“Tiên học lễ” - không chỉ dành cho học trò!
Nhờ “tiên học lễ” mà thương nhân biết và ghi nhớ chữ tín làm trọng, lấy sự thẳng ngay, không mua gian bán dối làm lề để kinh doanh. Nhờ “tiên học lễ” mà mỗi chiếc áo blouse trắng tự nguyện cứu người bằng tất cả sự hiểu biết, dấn thân, “tôi suốt đời hành nghề trong sự vô tư và thân thiết” - như lời thề Hyppocrates đã ghi…
Chuyện của mẹ tôi
Mẹ tôi là một bà giáo tiểu học. Cái thời, nghèo cả nước. Vào mùa hè, mẹ tôi lại đem áo len cũ của các con ra tháo hết, rồi pha trộn lại, cặm cụi đan, thành một chiếc áo mới hẳn hòi. Nhưng không phải để dành cho anh chị em tôi vì vẫn đan theo kích... con nít. Đến khi vào Đông, trời lạnh cắt da cắt thịt. Tôi thấy mẹ gói từng chiếc áo ấy thật tinh tươm rồi mang theo đến lớp. Thì ra, mẹ đan cho những đứa học trò nghèo của mẹ, bà sợ chúng không đủ ấm. Có thằng Hùng, nhà nghèo lại chẳng còn cha mẹ, nó bất cần, dứt khoát không chịu nhận. Mẹ tôi chỉ nói nhỏ, trò nào ngày mai đi học mà để người phong phanh là trò đó không thương cô.
Là ngày cha tôi nằm xuống, Hùng là bếp trưởng của dịch vụ nấu ma chay đến “năn nỉ” cô giáo cũ cho Hùng được làm một nghĩa cử, mới kể lại.
Chuyện của con gái tôi
Thời dịch bệnh, con học trực tuyến. Giờ thuyết trình bài tập nhóm. Mỗi nhóm có 5 bạn, đề cử người thuyết trình. Một bạn trong nhóm của con nói với cô: trong nhóm con, bạn T. hầu như không tham gia bất cứ công đoạn nào. Ở nhóm khác, một bạn nam “vỡ giọng” nói: con là K., con là người không đóng góp gì trong quá trình nhóm làm, nên các bạn dành cho con cơ hội trình bày. Một bạn khác có ý kiến: Vì vậy con mong cô đánh giá phần trình bày này cũng là tham gia. Nếu được, tụi con muốn tự chia một nửa số điểm cho bạn K. Cô giáo tạm chốt: Các con cứ trình bày phần bài tập nhóm. Riêng hai bạn cô sẽ cho một dạng bài tập khác để làm.
Mấy hôm nay, dư luận rộ lên cái đề xuất bỏ “Tiên học lễ, hậu học văn” của giáo sư Trần Ngọc Thêm. Trên báo Tuổi trẻ, vị giáo sư này nói: "Tiên học lễ" rồi thì con người sẽ trở nên thụ động, sẽ không còn tư duy phản biện nữa. "Tiên học lễ" đòi hỏi quan hệ một chiều, người dưới tôn trọng người trên. Còn sức sáng tạo và sự phản biện tồn tại trong quan hệ hai chiều, người dưới và người trên cần có sự tôn trọng lẫn nhau. Chừng nào còn đề cao chữ "lễ" thì người học còn bị trói buộc trong quan hệ kính trọng một chiều. Chấm dứt sử dụng khẩu hiệu "Tiên học lễ, hậu học văn" sẽ là điều kiện cần để khai mở tư duy phản biện, giải phóng sức sáng tạo.
Không cần phải tầm chương trích cú gì thì ai cũng thừa hiểu rằng cái chữ “lễ” kia nào chỉ là phép tắc lễ nghĩa, lớn hơn, rộng hơn và sâu hơn, nó là những quy tắc ứng xử của con người với con người - ấy là văn hóa - trong một môi trường sống văn minh. Dẫu có đặt trong phạm vi học đường thì “tiên học lễ” cũng là nền tảng của đạo đức - ứng xử, có trên có dưới, có trước có sau, có lòng nhân ái, hiếu học, trung thực, tin cậy… Nó chẳng là lực cản cho bất cứ sức sáng tạo hay mục tiêu khai phóng giáo dục nào cả; nếu không muốn nói nó chính là sự song hành để đi tới đích cuối cùng: Trở thành một con người hạnh phúc, tràn ngập tình yêu thương và năng lượng tích cực.
Mẹ tôi yêu thương học trò và bà làm những gì có thể để bảo bọc chúng, bảo vệ chúng; không chỉ bằng kiến thức lên lớp. Tình thương vô điều kiện - cũng là “một chiều” ấy đã được hồi đáp bằng chính việc những đứa học trò chịu mặc áo ấm đến lớp. Nó ít nhiều sưởi ấm nhau bằng thứ tình người, tình thầy trò để những đứa trẻ như Hùng ngày ấy, lớn lên với nhân tính tốt đẹp, tử tế.
Hay những đứa trẻ ở tuổi 16 như con tôi, chúng học trường quốc tế, tiếng chúng sử dụng để lĩnh hội kiến thức đâu phải là tiếng mẹ đẻ nhưng khi từ thuở lớp 1, chúng nó đã biết dành sự trang nghiêm nhất để đứng hát Quốc ca. Cho đến nay, khi lên lớp 10, chúng “đấu tranh” để có được sự công bằng ngay từ đầu. Nhưng vẫn đầy lòng trắc ẩn khi không muốn bạn mình bị… thiệt thòi. Và cô giáo cũng đã lắng nghe, có giải pháp để ghi nhận, xử lý.
Giáo dục quy ước - vốn chủ đích tạo ra sự tuân phục - hay giáo dục tiến bộ nhằm thay đổi con người để đáp ứng với nhu cầu xã hội, giáo dục khai phóng lại hướng đến mục đích thay đổi xã hội để đáp ứng nhu cầu của con người; tất cả - xét cho cùng - tùy vào từng cấp độ lứa tuổi, phương pháp và nhất là… năng lực, trách nhiệm, tâm huyết của người thầy mà bao hàm chữ “lễ” ở mọi khía cạnh.
Ngay cả giáo dục mang tính tiến bộ - tự do nhất thì ở cấp bậc “phổ thông”, cũng phải có một số nguyên tắc ràng buộc nhất định. Bởi giáo dục - đỉnh cao của văn hóa - sẽ giúp cho con người bớt đi sự “tự do hoang dã” - theo nhà giáo Giản Tư Trung.
Nhờ “tiên học lễ” mà thương nhân biết và ghi nhớ chữ tín làm trọng, lấy sự thẳng ngay, không mua gian bán dối làm lề để kinh doanh. Nhờ “tiên học lễ” mà mỗi chiếc áo blouse trắng tự nguyện cứu người bằng tất cả sự hiểu biết, dấn thân, “tôi suốt đời hành nghề trong sự vô tư và thân thiết” - như lời thề Hyppocrates đã ghi…
Và cũng chính nhờ “tiên học lễ”, mỗi công dân tự nhận lấy tình yêu nước non và sự hiến dâng cho Tổ quốc trước mọi cơn nguy biến. Cái lễ ấy - là cái neo để giữ cho mỗi con người, dù “hậu học văn” - với nguồn tri thức vô tận có bay đến chân trời sáng tạo nào, khai phóng đến đâu thì cũng trở về với cội nguồn, với bản lai diện mục - là một con người đã được sinh ra, lớn lên, trưởng thành từ đâu, vì ai, cho điều gì…
Quốc Học
FILI
|