Nghịch lý xuất khẩu thép tăng 130% nhưng Việt Nam vẫn nhập siêu
Giữa “bão” Covid-19, kim ngạch xuất khẩu sản phẩm sắt thép các loại của Việt Nam trong 9 tháng đầu năm nay vẫn tăng hơn 130% so với cùng kỳ năm ngoái. Tuy nhiên, cùng thời gian này, nền kinh tế cũng chi ra khoản tiền lớn hơn năm ngoái để nhập khẩu nhóm mặt hàng này. Vì sao vậy?
Trong 9 tháng đầu năm 2021, xuất khẩu sắt thép các loại đạt 9,86 triệu tấn, tăng 41% về lượng với trị giá là 8,43 tỉ đô la Mỹ, tăng 130,9% so với cùng kỳ năm trước. Tuy nhiên, cũng trong 9 tháng qua, nhập khẩu thép về Việt Nam là 14,9 triệu tấn với trị giá hơn 11 tỉ đô la. Ảnh minh họa: TTXVN
|
Xuất khẩu tăng mạnh nhưng vẫn nhập siêu
Số liệu cập nhật của Tổng cục Hải quan cho thấy, trong tháng 9, xuất khẩu sắt thép các loại của Việt Nam đạt 1,36 triệu tấn với trị giá 1,4 tỉ đô la Mỹ. Và đây là tháng thứ ba liên tiếp nguồn thu từ xuất khẩu thép các loại đạt trên 1 tỉ đô la, đưa xuất khẩu nhóm hàng này quý 3-2021 lên mức cao kỷ lục với 3,93 tỉ đô la, tăng 94,6% so với quý 1 và tăng 57,7% so với quý 2 về trị giá.
Dịch bệnh Covid-19 bùng phát tại nhiều địa phương trong thời gian qua khiến cho nhu cầu về xây dựng trong nước giảm sút, cùng với đó là thời gian qua bước vào mùa mưa khiến cho tiêu thụ thép trong nước gặp khó khăn, đặc biệt khu vực phía Nam. Do đó, để giải quyết những khó khăn vướng mắc trên, các doanh nghiệp trong ngành đã tìm hướng đẩy mạnh xuất khẩu nên kim ngạch xuất khẩu những tháng vừa qua tăng cao.
Mặt khác, việc giá trị tăng nhiều theo các doanh nghiệp là do giá thép trong thời gian qua tăng cao.
Tính chung trong 9 tháng đầu năm nay, xuất khẩu sắt thép các loại đạt 9,86 triệu tấn, tăng 41% về lượng với trị giá là 8,43 tỉ đô la, tăng 130,9% so với cùng kỳ năm trước. Theo cơ quan hải quan, kết quả này đạt tốc độ tăng cao nhất trong các mặt hàng xuất khẩu chủ lực của Việt Nam, tương ứng tăng 4,78 tỉ đô la về số tuyệt đối.
Sản phẩm sắt thép các loại được các doanh nghiệp xuất khẩu chủ yếu sang các thị trường các nước khu vực ASEAN (hơn 3 triệu tấn); Trung Quốc (2,12 triệu tấn). Đáng chú ý những thị trường khó tính nhập khẩu mặt hàng này của Việt Nam tăng mạnh như thị trường châu Âu (EU) đạt 1,7 triệu tấn (tăng 7,5 lần) và thị trường Mỹ đạt 665 nghìn tấn (tăng 4,5 lần) so với cùng kỳ năm trước.
Dù kim ngạch xuất khẩu sắt thép của Việt Nam tăng cao nhưng trong cùng thời gian trên đất nước cũng chi một số tiền khá lớn để nhập khẩu nhóm mặt hàng này. Dữ liệu của cơ quan hải quan cũng cho thấy trong 9 tháng đầu năm nay, cả nước chi đến 8,67 tỉ đô la để nhập khẩu sắt thép các loại. Như vậy, tính ra trong 9 tháng, Việt Nam vẫn nhập siêu khoảng 240 triệu đô la từ nhóm mặt hàng này.
Tuy nhiên, kết quả nhập siêu nhóm mặt hàng này của Hiệp hội Thép Việt Nam (VSA) ước tính còn lớn hơn. Cụ thể, số liệu của VSA cho thấy, tính chung trong 9 tháng 2021, nhập khẩu thép về Việt Nam là 14,9 triệu tấn với trị giá hơn 11 tỉ đô la, chỉ tăng 1% về lượng và tăng 44% về trị giá so với cùng kỳ năm năm ngoái.
Trong khi đó, xuất khẩu sắt thép thành phẩm và bán thành phẩm trong cùng thời gian trên đạt 10,6 triệu tấn, với trị giá hơn 9 tỉ đô la đến hơn 20 quốc gia và khu vực trên thế giới, tăng 40% về sản lượng và tăng gấp 2 lần về trị giá xuất khẩu so với cùng kỳ năm ngoái.
Do đó, theo VSA, Việt Nam đã nhập siêu 2 tỉ đô la nhóm sản phẩm sắt thép các loại trong 9 tháng đầu năm nay.
Tìm hiểu những nguyên nhân
Trong 9 tháng đầu năm 2021, xuất khẩu sắt thép các loại đạt 9,86 triệu tấn, tăng 41% về lượng với trị giá là 8,43 tỉ đô la Mỹ, tăng 130,9% so với cùng kỳ năm trước. Tuy nhiên, cũng trong 9 tháng qua, nhập khẩu thép về Việt Nam là 14,9 triệu tấn với trị giá hơn 11 tỉ đô la. Ảnh minh họa: TTXVN
|
Lý giải về việc phải nhập siêu lượng sắt thép nói trên, theo giới phân tích, ngành công nghiệp nặng này đang tồn tại một nghịch lý mà lâu nay chưa giải quyết được, đó là tình trang thừa nguồn cung thép xây dựng nhưng lại thiếu nguyên liệu sản xuất đầu vào.
Trước đó, tại buổi làm việc với các doanh nghiệp ngành thép, lãnh đạo Bộ Công Thương cũng đã chỉ rõ điểm hạn chế của ngành thép là mới chỉ đáp ứng nhu cầu xây dựng, còn thép trong lĩnh vực chế tạo, chế biến, cơ khí, hoặc công nghiệp hỗ trợ vẫn chưa đáp ứng được.
Cụ thể một số sản phẩm xuất khẩu cao gồm tôn mạ, ống thép, thép cuộn cán nguội. Tuy nhiên, các chủng loại thép khác phục vụ ngành chế biến chế tạo và công nghiệp hỗ trợ như: thép chế tạo cơ khí, thép tấm cán nóng, thép tấm cán nguội, thép HCR, thép hợp kim, … phải nhập khẩu nhiều.
Nguồn nguyên liệu sản xuất đầu vào của ngành này đa phần phải nhập khẩu, như quặng sắt, thép phế liệu, than mỡ luyện cốc,… nên giá thành sản phẩm sẽ phụ thuộc rất nhiều vào yếu tố thị trường nước ngoài.
Trong khi đó, theo cập nhật của VSA, giá nguyên liệu sản xuất thép toàn cầu 9 tháng 2021 diễn biến phức tạp, giá nguyên liệu sản xuất thép liên tục điều chỉnh tăng kể từ cuối năm 2020, trong đó giá quặng sắt thời điểm tháng 5-2021 tăng cao gấp 2,6 lần, giá phế liệu đã tăng 2,5 lần so với thời điểm cùng kỳ năm 2020. Sau đó, giá các loại nguyên liệu trên đã điều chỉnh giảm nhẹ trong quí II & III. Giá quặng sắt đầu tháng 10-2021 giao dịch ở mức~124-125 đô la/tấn; tuy nhiên giá thép phế liệu sau khi giảm trong quí III đã điều chỉnh tăng trở lại, trên 520 đô la/tấn, nhưng giá than mỡ luyện cốc đã tăng cao ở mức 335-340 đô la/tấn.
Do còn phụ thuộc quá nhiều đến nguồn nguyên liệu bên ngoài nên đây được xem là một trong những thách thức lớn của ngành sản xuất thép trong nước trong thời gian tới. Điều này cũng lý giải phần nào về đợt giá thép tăng chóng mặt trong 6 tháng đầu năm nay, khiến nhiều doanh nghiệp trong ngành xây dựng lao đao và ảnh hưởng đến tăng trưởng của nền kinh tế.
Hùng Lê
TBKTSG
|