Yếu tố nào giúp lợi nhuận doanh nghiệp bảo hiểm tăng trưởng trong quý 3?
Phần lớn các doanh nghiệp bảo hiểm có lợi nhuận tăng trưởng trong quý 3 đều phụ thuộc vào sự biến động của chi phí hoạt động kinh doanh bảo hiểm.
Lợi nhuận quý 3 tăng trưởng nhờ tiết giảm chi phí bảo hiểm
Dữ liệu VietstockFinance cho thấy, trong quý 3, doanh thu thuần từ hoạt động kinh doanh bảo hiểm của 11 doanh nghiệp bảo hiểm trên cả 3 sàn HOSE, HNX, UPCoM đạt hơn 14,282 tỷ đồng, tăng thêm hơn 365 tỷ đồng, tương đương tăng nhẹ 3% so với cùng kỳ năm trước.
Nguồn: VietstockFinance
|
Bên cạnh đó, lợi nhuận từ hoạt động tài chính của các doanh nghiệp bảo hiểm cũng giảm 7% so với cùng kỳ, còn 2,245 tỷ đồng do doanh thu tài chính giảm 11%, còn 2,497 tỷ đồng.
Nguồn: VietstockFinance
|
Dù vậy, tổng lợi nhuận sau thuế của các doanh nghiệp bảo hiểm vẫn tăng 18%, đạt 1,140 tỷ đồng nhờ chi phí hoạt động kinh doanh bảo hiểm giảm nhẹ 2%, còn 12,903 tỷ đồng.
Cụ thể, có đến 7/11 doanh nghiệp bảo hiểm trên sàn có lợi nhuận sau thuế tăng so với cùng kỳ. Đáng chú ý, lợi nhuận ròng quý 3 của AIC (Tổng CTCP Bảo hiểm Hàng không) có mức tăng mạnh nhất.
Kết thúc quý 3, doanh thu phí bảo hiểm của AIC tăng 16% so với cùng kỳ năm trước, đạt hơn 415 tỷ đồng, dẫn đến doanh thu thuần từ hoạt động kinh doanh bảo hiểm tăng 10%, đạt hơn 319 tỷ đồng.
Trong khi đó, chi phí hoạt động kinh doanh bảo hiểm giảm 7% so với cùng kỳ, còn hơn 268 tỷ đồng chủ yếu do tổng chi bồi thường bảo hiểm giảm 25%, còn gần 69 tỷ đồng. Nhờ vậy, biên lãi gộp kinh doanh bảo hiểm tăng phi mã, gấp 14.5 lần cùng kỳ, lên gần 51 tỷ đồng.
Với kết quả kinh doanh bảo hiểm tích cực, AIC báo lãi ròng quý 3 gần 10 tỷ đồng, gấp 11.7 lần cùng kỳ dù lợi nhuận hoạt động tài chính giảm 11% và chi phí quản lý doanh nghiệp gấp 2.2 lần cùng kỳ.
Trái lại, với lợi nhuận sau thuế đạt 52 tỷ đồng, giảm 22% so với quý 3/2020, BMI (Tổng CTCP Bảo Minh) là doanh nghiệp bảo hiểm có lợi nhuận giảm mạnh nhất trong quý 3 năm nay. BMI cho biết nguyên nhân là do ảnh hưởng của dịch Covid-19 làm cho doanh thu phí bảo hiểm của Công ty giảm 10% so với cùng kỳ, còn gần 995 tỷ đồng nên doanh thu thuần từ hoạt động kinh doanh bảo hiểm giảm nhẹ 7%, đạt gần 842 tỷ đồng.
Lợi nhuận 9 tháng tăng trưởng tích cực
Mặc dù lợi nhuận quý 2 ảm đạm nhưng nhờ kết quả khởi sắc của quý 1 và quý 3 đã giúp lợi nhuận bảo hiểm 9 tháng đầu năm tiếp tục duy trì đà tăng trưởng tích cực.
Theo số liệu từ Tổng Cục Thống kê, doanh thu phí bảo hiểm toàn thị trường 9 tháng năm 2021 ước tính tăng 13% so với cùng kỳ năm trước (quý 3/2021 tăng 7%), trong đó doanh thu phí bảo hiểm lĩnh vực nhân thọ tăng 17%; lĩnh vực bảo hiểm phi nhân thọ tăng 5%.
Trong bối cảnh dịch Covid-19 diễn biến phức tạp và kéo dài, kênh phân phối sản phẩm bảo hiểm truyền thống như đại lý, ngân hàng… tiếp tục gặp khó khăn, các công ty bảo hiểm phi nhân thọ đã hợp tác với những doanh nghiệp lớn, đẩy mạnh các hình thức giới thiệu sản phẩm bảo hiểm trực tuyến nhằm thu hút khách hàng.
Nguồn: VietstockFinance
|
Theo dữ liệu của VietstockFinance, tổng lợi nhuận sau thuế của 11 doanh nghiệp bảo hiểm trên sàn chứng khoán trong 9 tháng đầu năm đạt 3,269 tỷ đồng, tăng 27% so với cùng kỳ năm trước.
Trong đó, với kết quả lợi nhuận bứt phá trong quý 3, AIC đạt gần 13 tỷ đồng lãi ròng sau 9 tháng, gấp 3.2 lần cùng kỳ chủ yếu do lợi nhuận gộp từ kinh doanh bảo hiểm gấp 4.8 lần cùng kỳ, đạt gần 121 tỷ đồng. Đây cũng là doanh nghiệp bảo hiểm có lợi nhuận tăng mạnh nhất trong 9 tháng đầu năm.
Nguồn: VietstockFinance
|
Ngược lại, PRE (Tổng CTCP Tái bảo hiểm PVI) là doanh nghiệp duy nhất có lợi nhuận sau thuế giảm trong 9 tháng đầu năm với mức giảm 15% so với cùng kỳ, còn 91 tỷ đồng do chi phí hoạt động kinh doanh bảo hiểm tăng nhanh hơn doanh thu.
Nhiều doanh nghiệp vượt kế hoạch 2021 sau 9 tháng
BLI (Tổng CTCP Bảo hiểm Bảo Long) là doanh nghiệp bảo hiểm đầu tiên vượt kế hoạch lợi nhuận cả năm từ quý 2.
Năm 2021, BLI đặt mục tiêu đạt 85 tỷ đồng lợi nhuận gộp từ hoạt động kinh doanh bảo hiểm, tăng 24%, trong khi dự kiến lợi nhuận trước thuế giảm 27%, còn hơn 61 tỷ đồng. So với kế hoạch này, sau 9 tháng, BLI đã vượt 130% mục tiêu lợi nhuận trước thuế.
Bên cạnh đó, PGI cũng đã hoàn thành mục tiêu lợi nhuận trước thuế cả năm 2021 chỉ sau 6 tháng đầu năm.
Năm 2021, PGI đặt mục tiêu đạt 202 tỷ đồng lợi nhuận trước thuế, giảm 7% so với thực hiện năm 2020. Sau 9 tháng, lợi nhuận ròng của PGI tăng 91% so với cùng kỳ, đạt 261 tỷ đồng, vượt 160% mục tiêu lợi nhuận cả năm.
Khang Di
FILI
|