủy
Báo Công Thương
|