Thứ Bảy, 11/12/2021 10:44

Chuyên gia: 'S.Tix Coffee có dấu hiệu lừa đảo'

Theo chuyên gia và luật sư, việc S.Tix Coffee cam kết lợi nhuận cho nhà đầu tư khi điểm bán chưa đi vào hoạt động là dấu hiệu rõ nhất của lừa đảo.

* Chủ S.Tix Coffee làm ăn ra sao trước khi 'bỏ rơi' nhà đầu tư?

* Nhà đầu tư mất hàng tỷ đồng cho S.Tix Coffee thế nào?

Đã hơn 1 tháng trôi qua kể từ khi chị Ngọc Ánh (quận 4, TP.HCM) gửi đơn tố cáo S.Tix Coffee và Giám đốc Đinh Công Đạt lên các cấp chính quyền. Tuy nhiên, chị vẫn chưa nhận được hồi âm của các cơ quan.

Với 835 triệu đồng đầu tư cho S.Tix, đáng lẽ chị sẽ lời ít nhất 250 triệu đồng sau một năm nếu công ty này thực hiện đúng cam kết trong hợp đồng. Như vậy, mức lãi suất ước tính là khoảng 30%/năm.

Đến nay, chị Ngọc Ánh vẫn chưa nhận đủ tiền tháng đầu tiên. Số tiền hai vợ chồng chị dành dụm để hết dịch làm đám cưới cũng biến mất cùng S.Tix Coffee.

S.Tix Coffee có dấu hiệu lừa đảo ảnh 1

S.Tix Coffee từng cam kết lợi nhuận 60%/năm. Ảnh: H.N.H.

Những dấu hiệu lừa đảo

Chia sẻ với chúng tôi, ông Lâm Minh Chánh, chuyên gia tài chính cá nhân, Giám đốc Học viện Kinh doanh và Tài chính BizUni cho rằng S.Tix Coffee có dấu hiệu lừa đảo.

Cụ thể, hầu hết doanh nghiệp mới khởi nghiệp cần thời gian bình quân từ 5-8 năm để hoàn vốn trước khi có lãi. Chỉ một số doanh nghiệp nhỏ, kinh doanh những ngành đặc biệt mới có lời ngay từ năm đầu tiên.

"Có thể nói 99,99% doanh nghiệp với số vốn trên 50 tỷ cần thời gian dài kinh doanh mới có lời ròng. Do đó S.Tix Coffee tuyên bố trả lợi nhuận cho nhà đầu tư ngay từ lúc chưa hoạt động là không khả thi", ông Lâm Minh Chánh khẳng định.

Anh Phát (TP.HCM), người đã đầu tư hơn 1,8 tỷ đồng cho S.Tix, cho biết khi anh đặt câu hỏi về vấn đề này, nhân viên sales cho biết đây là hình thức doanh nghiệp tri ân, đảm bảo lợi ích cho nhà đầu tư.

Một xe đẩy của S.Tix Coffee gọi vốn gần 40 triệu đồng từ mỗi nhà đầu tư. Ảnh: S.Tix.

Thậm chí, sau khi xem xét kĩ số liệu kinh doanh hàng tháng tại các điểm bán của S.Tix, anh phát hiện số ly cà phê bán mang đi không chênh lệch nhiều giữa ngày nắng và ngày mưa, ngày trong tuần và cuối tuần.

Phía S.Tix lý giải họ cố gắng cân đối và bù đắp để đảm bảo anh vẫn nhận đủ ít nhất 20 triệu đồng/tháng/hợp đồng.

Chuyên gia Lâm Minh Chánh nhận định trong kinh doanh, nhà đầu tư hoặc cổ đông góp vốn vào doanh nghiệp thì sẽ "lời ăn lỗ chịu" chứ không thể được cam kết lợi nhuận.

Ông phân tích doanh nghiệp có 2 loại vốn là vốn vay và vốn chủ sở hữu (hay còn gọi là vốn cổ đông). Doanh nghiệp vay vốn từ người quen biết, ngân hàng hoặc phát hành trái phiếu, lãi suất nhìn chung ở mức 6-12%/năm. Đây là lãi suất mà doanh nghiệp phải trả, nếu không bị phá sản.

Còn vốn của cổ đông thì doanh nghiệp sẽ không cam kết. Vị giám đốc BizUni dẫn chứng nhiều doanh nghiệp tốt trên sàn chứng khoán đạt tỷ suất lợi nhuận trên vốn chủ sở hữu (ROE) lên đến mức 30-40%, nhưng không doanh nghiệp nào cam kết tỷ suất lợi nhuận với cổ đông.

"Cổ đông là ông chủ của doanh nghiệp thì phải 'lời ăn lỗ chịu'. Khi S.Tix Coffee cam kết lợi nhuận cao cho cổ đông, nghĩa là S.Tix Coffee đã biến cổ đông thành người cho vay với lãi suất cao. Lãi suất vay ở mức 26-30%/năm thì không doanh nghiệp nào có thể trả nổi", ông nhấn mạnh.

Cần truy cứu trách nhiệm hình sự

Theo ông Lâm Minh Chánh, khi đầu tư vào các doanh nghiệp chưa niêm yết trên sàn, nhà đầu tư cần phải nắm rõ uy tín của doanh nghiệp và có cơ chế giám sát doanh nghiệp.

Còn ở sự việc này, các nhà đầu tư hoàn toàn không giám sát được tình hình sử dụng vốn đầu tư và kết quả kinh doanh của S.Tix Coffee. Chính vì thế mà có đến hàng trăm tỷ được đầu tư chỉ cho số ít cửa hàng.

"Nhà đầu tư hãy đừng bị cám dỗ bởi tỷ suất lợi nhuận cao mà doanh nghiệp nào đó kêu gọi đầu tư. Hãy tự trả lời các câu hỏi: Doanh nghiệp đó có uy tín không? Doanh nghiệp có công khai minh bạch tình hình tài chính không? Mô hình, chiến lược kinh doanh, cách tạo ra giá trị, lợi nhuận của doanh nghiệp là gì?", ông nhấn mạnh.

"Chưa trả lời được các câu hỏi đó thì khoan đầu tư. Câu 'Không bao giờ có bữa trưa miễn phí' luôn luôn đúng trong đầu tư và kinh doanh", ông Lâm Minh Chánh nói.

Câu 'Không bao giờ có bữa trưa miễn phí' luôn luôn đúng trong đầu tư và kinh doanh.

Ông Lâm Minh Chánh, Giám đốc BizUni

Từ góc độ pháp lý, luật sư Hà Hải (Đoàn luật sư TP.HCM) cũng cho rằng vụ việc có dấu hiệu chiếm đoạt tài sản người khác, đặc biệt là những người góp vốn sau cùng.

Theo Khoản 2 Điều 174 Bộ Luật Hình sự năm 2015, sửa đổi, bổ sung năm 2017, các đối tượng bằng thủ đoạn gian dối chiếm đoạt tài sản của người khác một cách có tổ chức, có tính chất chuyên nghiệp thì bị phạt tù từ 2-7 năm.

Tuy nhiên, luật sư Hà Hải cho hay cơ quan thẩm quyền khi nhận đơn thư của người dân vẫn phải xem xét kỹ hợp đồng giữa hai bên và các tài liệu, chứng cứ liên quan do các bên cung cấp để đánh giá, xác định chính xác.

Còn từ phía các nhà đầu tư, ông khuyến nghị họ tìm đến luật sư để tư vấn soạn thảo đơn tố giác tội phạm gửi cơ quan công an.

"Trong trường hợp này, tội lừa đảo hoàn thành ngay khi giao tài sản là tiền, hoàn toàn không thể chờ 3 năm sau S.Tix Coffee trả hay không trả mới truy cứu trách nhiệm hình sự", luật sư Hà Hải nhận định.

Từ năm 2019, S.Tix Coffee huy động vốn đầu tư để mở xe bán mang đi và quán cà phê. Mức đầu tư khoảng 40 triệu đồng/xe và 60 triệu đồng/1% cổ phần quán. Số lãi được quảng cáo ban đầu là 60%/năm, sau này là 26-30%/năm.

Theo ghi nhận thực tế, trước tháng 7 năm nay, các khoản vốn và lãi được chi trả đều đặn cho các nhà đầu tư. Nếu tháng nào chậm, S.Tix chuyển thêm lãi chậm trả.

Tuy nhiên, ngày 8/11, S.Tix thông báo ngừng kinh doanh và cho biết sẽ trả dần vốn cho nhà đầu tư trong vòng 3 năm, từ ngày 15/1/2022, sau khi trừ đi số tiền đã chi trả trước đây. Điều này có nghĩa nhà đầu tư không những không được hưởng đồng lãi nào, mà còn bị S.Tix "giam vốn" suốt 3 năm. Khoản chi trả chỉ được thực hiện nếu nhà đầu tư ký thỏa thuận hoàn vốn mà S.Tix gửi đến trước ngày 15/1/2022.

Thống kê sơ bộ đến nay đã có hàng trăm nhà đầu tư bị "giam vốn", với tổng số tiền lên đến gần 200 tỷ đồng.

Hiện toàn bộ chi nhánh và trụ sở của S.Tix lẫn Ding Food (thuộc sở hữu của ông Đinh Công Đạt) đều đã trả mặt bằng và thanh lý tài sản. Thậm chí, các mặt bằng của Gánh Ướt 1960, Bánh Mì Mợ Bốn đã đổi chủ từ hồi đầu năm. Chúng tôi cũng đã liên hệ ban giám đốc công ty nhưng chưa nhận được phản hồi.

Lan Anh

ZING

Các tin tức khác

>   Chủ sàn tiền ảo TcbTrade: Đồng TCFX không có giá trị, chỉ để lừa đảo (10/12/2021)

>   Chủ S.Tix Coffee làm ăn ra sao trước khi 'bỏ rơi' nhà đầu tư? (09/12/2021)

>   Những người trẻ không đi xin việc, tự mở công ty riêng (08/12/2021)

>   Rủi ro khi đầu tư tiền số theo người nổi tiếng (06/12/2021)

>   Bộ Công an triệt phá đường dây cho vay nặng lãi đến 1.000%/năm (04/12/2021)

>   TP.HCM: Yêu cầu các đơn vị giải quyết hồ sơ cho F0 tại nhà hưởng BHXH (03/12/2021)

>   Công an TP.HCM triệt phá đường dây đánh bạc 87.000 tỷ đồng (02/12/2021)

>   Bắt 'ông chủ' sàn tiền ảo lừa đảo chiếm đoạt hơn 55 tỉ đồng (02/12/2021)

>   Tin nhắn lừa đảo việc làm nở rộ (02/12/2021)

>   Sau bài đăng của Khoa Pug, giá coin DBZ xuống thấp kỷ lục (01/12/2021)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật