Lạm phát vượt 21% và đồng Lira lao dốc, nhưng NHTW Thổ Nhĩ Kỳ vẫn không nâng lãi suất
Với niềm tin tăng lãi suất sẽ thúc đẩy lạm phát, Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan ủng hộ NHTW không nâng lãi suất, đồng thời sa thải gần như toàn bộ những quan chức kinh tế phản đối quan điểm của ông.
Đồng Lira của Thổ Nhĩ Kỳ đã giảm gần 50% so với USD trong năm nay và lạm phát đang đi lên mạnh mẽ. Đối với nền kinh tế đang đối mặt với nhiều áp lực như Thổ Nhĩ Kỳ, nhà đầu tư và chuyên gia kinh tế sợ rằng mọi thứ có thể trở nên tệ hơn nhiều trước khi cải thiện trở lại.
Đóng vai trò chính trong những rắc rối tại Thổ Nhĩ Kỳ là nhiều năm thực hiện chính sách kinh tế bất thường của Tổng thống Recep Tayyip Erdogan. Khác với các chuyên gia kinh tế thông thường, ông Erdogan tranh luận rằng lãi suất tăng sẽ thúc đẩy lạm phát và ngược lại. Điều này hoàn toàn trái ngược với những gì đã diễn ra ở các nền kinh tế trên thế giới.
Ngoài ra, động thái từ Thổ Nhĩ Kỳ cũng đi ngược với hầu hết các nền kinh tế thị trường mới nổi khác. Những quốc gia như Nga, Mexico và Brazil đã nâng lãi suất để chống lạm phát và ngăn chặn đà tăng của USD – vốn là yếu tố khiến nợ bằng USD trở nên đắt đỏ hơn.
Thay đổi về lãi suất của các thị trường mới nổi trong năm 2021
|
Vị Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ đã sa thải gần như toàn bộ các quan chức kinh tế phản đối với quan điểm của ông và cũng cho thấy ông không dễ gì đổi ý.
“Chúng tôi không nhận thấy các nhà hoạch định chính sách muốn thay đổi định hướng chính sách, cố gắng giành lại niềm tin từ phía nhà đầu tư”, William Jackson, Chuyên gia kinh tế trưởng phụ trách thị trường mới nổi tại Capital Economics, cho hay.
Định hướng giảm lãi suất đã gây áp lực lên đồng Lira – vốn đang là một trong những khoản đầu tư tồi tệ nhất trên thế giới trong năm nay. Khi lãi suất thấp hơn lạm phát, các doanh nghiệp, người tiêu dùng và nhà đầu tư nước ngoài lo ngại sức mua của đồng Lira sẽ bị xói mòn. Sự giảm giá nhanh chóng của đồng Lira có thể gây ra vòng xoáy lạm phát vì chúng sẽ làm gia tăng chi phí của các hàng hóa nhập khẩu như thực phẩm và năng lượng.
Các số liệu thống kê từ Chính phủ Thổ Nhĩ Kỳ cho thấy lạm phát nước này trong tháng 11/2021 vọt lên 21.3%, cao hơn 6 điểm phần trăm so với mục tiêu của NHTW. Tuy nhiên, các chuyên gia kinh tế hoài nghi về tính chính xác của số liệu này.
Tổ chức nghiên cứu lạm phát độc lập ENAGrup ước tính rằng lạm phát tháng 11/2021 của Thổ Nhĩ Kỳ là hơn 58%.
“Chẳng ai biết được điều gì đang diễn ra trong khoảng thời gian giữa việc thu thập dữ liệu và trình bày dữ liệu”, Veysel Ulusoy, Chuyên gia kinh tế và người đứng đầu của ENAGrup, cho hay. “Dữ liệu này không đại diện cho cảm nhận của xã hội”.
Khi đồng Lira giảm mạnh trong năm 2020, NHTW Thổ Nhĩ Kỳ đã ngăn chặn đà giảm của đồng nội tệ bằng cách đi vay ngoại tệ từ các ngân hàng và các tổ chức khác, đồng thời bán lượng ngoại tệ này ra thị trường để mua Lira.
Điều này làm giảm dự trữ ngoại tệ của Thổ Nhĩ Kỳ và hiện NHTW ước tính lượng nợ của Thổ Nhĩ Kỳ giờ đã cao hơn tài sản. Ngoài ra, việc NHTW không còn quá nhiều “đạn dược” để ngăn chặn đà giảm cũng khiến đồng Lira giảm nhanh hơn và mạnh hơn so với các lần lao dốc trước đó.
Một số chuyên gia lo ngại về lĩnh vực ngân hàng tại Thổ Nhĩ Kỳ. Tính tới tháng 9/2021, các ngân hàng này ghi nhận 83 tỷ USD nợ ngoại tệ đến hạn trong 12 tháng tới, theo dữ liệu từ NHTW Thổ Nhĩ Kỳ.
Trong quá khứ, các ngân hàng có khả năng đảo nợ với các chủ nợ nước ngoài, điều này có nghĩa họ không cần phải dùng tới dự trữ ngoại tệ. Các chuyên gia kinh tế cho biết họ sẽ phải chú ý liệu các chủ nợ có cho phép các ngân hàng tiếp tục đảo nợ nữa hay không.
Nợ bằng ngoại tệ của các ngân hàng Thổ Nhĩ Kỳ
|
Một vấn đề đáng ngại khác đối với các ngân hàng là: Người dân Thổ Nhĩ Kỳ đang né xa đồng Lira. Gần 60% tiền gửi ngân hàng hiện đang là ngoại tệ, theo dữ liệu từ Capital Economics. Một đợt yêu cầu rút ngoại tệ (USD) đột ngột từ phía người dân Thổ Nhĩ Kỳ có thể buộc các ngân hàng phải dùng tới dự trữ ngoại hối hoặc buộc Chính phủ áp biện pháp kiểm soát vốn.
Tỷ lệ tiền gửi bằng ngoại tệ tại các ngân hàng Thổ Nhĩ Kỳ
|
Vũ Hạo (Theo WSJ)
FILI
|