Chính sách TTCK 2021: Điểm nóng chống nghẽn lệnh
Năm 2021, hệ thống pháp lý của thị trường chứng khoán (TTCK) tiếp tục được hoàn thiện, tuy nhiên, diễn biến không quá sôi động như năm trước. Điểm nóng chính sách 2021 đến từ sự cố nghẽn lệnh tại Sở Giao dịch Chứng khoán TP.HCM (HOSE).
Những chính sách chống nghẽn lệnh
Thị trường chứng khoán sôi động, lượng giao dịch chứng khoán tăng mạnh vượt quá khả năng đã đẩy hệ thống giao dịch trên sàn HOSE tới tình trạng quá tải. Giao dịch chứng khoán không thông suốt là một vấn đề nghiêm trọng đối với nền kinh tế, do đó, hàng loạt chính sách nhằm giải quyết nghẽn lệnh trên sàn HOSE đã được đưa ra.
* [Longform] Nhìn lại hơn nửa năm nghẽn lệnh sàn HOSE
Giải pháp tình thế đầu tiên là nâng lô giao dịch tối thiểu. Từ ngày 04/01/2021, lô giao dịch tối thiểu trên HOSE được nâng từ 10 lên 100 nhằm giảm bớt số lượng lệnh vào hệ thống. Theo Sở Giao dịch, giải pháp này đã góp phần giảm tải lượng lệnh vào hệ thống, giúp thanh khoản tăng được 15-18%.
Tuy nhiên, hiện tượng quá tải hệ thống vẫn chưa dứt, nhất là trong các phiên có thanh khoản rất lớn chạm đến mức 15-16 ngàn tỷ đồng.
Ngày 03/03/2021, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước (UBCKNN) cũng đã có công văn 713/UBCK hướng dẫn HOSE, Sở GDCK Hà Nội (HNX) và Trung tâm Lưu ký chứng khoán Việt Nam (VSD) về việc chuyển giao dịch cổ phiếu niêm yết từ HOSE ra HNX. Trong thời gian từ tháng 3/2021 đến tháng 7/2021, HNX đã tiếp nhận 16 doanh nghiệp chuyển giao dịch từ HOSE sang.
UBCKNN cũng ra công văn số 1339 hướng dẫn tạm dừng nhận giao dịch cổ phiếu mới từ ngày 08/04/2021 cho đến khi UBCKNN có thông báo và hướng dẫn tiếp theo.
Giải quyết nghẽn lệnh tại HOSE là điểm nóng chính sách thị trường chứng khoán năm 2021. Ảnh minh họa
|
Bên cạnh các giải pháp trên, HOSE cũng đã từng cân nhắc tới giải pháp nâng lô lên 1,000 hay ngưng hủy/sửa lệnh. Tuy nhiên, Bộ trưởng Bộ Tài chính đã có chỉ đạo không áp dụng nâng lô giao dịch chứng khoán tối thiểu lên 1,000 nhưng khuyến khích việc chuyển một số cổ phiếu từ HOSE sang HNX trên tinh thần tự nguyện nhằm giảm tải hệ thống cho HOSE và bảo đảm vận hành an toàn hệ thống giao dịch chứng khoán.
Trong tháng 6, HOSE đã có văn bản lưu ý các công ty chứng khoán kiểm soát lỗi 2G, tránh gây ảnh hưởng đến an toàn chung của hệ thống giao dịch. Sở cũng lưu ý các công ty chứng khoán quản lý việc sửa, hủy lệnh giao dịch trong các khung giờ từ 9 giờ 15 đến 9 giờ 25, từ 11 giờ 15 đến 11h giờ 30 và từ 14 giờ 20 đến 14 giờ 30 để tránh gây áp lực quá tải xử lý đối với hệ thống giao dịch.
Tình trạng nghẽn lệnh được giải quyết khi hệ thống giao dịch mới của FPT được vận hành từ ngày 5/7/2021 với công suất gấp 3 đến 5 lần hệ thống cũ, khả năng xử lý lên tới 3 triệu lệnh/ngày đến 5 triệu lệnh/ngày. Đồng thời, hệ thống mới giúp HOSE hoàn toàn làm chủ về công nghệ trong tương lai.
Sàn hết nghẽn, nhiều chính sách trong số trên được ngừng sử dụng. Tuy vậy, sàn HOSE vẫn duy trì lô tối thiểu 100 cổ phiếu và chưa có thông tin thêm về việc đưa lô tối thiểu trở về 10.
Ra lộ trình tái cấu trúc thị trường chứng khoán
Ngày 12/07, Bộ Tài chính đã ban hành Thông tư 57/2021 quy định lộ trình sắp xếp lại thị trường giao dịch Việt Nam. Theo đó, thị trường giao dịch cổ phiếu, chứng chỉ quỹ và chứng quyền có bảo đảm sẽ được tập trung về HOSE. Thị trường giao dịch trái phiếu và phái sinh sẽ do HNX tổ chức.
Thông tư cũng hướng dẫn thêm về xử lý hồ sơ đăng ký niêm yết, đăng ký giao dịch của tổ chức trong thời gian thực hiện kế hoạch chuyển chứng khoán niêm yết, đăng ký giao dịch.
Xem chi tiết lộ trình tại đây
Trong quá trình tái cơ cấu thị trường chứng khoán, ngày 11/12, Sở Giao dịch Chứng khoán Việt Nam (VNX) cũng đã chính thức đi vào hoạt động. VNX là công ty mẹ được tổ chức theo mô hình công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên do Nhà nước nắm giữ 100% vốn. Các công ty con trực thuộc VNX gồm HNX và HOSE. VNX ra đời với mục tiêu thống nhất về mô hình tổ chức, cơ chế, chính sách, tư duy phát triển và hạ tầng công nghệ thông tin phục vụ thị trường.
VNX chính thức ra mắt vào ngày 11/12/2021
|
Tiếp tục ra văn bản hướng dẫn Luật Chứng khoán
Tiếp nối năm 2020, các thông tư mới nhằm hướng dẫn Luật Chứng khoán 2019 tiếp tục được ban hành. Năm 2021, Bộ Tài chính ban hành thêmThông tư số 51/2021/TT-BTC hướng dẫn nghĩa vụ của tổ chức, cá nhân trong hoạt động đầu tư nước ngoài trên thị trường chứng khoán Việt Nam và Thông tư số 58/2021/TT-BTC hướng dẫn một số điều của Nghị định số 158/2020/NĐ-CP ngày 31/12/2020 của Chính phủ về chứng khoán phái sinh và thị trường chứng khoán phái sinh
Tới cuối 2021, Chính phủ đã ban hành 5 nghị định và Bộ Tài chính đã ra 15 thông tư quy định chi tiết thi hành và hướng dẫn thực hiện Luật Chứng khoán 2019. Luật Chứng khoán và các văn bản quy định chi tiết thi hành và hướng dẫn thực hiện đã tạo khung khổ pháp lý tương đối đầy đủ, đồng bộ, thống nhất góp phần thúc đẩy thị trường phát triển, bảo đảm nền tảng pháp lý cần thiết cho giai đoạn phát triển mới của TTCK.
Kéo dài miễn, giảm giá và phí dịch vụ chứng khoán
Nhằm tiếp tục hỗ trợ các tổ chức, cá nhân liên quan chịu ảnh hưởng do dịch Covid-19, Bộ Tài chính đã ban hành Thông tư số 30/2021 nhằm kéo dài thời gian miễn phí, giảm giá 15 loại dịch vụ chứng khoán. Thông tư hiệu lực tới ngày 31/12/2021, sau đó, mức giá dịch vụ trong lĩnh vực chứng khoán áp dụng tại Sở Giao dịch chứng khoán và Trung tâm Lưu ký Chứng khoán Việt Nam được thực hiện theo quy định tại Thông tư số 127/2018.
Liên quan tới giá, phí dịch vụ trên TTCK, Bộ Tài chính đã ban hành Thông tư 101 và 102 năm 2021 thay thế Thông tư 127 và 128 ban hành năm 2018 về giá dịch vụ trong lĩnh vực chứng khoán theo hướng giảm trần giá, phí dịch vụ chứng khoán.
Chí Kiên
FILI
|