TTCK: Cẩn trọng dòng tiền nóng
Thông tin về các gói hỗ trợ của Chính phủ là một trong những yếu tố khiến TTCK lên cơn sốt. Tuy nhiên, việc chạy theo sóng tăng này chứa đựng rất nhiều rủi ro khi dòng tiền rút khỏi thị trường.
Ảnh minh họa
|
Gói hỗ trợ “kích” chỉ số
Việc VN Index liên tục xác định đỉnh lịch sử trong nửa đầu tháng 11 nhờ yếu tố hỗ trợ chính, là việc dỡ bỏ giãn cách xã hội trên diện rộng và từng bước mở cửa trở lại các hoạt động tại TPHCM.
Bên cạnh đó, một số thông tin về các gói hỗ trợ từ Chính phủ trong tháng 10 đã tác động tích cực đến tâm lý thị trường, nhất là thông tin Bộ Kế hoạch - Đầu tư trình Chính phủ chương trình phục hồi và phát triển kinh tế sau đại dịch Covid-19, với gói hỗ trợ quy mô khoảng 800.000 tỷ đồng.
Theo giới phân tích, gói hỗ trợ này nếu được thực thi sẽ đẩy nhanh tốc độ phục hồi của nền kinh tế. Dự báo tăng trưởng GDP giai đoạn 2021-2025 sẽ cao hơn nhờ gói hỗ trợ này khi đạt 6,5-7% so với mức 6,4-6,8% như ước tính trước đây.
Dù thông tin trên chưa được xác nhận nhưng cũng giúp tâm lý thị trường tích cực hơn nhờ dòng vốn đổ mạnh vào thị trường.
Nhìn vào lịch sử các thị trường khu vực như Indonesia và Thái Lan, tác động tích cực trong ngắn hạn có thể dự đoán được. Chẳng hạn, trong 10 ngày sau khi thông tin về việc phê duyệt gói hỗ trợ trị giá 4,5 tỷ USD, chỉ số SET (Thái Lan) đã tăng 1%, trong khi TTCK Indonesia tăng đến 5% sau khi có tin tức về gói hỗ trợ.
Do đó, giới đầu tư kỳ vọng gói kích thích kinh tế của Việt Nam sẽ thúc đẩy tâm lý thị trường trong ngắn hạn trong khi yếu tố dài hạn dẫn dắt thị trường sẽ phụ thuộc vào sự phục hồi thực tế của các doanh nghiệp.
Vốn nội lên ngôi
Trái với diễn biến khởi sắc của thị trường, khối ngoại tiếp tục bán ròng trong tháng 10, với giá trị bán ròng đạt 6.500 tỷ đồng thông qua giao dịch khớp lệnh trên HoSE. Lực bán của khối ngoại chủ yếu tập trung các mã như HPG (2.177 tỷ đồng), NLG (1.229 tỷ đồng), PAN (939 tỷ đồng), SSI (784 tỷ đồng).
Dòng tiền của các quỹ ETF ngoại cũng khá tiêu cực khi FTSE và VNM ETF ghi nhận rút ròng lần lượt là 57,4 triệu USD và 1 triệu USD. Tương tự, quỹ ETF mới gia nhập thị trường là Fubon ETF cũng bị rút ròng 6,8 triệu USD trong tháng 10. Lũy kế 10 tháng NĐTNN đã bán ròng tổng cộng 50.142 tỷ đồng, trong khi cùng kỳ năm ngoái bán ròng 19.310 tỷ đồng.
Việc NĐTNN bán ròng trong bối cảnh dòng tiền vẫn chảy vào đều đặn, chứng tỏ dòng vốn nội đang nắm vai trò chủ lực trên TTCK. Nhận định này được thể hiện qua 2 yếu tố. Đầu tiên là số lượng NĐT mở tài khoản mới chưa có dấu hiệu dừng lại. Theo số liệu của Trung tâm Lưu ký CK Việt Nam (VSD), trong tháng 10 có 130.150 tài khoản mở mới, cao thứ 2 trong lịch sử tính theo tháng.
Tính đến cuối tháng 10, thị trường có hơn 3,86 triệu tài khoản của NĐT trong và ngoài nước. Yếu tố thứ 2 là hướng đến của dòng vốn nhóm CP vừa và nhỏ, thay vì nhóm CP có vốn hóa lớn như “khẩu vị” của khối ngoại và NĐT tổ chức.
Theo thống kê, nhóm CP vốn hóa vừa và nhỏ vẫn đang hút mạnh dòng tiền, chiếm tỷ trọng gần 60%, trong khi nhóm vốn hóa lớn từ mức 55% sụt giảm mạnh về mức gần 40%.
“Rút củi đáy nồi”
Ở thời điểm hiện tại, khi dòng tiền vẫn tiếp tục được đẩy vào giúp VN Index liên tục chinh phục đỉnh cao mới, rủi ro dòng tiền nóng bị rút ra khỏi TTCK tạm thời chưa xảy ra.
Tuy nhiên, đây là rủi ro có thật, bởi dòng tiền này phần lớn được rút ra từ các hoạt động sản xuất kinh doanh vốn bị đình trệ do giãn cách xã hội và tiền gửi ngân hàng do lãi suất thấp. Đặc tính của dòng tiền nóng này là “đánh nhanh rút gọn”, nên khi không nhìn thấy cơ hội sẽ bị rút ra.
Ở thời điểm hiện tại, nền kinh tế và thị trường cần thời gian để tích lũy và dần hồi phục trở lại. Ngoài ra, dù dịch bệnh đã giảm nhưng số ca nhiễm vẫn còn cao, di chuyển và vận tải giữa các địa phương vẫn còn nhiều rào cản kéo chi phí tăng theo, lực lượng lao động hoặc thiếu hụt hoặc dịch chuyển về quê cũng làm ảnh hưởng đến tiến trình tái khởi động trở lại của các doanh nghiệp.
Dấu hiệu đáng lo ngại nữa là hiện tượng NĐT trong nước mở mới tài khoản tăng ồ ạt trong thời gian gần đây, khá tương đồng với TTCK Trung Quốc giai đoạn cuối năm 2014. Thời điểm đó, số lượng tài khoản mở mới của NĐT cá nhân hàng tháng tại quốc gia này tăng gấp 2-7 lần so với cùng kỳ năm trước.
Sau khi số lượng tài khoản NĐT cá nhân mở mới trên thị trường Trung Quốc đạt đỉnh vào quý II-2015 đã bất ngờ sụt giảm cùng nhịp điều chỉnh sâu của chỉ số Shanghai Composite Index.
Ngoài yếu tố nội tại, dòng vốn trên TTCK cũng bị tác động bởi yếu tố bên ngoài. Đơn cử, chính sách cắt giảm chương trình mua tài sản của Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) dù tác động không đáng kể, nhưng có thể tạo không khí thận trọng cho NĐT, tạo nên sự biến động khó lường trong ngắn hạn.
Trên thực tế, chính sách cắt giảm chương trình mua tài sản của Mỹ do chính sách nới lỏng tiền tệ của họ có thể tác động đến TTCK toàn cầu. Đối với chính sách cắt giảm mua tài sản, trước đây hành động này đã gây ra sự điều chỉnh mạnh đối với các TTCK mới nổi vào năm 2013, khi Fed thông báo giảm mua tài sản hàng tháng từ 85 tỷ USD xuống còn 65 tỷ USD.
Điều này cho thấy, các quốc gia vay nợ ngoại tệ lớn và có dự trữ ngoại hối thấp sẽ chịu ảnh hưởng nặng nề từ việc mất giá đồng tiền, cùng với sự đảo chiều của dòng vốn ngoại.
Với TTCK Việt Nam, tình hình hiện tại không đáng ngại khi dự trữ ngoại hối khá dồi dào với 100 tỷ USD giúp NHNN có khả năng điều tiết tỷ giá linh hoạt hơn. Do đó, tác động đến VN Index sẽ không quá lớn trên góc nhìn vĩ mô, nhưng biến động ngắn hạn khó lường, khi dòng vốn có thể bị rút ra mạnh làm ảnh hưởng đến tâm lý NĐT cá nhân.
Vốn hóa trên HoSE đang cao hơn so với thị trường Philippines và tiệm cận gần sát với thị trường Malaysia. Trong khi đó, thanh khoản bình quân ngày trên HoSE gần như ngang bằng với các thị trường Indonesia, Singapore và cao hơn so với Malaysia, Philippines.
|
Phan Long
Sài Gòn Đầu Tư Tài chính
|