Mất hết tiền tiết kiệm cả đời vì đánh cược vào đồng tiền ảo ăn theo Squid Game
Khi Bernard nghe về một đồng tiền ảo ăn theo hiện tượng “Squid Game”, anh liền tìm kiếm trên google để xem xét tính hợp pháp của đồng tiền này.
Anh chỉ đọc vài dòng tít, chứ không đọc cả bài báo – nhiều trong số các bài báo này cảnh báo về dự án đồng SQUID. Thế là ông quyết định đầu tư toàn bộ tiền tiết kiệm (28,000 USD) vào SQUID. Vào ngày thứ Hai (02/11), token này chạm tới đỉnh hơn 2,860 USD, trước khi sụp về gần 0 trong vài phút đồng hồ, theo CoinMarketCap.
"Lý do tôi vội vã mua đồng SQUID là Squid Game đang rất, rất phổ biến và đồng tiền ảo ăn theo phim này chắc chắn sẽ phổ biến", Bernard – hiện đang sống tại Thượng Hải – cho biết. "Đây là một bi kịch. Tôi không biết làm sao để lấy lại những gì đã mất".
Người này cho biết anh đang là trụ cột gia đình và hiện đang lo lắng không biết trang trải cuộc sống như thế nào.
Hồ sơ giao dịch trên BscScan cho thấy dường như nhà phát triển vô danh của đồng SQUID đã thu về ít nhất 3.4 triệu USD từ nhà đầu tư. Hệ sinh thái này đầy rẫy những dấu hiệu của vụ lừa đảo dạng "rug pull", tức là nhà phát triển đột ngột từ bỏ dự án và cuỗm tiền của nhà đầu tư bằng cách đổi tiền ảo lấy tiền thật.
"Các nhà phát triển của Squid Game không muốn tiếp tục điều hành dự án vì chúng tôi đang cực kỳ chán nản nạn lừa đảo và đang quá căng thẳng", những nhà phát triển của đồng SQUID đăng tải trên kênh Telegram với hơn 89,000 thành viên.
Sách trắng và website của dự án này đồng loạt biến mất sau khi đồng tiền ảo này sụp về gần 0, mặc dù các bản sao sách trắng vẫn còn trên mạng. Twitter đã tạm thời hạn chế tài khoản của dự án do "hoạt động đáng ngờ". Các nhà sáng lập đồng tiền ảo này không hồi đáp câu hỏi từ phía CNBC.
Benard cho biết anh đã liên hệ với FBI và SEC để báo cáo về khoản đầu tư của anh. Ngoài ra, anh cũng đã liên hệ với nhóm phát triển đứng sau đồng SQUID cũng như CoinMarketCap - nền tảng niêm yết đồng tiền ảo này trên website của họ. Dù vậy, cả hai đều “từ chối chịu trách nhiệm” về khoản thua lỗ của Benard.
Bernard cho biết ông có rất nhiều kinh nghiệm trong lĩnh vực tiền ảo và máy tính. Sau khi phi vụ đầu tư đổ bể, anh Benard đổ lỗi cho các hãng truyền thông.
Trên thực tế, không chỉ riêng anh Benard chịu cảnh thua lỗ. Nhiều nhà đầu tư khác cũng đăng đàn Twitter rằng việc bơm thổi những đồng memecoin không khác gì quảng bá ngầm cho chúng.
"Trên lĩnh vực đầu tư tiền ảo, mọi người đều vội vã, đôi khi họ cảm thấy mình rơi vào trạng thái FOMO (nỗi sợ bỏ lỡ đà tăng)", Benard bày tỏ. Cảm giác FOMO thường thấy trong các trader tiền ảo – những người đầu tư vào các đồng tiền ảo thay thế cho Bitcoin ở giai đoạn đầu, với mong muốn được trở nên giàu có nhanh chóng.
Đặt cược vào khả năng tăng giá của vài đồng tiền ảo
Saurabh Dubey đã quan tâm tới tiền kỹ thuật số kể từ năm 2016. Hiện anh đang làm việc cho một công ty kế toán tại Mỹ và trong lúc rảnh rỗi, anh thường giao dịch các đồng tiền ảo mới.
Đầu giờ chiều hàng ngày, Dubey sẽ xem xét các đồng tiền ảo mới được niêm yết trên CoinMarketCap và CoinGecko, cố gắng xác định xu hướng giá dựa trên biểu đồ. Anh thường chỉ rót khoảng 100 USD cho những đồng tiền ảo có tiềm năng dựa trên diễn biến giá ban đầu.
“Một số đồng tiền ảo có khả năng tăng dựng đứng”, ông nói.
Dubey đã dùng khoản tiền lời thu được từ một đồng memecoin để đầu tư 250 USD vào SQUID.
“Tôi nghĩ tôi sẽ dùng tiền lời để cược vào SQUID”, Dubey cho hay. Đó là khi giá của đồng SQUID chỉ dao động ở mức 4 xu, trước thời điểm truyền thông bắt đầu đưa tin về đồng tiền.
Dubey cho biết ông đầu tư vào SQUID vì đồng tiền này đang xếp thứ 2 trong các đồng tiền vừa niêm yết gần nhất của CoinMarketCap.
“Tôi chọn SQUID vì đồng tiền này đã có khối lượng giao dịch kha khá và tăng đôi chút. Nếu xem biểu đồ, bạn sẽ thấy biểu đồ trông khá giống với giai đoạn đầu của đồng SafeMoon”, Dubey cho biết.
Anh cũng lưu ý các khoản đầu tư của anh chỉ đơn thuần đến từ linh cảm hơn là các yếu tố khác.
Tuy nhiên, sau đó, Dubey nhận thấy một số dấu hiệu cảnh báo từ đồng SQUID. "Vấn đề lớn nhất là SQUID không bao giờ bị sụt giá. Mọi đồng tiền ảo đều phải có ít nhất một lần giảm điểm, không có chuyện chúng cứ tăng liên tục trong 5 ngày", Dubey cho hay.
Mức độ tăng giá cũng là một mối quan ngại khác. "Khi SQUID đạt 1 USD, tôi nghĩ tăng khoảng 20 lần là hợp lý. Khi giá của đồng tiền này đạt đến 10 USD, tôi bắt đầu thấy có gì đó không ổn. Hầu hết đồng tiền ảo ăn theo đều khó có thể tăng đến mức đó", Dubey nhấn mạnh.
Ngoài ra, còn có một dấu hiệu cảnh báo khác. Dubey không thể tìm thấy thông tin "cha đẻ" của SQUID trên LinkedIn. Chưa kể, sách trắng và website của đồng tiền này đầy lỗi ngữ pháp và chính tả.
Cuối cùng, Dubey không chịu mấy rủi ro, nhưng những nhà đầu tư như Benard thì lại đánh mất tất cả tiền tiết kiệm.
Bernard đang cố tiếp cận với các cơ quan chức trách Mỹ. Anh cho biết không thể tìm tới cảnh sát địa phương vì “ở Trung Quốc, giao dịch tiền kỹ thuật số là không hợp pháp”.
Vũ Hạo (Theo CNBC)
FILI
|