Nhịp đập Thị trường 02/12: Large Cap ngân hàng lại kéo tụt chỉ số
Sau khoảng nửa đầu phiên chiều phân vân, VN-Index lại được kéo lên cao, cao nhất trong ngày, và có vẻ như chỉ số sẽ đóng cửa với kết quả đẹp. Nhưng không, chỉ số lại bị kéo xuống sâu sau 14h, chọc thủng tham chiếu và đổi màu lần nữa. Đến đợt ATC, không có cú hồi nào thực hiện, và VN-Index đóng cửa giảm hơn 3 điểm về 1,482 điểm, thấp nhất trong ngày.
Đạo diễn của bộ phim về chỉ số VN-Index hôm nay, dĩ nhiên là VN30. Chỉ số này cũng giảm về mức thấp nhất trong ngày tại thời điểm đóng cửa ở 1,540.9 điểm, giảm gần 9 điểm so với ngày hôm qua. Số lượng cổ phiếu tăng giá vào lúc đóng cửa là 13 mã, so với 17 mã giảm giá, may là VCB, VIC, NVL, VJC, MSN đều là các mã vốn hóa rất lớn, lại tăng giá, nếu không thì có lẽ chỉ số nhóm này còn giảm sâu hơn nhiều nữa. Có đến 6 cổ phiếu ngân hàng nằm trong Top10 mã giảm giá mạnh nhất ở đây.
Chỉ còn 4 mã ngân hàng trên HOSE tăng giá vào cuối ngày là EIB, OCB, TPB và VCB. Ngược lại có 12 mã ngân hàng giảm giá trên sàn này, trong đó có vài mã giảm hơn 2% là MSB, VPB và STB, toàn các cổ phiếu ngân hàng tên tuổi. Trong nhóm ngân hàng vốn nhà nước, chỉ còn VCB tăng giá vỏn vẹn 0.1%. Mở rộng ra 3 sàn, nhóm này có 10 cổ phiếu tăng giá, so với 15 mã giảm giá. NAB và BAB là 2 ngân hàng nhỏ, nhưng có cổ phiếu tăng giá tốt nhất nhóm. Diễn biến xấu đi rất nhiều trong phiên chiều nay của nhóm này dĩ nhiên ảnh hưởng lớn lên các chỉ số quan trọng.
HDC, DIG lại tăng trở lại trong phiên chiều nay, và cùng với 1 số mã tăng không quá mạnh, nhưng “cứng” như CRE, NLG, HDG, HTN… thì lại giúp nhóm BĐS nhà ở trên HOSE có kết quả tạm coi là tích cực vào cuối ngày. Mở rộng ra 3 sàn, nhóm này cũng có nhiều mã tăng giá hơn hẳn số giảm giá, trong đó nổi bật có CEO, HLD, VCR…
Nhóm BĐS khu công nghiệp cũng có cải thiện ở không ít cổ phiếu, như IDC, LHG, KBC, ITA, VRG… nhưng tình hình chung vẫn phân hóa, và vẫn có 1 số mã lớn mà giảm giá khá mạnh, như BCM, NTC.
Chỉ số HNX-Index tiếp tục dao động ổn định trên tham chiếu, và phớt lờ những diễn biến bên sàn HOSE. Trên nhóm Large Cap sàn này, CEO vẫn bám trần với thanh khoản khá thấp so với bình quân tháng 11, ngoài ra có 1 số mã khác tăng tốt hơn ban sáng như BAB, IDC, VCS… Tuy nhiên một số mã nhóm chứng khoán niêm yết trên HNX lại giảm sâu hơn như SHS, EVS, IVS…
Chứng khoán có thể coi là nhóm ngành lớn có nhiều cổ phiếu giảm. Nhiều Cổ phiếu ngành này đã sớm đỏ từ phiên sáng, có đôi chút hồi phục lúc gần trưa, nhưng rồi lại xấu đi vào cuối buổi chiều, với 27/34 giảm giá, so với chỉ 4 mã tăng, trong đó có 2 mã tăng mạnh là APG và VIG.
Xây dựng vẫn luôn là nhóm tích cực nhất 3 sàn chứng suốt từ sáng đến chiều, với rất nhiều mã tăng trên 5%.
Dù nhóm thủy sản có nhiều mã tăng khá vào cuối buổi chiều, nhưng riêng IDI vẫn kẹt hàng chục triệu cổ phiếu bán ở mức giá sàn, nên đành đóng cửa giảm thêm 6,8%. Tổng mức giảm sàn 3 phiên liên tiếp của cổ phiếu này đã hơn 20%, nhưng mà giá cổ phiếu vẫn chưa chạm đường bình quân di động 1 tháng bên dưới, cho thấy rủi ro giảm tiếp vẫn còn.
Cú rơi lần 2 trong phiên sáng
VN-Index lại lần thứ hai rơi sát tham chiếu trong cùng phiên sáng nay, lần này diễn biến xảy ra rất nhanh và chỉ số thậm chí còn đổi màu trong chốt lát, trước khi hồi lại trong những phút cuối. VN30 vẫn là nhóm kéo giật chỉ số chính trong cả 2 lần. Tuy vậy diễn biến nhanh trên VN-Index dường như khiến 2 sàn HNX và UPCoM không kịp phản ứng theo.
Đà tăng của các chỉ số lớn trên sàn châu Á cuối phiên sáng nay cũng lùi nhẹ, trong đó các chỉ số sàn Trung Quốc đỏ gần hết, và đây có thể là yếu tố dẫn đến cú rơi lẹ của VN-Index sau 11g15.
Chỉ số VN30-Index giảm gần 4 điểm dưới tham chiếu trong lần rơi thứ hai trong phiên sáng nay, và chỉ quay lên lại bên trên tham chiếu có 0,6 điểm vào lúc trưa. Tuy vậy, nhóm VN30 vẫn có đến 18 mã tăng giá, so với chỉ 10 mã giảm giá. POW vẫn là cổ phiếu tăng tốt nhất nhóm, dù mức tăng không mạnh như hồi đầu phiên. SAB nổi lên như 1 trụ mới cho chỉ số sáng nay. Cổ phiếu này cũng đang muốn hồi lại, sau khi rớt khá sâu và liên tục trong nửa cuối tháng 11 vừa qua. Trong nhóm giảm, MWG trở thành mã giảm mạnh nhất, sau khi Chủ tịch doanh nghiệp ra tin muốn bán cổ phiếu. Nhóm ngân hàng góp mặt ở cả 2 bên tăng – giảm giá.
Nhóm ngân hàng có kết quả khá tích cực vào cuối phiên sáng nay nếu nhìn trên cả 3 sàn, với 16/27 mã tăng giá so với 7 giảm giá. Tuy nhiên nếu chỉ nhìn trên HOSE thì không đẹp bằng. 7 mã giảm kia toàn bộ đều niêm yết trên HOSE và chỉ có 8 mã khác tăng giá. 3 trên 4 đại gia vốn nhà nước vẫn tăng giá nhẹ, trừ MBB đã quay qua sắc đỏ.
Nhóm BĐS nhà ở duy trì trạng thái khá tích cực trong nửa cuối phiên sáng nay. Những cổ phiếu tăng nổi bật như CEO, CRE, NLG… vẫn giữ được đà tăng ổn định. Tuy nhiên nhóm BĐS công nghiệp thì đến lúc này sắc đỏ vẫn chiếm đa số, kể cả ở những tên tuổi lớn như BCM, NTC, LHG, TID… Chỉ có VRG, KBC vẫn giữ được sắc xanh suốt cả phiên
GAS, PVD và nhiều cổ phiếu khác trong nhóm dầu khí PVN đã tăng trở lại vào cuối phiên sáng nay, tuy nhiên ở chiều ngược lại, 2 đại gia DCM và DPM lại từ tăng chuyển qua giảm giá. 2 cổ phiếu liên quan đến sản phẩm khí là CNG và PGD cũng giảm suốt phiên sáng.
Chỉ số HNX có xu hướng chúc xuống dưới trong những phút cuối phiên sáng, có lẽ chịu tác động từ diễn biến trên HOSE, tuy nhiên còn sớm để nói đến rủi ro ở đây. TRên HNX, đa số largecap vẫn giữ sắc xanh, dù mức tăng giá chỉ còn trên dưới 1%, ngoại từ BAB tăng 1.7% và CEO tăng 9.9%.
Tổng thể 3 sàn, xây dựng vẫn là nhóm ngành vừa có quân số đông, vừa có nhiều mã tăng giá mạnh, trong đó đa số niêm yết trên HNX và UPCoM. Diễn biến nhóm này dù có hơi đuối hơn 1 chút so với giữa phiên sáng, nhưng vẫn được coi là nhóm nổi bật nhất.
10h30: VN-Index được đẩy cao, rồi lại rơi về gần tham chiếu
Diễn biến chỉ số VN-Index cho thấy thị trường tích cực hơn sau tiếng còi khai cuộc ATO, nhưng đến gần giữa phiên sáng thì lại có biến, VN-Index đang rơi về gần tham chiếu. VN30-Index thậm chí còn rơi xuống dưới tham chiếu. Điều này cũng hơi bất ngờ, bởi đa số các chỉ số lớn sàn châu Á sáng nay vẫn tăng khá, không ít chỉ số tăng hơn 1%.
Ngân hàng và BĐS vẫn là 2 nhóm lớn có ảnh hưởng chính lên VN30 index lẫn VN-Index, và có lẽ diễn biến xấu đi ở 2 chỉ số này cũng đến từ những mã cổ phiếu trong 2 nhóm này. Ở nhóm ngân hàng, 1 số cổ phiếu có hiện tượng rơi nhẹ là BID, CTG, HDB, TPB, OCB… và cả VCB. Ngược lại VIB lại tăng ngược trong cùng khoản thời gian này.
Trên nhóm BĐS, khá nhiều cổ phiếu cũng rơi nhẹ trước 10h30, nhưng sau đó đã tăng trở lại như DIG, DXG, IJC, KDH… Đến lúc này, nhóm BĐS sàn HOSE vẫn có nhiều mã tăng đáng kể như NLG, HDG, CRE…
Chứng khoán đang dần dần có sự cải thiện khi vài mã đã đổi qua màu xanh trong giữa phiên sáng nay, như MBS, TVB, VCI... Có lẽ diễn biến thị trường nói chung vẫn duy trì trạng thái tích cực đã cổ vũ cho người mua ở nhóm này.
Ngược với VNIndex, diễn biến chỉ số HNX-Index lại khá ổn định ở bên trên tham chiếu. Nhiều Large Cap của sàn này vẫn tăng tích cực như hồi đầu phiên, gồm CEO, BAB, IDC, VCS, THD… hay còn tốt hơn như VNR.
Dường như số lượng Large Cap sàn UPCoM đang nhiều lên, nhưng lại không ảnh hưởng lên chỉ số. 2 mã MML và VEF vẫn giảm y như hồi đầu phiên, nhưng giờ có thêm MCH và MSR giảm hơn 2%, và nhiều mã lớn khác giảm giá loanh quanh 0,5-1% như ACV, TVN, VGI…
Nhìn trên 3 sàn, nhóm xây dựng tiếp tục có nhiều mã tăng khủng, tương tự chiều qua, thậm chí vài phiên trong tuần qua. Tất nhiên đa số cổ phiếu tăng khủng trong nhóm này là ở trên HNX và UPCoM, nhưng cũng có vài mã nổi bật trên HOSE như CIG, FCN hay C69.
Nhóm nhiệt điện cũng đang có nhiều mã tăng giá, bên cạnh GE2 và POW tăng mạnh ngay từ sớm, hiện có thêm BTP, GEG, NT2, PGV, QTP…
Mở cửa tăng nhẹ dù chịu áp lực lớn từ chứng khoán Mỹ
Diễn biến bất ngờ trên sàn chứng Mỹ đêm qua có vẻ như chưa tác động gì lên sàn chứng Việt Nam đầu phiên sáng nay. VN-Index mở cửa tăng hơn 3 điểm, với lực kéo từ nhóm ngân hàng và vài mã lớn khác trong VN30.
Nhóm Large Cap, nhất là những mã vốn hóa tỷ đô đang là lực đỡ cho chỉ số VN-Index đầu phiên.
Nhóm ngân hàng tiếp tục tăng giá ngay khi mở cửa, bao gồm cả 3 trên 4 ngân hàng có vốn nhà nước là VCB, CTG, MBB. BID mở cửa giảm nhẹ, nhưng sau đó quay lại ngay tham chiếu. Ngược lại, 2 cổ phiếu lớn trên HOSE là VPB và STB mở cửa ở tham chiếu, nhưng sau đó lại giảm nhẹ.
BĐS nhà ở lẫn khu công nghiệp cũng là 1 nhóm lớn khác trên HOSE có diễn biến đầu phiên tích cực, với số lượng mã tăng giá nhiều hơn hẳn số giảm giá. Trên nhóm này có những mã tăng đáng chú ý như HTN, KBC, DIG, KHG… một số tên tuôi nóng trong thời gian qua cũng tăng giá nhẹ như DXG, NBB, KDH…
Ngược lại, có khá nhiều nhóm lớn trên HOSE lại có khởi đầu khá tệ, trong đó nổi nhất là nhóm chứng khoán. Gần như toàn bộ cổ phiếu nhóm này giảm giá ngay từ sớm, dù mức giảm giá chỉ loanh quanh 1%. Nhóm chứng khoán rõ ràng rất nhạy cảm với mọi biến động của thị trường, cho dù gần đây thanh khoản vẫn rất cao, đảm bảo cho các công ty thu nhiều phí giao dịch lẫn phí dịch vụ.
Diễn biến 2 chỉ số chính trên HNX và Upcom cũng chịu ảnh hưởng tích cực từ VN-Index. Cả 2 chỉ số này đều tăng nhẹ, thậm chí HNX index còn tăng trước cả khi HOSE khớp lệnh mở cửa.
Trên sàn HNX, dù không có mấy Large Cap như HOSE, nhưng cũng có nhiều mã tăng giá đỡ chỉ số, như BAB, IDC, THD, VCS, VNR… và nhất là CEO, cổ phiếu này đã tăng lại gần 10% sau khi rớt hơn 15% trong 2 phiên trước đó.
Diễn biến nhóm Large Cap trên UPCoM cân bằng hơn so với 2 sàn niêm yết, có nhiều mã tăng (trong đó nổi bật là GE2, KLB, VGT) đan xen với giảm (có MML, VEF). Tuy nhiên lưu ý, dường như chỉ số chính sàn này đang có rủi ro muốn rơi nhanh và sớm hơn 2 chỉ số kia.
Nhóm dầu khí nhà PVN phân hóa sau tiếng còi khai cuộc ATO, dù giá dầu Brent future đã lui về dưới 70 USD/thùng. Trong số những cổ phiếu lớn giảm giá đầu phiên, có GAS, PVD, PVS… nhưng có không ít tên tuổi khác đã tăng trở lại ngay sau ATO vài phút như OIL, BSR, PVB, PVC… POW tăng tới 4%, cặp đôi (có tin liên quan lẫn nhau) PXS và PTL tăng từ 3%-5% cũng là những mã đáng chú ý ở nhóm này.
Hoàng Nam
FILI
|