Cổ đông lớn PTL tháo chạy vì cổ phiếu chuẩn bị hủy niêm yết?
Ngày 24/12 tới, CTCP Đầu tư Hạ tầng và Đô thị Dầu khí (HOSE: PTL) sẽ chốt danh sách cổ đông dự ĐHĐCĐ bất thường 2022, dự kiến tổ chức vào tháng 1/2022. Trong đó, nội dung đáng chú ý nhất là tờ trình về chủ trương hủy niêm yết tự nguyện đối với cổ phiếu PTL.
Mặc dù chuẩn bị hủy niêm yết nhưng giá cổ phiếu PTL vẫn đang ở vùng đỉnh lịch sử sau hơn 1 tháng tăng trưởng. Đà tăng của cổ phiếu PTL bắt đầu từ phiên tăng trần ngày 08/11. Dù xen kẽ là những phiên giảm sàn nhưng kết phiên 10/12, giá cổ phiếu PTL đã tăng hơn 88%, lên 15,050 đồng/cp.
Nhìn lại kết quả kinh doanh, trong 9 tháng đầu năm 2021, PTL ghi nhận doanh thu thuần gần 64 tỷ đồng, tăng 77% so với cùng kỳ năm trước. Doanh thu thuần chủ yếu từ hoạt động cho thuê văn phòng, doanh thu khai thác cơ sở hạ tầng Tòa nhà Petroland Tower. Mặt khác, doanh thu hoạt động tài chính đa phần đến từ các khoản tiền gửi ngân hàng.
Sau khi trừ đi chi phí, lợi nhuận ròng của PTL đạt hơn 19 tỷ đồng, gấp gần 6 lần cùng kỳ. Nhờ kết quả khả quan, lỗ lũy kế tại thời điểm 30/09/2021 chỉ còn hơn 275 tỷ đồng, giảm hơn 6% so với đầu năm.
Năm 2021, PTL dự kiến đem về 125 tỷ đồng doanh thu và 10 tỷ đồng lãi sau thuế. So với kế hoạch, đơn vị chỉ mới thực hiện được 51% mục tiêu doanh thu nhưng đã vượt 87% mục tiêu lãi sau thuế 2021.
Dù vậy, quay lại BCTC soát xét bán niên 2021, PTL lại nhận một loạt ý kiến ngoại trừ của kiểm toán về các khoản công nợ, giá vốn phần chi phí xây dựng, không trích lập dự phòng giảm giá hàng tồn kho.
* PTL nhận một loạt ý kiến ngoại trừ từ kiểm toán
Cổ đông lớn lần lượt tháo chạy
Trước khi đà tăng bắt đầu không lâu, cổ đông lớn của PTL - CTCP Dịch vụ và Đầu tư BĐS Ngôi sao Phương Nam đã đăng ký bán 11 triệu cp PTL từ ngày 05/11-04/12/2021. Ông Nguyễn Tấn Thụ - Chủ tịch HĐQT PTL đang đồng thời là Tổng Giám đốc của đơn vị này.
Kết quả, BĐS Ngôi sao Phương Nam bán thành công xấp xỉ 10.7 triệu cp PTL. Qua đó, giảm tỷ lệ số cổ phần đang nắm giữ tại PTL từ hơn 11.2 triệu cp (11.22%) xuống còn 528,600 cp (0.52%) và chính thức rời ghế cổ đông lớn.
Chiếu theo giá đóng cửa bình quân, ước tính BĐS Ngôi sao Phương Nam đã thu về gần 112 tỷ đồng sau thương vụ.
Trước đó, BĐS Ngôi sao Phương Nam trở thành cổ đông lớn của PTL thông qua thương vụ mua hơn 11.2 triệu cp từ ngày 05-09/08/2021. Chiếu theo giá đóng cửa bình quân, ước tính cổ đông này đã chi gần 100.5 tỷ đồng cho lô cổ phiếu. Như vậy, tính trên 10.7 triệu cp PTL đã bán, đơn vị có liên quan đến Chủ tịch PTL có thể đã lãi hơn 16 tỷ đồng từ thương vụ mua bán cổ phiếu PTL.
Bên cạnh BĐS Ngôi sao Phương Nam, một cổ đông lớn khác của PTL là Tổng CTCP Xây lắp Dầu khí Việt Nam (UPCoM: PVX) cũng đã đăng ký bán toàn bộ hơn 36 triệu cp (36% vốn) trong thời gian 03-31/12/2021.
Theo PVX, lý do thoái vốn do Công ty tái cơ cấu lại khoản mục đầu tư theo chủ trương đã được các cấp có thẩm quyền phê duyệt.
Ngoài 2 cổ đông lớn tổ chức, bà Trần Thị Hường - một cổ đông lớn cá nhân của PTL - cũng báo cáo trong 2 ngày 04/12 và 06/12 đã bán ra tổng cộng gần 9.4 triệu cp, qua đó giảm số cổ phần nắm giữ tại Công ty từ 13.1 triệu cp (13.1%) xuống còn 3.8 triệu cp (3.76%).
Khoản 1 Điều 121 Nghị định 155/2020/NĐ-CP quy định về việc huỷ bỏ niêm yết chứng khoán tự nguyện
1. Điều kiện được hủy bỏ niêm yết cổ phiếu, chứng chỉ quỹ tự nguyện:
a) Quyết định hủy bỏ niêm yết tự nguyện được Đại hội đồng cổ đông, Đại hội nhà đầu tư biểu quyết thông qua theo quy định pháp luật doanh nghiệp, quy định tại Điều lệ quỹ đầu tư chứng khoán, trong đó phải được trên 50% số phiếu biểu quyết của các cổ đông không phải là cổ đông lớn thông qua;
b) Việc hủy bỏ niêm yết tự nguyện chỉ được thực hiện sau tối thiểu 02 năm kể từ ngày có Quyết định chấp thuận niêm yết trên Sở giao dịch chứng khoán.
|
Hà Lễ
FILI
|