Doanh nghiệp kinh doanh cà phê trên sàn chứng khoán đang hoạt động ra sao?
Ngỡ rằng quả ngọt sẽ đến với doanh nghiệp cà phê trong quý 3/2021 khi giá cà phê đã chấm hết chu kỳ giảm giá 4 năm liên tiếp, nhưng kết cục nhận được cũng chỉ là vị đắng vốn có của cà phê.
Trên sàn chứng khoán, hiện có 4 đơn vị kinh doanh cà phê tiêu biểu, gồm Cà phê Phước An, Cà phê Gia Lai, Cà phê Thắng Lợi và Cà phê Petec.
Từ nửa cuối năm 2021, giá cổ phiếu của các doanh nghiệp cà phê cũng khởi sắc khi giá cà phê trên thị trường bật tăng cao. Đơn cử như cổ phiếu CPA của CTCP Cà phê Phước An (UPCoM: CPA) đã gấp 2.4 lần hồi đầu năm 2021, lên mức 11,400 đồng/cp.
Điểm chung của các cổ phiếu doanh nghiệp kinh doanh cà phê trên sàn là thanh khoản rất thấp, Trong đó, CPA có khối lượng giao dịch bình quân chưa đến 50 cp/ngày, còn PCF tuy có thanh khoản khá hơn nhưng cũng với 1,100 cp được chuyển giao mỗi ngày.
Riêng cổ phiếu CFV của CTCP Cà phê Thắng Lợi (UPCoM: CFV) do gặp tình trạng “chết thanh khoản” nên giá cổ phiếu doanh nghiệp cà phê này vẫn nằm im bất động dù giá cà phê tăng và kết quả kinh doanh tích cực hơn cùng kỳ.
Nguyên nhân chính dẫn đến tình trạng cổ phiếu “trắng thanh khoản” đến từ việc cơ cấu cổ đông quá cô đặc, lượng cổ phiếu giao dịch tự do ít.
Có thể lấy ví dụ từ cổ phiếu CFV, trong số 12.65 triệu cp đang niêm yết trên thị trường, hai cổ đông lớn của Cà phê Thắng Lợi là bà Phạm Thị Linh và UNBND tỉnh ĐăkLăk đã nắm giữ tới hơn 97% vốn của CFV, tương đương hơn 12.3 triệu cp.
Doanh nghiệp cà phê kinh doanh ra sao?
Trong quý 3/2021, do sự gián đoạn chuỗi cung ứng cà phê đã đẩy giá cà phê nguyên liệu trong nước tăng thêm.
Giá cà phê Arabica qua các năm
Nguồn: Tradingview
|
Bởi lẽ, nguồn cung hạn chế từ Brazil- nhà sản xuất cà phê Arabica lớn nhất thế giới khi nước này hứng chịu thời tiết khắc nghiệt đã đẩy giá cà phê arabica tăng liên tục.
Giá cà phê robusta qua các năm
Nguồn: ifcmarkets
|
Còn đối với cà phê robusta, dịch Covid-19 bùng phát tại Việt Nam khiến hoạt động vận tải bị cản trở. Cùng với đó, chi phí logistics tăng gấp 5-10 lần so với trước dịch khiến việc xuất khẩu cà phê trở nên khó khăn và nguồn cung bị thắt chặt trong khi nhu cầu ở các thị trường lớn như Mỹ và EU phục hồi mạnh sau đại dịch. Điều này đã đẩy giá cà phê robusta tăng cao. Hiện Việt Nam là nước cung cấp cà phê robusta lớn nhất thế giới.
Theo đó, tính chung trong quý 3 giá cà phê robusta trong nước tăng 12% ở khu vực Tây Nguyên, vượt mốc 40,000 đồng/kg, đồng thời đánh dấu chấm hết của chu kỳ giảm giá 4 năm liên tiếp nhờ giá cà phê thế giới tăng mạnh.
Đại dịch cũng ảnh hưởng lớn đến hoạt động thu hoạch cà phê của người dân, đã khiến hoạt động chế biến và xuất khẩu cà phê bị trì trệ.
Chưa kể giá cước vận tải tăng từ Việt Nam đi EU và Mỹ quá cao và tình trạng thiếu container khiến doanh nghiệp cà phê điêu đứng, hàng hóa tồn đọng, không thể xuất hàng đi được khiến doanh nghiệp cà phê trong nước bị mất cơ hội hưởng lợi từ giá cà phê thế giới tăng.
Theo đó, CTCP Cà phê Phước An (UPCoM: CPA) thua lỗ hơn 2 tỷ đồng trong quý 3/2021 mặc dù trong kỳ Công ty có doanh thu thuần tăng 33% so cùng kỳ, đạt gần 7 tỷ đồng.
Nguồn: ViestockFinance
|
Lũy kế 9 tháng đầu năm 2021, CPA đạt gần 45 tỷ đồng doanh thu thuần, giảm 46% so cùng kỳ và lỗ ròng 974 triệu đồng. Tuy nhiên, mức lỗ này đã giảm mạnh so với con số lỗ 24 tỷ đồng của cùng kỳ năm trước.
Giải trình nguyên nhân thua lỗ, CPA cho biết do giá thị trường cà phê biến động tăng, giảm thất thường đã làm ảnh hưởng tới lợi nhuận quý 3/2021 của Công ty. Chưa kể tới tình hình Covid-19 từ đầu năm đến cuối quý 3 làm ảnh hưởng đến việc xuất khẩu cà phê, cho nên Công ty đã tập trung vào thị trường nội địa. Ngoài ra, doanh nghiệp còn phải phân bổ các chi phí sản xuất kinh doanh dở dang trước cổ phần hóa là 5 tỷ đồng.
Có phần may mắn hơn các doanh nghiệp cà phê khác, CTCP Cà phê Thắng Lợi (UPCoM: CFV) báo lãi ròng quý 3/2021 đạt gần 5 tỷ đồng, gấp 3.4 lần cùng kỳ năm trước.
Theo lý giải của CFV, Công ty có lãi ròng tăng mạnh trong quý 3/2021 là do doanh số bán hàng cộng với giá cả thị trường cà phê biến động tăng cùng với việc Công ty nỗ lực thực hiện các biện pháp quản lý chặt chẽ chi phí hoạt động.
Khép lại 9 tháng đầu năm 2021, doanh thu thuần của CFV tăng 78% so với cùng kỳ năm trước, đạt hơn 329 tỷ đồng giúp lợi nhuận ròng tăng 24%, đạt hơn 7 tỷ đồng.
Trong năm 2021, CFV lên kế hoạch doanh thu thuần đạt gần 314 tỷ đồng, tăng 52% so với năm 2020. Tuy nhiên, Công ty kỳ vọng lợi nhuận sau thuế giảm 27%, còn hơn 3 tỷ đồng.
Như vậy, với kết quả kinh doanh trên, CFV đều đã vượt kế hoạch đề ra cho cả năm chỉ sau 9 tháng.
Nhìn chung, mặc dù giá cà phê trên thế giới lẫn trong nước đều tăng cao nhưng các doanh nghiệp cà phê không được hưởng lợi là bao khi nguồn cung hạn chế và giao dịch nội địa ảm đạm, cùng những khó khăn trong khâu xuất khẩu cà phê do thắt chặt giãn cách xã hội để phòng chống Covid-19.
Tính đến thời điểm hiện tại, các nhà hàng, quán cà phê đã được mở cửa trở lại, giúp lượng tiêu thụ cà phê trong nước được đẩy mạnh hơn. Bên cạnh đó, hoạt động thu hái, vận chuyển cà phê ra cảng không bị cản trở giúp doanh nghiệp thu mua, chế biến cà phê để xuất khẩu cũng dễ dàng hơn.
Đây được xem là yếu tố tích cực đối với ngành cà phê trong bối cảnh mùa tiêu thụ cà phê cao điểm đang đến gần.
Khang Di
FILI
|