Vốn ngoại chọn Việt Nam là “bến đỗ”, bất động sản công nghiệp Việt tiếp tục sôi động
Dịch Covid-19 với nhiều diễn biến phức tạp đã khiến bất động sản công nghiệp có lúc chao đảo. Nhưng với sự cam kết hỗ trợ từ phía Chính phủ Việt Nam, thị trường này đang hứa hẹn nhiều tiềm năng…
Chỉ số sản xuất công nghiệp của Việt Nam trong tháng 10/2021 chỉ còn giảm 1,6% (tháng 9/2021 giảm 7,5% so với cùng kỳ năm ngoái), khi Chính phủ nới lỏng giãn cách xã hội.
|
Việt Nam đang có 394 khu công nghiệp với diện tích 121.900ha, trong đó, có 286 khu công nghiệp đang hoạt động, tỷ lệ lấp đầy bình quân đạt gần 72%. Còn lại 108 khu công nghiệp đang được xây dựng hoặc trong giai đoạn đền bù, giải phóng mặt bằng.
VỐN NGOẠI VẪN CHỌN VIỆT NAM
Theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, trong 9 tháng đầu năm 2021, vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) “chảy” vào lĩnh vực sản xuất và chế biến đạt 11,83 tỷ USD, gồm: vốn đăng ký mới đạt gần 5,5 tỷ USD, vốn bổ sung 5,55 tỷ USD và vốn góp 805 triệu USD.
Nguồn: Bộ Kế hoạch và Đầu tư; Savills Việt Nam.
|
Khu vực phía Bắc chiếm gần 73% tổng vốn FDI đăng ký mới, miền Trung chiếm 19,4%, miền Nam chiếm 7,6%.
Ghi nhận của Savills Việt Nam tại báo cáo Tổng quan thị trường Bất động sản công nghiệp 2021, cho thấy các thương vụ FDI trong lĩnh vực sản xuất tại phía Bắc phải kể đến công ty Kraft Vina (Nhật Bản) sản xuất sản phẩm từ giấy, đã đầu tư 611 triệu USD vào khu công nghiệp Bình Xuyên tại tỉnh Vĩnh Phúc.
Đều hoạt động sản xuất linh kiện điện tử, 02 công ty Jinko Solar (Hồng Kông) và JA Solar Investment (Trung Quốc) đã đầu tư lần lượng 498 triệu USD vào khu công nghiệp Amata Quảng Ninh (Quảng Ninh) và 210 triệu USD vào khu công nghiệp Quang Châu (Bắc Giang).
Hoạt động về thiết bị điện tử, công ty Foxconn Technology (Singapore) và BYD Electronics (Hồng Kông) cũng đã đầu tư lần lượt 270 triệu USD vào khu công nghiệp Phú Hà IP (Phú Thọ) và 269 triệu USD vào khu công nghiệp Quang Châu (Bắc Giang).
Tại phía Nam, công ty đến từ Singapore là ILD Coffee Holding hoạt động về thực phẩm và đồ uống, đã đầu tư 78 triệu USD vào khu công nghiệp Portrade (Bình Dương).
Tỉnh Bình Phước cũng thu hút 2 doanh nghiệp Pingfu Home Products (Mỹ) hoạt động về sản phẩm từ kim loại và công ty CPV Foods (Thái Lan) hoạt động về thực phẩm và đồ uống đầu tư lần lượt 60 triệu USD và 36 triệu USD vào khu công nghiệp Minh Hưng và Becamex Bình Phước.
Tại Đồng Nai, công ty Ojitex (Nhật Bản) sản xuất sản phẩm từ giấy đã đầu tư 60 triệu USD vào khu công nghiệp Lộc An – Bình Sơn.
Tại Tây Ninh, công ty Top Sports Textiles (Quần đảo Virgin thuộc Anh) hoạt động về dệt may đã đầu tư 48 triệu USD vào khu công nghiệp Thành Thành Công.
Một tín hiệu tích cực trong 10 tháng đầu năm nay, Chỉ số Quản lý thu mua (PMI) đã tăng trở lại, vượt ngưỡng 50 điểm (sau khi lao dốc về mức 40,2 điểm vào tháng 7 và 8/2021) và đạt 52,1 điểm.
Chỉ số PMI trong tháng 10/2021 đã tăng trở lại ở mức 52,1 điểm sau 4 tháng sụt giảm mạnh về mức 40,2 điểm vì giãn cách xã hội.
|
Đây là lần tăng trưởng đầu tiên kể từ tháng 5/2021, khi số ca nhiễm Covid-19 giảm bớt. Sản lượng và số đơn đặt hàng mới tăng, hoạt động mua hàng được mở rộng. Giá bán tăng với tốc độ rõ rệt, nhanh nhất trong 5 tháng và đạt mức cao nhất trong 29 tháng. Niềm tin được củng cố với hy vọng đại dịch sẽ trong tầm kiểm soát.
Bên cạnh đó, Chỉ số sản xuất Công nghiệp (IIP) đã giảm chậm lại trong tháng 10/2021, chỉ giảm 1,6% so với năm ngoái, và thấp hơn mức giảm 7,5% của tháng 9/2021. Do đó, trung bình 10 tháng đầu năm nay, sản lượng công nghiệp tăng 3,3% so với cùng kỳ năm ngoái.
Với những tín hiệu tích cực, Việt Nam đang dần trở thành “bến đỗ” của nhiều doanh nghiệp nước ngoài, giúp bất động sản công nghiệp là phân khúc tiềm năng nhất của thị trường.
NHỘN NHỊP TRONG DỊCH
Theo Bộ Xây dựng, bất động sản công nghiệp đã có lúc chao đảo khi dịch Covid-19 tái bùng phát lần thứ 4 trong quý 3/2021 vừa qua.
Hoạt động giãn cách xã hội kéo dài, chuỗi sản xuất, cung ứng bị đứt gãy, xuất nhập khẩu đình trệ khiến một số doanh nghiệp phải chuyển dịch đơn hàng khỏi Việt Nam để ứng phó với tình hình dịch bệnh, và đã hình thành nên những bức tranh khác nhau giữa hai miền Bắc – Nam.
Tại phía Nam, thị trường trở nên trầm lắng, không có nguồn cung mới. Phía Bắc, ghi nhận sôi động cùng nhiều nguồn cung mới, giá thuê trở lại đà tăng nhanh.
Ghi nhận của Savills Việt Nam trong 9 tháng đầu năm 2021, cho thấy tại các khu công nghiệp phía Bắc, tỷ lệ lấp đầy bình quân đạt 87%, tăng 2,3%. Giá thuê đất bình quân 100 USD/m2, tăng 9,8% so với cùng kỳ năm ngoái.
Giá thuê đất cao nhất là Hà Nội 129 USD/m2, tăng 1%, tỷ lệ lấp đầy 91%. Tiếp đến là Bắc Ninh 106 USD/m2, tăng 11%, tỷ lệ lấp đầy 99%. Hưng Yên giá thuê đất là 101 USD/m2, tăng 22%, tỷ lệ lấp đầy 88%. Hải Dương 79 USD/m2, tăng 4%, tỷ lệ lấp đầy 86%...
Nguồn cung mới tại miền Bắc được ghi nhận chủ yếu từ khu công nghiệp Phố Nối A (Hưng Yên), khu công nghiệp Yên Phong 2C (Bắc Ninh), khu công nghiệp Nam Đình Vũ (Hải Phòng). Ngoài ra, thị trường ở các tỉnh như Thái Bình, Phú Thọ, Vĩnh Phúc cũng có nhiều dự án lớn.
Bộ Xây dựng
|
Đối với giá thuê kho xưởng xây sẵn bình quân đạt 4,6 USD/m2/tháng, tăng 12,2% so với cùng kỳ năm ngoái.
Tại các tỉnh phía Nam, tỷ lệ lấp đầy bình quân ở các khu công nghiệp ở mức 87%, tăng 2,3%. Giá thuê đất bình quân 115 USD/m2, tăng 10,5% so với cùng kỳ năm ngoái.
Giá thuê đất cao nhất tại TP.HCM 161 USD/m2, tăng 9% so với cùng kỳ năm ngoái, tỷ lệ lấp đầy 100%. Tiếp đến là Long An 138 USD/m2, tăng 12%, tỷ lệ lấp đầy 84%. Bình Dương 108 USD/m2, tăng 1%, tỷ lệ lấp đầy 91%. Đồng Nai 104 USD/m2, tăng 6%, tỷ lệ lấp đầy 95%.
Đặc biệt, Bà Rịa – Vũng Tàu giá thuê tăng tới 45% lên mức 94 USD/m2, tỷ lệ lấp đầy 80%.
Đối với giá thuê kho xưởng xây sẵn bình quân đạt 4,7 USD/m2/tháng, tăng 6,8% so với cùng kỳ năm ngoái.
TIẾP TỤC KHẲNG ĐỊNH TIỀM NĂNG
Theo Savills Việt Nam, để bắt kịp chuỗi cung ứng và thực hiện chiến lược 4.0, ngành sản xuất có thể đạt mức tăng trưởng 16% vào năm 2030, nếu các doanh nghiệp vừa và nhỏ bắt đầu triển khai các công nghệ cấp trung bình. Công nghệ mới có thể giúp lĩnh vực này tăng thêm 7-14 tỷ USD.
Bằng cách nâng cao chuỗi giá trị, các đối thủ bắt đầu nâng cấp năng lực sản xuất của mình. Sử dụng công nghệ mới nổi như: trí tuệ nhân tạo (AI), in 3D…
Thí dụ, Vingroup đã bắt đầu sử dụng 1.200 robot của ABB trong một số quy trình hàn của mình. KTG Industrial JSC đã phát triển nhà xưởng xây sẵn sử dụng công nghệ 4.0 tại tỉnh Đồng Nai…
Chi phí nhân công tại Việt Nam thấp hơn nhiều quốc gia trong khu vực.
|
Trong khi đó, mức lương nhân công ngành sản xuất năm 2021 tại Việt Nam đang thấp hơn nhiều quốc gia trong khu vực khi ở mức 315 USD/người/tháng (7,4 triệu đồng/người/tháng).
Mức lương này đang thấp hơn so với Trung Quốc là 1.072 USD/người/tháng, Malaysia là 784 USD/người/tháng, Thái Lan là 407 USD/người tháng. Cao hơn so với Indonesia là 203 USD/người/tháng. Đây là lợi thế về chi phí nhân công thấp của Việt Nam đối với nhiều nhà đầu tư ngoại.
Việt Nam cũng đang hướng tới tăng cường công nghệ sạch và mức carbon thấp, do đó, thời gian tới sẽ tạo ra nhiều khu công nghiệp sinh thái nhằm giảm thiểu sự phát thải khí nhà kính và các chất gây ô nhiễm nước, cải thiện hiệu quả sử dụng nước và quản lý hóa chất.
Sẽ có 5 khu công nghiệp được chọn làm dự án thử nghiệm sẽ được đánh giá hiệu quả hoạt động sau 3 năm. Hiện đã có khu công nghiệp DEEP C Hải Phòng 1 , do Châu Âu quản lý duy nhất tại Việt Nam cung cấp các dịch vụ, tiện ích và cơ sở hạ tầng chất lượng Châu Âu.
Theo ông John Campbell, Trưởng bộ phận, Dịch vụ Bất động sản công nghiệp, Savills Việt Nam, kế hoạch mở cửa trở lại của Chính phủ đã củng cố niềm tin cho doanh nghiệp và nhà đầu tư. Trong đó, việc mở cửa những chuyến bay quốc tế sẽ là một trong những yếu tố tiên quyết cho năm 2022 phục hồi hơn nữa.
Nhận định về động sản công nghiệp, Bộ Xây dựng cho rằng Việt Nam vẫn được đánh giá là điểm đến hấp dẫn nhờ những lợi thế về nguồn nhân lực, các hiệp định thương mại tự do (FTA) đa dạng và những cam kết của Chính phủ trong việc phát triển hạ tầng. Khi dịch sớm được kiểm soát, bất động sản công nghiệp sẽ là “điểm sáng” của thị trường.
Ban Mai
VnEconomy
|