Cuộc khủng hoảng địa ốc kéo tụt nền kinh tế Trung Quốc
Giới quan sát cho rằng trong tháng 11, nền kinh tế của Trung Quốc sẽ tiếp tục suy yếu vì khủng hoảng trong lĩnh vực bất động sản.
Theo Bloomberg, hoạt động kinh tế của Trung Quốc có thể chậm lại trong tháng 11 do sự suy thoái ngày càng nghiêm trọng của lĩnh vực bất động sản nước này. Cùng với đó là tiêu dùng vẫn ở mức thấp.
Theo một cuộc khảo sát đối với các nhà kinh tế, tăng trưởng đầu tư tài sản cố định có thể đã suy yếu trong tháng 11, kéo theo sự sụt giảm trong đầu tư bất động sản.
Sự suy thoái nghiêm trọng của nền kinh tế đã khiến Bắc Kinh buộc phải thay đổi lập trường chính sách. Tháng này, ngân hàng trung ương Trung Quốc tuyên bố nới lỏng chính sách tiền tệ.
Động thái mới của ngân hàng trung ương Trung Quốc giải phóng khoảng 1.200 tỷ NDT (tương đương 188 tỷ USD) cho các khoản vay kinh doanh và hộ gia đình. Ảnh: Reuters.
|
Tăng trưởng chững lại
Cụ thể, Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc (PBoC) cho biết sẽ cắt giảm tỷ lệ dự trữ bắt buộc đối với hầu hết ngân hàng kể từ ngày 15/12. Động thái này giải phóng khoảng 1.200 tỷ NDT (tương đương 188 tỷ USD) cho các khoản vay kinh doanh và hộ gia đình.
Quyết định được đưa ra cùng ngày Bộ Chính trị Trung Quốc phát đi tín hiệu rằng nước này có thể có những động thái tích cực nhằm bảo vệ nền kinh tế vào năm 2022.
Bắc Kinh cũng yêu cầu chi tiêu tài khóa nhiều hơn vào năm 2022. Tuy nhiên, vẫn chưa rõ những hỗ trợ của Bắc Kinh có giúp giảm thiểu tác động của cuộc trấn áp đối với lĩnh vực bất động sản hay không.
Theo giới quan sát, cuộc khủng hoảng trong lĩnh vực bất động sản có thể là mối nguy lớn nhất đối với tăng trưởng kinh tế của Trung Quốc. Trong nhiều tháng qua, China Evergrande - tập đoàn địa ốc nợ nần nhất thế giới - đã trượt tới bờ vực phá sản.
Sự sụp đổ của China Evergrande có thể ảnh hưởng nặng nề tới lĩnh vực bất động sản, vốn chiếm 30% GDP Trung Quốc. Ảnh: Reuters.
|
Hôm 9/12, Fitch Ratings đã hạ xếp hạng của China Evergrande xuống "vỡ nợ giới hạn" sau khi tập đoàn không thể trả hai khoản lãi trái phiếu coupon trong khoảng thời gian ân hạn.
Các nhà phân tích từ lâu đã e ngại rằng sự sụp đổ của China Evergrande có thể ảnh hưởng nặng nề tới lĩnh vực bất động sản, vốn chiếm 30% GDP Trung Quốc.
"Bắc Kinh sẽ không tiếp tục siết chặt các biện pháp kiểm soát nữa", ông Logan Wright - Giám đốc nghiên cứu thị trường Trung Quốc tại Rhodium Group - nói với Bloomberg. "Nhưng tôi không chắc rằng sự suy thoái tài chính và kinh tế nghiêm trọng nhất đã qua đi", ông cảnh báo.
Theo ông, Trung Quốc sẽ tập trung vào việc nới lỏng tiền tệ hơn những chính sách tài khóa. Nguyên nhân là áp lực tài chính của các chính quyền địa phương.
Nhiều cản trở
Theo Bloomberg, Bắc Kinh có thể cho phép cấp thêm tín dụng và nới lỏng một số hạn chế trong lĩnh vực bất động sản. Mục đích là nhằm hỗ trợ "ổn định kinh tế". Tuy nhiên, tuần trước, các quan chức vẫn duy trì lập trường rằng "nhà để ở, không phải đầu cơ".
Cuối năm thường là thời điểm bận rộn của thị trường nhà ở. Nếu doanh số bán nhà tiếp tục sụt giảm, tình trạng bấp bênh của nhiều chủ đầu tư sẽ trở nên tệ hại hơn.
Nền kinh tế Trung Quốc có thể tiếp tục ổn định trong tháng 11, nhưng vẫn ở mức thấp. Xuất khẩu tăng trưởng tốt sẽ giúp thúc đẩy đà phục hồi. Tuy nhiên, các hoạt động trong lĩnh vực bất động sản bị chững lại có khả năng là lực cản đối với đầu tư.
Theo cuộc khảo sát với các nhà kinh tế, doanh số bán lẻ của Trung Quốc trong tháng 11 có thể tăng với tốc độ chậm hơn (4,7%) so với mức tăng 4,9% của tháng 10.
Bắc Kinh sẽ không tiếp tục siết chặt các biện pháp kiểm soát nữa. Nhưng tôi không chắc rằng sự suy thoái tài chính và kinh tế nghiêm trọng nhất đã qua đi.
- Ông Logan Wright, Giám đốc nghiên cứu thị trường Trung Quốc tại Rhodium Group
|
Doanh số bán hàng hóa đã tăng mạnh nhờ vào sự kiện mua sắm Lễ Độc thân diễn ra vào tháng 11.
Tuy nhiên, doanh thu dịch vụ, nhà hàng và mua sắm tại cửa hàng lao dốc do những đợt bùng phát dịch Covid-19 mới. Doanh số xe du lịch cũng sụt giảm.
Sản lượng công nghiệp dự kiến tăng nhờ xuất khẩu tăng trưởng mạnh. Bắc Kinh cũng nới lỏng hạn chế đối với sản xuất sau đợt thiếu điện hồi đầu năm.
Cuộc khảo sát cho thấy tỷ lệ thất nghiệp có khả năng ổn định ở mức 4,9% trong tháng 11. Nhưng các chỉ số khác chỉ ra tình hình việc làm tiếp tục xấu đi.
Số giờ làm việc trung bình mỗi tuần đã tăng lên mức cao kỷ lục trong tháng 10. Điều này cho thấy các công ty đang yêu cầu nhân viên làm thêm giờ, thay vì thuê thêm công nhân.
Áp lực lên thị trường việc làm sẽ tiếp tục kéo dài đến năm 2022, với kỷ lục gần 11 triệu sinh viên tốt nghiệp đại học tham gia thị trường lao động.
Theo Bloomberg, các cuộc trấn áp của Bắc Kinh đối với ngành giáo dục, bất động sản và Internet cũng làm giảm cơ hội việc làm. Chiến lược "Zero-Covid" (đưa số ca nhiễm mới về 0) sẽ hạn chế việc làm trong ngành dịch vụ.
Nếu xuất khẩu chậm lại so với mức tăng kỷ lục trong năm nay, điều đó có thể gây thêm áp lực cho thị trường lao động.
Thảo Phương
ZING
|