Giá dầu trái chiều khi OPEC+ sẵn sàng hành động nếu nhu cầu suy yếu
Kết thúc ngày giao dịch thứ Sáu, giá dầu thô không có nhiều thay đổi sau khi xóa đi đà tăng giá mạnh trước đó do lo lắng rằng số ca nhiễm Covid ngày càng tăng và biến chủng mới có thể giảm thiểu nhu cầu năng lượng toàn cầu.
Vào đầu ngày, giá dầu tăng 2 USD/thùng sau khi OPEC+ cho hay nhóm này có thể xem xét lại chính sách tăng nguồn cung nếu nhiều trường hợp phong tỏa gây ảnh hưởng đến nhu cầu.
Hợp đồng dầu Brent nhích 18 xu, tương ứng 0.26%, kết thúc ngày giao dịch tại 69.85 USD/thùng. Tuy nhiên, hợp đồng dầu WTI lùi 28 xu, tương đương 0.42%, còn 66.22 USD/thùng.
Lần đầu tiên cả hai hợp đồng này đã giảm sáu tuần liên tiếp kể từ tháng 11/2018, và vẫn nằm trong vùng quá bán theo phân tích kỹ thuật liên tiếp sáu ngày lần đầu tiên kể từ tháng 9/2020.
“Có nhiều lý do dẫn đến đà giảm giá mạnh của dầu”, Giám đốc bộ phận hợp đồng năng lượng của Mizuho tại New York Bob Yawger đề cập đến số ca nhiễm Covid đang trên đà tăng, báo cáo việc làm thất vọng của Mỹ và quyết định duy trì kế hoạch tăng nguồn cung của OPEC+ trong tháng 1/2022.
Vào ngày thứ Năm, Tổ chức các nước xuất khẩu dầu mỏ cùng Nga và đồng minh, được biết đến với tên gọi khác là OPEC+, làm thị trường ngạc nhiên khi tuyên bố nhóm này tiếp tục duy trì kế hoạch bổ sung thêm 400,000 thùng/ngày trong tháng 1.
Nhưng OPEC+ cũng đã tính tới tình huống nhanh chóng thay đổi chính sách khi nhu cầu đi xuống do những biện pháp ngăn chặn sự lây lan của biến chủng Omicron. Nhóm này cho hay họ có thể tái gặp mặt trước cuộc họp định kỳ tiếp theo vào ngày 4/1.
Sự xuất hiện của chủng Omicron và suy đoán khả năng chủng này có thể dẫn đến việc tái phong tỏa, hạn chế nhu cầu năng lượng đã khuấy động thị trường các nơi.
Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) thúc giục các nước tiêm vắc-xin cho người dân để chống chọi với virus, và cho hay hạn chế du lịch không phải là giải pháp.
Tại Mỹ, Nebraska là bang thứ sáu báo cáo có sự xuất hiện của chủng Omicron sau khi xác định sáu ca có khả năng lây nhiễm cao.
Sau khi mở cửa với đà tăng, Wall Street cũng đổi hướng khi Nasdaq rớt mạnh hơn 2% do dữ liệu việc làm, lo lắng về chủng Omicron và đường hướng thắt chặt chính sách của Cục Dự trữ Liên bang (Fed).
Tăng trưởng việc làm tại Mỹ chậm lại đáng kể trong tháng 11 khi lĩnh vực giáo dục chính quyền địa phương và bán lẻ mất đi nhiều công việc.
Bên cạnh đó, các công ty khai thác dầu tại Mỹ giữ số lượng giàn khoan không đổi trong tuần, sau khi đã tăng số lượng giàn khoan năm tuần liên tiếp lên mức cao nhất kể từ tháng 4/2020 trong tuần trước đó, theo Công ty Dịch vụ Năng lượng Baker Hughes.
Trong khi đó, thị trường toàn cầu không nên hy vọng Iran sẽ sản xuất thêm dầu mỏ trong tương lai gần.
Tuệ Nhiên (Theo CNBC)
FILI
|