Phố Wall ghi nhận tuần giảm đầu tiên trong 6 tuần
Chứng khoán Mỹ tăng điểm vào ngày thứ Sáu (12/11), nhưng vẫn ghi nhận tuần sụt giảm đầu tiên trong 6 tuần trong bối cảnh lo ngại lạm phát gia tăng.
Kết thúc phiên giao dịch ngày thứ Sáu, chỉ số Dow Jones tăng 179.08 điểm (tương đương 0.5%) lên 36,100.31 điểm. Chỉ số S&P 500 tiến 0.7% lên 4,682.85 điểm. Chỉ số Nasdaq Composite cộng 1% lên 15,860.96 điểm.
Các chỉ số chính khép lại tuần qua với sắc đỏ sau báo cáo lạm phát nóng nhất trong 30 năm. Dow Jones rớt 0.6%, S&P 500 mất 0.3% và Nasdaq Composite giảm 0.7% trong tuần này.
Chỉ số giá tiêu dùng CPI tháng 10 công bố vào ngày 10/11 cho thấy lạm phát ở tốc độ cao nhất trong hơn 30 năm. Số liệu lạm phát mới đã đưa lợi suất trái phiếu tăng vọt và ảnh hưởng đến các giá trị tăng trưởng của thị trường cổ phiếu.
Cổ phiếu Johnson & Johnson tăng 1.2% sau khi Wall Street Journal đưa tin rằng công ty đang chia tách thành 2 công ty. Johnson & Johnson được cho là đã tách ngành hàng chăm sóc sức khỏe tiêu dùng thành một công ty riêng biệt.
Các cổ phiếu công nghệ vốn hóa lớn đã cung cấp hỗ trợ cho thị trường chung. Cổ phiếu Meta, công ty mẹ của Facebook, vọt 4%. Cổ phiếu Apple, Microsoft và Amazon đều tăng hơn 1%.
Dữ liệu mới nhất công bố vào sáng ngày thứ Sáu càng nhấn mạnh nỗi lo lạm phát kéo dài và mang đến cái nhìn sâu sắc hơn về thị trường lao động.
Cụ thể, Đại học Michigan cho biết chỉ số tâm lý người tiêu dùng tại Mỹ vào đầu tháng 11 đã giảm xuống mức thấp nhất trong 1 thập kỷ. Theo báo cáo, nhiều người tham gia khảo sát đã chỉ ra những lo ngại về lạm phát.
Trong khi đó, người lao động bỏ việc với số lượng kỷ lục trong tháng 9 với 4.43 triệu người bỏ việc, Bộ Lao động Mỹ báo cáo vào ngày thứ Sáu. Cũng theo báo cáo, người lao động bỏ việc khi nền kinh tế Mỹ có 10.44 triệu việc làm trong tháng đó.
“Con số nghỉ việc tiếp tục tăng cao, điều này nói với chúng ta rằng mọi người vẫn tự tin rằng họ có thể tìm được công việc được trả lương cao hơn”, Victoria Fernandez, Giám đốc chiến lược thị trường của Crossmark Global Investments, nhận định.
An Trần (Theo CNBC)
FILI
|