Thu hồi dự án 'treo' để dân bớt khổ
Hàng trăm dự án không triển khai đang bị TP.HCM và các địa phương lên kế hoạch thu hồi.
Giao cho nhà đầu tư có tiềm lực
Mới đây, tại báo cáo về việc “lập, thẩm định, phê duyệt, điều chỉnh và quản lý nhà nước về quy hoạch sử dụng đất cấp huyện theo quy định của pháp luật về đất đai trên địa bàn TP.HCM”, Sở Tài nguyên - Môi trường (TN-MT) cho biết, UBND TP.HCM đã hủy bỏ 108 dự án quá 3 năm không thực hiện đồng thời trình HĐND TP thông qua hủy bỏ 61 dự án thu hồi đất và chuyển mục đích sử dụng đất trồng lúa đã được HĐND TP quyết nghị trước đây nhưng chậm triển khai, dây dưa kéo dài.
|
Dự án khu dân cư Sadeco 3 để đất hoang hàng chục năm gây lãng phí và bất an cho người dân. ĐÌNH SƠN
|
Hà Nội có đến gần 400 dự án chậm triển khai, thậm chí có những dự án đã treo hàng thập kỷ nhưng đến nay vẫn đang gặp khó khăn trong việc thu hồi. Chính quyền TP.Hà Nội đã ra tối hậu thư yêu cầu Sở TN-MT tăng cường rà soát, thanh tra, kiểm tra đối với các dự án triển khai đầu tư, sử dụng đất chậm tiến độ, có dấu hiệu sai phạm kiến nghị UBND TP.Hà Nội xem xét xử lý, thu hồi đất theo quy định. Đây không phải lần đầu TP.Hà Nội thể hiện sự quyết tâm trong việc xử lý, thu hồi các dự án này, song đến nay kết quả vẫn rất khiêm tốn. Hiện nhiều địa phương khác cũng đang mạnh tay thu hồi các dự án kéo dài không triển khai, chây ỳ đưa đất vào sử dụng.
Công khai minh bạch thông tin quy hoạch kế hoạch sử dụng đất
Ông Nguyễn Toàn Thắng, Giám đốc Sở TN- MT TP.HCM, cho biết: Đối với các dự án cần thu hồi đất đã được HĐND TP thông qua sẽ được tập trung thực hiện. Ngoài ra, việc công khai minh bạch thông tin quy hoạch kế hoạch sử dụng đất của các dự án cũng giảm thiểu các trường hợp lập dự án ma nhằm lừa đảo chiếm đoạt tiền của người dân.
|
Thực tế những dự án treo kéo dài đã làm người dân khốn khổ, nhà nước thất thu ngân sách và bộ mặt đô thị trở nên nhếch nhác. Như dự án khu nhà ở của Công ty cổ phần Sài Gòn Gôn tại P.Long Trường (TP.Thủ Đức, TP.HCM) với diện tích 158 ha có quyết định phê duyệt kế hoạch sử dụng đất năm 2016 nhưng đã hơn 3 năm chưa thực hiện được. Hiện dự án đang nằm trong diện bị đề xuất thu hồi. Hay dự án khu phức hợp Đầm Sen rộng 5,46 ha ở P.3, Q.11 được duyệt kế hoạch sử dụng đất năm 2015 nhưng đến nay cũng không thực hiện làm khốn khổ bao nhiêu hộ dân. Tại khu Nam TP.HCM, dự án khu dân cư Sadeco 3 của Công ty Sadeco bỏ hoang hàng chục năm nay. Các hộ dân đang sống tại khu tái định cư Lập Phúc (hẻm 1078 Lê Văn Lương, H.Nhà Bè) cho biết khu dân cư Sadeco rộng khoảng 60 ha là nỗi ám ảnh cho họ vì mỗi khi về nhà, họ phải đi ngang qua đây. Dự án bỏ hoang với mênh mông lau sậy, dừa nước cao mọc quá đầu người khiến họ sợ bị cướp. Để đảm bảo an toàn, người dân phải tự hùn tiền lắp đèn đường.
Còn tại bán đảo Bình Quới - Thanh Đa (Q.Bình Thạnh), được UBND TP.HCM phê duyệt từ năm 1992, đến năm 2004 dự án này được giao cho Tổng công ty xây dựng Sài Gòn nhưng đơn vị này không triển khai được, nên năm 2010 thành phố ra quyết định thu hồi. Cuối năm 2015, liên danh Tập đoàn Bitexco và Emaar Properties PJSC được UBND TP.HCM chỉ định là nhà đầu tư dự án với tổng vốn hơn 30.000 tỉ đồng. Nhưng sau đó, Emaar Properties PJSC đã rút lui vì không đủ kiên nhẫn chờ tới lúc được bàn giao đất sạch. Vì dự án treo suốt thời gian dài nên mặc dù cách trung tâm thành phố chưa đầy 5 km, nơi này hiện vẫn như một vùng thôn quê hẻo lánh, như một cánh đồng hoang khiến người dân nằm trong vùng dự án cực khổ trăm bề.
Sửa luật để đồng bộ hơn
GS Đặng Hùng Võ, nguyên Thứ trưởng Bộ TN-MT, cho rằng việc đến nay sau nhiều năm dự án treo vẫn còn, chưa thể thu hồi có một phần chồng chéo của các quy định pháp luật. Cụ thể, một dự án đầu tư được gọi là treo nếu sau 12 tháng không đưa đất vào sử dụng hoặc sau 24 tháng sử dụng đất không đúng tiến độ triển khai đã đề ra. Luật Đất đai 2003 quy định, những dự án như thế sẽ bị thu hồi đất và trả lại phần tài sản đã đầu tư trên đất, trừ trường hợp các dự án được UBND cấp tỉnh gia hạn. Đến luật Đất đai 2013, các dự án chậm triển khai được gia hạn thêm 24 tháng, nếu vẫn không triển khai thì bị thu hồi đất. Thế nhưng, luật Đầu tư thì quy định, sau 12 tháng dự án không có hoạt động đầu tư thì rút phép đầu tư. Mâu thuẫn trong các quy định pháp luật làm khó cho việc xử lý các dự án chậm triển khai này.
Để không còn các dự án treo, theo GS Đặng Hùng Võ, cần cụ thể hóa các tiêu chí lựa chọn nhà đầu tư tham gia đấu giá đất, đấu thầu dự án có sử dụng đất, nhất là tiêu chí về chứng minh năng lực của doanh nghiệp cần “thực chất”, không hình thức như hiện nay để từ đó lựa chọn được các chủ đầu tư đủ năng lực thực hiện dự án.
Ông Huỳnh Phước Nghĩa, chuyên gia tư vấn cấp cao Công ty GIBC, nhận xét cho dù UBND TP.HCM có quyết định thu hồi, nhưng tiến trình thu hồi, xử lý đánh giá liên quan đến dự án còn nhiều vấn đề nhiêu khê, phức tạp bởi nhiều chủ đầu tư đã nộp tiền sử dụng đất hoặc đã giải phóng mặt bằng dở dang. Chính vì vậy thời gian tới, TP.HCM nên giải quyết vấn đề theo hướng giám sát đầu vào, các điều kiện lựa chọn chủ đầu tư, các quyết định liên quan đến vấn đề thực thi pháp luật chặt chẽ hơn để tránh trường hợp chủ đầu tư “giam cầm dự án” quá lâu như vừa qua.
H.Bình Chánh rộng nhưng sử dụng đất không hiệu quả
Sáng 21.12, Đoàn đại biểu Quốc hội TP.HCM giám sát đối với UBND H.Bình Chánh (TP.HCM) về việc thực hiện chính sách, pháp luật về công tác quy hoạch. Báo cáo trước đoàn giám sát, ông Đào Gia Vượng, Chủ tịch UBND H.Bình Chánh, đã nêu những hạn chế, bất cập về quy hoạch, trong đó, Đồ án Quy hoạch chung xây dựng H.Bình Chánh được phê duyệt từ 2012 đến nay đã cũ, không còn phù hợp để áp dụng, vì vậy phải xem xét điều chỉnh với lộ trình xa hơn, mang tầm chiến lược.
Cụ thể, H.Bình Chánh trong cơ cấu sử dụng đất theo đồ án quy hoạch thì chức năng quy hoạch đất nông nghiệp vẫn còn hơn 9.400 ha. Trong khi đó, người dân sử dụng đất có chức năng quy hoạch đất nông nghiệp để sản xuất nông nghiệp chiếm tỷ lệ thấp, nhỏ lẻ; đất đai ở nhiều khu vực trên địa bàn huyện bị nhiễm phèn, nguồn nước mặt bị ô nhiễm nên việc sản xuất không đạt hiệu quả kinh tế cao. Tại một số khu vực giáp ranh, hình thành nhiều dự án dân cư đô thị cùng với các khu công nghiệp với quy mô sản xuất lớn, hoạt động xả thải gây ô nhiễm môi trường, ảnh hưởng tưới tiêu sản xuất nông nghiệp.
Khi so sánh địa phương với những khu vực giáp ranh như H.Hóc Môn, Q.Bình Tân, Q.7 của TP.HCM hay một số nơi của tỉnh Long An..., ông Đào Gia Vượng bày tỏ trăn trở: “So sánh để thấy rằng sau bao nhiêu năm tách ra, H.Bình Chánh cũng không phát triển. Những nơi khác, như Q.Bình Tân, Q.7 sử dụng đất rất hiệu quả, thu ngân sách cao, trong khi đất của H.Bình Chánh rất rộng, dân số đông nhưng tổng thu ngân sách chưa bằng các quận giáp ranh. Nhìn vào bức tranh, thấy Long An là một đô thị rất phát triển, còn bên đây thì chỉ có đất nông nghiệp thôi”. H.Bình Chánh yêu cầu được sớm xem xét, điều chỉnh lại cơ cấu sử dụng đất và chức năng sử dụng đất tại các khu vực bất cập nêu trên; thí điểm thành lập trung tâm phát triển quỹ đất trực thuộc huyện có chức năng bồi thường, giải phóng mặt bằng.
Chủ tịch UBND H.Bình Chánh cũng cho hay, để H.Bình Chánh lên thành phố, lên quận, hay muốn phát triển thì còn cần khoảng 50.000 tỉ đồng để đầu tư 583 dự án trong 5 - 10 năm tới.
Phạm Thu Ngân
|
Ông Nguyễn Toàn Thắng, Giám đốc Sở TN-MT TP.HCM, cho biết có nhiều nguyên nhân dẫn đến việc hình thành các dự án treo. Trong đó, phải kể đến các quy hoạch đô thị, quy hoạch nông thôn mới chưa thật sự đồng bộ với quy hoạch sử dụng đất. Số lượng dự án, công trình đến nay chưa triển khai thực hiện chủ yếu là các công trình cải tạo, chỉnh trang nông thôn, công trình hạ tầng như giao thông, thủy lợi. Nguyên nhân là các địa phương cân đối lại nguồn vốn, tập trung một số điểm, chưa vận động xã hội hóa được. Mặt khác, trong quá trình triển khai thực hiện công tác bồi thường giải phóng mặt bằng gặp nhiều khó khăn nên phải thay đổi địa điểm. Các dự án trong kế hoạch sử dụng đất hằng năm được duyệt đa số có quy mô lớn, đang trong giai đoạn hoàn thiện thủ tục thu hồi đất, tổ chức bồi thường; các thủ tục đầu tư dự án để được giao đất hoặc thuê đất. Việc thực hiện các thủ tục này đối với các dự án sử dụng đất quy mô lớn rất phức tạp, mất nhiều thời gian. Không những thế, trên địa bàn TP.HCM khi lập quy hoạch chi tiết xây dựng đô thị về đất ở có khái niệm phân loại gồm: đất ở hiện hữu, đất ở hiện hữu chỉnh trang, đất ở hiện hữu cải tạo, đất ở hiện hữu kết hợp xây dựng mới, đất ở liên kế hoặc biệt thự, đất ở kết hợp thương mại - dịch vụ, đất ở xây dựng mới thấp tầng (hoặc cao tầng), đất ở đô thị dự kiến xây dựng mới, đất ở hỗn hợp... dẫn đến việc doanh nghiệp triển khai dự án gặp khó khăn.
Do đó, để việc triển khai thực hiện quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất đạt kết quả cao hơn, UBND TP.HCM tiếp tục chỉ đạo tăng cường công tác giám sát thực hiện quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất. Đồng thời xử lý các tồn tại, vi phạm pháp luật về đất đai tại các địa phương, khắc phục các vi phạm trong lĩnh vực đất đai.
Đình Sơn
Thanh niên
|