Thứ Sáu, 26/11/2021 09:00

VN-Index vượt cứ điểm 1,500: Lần này khác đỉnh xưa?

Chỉ cần 4 phiên tăng điểm, nhóm ngân hàng đã giúp VN-Index đánh chiếm cứ điểm 1,500 một cách dễ dàng.

Khi thị trường đối mặt với phiên giảm điểm mạnh nhất trong gần 2 tháng vào ngày 19/11, một số dự báo cho rằng xu hướng điều chỉnh mạnh có thể kéo dài cho đến hết thời gian còn lại của năm 2021. Nhưng trong lúc tưởng chừng khó khăn nhất, nhóm cổ phiếu ngân hàng lần nữa sắm vai người hùng khi đưa VN-Index trở lại đường đua.

Thực tế, nhóm cổ phiếu ngân hàng chỉ tăng mạnh 4 phiên gần đây. Và nhờ chiếm tỷ trọng lớn trong tổng vốn hóa, cổ phiếu ngân hàng nhanh chóng đưa VN-Index vượt thành công mốc 1,500 điểm ngay trong sáng ngày 25/11/2021.

Tính từ mức thấp nhất của VN-Index trong gần 1 tháng qua tại 1,436 điểm (phiên 19/11), đến nay, chỉ số sàn HOSE đã bật tăng tổng cộng 64 điểm, riêng nhóm cổ phiếu ngân hàng đóng góp hơn 50% điểm số. VCB là cổ phiếu ảnh hưởng lớn nhất, tiếp đến là CTG, TCB, MBB, VIB,…

Như vậy, VN-Index lần đầu tiên trong lịch sử đã “diện kiến” mốc 1,500.

Trở lại thời điểm đầu năm nay, chỉ số chính trên thị trường đã phải khá chật vật trong suốt quá trình chinh phục mốc tâm lý 1,200 điểm. Có nhiều nguyên nhân khiến mốc 1,200 điểm trở nên khó đánh chiếm, vừa do yếu tố nội lực (dòng tiền) chưa đủ mạnh vừa chịu sức ép từ tâm lý nhà đầu tư cũng như yếu tố về kỹ thuật (mốc kháng cự mạnh vì được kiểm định 2 lần trong quá khứ vào tháng 04/2018 và tháng 03/2007). Sau khi kiểm tra mốc 1,200 điểm không thành (tháng 1/2021), VN-Index đã điều chỉnh giảm 200 điểm, lùi về mốc 999 điểm.

Sau cú sụp chóng vánh đó, VN-Index đã bứt phá thành công vượt mốc 1,200 điểm và chinh phục luôn đỉnh 1,400 điểm.

Khi ở mức đỉnh 1,400 điểm, VN-Index cũng không mất nhiều thời gian để vượt qua, nhưng sau đó lại là những phiên điều chỉnh giảm mạnh (giảm xấp xỉ 200 điểm) - điều tương tự như khi VN-Index test đỉnh 1,200 điểm.

Trở lại với diễn biến hiện tại, liệu mức đỉnh 1,500 điểm lần này có được giữ vững lâu hơn, có gì khác hơn so với các vùng đỉnh cũ?

So với thời điểm VN-Index vượt đỉnh 1,200 và 1,400 điểm, sự khác nhau lớn nhất ở thời điểm này chính là ở dòng tiền đổ vào thị trường. Dữ liệu VietstockFinance cho thấy trong các tháng đầu năm 2020, thanh khoản trên 2 sàn niêm yết ở quanh mức trung bình 5 ngàn tỷ đồng/phiên. Cuối năm 2020, thanh khoản bứt phá và lập nền mới ở mức 15 ngàn tỷ đồng.

Thị trường tiếp tục sôi động và tạo mặt bằng mới ở vùng 20-25 ngàn tỷ đồng trong giai đoạn từ tháng 5-10/2021. Từ đầu tháng 11/2021, thanh khoản bứt phá và tạo nền mới cao kỷ lục với giá trị giao dịch bình quân trên 2 sàn niêm yết đạt trên 37 ngàn tỷ đồng/phiên, cao hơn 60% so với bình quân 10 tháng đầu năm 2021.

Tiền chính là động lực lớn nhất thúc đẩy thị trường lúc này. Quan sát những phiên gần đây, dòng tiền bắt đáy luôn sẵn sàng tham gia vào thị trường mỗi khi chỉ số chung giảm sâu, với trọng tâm là nhóm ngân hàng. Do đó, không lấy gì làm lạ khi ngân hàng chính là nhóm đưa chỉ số chinh phục cứ điểm 1,500 dù rằng trước đó, đây là nhóm giảm điểm khá sâu và cũng từng khiến giới đầu tư buồn lòng.

Câu hỏi là điều gì thúc đẩy nhóm ngân hàng lại “trở mình” lúc này? Trước đó, cổ phiếu ngân hàng chịu áp lực trước các chính sách tái cơ cấu nợ, miễn giảm lãi phí, buộc hy sinh một phần lợi nhuận để hỗ trợ khách hàng. Bên cạnh đó là những lo ngại về nợ xấu gia tăng do ảnh hưởng của dịch bệnh kéo theo áp lực trích lập dự phòng.

Thế nhưng, thông tin lan truyền một số ngân hàng được nới room tín dụng ngay trong những tháng còn lại cuối năm nay đã xóa tan mối lo ngại trước đó. Kết quả thì như đã biết, ngân hàng lần nữa mở ra một thời kỳ mới cho VN-Index.

Có một lý do nữa để nhà đầu tư tin rằng thị trường (vốn đang được cổ phiếu ngân hàng dẫn dắt) sẽ không điều chỉnh mạnh (nếu có) đó chính là nhóm ngân hàng thực tế cũng chỉ mới tăng lại khoảng 4, 5 phiên gần đây sau những ngày dài giảm và tích lũy trước đó. Nói theo cách nhà đầu tư thường kháo nhau trên thị trường chứng khoán là những ai mua cổ phiếu ngân hàng ở đỉnh thậm chí còn chưa được “về bờ”.

Do vậy, nếu tin tưởng cổ phiếu ngân hàng còn triển vọng tăng giá thì cũng có nghĩa thị trường còn được “nâng đỡ”.

Có vẻ như VN-Index đã điều chỉnh xong trong ngắn hạn và tăng trở lại trong những ngày gần đây. Mặc dù vậy, nhà đầu tư cũng nên thận trọng trước khả năng điều chỉnh ở các mốc tâm lý quan trọng như đã từng ở hai lần VN-Index kiểm tra đỉnh 1,200 và 1,400 điểm.

Dũ Lang

FILI

Các tin tức khác

>   DPR: Thông báo công văn của UBCKNN về hồ sơ thông báo tỷ lệ SHNN tối đa của DPR (25/11/2021)

>   TDH: Thông cáo báo chí về việc TGĐ bị bắt (25/11/2021)

>   Bán khớp lệnh giá trần hơn 10 triệu cp OCH để thi hành án (25/11/2021)

>   Top cổ phiếu đáng chú ý đầu phiên 26/11 (26/11/2021)

>   PET: Thông báo thay đổi người được ủy quyền thực hiện CBTT (25/11/2021)

>   MSB: Thông báo Quyết định của NHNN về việc sửa đổi nội dung Giấy phép thành lập và hoạt động của MSB (25/11/2021)

>   TDH: Giấy ủy quyền điều hành công việc thẩm quyền TGĐ (25/11/2021)

>   TDH: Tổng Giám đốc bị bắt, giá cổ phiếu lao dốc (25/11/2021)

>   HTM: Giấy chứng nhận đăng ký địa điểm kinh doanh (25/11/2021)

>   Phân tích kỹ thuật phiên chiều 25/11: VN-Index test ngưỡng Fibonacci Projection 61.8% (25/11/2021)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật