Chào 2022: Khi người-kiêu-hãnh… cúi đầu!
Cúi đầu, một biểu hiện của sự khiêm nhường để thừa nhận và chấp nhận sức mạnh, sự khác biệt của kẻ khác. Đó cũng là hành động khiêm cung để tiếp nhận và tìm cách hài hòa giữa ta và người, xưa và nay, mạnh lẫn yếu.
Bước qua một năm 2021 đầy mất mát, biến cố và… đứt quãng, ngay giữa lúc giao thời lại xuất hiện vị khách không mời mà đến - biến chủng Omicron - chúng ta buộc phải thay đổi, thích ứng, tự vệ như thế nào trước cơn cuồng phong Covid-19 vẫn đang chưa chịu dừng lại.
Chuyển trạng thái từ zero-covid sang no-zero không đơn thuần chỉ là chuyển hướng một chiến lược phòng chống đại dịch Covid-19, mặc dù nó quyết định và tác động đến mọi quyết sách sống còn của toàn xã hội trong và sau đại dịch. Điều này còn nói lên thái độ “thừa nhận” sự bất lực của con người - nhất là những nhà lãnh đạo - về cuộc rượt đuổi không có điểm dừng của loài người theo tốc độ sinh sản, khả năng biến đổi của loài vi sinh vật gieo rắc bệnh truyền nhiễm. Virus cúm thuộc loại dai dẳng và mang tính “bất tử” nhất.
Từ đó, nhìn về lĩnh vực kinh tế, càng không thể tránh khỏi xu thế tất yếu: Đó là việc lựa chọn, ưu tiên đầu tư, phát triển một nền kinh tế xanh trong sự kết nối với kinh tế tuần hoàn nhằm đảm bảo từ sản xuất đến tiêu dùng phải hạn chế tổn hại môi trường, phải “hoàn trả” những “khấu hao” đã tác động vào hệ sinh thái thiên nhiên, phải xem các hoạt động như tái sử dụng tài nguyên và các sản phẩm cũ là một trong những tiêu chí sống còn.
Hãy nhìn vào con số biết nói này: Trung bình mỗi năm có 88,723,000 tấn thịt gia cầm được sản xuất trên toàn cầu, 413,975,000 con lợn ra đời tương ứng với hàng tỷ con gia cầm được ấp nở, chăn nuôi, giết mổ, nhất là ở khu vực Đông Nam Á, trong đó có Việt Nam; là tác nhân sinh lý học cho quá trình tiến hóa của virus cúm. Chính cái thói quen, sở thích ăn uống, tiêu dùng, kéo theo việc đáp ứng, hình thành dần một dòng kinh doanh… chăn nuôi - giết mổ tràn lan, bất chấp đã phá hủy môi trường sinh dưỡng. Các đột biến tế bào dẫn tới các biến chủng bệnh truyền nhiễm cứ tiếp tục sinh sôi và đe dọa trở lại sự tồn sinh của con người.
Trong hầu hết các Báo cáo cập nhật đánh giá Quốc gia 2021, hay Bản tiếp cận tăng trưởng bền vững cho TP HCM 2021, tổ chức Ngân hàng Thế giới đều khẩn thiết đưa ra những khuyến nghị ở cấp chính phủ lẫn thành phố về ưu tiên chuyển từ “tăng trưởng bằng mọi giá” sang xây dựng nền kinh tế xanh và bền vững. Vấn đề còn lại là chúng ta có đủ quyết tâm, thực lực để hành động một cách thực chất, hiệu quả hay không mà thôi.
Đại dịch Covid-19 là phép thử toàn diện cho hệ thống quản trị xã hội - y tế - an sinh. Trong đó, chỉ nói riêng về mạng lưới y tế, từ hệ thống chăm sóc - điều trị chuyên môn cao cho đến chân rết y tế cơ sở - dịch tễ cộng đồng, tại Việt Nam nói chung, TP HCM nói riêng đã lộ ra nhiều điểm thiếu và yếu, dẫn đến trong từng giai đoạn chống dịch đã lúng túng, bất lực.
Chỉ đến khi cuộc huy động tổng lực của lực lượng chi viện từ các bệnh viện trong cả nước, của đội ngũ quân y, của “cánh” y tế tư nhân thì mới có thể cân bằng được phần nào với thực tiễn đầy khốc liệt. Chính vì vậy, lãnh đạo TP HCM xác định: Một trong những trụ cột trọng yếu của TP HCM ngay sau đại dịch là củng cố năng lực của hệ thống y tế cơ sở. Và sáng kiến đầu tiên đó chính là đưa 6,500 nhà thuốc tư nhân nằm rải rác khắp các khu dân cư, chợ, khu công nghiệp trên toàn thành phố trở thành những “trạm y tế”, để kết hợp cùng trạm y tế lưu động, tổ chăm sóc bệnh nhân Covid tại cộng đồng đảm bảo việc chăm sóc F0 tại nhà, phát hiện và xử lý bệnh nhanh -1 cách trong phương án chống dịch “đánh chặn từ xa”.
Từ đây mở ra một xu hướng đầu tư nhằm đáp ứng nhu cầu có thật: Đó là nền kinh tế chăm sóc sức khỏe con người, tạo lập và bảo vệ từ trước một “kháng thể” đủ sức chống đỡ với SARS-CoV2 lâu dài. Một khi đã xác định còn phải “sống chung” với virus thì con người, không còn cách nào khác, phải học cách tiến hóa và khắc chế, làm chậm lại sức tiến hóa của virus cúm. Trước khi đạt được một loại vaccine có tính đột phá cao, nghĩa là nó có khả năng thích ứng với mọi biến chủng của virus thì con người phải tự tích lũy kháng thể cho mình, dựng thành trì miễn dịch cộng đồng đủ vững để sống sót.
Trong điều kiện giãn cách, bộ công cụ chăm sóc sức khỏe từ xa, hoạt động 24/24h sẽ hình thành và phát triển một cách chuyên nghiệp, bài bản các dịch vụ chăm sóc bệnh nhân tại nhà, tư vấn, thăm khám, cấp thuốc… cùng với các mô hình tiên tiến, “thông minh” khác.
Đây cũng là 1 trong năm xu hướng đầu tư kinh doanh trong thời gian tới - tức sau làn sóng thứ 4 của đại dịch Covid-19 ở Việt Nam - mà Trưởng ban pháp chế VCCI Đậu Anh Tuấn đưa ra trong khuôn khổ hội thảo quốc gia Mekong Connect 2021 vừa qua. Kinh tế chăm sóc sức khỏe cũng là một trong ba xu hướng kinh tế chủ lực mà Chính phủ của ông Lý Hiển Long theo đuổi trong báo cáo “Kỹ năng tương lai” vừa công bố vào tháng 12/2021.
Chào năm 2022, với những xu hướng mới vốn được “khởi nghiệp” từ thực tiễn khốc liệt của 2021 mà con người - rốt cùng đã quay về với bản chất homo sapiens - người tinh khôn, biết khiêm nhường trước thiên nhiên, tôn trọng sự tiến hóa chung và củng cố sức mạnh từ bên trong - phía dưới - từng cá thể.
Lê Huyền Ái Mỹ
FILI
|