Thứ Hai, 27/12/2021 13:00

Lương cuối năm thời Covid

Thông thường, cuối năm sẽ là dịp để báo chí bàn tán chuyện thưởng Tết. Nhưng 2 năm trở lại đây, nhất là năm 2021 này, thưởng Tết có vẻ là… món quà xa xỉ. Chỉ mỗi đảm bảo duy trì được khoản lương của những tháng cuối năm và hứa hẹn đơn hàng trong năm mới đã là điều an ủi, tạo an tâm cho người lao động sau một năm lao đao, khốn khó.

Mới đây, ngày 24/12, hơn 1,000 công nhân của Công ty TNHH Nobland Việt Nam đã ngừng việc để phản đối cách tính lương mới. Theo đó, thay vì trả lương theo thời gian đã thỏa thuận trên hợp đồng (mỗi ngày làm 8 tiếng), đầu năm 2022, doanh nghiệp sẽ tính theo sản phẩm. Với cách tính này, tất cả lao động mỗi tháng nhận lương cơ bản như nhau, gần 5 triệu đồng. Sau đó, tùy số lượng sản phẩm hoàn thành, mức độ chỉ tiêu, công nhân nhận thêm thu nhập.

Nhiều công nhân có thâm niên cao bày tỏ bức xúc. Bởi, họ đa phần gắn bó dài lâu với công ty là do chính sách công ty tăng lương cơ bản mỗi năm lên 5%. Nay, nếu cào bằng về một mức lương cơ bản là một thiệt thòi “đốt cháy” khoản tích lũy thâm niên, cộng với tuổi tác sẽ không "chạy" nổi sản lượng, khó đạt chỉ tiêu dễ bị đào thải.

Sau hai ngày bày tỏ thái độ phản đối, lãnh đạo công ty đã đối thoại, chấp nhận tiếp tục thực hiện việc chi trả lương theo thời gian.

Trái ngược với “thí điểm” trả lương mới của Nobland Việt Nam, còn nhớ vào thời điểm biến chủng Delta càn quét TP HCM, lan rộng ra các địa phương lân cận, tại tỉnh Long An, Công ty TNHH Chingluh có hơn 35 ngàn công nhân buộc phải ngừng sản xuất 3 tháng. Suốt thời gian đó, Công ty đã chi 270 tỷ đồng/tháng để trả lương, giữ chân công nhân. Chính vì lẽ này, ngay sau khi được mở cửa, công ty tái hoạt động, ngoài lượng công nhân ở lại thì số về quê cũng ngay lập tức quay lại. Long An cũng là địa phương có tỷ lệ công nhân, người lao động quay lại làm việc sớm và cao nhất sau đỉnh dịch của vùng kinh tế trọng điểm phía Nam.

Rõ ràng, đại dịch Covid-19 đã cùng lúc đẩy thị trường lao động Việt Nam vào hai thái cực đối lập: Có ngành/nghề có việc nhưng không kiếm đủ người làm như dệt may, gỗ…; có lĩnh vực, người thất nghiệp kéo dài bởi công việc ngưng trệ, đình đốn quanh năm như du lịch, nhà hàng, khách sạn…

Vừa trong nỗ lực gồng gánh, cầm cự; vừa phải duy trì “mạch sống” cầm chừng để đón đầu mọi cơ hội ngay khi… he hé mở cửa trở lại, nhiều doanh nghiệp đã khôn ngoan khi xác định việc cải thiện, thậm chí là cải tổ các chính sách, chế độ ưu đãi theo hướng có lợi nhất cho công nhân, người lao động là cách thức “tái cấu trúc” phục hồi sau đại dịch.

Riêng khu vực kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài (FDI), tại Bình Dương, nhiều công ty đã áp dụng chương trình trang trải phân nửa tiền nhà trọ cho công nhân, hoặc công ty, nhà máy liên kết với phòng trọ để xây dựng bản đồ nhà trọ hỗ trợ công nhân. Còn tại TP HCM, theo ghi nhận của Hiệp hội Doanh nghiệp TP HCM (HUBA), vào cuối năm 2021 này, các doanh nghiệp thuộc nhóm ngành điện tử, cơ khí sẽ tăng lương theo bậc hoặc khi xét đánh giá lại hợp đồng lao động để giữ chân, thu hút nguồn lao động.

Ở khu vực kinh tế tư nhân nội địa cũng đồng loạt tăng lương ở mức tối thiểu lên 5%, tăng không phụ thuộc vào mức lương tối thiểu vùng. Bên cạnh việc áp dụng nhiều chính sách đãi ngộ cho người lao động về bảo hiểm, thưởng tết thì hoàn thiện hệ thống đánh giá và quản trị nhân lực để nâng cao tính cạnh tranh công bằng, kích thích lao động sáng tạo…

Một khảo sát của Anphabe – công ty chuyên về tuyển dụng, thực hiện trên 50 doanh nghiệp và 54,000 lao động, vừa công bố đã cho thấy: Có 47% người đi làm chia sẻ tiền lương của họ không đổi so với năm trước đó, tập trung nhiều ở những lao động cấp bậc thấp hoặc mới đi làm, lương dưới 10 triệu. 20% bị giảm lương, tập trung ở khối doanh nghiệp trong nước với mức giảm trung bình 15%. Chỉ 33% người đi làm được tăng lương, chủ yếu ở các doanh nghiệp nước ngoài, với mức tăng trung bình 8%.

Trong khi, hậu quả của đại dịch lại tác động lên khối lao động cấp thấp, lực lượng lao động trẻ ở các đô thị do không có tích lũy dự phòng là khá rõ. Chưa kể, ngoài mức chi hỗ trợ nhỏ giọt của các gói an sinh xã hội thì nhìn chung, mặt bằng giá cả tiêu dùng đều tăng. Điều này, càng đẩy bài toán về lương - với doanh nghiệp là một thách thức để thu hút, giữ chân người lao động; với người dân, lao động lại là “kháng thể” sống còn sau dịch bệnh.

Đã có nhiều giải pháp khẩn cấp, bền vững để đưa cuộc sống nhanh chóng hồi phục, tái thiết. Với công nhân, người lao động, một mức lương tương đương với mức chi phí/sinh hoạt bình quân của xã hội (và thưởng Tết) là giải pháp trước mắt lẫn lâu dài để họ đủ sức “thích ứng linh hoạt, an toàn” trong đời sống và hoạt động lao động sản xuất.

Quốc Học

FILI

Các tin tức khác

>   Thưởng Tết thời đại dịch Covid: Thu hút và giữ chân người lao động (26/12/2021)

>   Làm sao để vượt qua hội chứng hậu Covid-19? (26/12/2021)

>   Hoa kiểng dè dặt đón tết (26/12/2021)

>   Giá thịt khó tăng trong dịp tết (25/12/2021)

>   Hết tháng 1.2022, TP.HCM sẽ tiêm xong mũi 3 (25/12/2021)

>   F0 tiêm vắc xin sẽ có khả năng 'siêu miễn dịch' chống lại Omicron (24/12/2021)

>   Làn sóng bỏ việc bùng nổ toàn cầu (24/12/2021)

>   Công an TP.HCM: 2 bệnh viện mua kit test Việt Á chưa có dấu hiệu vi phạm (23/12/2021)

>   Tết Nhâm Dần 2022 ở Sài Gòn 'cày' hay về quê: 'Năm nay nghỉ vậy đủ rồi!' (23/12/2021)

>   Chuyên gia cảnh báo nguy cơ bùng phát dịch vào lễ, Tết (23/12/2021)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật