Chỉ số giá sản xuất của Mỹ tăng 9.6%, mạnh nhất kể từ năm 2010
Chỉ số giá sản xuất Mỹ ghi nhận mức tăng mạnh kỷ lục gần 10% trong tháng 11/2021 và báo hiệu áp lực lạm phát có thể kéo dài sang năm 2022.
Trong tháng 11/2021, chỉ số giá sản xuất (PPI) tăng 9.6% so với cùng kỳ và 0.8% so với tháng trước, dữ liệu từ Bộ Lao động Mỹ cho thấy trong ngày 14/12. Số liệu về chỉ số PPI vượt dự báo của các chuyên gia kinh tế.
Đây là tháng tăng mạnh nhất của PPI kể từ năm 2010. Chứng khoán Mỹ nhuốm sắc đỏ sau khi dữ liệu lạm phát củng cố kỳ vọng Fed sẽ thắt chặt chính sách tiền tệ trong năm 2022.
Loại trừ giá thực phẩm và năng lượng, chỉ số PPI lõi tăng 0.7% so với tháng trước và tăng 7.7% so với cùng kỳ.
Giá hàng hóa và dịch vụ đều tăng mạnh trong tháng trước. Báo cáo này thể hiện phần nào cho sự thay đổi của giá sản xuất cũng như biên lợi nhuận của các nhà bán sĩ và bán lẻ.
Giá nguyên vật liệu đã tăng nhanh chóng trong năm nay, giữa lúc tắc nghẽn vận tải, nhu cầu mạnh mẽ và thiếu hụt lao động. Nhiều doanh nghiệp đã chuyển phần chi phí gia tăng cho khách hàng thông qua việc nâng giá bán sản phẩm. Báo cáo mới đây cho thấy áp lực giá tiêu dùng có thể gia tăng thêm trong vài tháng tới.
Lạm phát tiêu dùng
Dữ liệu tuần trước cho thấy chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 11 tăng 6.8% so với cùng kỳ, mức tăng mạnh nhất trong gần 40 năm. Lúc đầu mức tăng giá chỉ tập trung vào một số mặt hàng liên quan tới quá trình tái mở cửa kinh tế, nay lạm phát đã tăng trên diện rộng hơn.
Đà tăng mạnh hơn và bền vững hơn dự báo của lạm phát đang gây áp lực lên các nhà hoạch định chính sách. Fed được kỳ vọng đẩy nhanh quá trình giảm mua trái phiếu sau khi kết thúc cuộc họp chính sách 2 ngày vào ngày 15/12. Động thái này sẽ tạo khoảng trống để Fed bắt đầu nâng lãi suất vào năm 2022.
Việc lạm phát liên tục tăng mạnh trong vài tháng gần đây cũng là một thách thức lớn về chính trị với Tổng thống Joe Biden. Ông đang cố thông qua kế hoạch thuế và chi tiêu trị giá 2 ngàn tỷ USD, nhưng nhiều chuyên gia lo ngại gói chi tiêu này sẽ gây thêm áp lực giá cả.
Chỉ số giá sản xuất (PPI) loại trừ thực phẩm, năng lượng và dịch vụ thương mại – một thước đo được các chuyên gia kinh tế yêu thích vì loại bỏ hết các thành phần biến động mạnh – tăng 0.7% so với tháng trước và nhảy vọt 6.9% so với cùng kỳ.
Giá hàng hóa tăng 1.2% so với tháng trước, phản ánh đà tăng trên diện rộng từ sắt thép, xăng cho tới rau quả. Giá dịch vụ tăng 0.7%, một phần do đà tăng của giá dịch vụ quản lý danh mục đầu tư.
Vũ Hạo (Theo Bloomberg)
FILI
|