Quy mô thị trường trái phiếu của Việt Nam tăng lên mức 83,6 tỷ USD
Trong đó, quy mô Trái phiếu Chính phủ đạt 62,2 tỷ USD còn quy mô trái phiếu doanh nghiệp đạt 21,4 tỷ USD...
Số liệu được đưa ra trong ấn bản mới nhất của Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) cho biết, tăng trưởng thị trường trái phiếu bằng đồng nội tệ của Việt Nam quý 3/2021 đã tăng tốc ở mức 8,1% so với quý trước, làm tăng quy mô thị trường lên tới 83,6 tỷ USD. Tăng trưởng hàng năm giảm còn 23,5%.
Theo ADB, việc mở rộng nguồn cung trái phiếu tổng thể là do trái phiếu chính phủ phục hồi từ mức suy giảm trong quý trước và trái phiếu doanh nghiệp duy trì sự tăng trưởng mạnh mẽ.
Cụ thể, Trái phiếu Chính phủ tăng 4,2% so với quý trước lên 62,1 tỷ USD vào cuối tháng 9/2021. Hoạt động phát hành sôi động trong khu vực doanh nghiệp đã thúc đẩy mức tăng trưởng theo quý đạt 21,5% của phân khúc này, tổng lượng trái phiếu doanh nghiệp đang lưu hành đã tăng lên 21,4 tỷ USD.
Nhìn chung, tại khu vực Đông Á mới nổi bao gồm: Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa (Trung Quốc); Hồng Kông, Trung Quốc; Indonesia; Hàn Quốc; Malaysia; Philippines; Sinagapore; Thái Lan và Việt Nam, trái phiếu chính phủ vẫn là phân khúc chủ đạo, tăng 3,9% so với quý trước lên 13,6 nghìn tỷ USD.
Tại thị trường trái phiếu của các thành viên Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) - với nhiều quốc gia trong số đó đã hứng chịu đợt bùng phát dịch bệnh Covid-19 do biến thể Delta - tăng 14,4% so với cùng kỳ năm ngoái lên 1,9 nghìn tỷ USD trong quý 3. Tốc độ tăng trưởng này cũng cao hơn nhiều so với mức tăng trưởng 12,6% của Trung Quốc và 7,6% của Hàn Quốc.
Nhìn nhận diễn biến thị trường mở rộng nhưng lãi suất trái phiếu vẫn duy trì thấp, ADB cho rằng, thị trường trái phiếu các nước ASEAN cho thấy năng lực thị trường vững vàng trong đại dịch. Các định chế tài chính trong nước, nhất là các ngân hàng, đang neo giữ cho thị trường trái phiếu vận hành ổn định.
Đồng thời, một số ngân hàng trung ương ASEAN đã tạo thuận lợi cho tính thanh khoản của thị trường và tài trợ của chính phủ thông qua các chương trình mua sắm tài sản.
Trái phiếu trung và dài hạn chiếm phần lớn lượng trái phiếu đang lưu hành trên các thị trường trái phiếu ASEAN, hàm ý một cơ cấu tài chính tương đối ổn định.
Các thị trường trái phiếu bền vững trong khu vực ASEAN cùng với Trung Quốc; Hồng Kông (Trung Quốc); Nhật Bản và Hàn Quốc đã đạt tổng giá trị là 388,7 nghìn tỷ USD, vẫn là thị trường trái phiếu bền vững khu vực lớn nhất sau thị trường châu Âu và chiếm tới 19,2% các thị trường trái phiếu bền vững toàn cầu, tính tới cuối tháng 9/2021.
Trái phiếu xanh, trái phiếu xã hội và trái phiếu bền vững lần lượt chiếm 71,6%, 13,0% và 15,3% tổng lượng trái phiếu bền vững đang lưu hành của khu vực này. ADB đánh giá, khi thị trường khu vực phát triển, nền tảng của các đơn vị phát hành cũng được đa dạng hóa, từ chỗ chỉ trong khu vực tài chính đã chuyển sang các lĩnh vực kinh doanh khác.
Vũ Phong
VnEconomy
|