'Xẻ thịt' đồi chè: Đất đẹp view hồ, có thanh tra thì... giấu
Tại một khu đất được người bán gọi là “dự án nghỉ dưỡng” nằm lọt trong vùng đồi thấp trồng bắp (ngô) ở xã Đam B’ri (TP Bảo Lộc, tỉnh Lâm Đồng), khi nhóm người bán rời đi, chúng tôi lân la vào nhà dân thì thấy hàng lô lốc các hàng rào sắt màu trắng nằm chất đống. Theo tìm hiểu, đây là các hàng rào dùng để chụp hình giới thiệu phân lô các khu đất, được tháo ra, mang đi giấu để đối phó với nhà chức trách.
Khi “view hồ” là cái ao tự đào của… hàng xóm
Như chúng tôi có bài ghi nhận ở kỳ trước, hầu hết các “dự án nghỉ dưỡng” mà chúng tôi đến xem đều nằm khuất trong các đồi trồng chè, cà phê và các loại cây hoa màu khác. Cũng gần như chung một mẫu số, hầu hết các mảnh đất này đều được quảng cáo là view hồ (có phong cảnh, tầm nhìn liên quan đến hồ-NV).
Đây là những hàng rào sắt được tháo ra, cất giấu vào nhà dân cạnh bên các khu đất được rao bán khi tỉnh Lâm Đồng mở cuộc thanh tra. Ảnh: Đại Dương
|
Tất nhiên, giữa vùng đồi núi Bảo Lộc, không khó để thấy những hồ nước nho nhỏ nằm dưới chân đồi. Trong số này, có những hồ nước tự nhiên và cũng không ít ao, hồ được đào, phục vụ công tác tưới tiêu cây trồng và dù hồ tự nhiên hay ao nhân tạo, tất cả đều được gọi là “view hồ” trong các quảng cáo bán đất cũng như những lời giới thiệu của môi giới.
Ở một khu đất được rao bán nằm lọt trong vùng đồi thấp trồng bắp (ngô) ở xã Đam B’ri (TP Bảo Lộc), khi nhóm người bán rời đi, chúng tôi lân la vào nhà dân thì thấy hàng lô lốc các hàng rào sắt màu trắng nằm chất đống. Những tấm hàng rào sơn trắng này rất dễ nhìn thấy ven các triền đồi tại Đam B’ri – người ta dùng để chia từng khu đất nhỏ trông rất vuông vức.
Trong vai những người đi mua đất, muốn mua khu đất rộng hơn, chúng tôi gặp những người nông dân ven vùng này. Anh K., một chủ đất ở đây cho biết sau khi phả bỏ cây lâu năm, họ cho thuê đất đề người nông dân trồng tạm cây ngắn ngày.
Cái hồ trên đất của anh là do gia đình thuê người đào nhằm trữ nước tưới cây. Nước lấy từ suối nên hồ này không cạn và lâu ngày nên nhìn từ xa giống như hồ tự nhiên. Ấy vậy mà, trong tất cả các lời quảng cáo, rao bán đất, cái hồ nho nhỏ kia đều được “đính” vào như một cách tự nhiên nhằm tăng giá trị (về mặt phong cảnh) cho khu đất. “Họ quảng cáo là việc của họ, mình nói làm gì”, anh K. nói và chỉ về hàng rào mà anh dựng lên để chứng minh hồ nước không liên quan gì khu đất “phân lô bán nền” mà chúng tôi xem trước đó.
“Những con đường nội bộ kia làm cho đẹp, có cả hàng rào. Vừa rồi có đợt thanh tra nên họ tháo ra và gửi vào rẫy của tôi. Chắc vài hôm nữa lại mang ra lắp lại, nhìn đẹp lắm”, anh K. nói và giải thích khi chúng tôi hỏi về những chiếc rào sắt sơn trắng còn rất mới.
Qua cuộc trò chuyện, anh K. nói rằng mình sống ở đây vài chục năm mà chưa bao giờ thấy cảnh phân lô, bán nền diễn ra như hiện nay. Theo anh, một phần do người nông dân không thể “đổi đời” từ việc trồng cây chè, cây cà phê bởi có năm thì lãi nhưng cũng có năm chi phí phân bón, tưới tiêu, chăm sóc cao mà giá bán sau thu hoạch quá thấp khiến nhiều người ôm nợ. “Bán mảnh đất vài tỉ đồng, ra trung tâm để đổi đời cũng là cách chọn lựa của nhiều người. Đất thì người này mua rồi bán cho người kia, giá cứ thế được đẩy lên”, anh nói.
Đây là những hàng rào sắt được tháo ra, cất giấu vào nhà dân cạnh bên các khu đất được rao bán khi tỉnh Lâm Đồng mở cuộc thanh tra. Ảnh: Đại Dương
|
Có dấu hiệu của hành vi hủy hoại đất
Giữa tháng 10-2021, Thanh tra tỉnh Lâm Đồng đã có thông báo kết luận thanh tra liên quan đến trách nhiệm quản lý đất đai đối với Chủ tịch UBND TP Bảo Lộc cũng như các cơ quan hữu trách ở xã Đam B’ri và phường Lộc Phát.
Trong kết luận thanh tra, hầu hết các “dự án” ven TP Bảo Lộc cũng như tại các xã, phường trên đều sai phạm. Kết luận thanh tra chỉ ra rằng công tác chỉ đạo của Thành uỷ, công tác quản lý của UBND TP Bảo Lộc còn lúng túng, chưa chặt chẽ, chưa kiên quyết, dẫn đến việc nhiều trường hợp vi phạm nhưng chưa được xử lý.
Đây là những hàng rào sắt được tháo ra, cất giấu vào nhà dân cạnh bên các khu đất được rao bán khi tỉnh Lâm Đồng mở cuộc thanh tra. Ảnh: Đại Dương
|
Đơn cử, một số trường hợp, người sử dụng đất đã hiến đất, sau đó tiếp tục xây dựng công trình, cá biệt có một số điểm còn làm hàng rào, xây dựng nhà bảo vệ là hành vi lấn chiếm đất công (vì đã hiến quyền sử dụng đất cho Nhà nước). Từ đó cho thấy bản chất của việc hiến đất chủ yếu vẫn là nhằm mục đích phân lô, tách thửa, phục vụ lợi ích cá nhân chứ không phải là để phục vụ lợi ích công cộng, không thuộc đối tượng được Nhà nước khuyến khích.
Việc xây dựng các công trình giao thông với kết cấu bê tông nhựa, bê tông xi măng, cá biệt có điểm xây dựng cả vỉa hè, dựng trụ điện trên đất nông nghiệp là hành vi sử dụng đất không đúng mục đích; có dấu hiệu của hành vi hủy hoại đất theo quy định tại khoản 25 Điều 3 Luật Đất đai năm 2013 và được quy định chi tiết tại khoản 3 Điều 3 Nghị định số 91/2014/NĐ-CP ngày 19/11/2015 của Chính phủ về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực đất đai.
(Trích kết luận của Thanh tra tỉnh Lâm Đồng tháng 10-2021).
|
Kết luận thanh tra cũng chỉ ra rằng, việc tự ý xây dựng đường giao thông không tuân thủ các quy định về trình tự, thủ tục về xây dựng các “công trình công cộng” do người dân tự xây dựng không có hồ sơ thiết kế, nghiệm thu công trình hoàn thành… là không đủ cơ sở pháp lý.
Qua công tác thanh tra, việc đầu tư xây dựng mới các tuyến đường của các cá nhân trên địa bàn phường Lộc Phát và xã Đạm B’ri, TP Bảo Lộc đều không có cấp giấy phép xây dựng, không được các cơ quan nhà nước có thẩm quyền phê duyệt hoặc chấp nhận về hướng tuyến công trình; toàn bộ diện tích đất được các cá nhân hiến đất làm đường (đã hình thành các con đường) chưa được chính quyền địa phương “nhận hiến”, đưa vào quỹ đất công để quản lý. Việc hình thành các con đường không theo quy hoạch, kế hoạch của địa phương nên gián tiếp ảnh hưởng đến các chỉ tiêu cơ cấu sử dụng đất theo quy hoạch sử dụng đất đã được duyệt và làm giảm hiệu quả sử dụng đất (đất nông nghiệp nhưng hiện trạng sử dụng vào mục đích phi nông nghiệp).
Bên cạnh đó, tiềm ẩn nguy cơ hình thành các điểm dân cư mới không đúng quy hoạch do hiện nay diện tích này được rao bán dưới hình thức các “dự án bất động sản” để lừa đảo đối với người mua.
Theo số liệu từ cổng thông tin của Viện Chính sách và Chiến lược phát triển nông nghiệp – nông thông (Bộ NN&PTNT), diện tích trồng chè tại “thủ phủ chè” Lâm Đồng đang sụt giảm mạnh. Công bố của viện này cho thấy, sau nhiều năm giảm đều (khoảng 1.000 ha/năm), tới tháng 9-2017 trên toàn tỉnh còn hơn 20.950 ha. Tiếp tục giảm, đến tháng 9-2018, diện tích chè giảm tuột dốc chỉ còn khoảng 12.700 ha, tức trong vòng một năm giảm hơn 8.000 ha. Tại huyện Bảo Lâm và TP Bảo Lộc, hai địa phương chiếm 70% diện tích trồng chè của cả tỉnh (khoảng gần 17.000 ha vào năm 2015) nhưng chỉ sau vài năm, diện tích đã giảm hẳn gần một nửa.
|
Hoàng Bảo-Lê Vũ
TBKTSG
|