Xét xử đại án cao tốc ngàn tỉ vừa đi đã hỏng: Nhà thầu 'đổ' trách nhiệm thuộc về VEC
Ngày 24.11, TAND TP.Hà Nội tiếp tục phiên xét xử các bị cáo vụ đại án đường cao tốc ngàn tỉ vừa đi đã hỏng cùng về tội “vi phạm quy định về đầu tư công trình xây dựng gây hậu quả nghiêm trọng”.
Trong ngày xét xử thứ hai này, HĐXX dành phần lớn thời gian xét hỏi nhóm bị cáo thuộc các nhà thầu thi công 7 gói thầu và đơn vị liên quan thi công giai đoạn 1 của dự án đường cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi.
Các bị cáo tại tòa. Anh Hùng
|
Các bị cáo bị đưa ra xét xử gồm: Nguyễn Mạnh Hùng, Lê Quang Hào, đều là cựu Phó tổng giám đốc Tổng công ty đầu tư phát triển đường cao tốc VN (VEC); Hoàng Việt Hưng, cựu Giám đốc Ban Quản lý dự án đường cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi, và 33 bị cáo khác nguyên là cán bộ, kỹ sư đơn vị tư vấn, giám sát.
Theo cáo buộc, các nhà thầu và đơn vị liên quan không làm đúng yêu cầu thiết kế, hồ sơ nghiệm thu thi công cũng bị các bên ghi khống số liệu. Đáng chú ý, vật liệu đá dăm để rải mặt đường không đạt yêu cầu, chứa nhiều tạp chất nên không đảm bảo kết dính. Kết quả giám định cho thấy các lớp nền, móng, mặt đường thuộc giai đoạn 1 không đảm bảo tiêu chuẩn. Hậu quả khiến đoạn cao tốc dài 65 km từ TP.Đà Nẵng đến TP.Tam Kỳ (Quảng Nam) chằng chịt “ổ gà”, nứt gãy, hư hỏng khi vừa được đưa vào sử dụng.
Tại tòa, bị cáo Phan Ngọc Thơm, cựu Phó giám đốc Ban điều hành liên danh gói thầu số 3B, cho rằng đơn vị mình đã làm đúng yêu cầu của chủ đầu tư và cần có một cơ quan giám định chuyên ngành sâu hơn để đánh giá lại những sai sót về kỹ thuật, vật liệu. Về cáo buộc sử dụng đất và đá dăm kém chất lượng, bị cáo Thơm khai trước khi nhận đá dăm, liên danh 3B và các nhà thầu đã được chủ đầu tư và đơn vị liên quan chấp thuận việc sử dụng vật liệu này, mới được phép đưa vào sử dụng, chính vì vậy việc cao tốc không đạt chất lượng do vật liệu thuộc về VEC.
Ngoài ra, bị cáo Thơm khai trước khi thi công, đơn vị của bị cáo đã đệ trình chủ đầu tư về việc thi công thử ngay trên nền đường chính và được chấp thuận, nên bị cáo không biết việc này cho đến khi cơ quan điều tra cho xem văn bản của Bộ GTVT. Chính vì vậy, bị cáo Thơm quy trách nhiệm thêm cho VEC trong việc cho phép thi công thử ngay trên nền đường chính.
Đã cảnh báo lên cấp trên nhưng không ai có động thái gì?
Khai trước tòa, bị cáo Hoàng Trung Hậu, cựu kỹ sư vật liệu gói thầu số 1 và 2, cho rằng khi phát hiện vật liệu có dấu hiệu kém chất lượng, nhiều người đã cảnh báo lên cấp trên, nhưng không ai có động thái gì. Bị cáo Hậu cho rằng do bị động, áp lực về công việc, khối lượng quá lớn, nên phải tiếp tục thực hiện công việc theo phân công, khó tránh khỏi thiếu sót trong quá trình thi công.
Bên cạnh đó, trong ngày xét xử thứ hai, hầu hết bị cáo thuộc các đơn vị thầu đều thừa nhận đã bỏ qua việc đo hệ số thấm nước của lớp rải mỏng tạo lớp nhám cho đường (VTO), vì cho rằng đây chỉ là chỉ tiêu phụ và đã có thống nhất với bên tư vấn. Việc này dẫn đến nhiều phần đường không đảm bảo chất lượng, gây hư hỏng khi vận hành do lớp vật liệu kết cấu không đảm bảo tiêu chuẩn kỹ thuật, lớp VTO hư hỏng vỡ vụn, rời rạc khi bị nước và tải trọng tác động. Nhóm bị cáo này mong HĐXX xem xét lại kết luận giám định để làm rõ bản chất vụ án, cho rằng mình bị quy trách nhiệm quá lớn.
Tuy nhiên, trước đó, trong ngày xét xử đầu tiên, bị cáo Nguyễn Mạnh Hùng, cựu Phó tổng giám đốc VEC, lại cho rằng trách nhiệm chính trong sai phạm phải thuộc về Ban quản lý dự án, tư vấn giám sát và các nhà thầu thi công. Bị cáo Hùng nhiều lần khẳng định với vai trò phụ trách, bị cáo đã thường xuyên có văn bản nhắc nhở chung về việc đảm bảo chất lượng công trình. Ngoài ra, việc nghiệm thu và chấp thuận thi công thử cũng không phải chức năng của chủ đầu tư mà thuộc về Ban quản lý dự án. Đặc biệt, bị cáo Hùng còn dẫn lại hợp đồng về quy định việc đảm bảo nguồn vật liệu đủ và đúng chất lượng là trách nhiệm của nhà thầu, vì vậy bị cáo chỉ nhận trách nhiệm gián tiếp. Hôm nay (25.11), tòa sẽ tiếp tục phần xét hỏi.
Trần Cường
Thanh niên
|