Bí bách nhà ở sau dịch
Đợt bùng phát dịch COVID-19 lần thứ 4 đã làm lộ rõ nhiều bất cập về an sinh xã hội, trong đó có vấn đề nhà ở cho công nhân. Bộ Xây dựng kiến nghị hàng loạt chính sách liên quan đến vốn, quỹ đất để nhà ở công nhân hiệu quả trong thời gian tới.
Nhà ở công nhân thiếu vì vướng cơ chế, chính sách. Ảnh: Ngọc Hà
|
Nguyên nhân vướng mắc
Nhu cầu nhà ở của công nhân hiện rất lớn. Theo báo cáo của Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, tính đến năm 2020, có khoảng 2,7 triệu công nhân khu công nghiệp, trong đó có khoảng 1,2 triệu công nhân có nhu cầu về nhà ở. Mục tiêu đề ra trong Chiến lược phát triển nhà ở quốc gia đến năm 2020 là phấn đấu đáp ứng cho khoảng 70% công nhân lao động tại các khu công nghiệp có nhu cầu được giải quyết chỗ ở.
Theo báo cáo của Bộ Xây dựng, tính đến cuối tháng 9, cả nước đã hoàn thành 266 dự án nhà ở xã hội khu vực đô thị, quy mô xây dựng hơn 142.000 căn, với tổng diện tích hơn 7,1 triệu m2; đang triển khai 278 dự án, với quy mô xây dựng khoảng 274.000 căn, với tổng diện tích 13,8 triệu m2. Trong đó, 121 dự án nhà ở xã hội dành cho công nhân khu công nghiệp đã hoàn thành việc đầu tư xây, với quy mô 54.000 căn hộ, với tổng diện tích 2,7 triệu m2; đang tiếp tục triển khai 100 dự án nhà ở xã hội dành cho công nhân khu công nghiệp với quy mô xây dựng khoảng 134.000 căn, tổng diện tích 6,7 triệu m2.
Đại dịch COVID-19 đã làm rõ một vấn đề rất lớn là nhà ở cho công nhân tại các khu công nghiệp thiếu trầm trọng, nhiều gia đình, nhóm công nhân phải ở trong các khu nhà trọ lụp xụp như “ổ chuột”, nhiều người ở trong phòng vỏn vẹn 10 - 12m2.
Trong thời gian giãn cách xã hội, mọi người không được ra khỏi nhà trong thời gian dài, từ 2-3 tháng, như tại TPHCM, Bình Dương, Hà Nội khiến cuộc sống trở nên bí bách, tù túng dẫn tới cuộc hồi hương bất đắc dĩ, tiềm ẩn nhiều nguy cơ lây lan dịch bệnh.
Nhu cầu lớn nhưng nguồn cung ít bởi theo ông Trần Ngọc Anh, Phó Tổng Giám đốc Tổng Công ty Viglacera (VGC), dù chính sách đã có nhiều, nhưng vẫn còn điểm nghẽn, gây khó khăn cho công nhân và cả những công ty tại khu công nghiệp.
Đáng chú ý, nhiều khu công nghiệp có đầy đủ và đồng bộ hạ tầng, tạo ra môi trường, cảnh quan rất hiện đại, đầy đủ nhưng công nhân không vào ở được vì vướng các quy định liên quan việc cho thuê. Cụ thể, theo quy định, công nhân muốn thuê phải đủ điều kiện như đóng bảo hiểm. Quy định này gây khó khăn vì công nhân vừa nhận việc làm chưa được ký hợp đồng ngay để đóng bảo hiểm.
Khu công nghiệp Yên Phong (tỉnh Bắc Ninh) có đến 100.000 công nhân, nhưng số lượng lao động vào các khu nhà ở chỉ khoảng 10.000 người, còn lại hơn 90.000 nghìn công nhân thuê nhà trọ.
“Qua đợt dịch COVID-19 vừa rồi, chúng tôi phải cho mượn để công nhân ở chứ không cho thuê được vì không có quy định doanh nghiệp KCN thuê cho công nhân”, ông Ngọc Anh nói.
Theo khảo sát của Viện Công nhân và Công đoàn năm 2020, thu nhập của công nhân (bao gồm cả tiền lương làm thêm giờ và các loại phụ cấp khác) trong khoảng từ 6,7 - 7,8 triệu đồng/người/tháng tùy ngành nghề. Với mức thu nhập này, nếu không được hỗ trợ từ gia đình và người thân, người lao động rất khó có đủ tiền để mua nhà ở xã hội cho công nhân.
|
Ông Phạm Văn Ân, Phó Tổng Giám đốc Tổng Công ty Đầu tư phát triển nhà và đô thị (HUD), nói rằng, doanh nghiệp làm nhà ở xã hội, nhà ở công nhân bị khống chế lãi 10%, nhưng do chịu nhiều loại chi phí không tên, số tiền thu được thực tế từ dự án rất thấp. Thậm chí, doanh nghiệp luôn phải đối mặt với lỗ khi bão giá và các chi phí lên cao.
Cần cơ chế dài hơi về vốn, quỹ đất
Ông Đào Công Hùng, Phó Giám đốc Sở Xây dựng Bắc Giang, cho rằng, trong quá trình triển khai nhà ở công nhân còn nhiều bất cập như quy hoạch xây dựng nhà ở công nhân chưa đồng bộ với khu công nghiệp, cụm công nghiệp. Các chủ đầu tư đang “bỏ quên” người lao động, chỉ tập trung vào nhà ở mang tính chất lợi nhuận.
Theo ông Hùng, Sở Xây dựng tỉnh Bắc Giang kiến nghị cho phép doanh nghiệp sản xuất trong khu công nghiệp sử dụng lao động được ký hợp đồng thuê nhà với chủ đầu dự án để cho công nhân mình thuê ở; công nhân khi thuê nhà ở chỉ cần có hợp đồng lao động tại các doanh nghiệp sản xuất trong các khu công nghiệp trên địa bàn tỉnh; quy hoạch khu công nghiệp phải quy hoạch đồng bộ khu dịch vụ trong khu công nghiệp để dành đất xây dựng nhà lưu trú cho công nhân ở.
Trao đổi với phóng viên Tiền Phong, ông Hà Quang Hưng, Phó Cục trưởng Cục Quản lý nhà và thị trường bất động sản (Bộ Xây dựng), cho rằng, để phát triển nhà ở công nhân khu công nghiệp, trong thời gian tới, cần nghiên cứu, sửa đổi Luật Nhà ở 2014 theo hướng ban hành cơ chế, chính sách riêng về đầu tư xây dựng nhà ở cho công nhân lao động tại các khu công nghiệp để khuyến khích, thúc đẩy phát triển loại nhà ở này.
Theo ông Hưng, để giải quyết bài toán công nhân, trước mắt, Bộ Xây dựng vừa đề xuất gói tín dụng 10.000 tỷ đồng cho Ngân hàng Chính sách xã hội, còn ngân hàng này tự huy động 10.000 tỷ đồng. Như vậy, gói này ra đời có 20.000 tỷ đồng cho nhà ở công nhân.
Về quỹ đất xây nhà ở công nhân, Bộ Xây dựng chỉ đạo các địa phương đưa chỉ tiêu nhà ở công nhân vào phát triển kinh tế hằng năm.
Ngọc Mai
Tiền phong
|