Chủ Nhật, 21/11/2021 22:12

Niềm tin “vụn vỡ”...

Dịch Covid-19 xuất hiện đã khiến cho rất nhiều thứ “vỡ vụn”, từ cấu trúc chuỗi cung ứng cho đến cấu trúc tài chính của doanh nghiệp. Ngoài ra, có một thứ đặc biệt bị tổn hại trước những tác động của Covid, đó chính là niềm tin của doanh nghiệp và người lao động. Bài viết này sẽ cho thấy khi yếu tố niềm tin thay đổi sẽ dẫn đến những sự thay đổi lớn trong cách vận hành của doanh nghiệp và cả người lao động sau dịch như thế nào.

Niềm tin của cả doanh nghiệp và người lao động vơi dần

Dịch Covid-19 xảy ra khiến doanh nghiệp nhận ra rằng hoạt động kinh doanh của họ đang diễn ra hết sức mong manh trước những hỗ trợ từ các cơ quan quản lý, trong việc quản trị dòng tiền cho đến việc tổ chức mô hình kinh doanh theo xu hướng hiện đại. Trong khi đó, người lao động cũng chợt nhận ra rằng doanh nghiệp họ đang làm không thực sự ổn định như họ từng nghĩ.

Chính những điều này đã làm cho niềm tin của doanh nghiệp, người dân bị “vỡ vụn”. Với doanh nghiệp, họ nghi ngờ các chính sách đề ra. Doanh nghiệp đã thay đổi hành vi từ bị động chịu sự chi phối của các quy định sang chủ động đặt trọng tâm vào an toàn tài chính, vào các mô hình chuyển đổi nhanh chóng, vào việc lên kế hoạch chi tiết nhiều kịch bản để làm quen với việc “chuyện gì cũng có thể xảy ra”.

Với người lao động, họ quyết định dè dặt hơn với truyền thông, với cách làm thiện nguyện của những người nổi tiếng. Họ nghi ngờ với những lời đề xuất giữ lương, lời hứa đảm bảo việc làm của doanh nghiệp, vì ngay sau đó họ có thể là đối tượng bị cho thôi việc đầu tiên. Họ cũng e ngại và luôn có cái nhìn dò xét trước mọi bước đi của chính bản thân mình, luôn tự vấn xem mình thiếu kỹ năng quan trọng gì để bị sa thải trong giai đoạn khó khăn này.

Vụn vỡ “niềm tin” càng được nhân lên trong bối cảnh làn sóng số khi mọi người làm việc nhiều hơn ở nhà. Tốc độ chuyển đổi số nhanh chóng được thúc đẩy khi các doanh nghiệp, nhà nước phải ứng dụng công nghệ để quản lý, thanh toán điện tử, tiếp thị – truyền thông trực tuyến, trong khi người dân buộc phải thay đổi để thích ứng với các hoạt động làm việc tại nhà, mua sắm trực tuyến. Hệ quả tất yếu là “thế giới không khoảng cách” được xây dựng và phát triển. Từ đó thông tin dễ được lan tỏa (viral) theo hướng gây hoang mang cho doanh nghiệp, cho người dân với các thông tin sai sự thật, qua đó vô tình đẩy nhanh quá trình gây khủng hoảng niềm tin.

Cơ hội lớn cho các doanh nghiệp phát triển bền vững

Những thay đổi trên sẽ trở thành những đe dọa đối với các mô hình kinh doanh truyền thống khi cả người lao động và người tiêu dùng sẽ ngày càng trở nên thận trọng hơn so với giai đoạn trước dịch. Tuy nhiên, bao giờ cũng vậy, trong nguy sẽ luôn có cơ. Vấn đề “niềm tin” sẽ được phục hồi theo đúng cách chúng bị phá vỡ. Chính sự phát triển của công nghệ thông tin sẽ có cách chữa lành các vụn vỡ của “niềm tin”. Nhờ sự phát triển của thế giới kỹ thuật số, rất nhiều thứ sẽ được lắp ghép lại theo một cách mới bền vững hơn.

Dịch Covid-19 cũng đẩy nhanh quá trình biến khách hàng trở thành khách hàng mua sắm trực tuyến. Theo thống kê của Facebook, sẽ có thêm 70 triệu khách hàng trong khu vực Đông Nam Á trở thành khách hàng mua sắm trực tuyến, chiếm 78% tổng lượng khách hàng. Riêng tại thị trường Việt Nam, đến cuối năm 2021, được dự đoán cứ 10 người sẽ có 7 người là khách hàng mua sắm trực tuyến.

Trong bối cảnh người tiêu dùng ngày càng quen thuộc với việc mua sắm trên không gian mạng, dẫn đến việc họ ngày càng nhạy bén với thông tin hơn và có thể đánh giá và lựa chọn các nhà cung cấp chất lượng với chi phí thấp nhất.

Khi đó, các doanh nghiệp với mô hình kinh doanh tốt hướng về khách hàng sẽ có nhiều cơ hội để phát triển sau dịch. Các vấn đề “viral” truyền thông mặc dù có những mặt tiêu cực, tuy nhiên nó cũng có thể giúp uy tín của một doanh nghiệp lan rộng với tốc độ nhanh hơn rất nhiều. Mặt khác, những doanh nghiệp làm ăn không tốt cũng sẽ có thể rất nhanh chóng được đào thải khỏi thị trường, qua đó giúp thị trường phát triển bền vững trên cơ sở bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng hơn.

Tính linh hoạt trong tổ chức kinh doanh cũng sẽ trở thành một yếu tố rất quan trọng. Tính linh hoạt được thể hiện thông qua cách thức vận hành, chuỗi cung ứng, thị trường và cách tiếp cận khách hàng. Cụ thể như việc: doanh nghiệp sẽ tập quen với làm việc từ xa 50% nhân sự hoặc thậm chí 100%; doanh nghiệp cũng phải đa dạng kênh phân phối từ kênh trực tiếp – bán sỉ đến kênh trực tuyến – bán lẻ, thậm chí nên quen với việc cùng hợp tác bán hàng trên các trang thương mại điện tử, hay trao đổi trực tiếp, hiểu sâu nhu cầu khách hàng thông qua các nền tảng mạng xã hội như Facebook, TikTok, Instagram…

Cơ hội và rủi ro cho người lao động trong việc nâng cấp bản thân

Đối với người lao động, bối cảnh này tạo ra yêu cầu cần phát triển các kỹ năng nghề nghiệp, tự nâng cao năng lực của bản thân để chủ động nắm giữ tương lai của mình. Chỉ khi có kỹ năng nghề nghiệp với tính chuyên môn cao, người lao động mới có thể phát triển bền vững trong nền kinh tế hậu đại dịch, khi xu hướng chuyển đổi số được thúc đẩy mạnh mẽ chưa từng thấy.

Người lao động sau dịch sẽ có những cơ hội để có thể làm việc từ xa nhiều hơn, nhưng qua đó yêu cầu về mức độ hoàn thành công việc của người lao động cũng phải cao hơn để đảm bảo hiệu quả sử dụng chi phí của doanh nghiệp. Khi làm việc ở nhà, khả năng tự chủ của người lao động cũng sẽ cao hơn vì họ cần phải độc lập hơn và hoạt động đa nhiệm hơn để hoàn thành công việc.

Nhìn từ góc độ đó sẽ có rất nhiều cơ hội được mở ra cho các trung tâm đào tạo trong việc nâng cao kỹ năng của người lao động sau dịch. Thực ra không phải đến khi dịch bệnh xảy ra vấn đề tay nghề và kỹ năng của người lao động ở Việt Nam mới trở thành một vấn đề. Hệ thống giáo dục nặng về tính lý thuyết khiến tay nghề và năng suất lao động của người Việt thấp hơn nhiều so với các quốc gia trong khu vực.

Trong bối cảnh sắp tới người lao động sẽ ngày càng hoài nghi với những kiến thức họ đã và đang được đào tạo. Những trung tâm đào tạo theo mô hình số đặt lợi ích của người được đào tạo trong bối cảnh chuyển đổi số sắp tới sẽ có nhiều cơ hội phát triển nhanh trước xu hướng thay đổi sắp tới.

Nhìn theo chiều hướng lạc quan, mặc dù dịch Covid-19 mang đến những tổn thương sâu sắc đến niềm tin cho cả xã hội, tuy nhiên nó lại tạo ra một cơ hội lớn để cả doanh nghiệp và cá nhân có thể kiến tạo một nền kinh tế cũng như một thị trường lao động chất lượng tốt hơn để đón đầu những cơ hội kinh tế mà quốc gia đang có được sau dịch.

Nguyễn Việt Hưng - Đoàn Ngọc Minh Hương

TBKTSG

Các tin tức khác

>   Tòa án điện tử: Đã tới lúc nên có! (21/11/2021)

>   TP.HCM đề xuất rút ngắn thời gian cách ly tập trung còn 7 ngày (21/11/2021)

>   Công an Bình Dương bí mật triệt xóa nơi sản xuất tiền giả quy mô lớn tại TPHCM (20/11/2021)

>   Chưa bước ra khỏi vùng an toàn, đừng mơ “chuyển đổi” (20/11/2021)

>   Không có chỗ để tiêu, có thêm tiền cũng vô ích (20/11/2021)

>   Xuất siêu chưa kịp “mừng”, nhập siêu lại “ập đến” (20/11/2021)

>   Quy hoạch điện VIII: Giảm 28,000 MW tương đương giảm được 800,000 tỷ đồng tiền đầu tư (20/11/2021)

>   Bộ Chính trị cảnh cáo, miễn nhiệm bà Nguyễn Thị Kim Tiến (19/11/2021)

>   Dương Thị Bạch Diệp lãnh án chung thân, ông Nguyễn Thành Tài bị phạt 5 năm tù (19/11/2021)

>   Tình hình Covid-19 hôm nay 19.11: F0 gia tăng nhưng TP.HCM chỉ còn 2.000 liều Molnupiravir (19/11/2021)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật