Lợi nhuận ngành dầu khí phân hóa trong quý 3/2021
Giá dầu thế giới đi lên giúp doanh thu ngành dầu khí tăng mạnh trong quý 3, song, lợi nhuận chưa tăng tương ứng. Kết quả kinh doanh giữa các doanh nghiệp dầu khí trong nước cũng chứng kiến đà phân hóa tương đối sâu sắc.
Lợi nhuận ngành dầu khí phân hóa trong quý 3/2021
|
Doanh thu tăng mạnh nhưng lợi nhuận chỉ nhích nhẹ
Giá dầu Brent đã đạt 79 USD/thùng trong tháng 9/2021 - mức cao nhất kể từ tháng 10/2018, tăng gần 53% so với đầu năm và tăng gần 88% so với mức giá trung bình năm 2020 (xấp xỉ 42 USD/thùng). Đà tăng giá ấn tượng này đến từ sự phục hồi trong nhu cầu dầu thô thế giới sau đại dịch trong bối cảnh nguồn cung phản ứng chậm trong 9 tháng đầu năm 2021. Giá dầu tiếp tục tăng lên mức 86 USD/thùng vào tháng 10/2021 và sau đó điều chỉnh khi bước qua đầu tháng 11.
Nhờ diễn biến khả quan của giá dầu, đa phần doanh nghiệp ngành dầu khí đều ghi nhận doanh thu tăng trưởng trong quý 3/2021. Cụ thể, có đến 19 trong số 30 doanh nghiệp đầu tiên công bố kết quả kinh doanh (trên cả 3 sàn HOSE, HNX, UPCoM) báo doanh thu tăng so cùng kỳ. Doanh thu thuần của chung 30 doanh nghiệp đạt khoảng 101,410 tỷ đồng, tăng 20%; lãi ròng tổng cộng 3,580 tỷ đồng, tăng 3.7%.
Kết quả kinh doanh quý 3/2021 của các doanh nghiệp ngành dầu khí. Đvt: Tỷ đồng
|
PVS và PVD cùng tăng lợi nhuận trong quý 3/2021
Ở nhóm thượng nguồn, Dịch vụ Kỹ thuật Dầu khí Việt Nam (HNX: PVS) báo doanh thu quý 3/2021 giảm 33% còn 3,981 tỷ đồng. Lãi gộp theo đó đi lùi phân nửa so cùng kỳ, còn 204 tỷ đồng. Khoản thu tài chính cũng giảm đáng kể 46% về 51 tỷ đồng. Dù vậy sau cùng, lãi ròng quý 3/2021 của PVS vẫn đạt 221 tỷ đồng, tăng 12% so cùng kỳ. Tăng trưởng của PVS đến từ nguồn lãi của các công ty liên doanh liên kết và thu nhập khác. Theo giải trình, phần lãi của các công ty liên doanh hoạt động trong lĩnh vực cung cấp kho nổi chứa, xử lý và xuất dầu thô khi hợp nhất vào kết quả quý 3/2021 lớn hơn cùng kỳ. Bên cạnh đó, thu nhập khác cũng tăng do PVS đã hoàn thành nghĩa vụ bảo hành theo quy định của hợp đồng.
Tương tự PVS, PVDrilling (HOSE: PVD) cũng gặp tình trạng sụt giảm doanh thu. Trong quý 3/2021, PVD cho biết Công ty không có giàn khoan cho thuê trong khi cùng kỳ năm trước có 1.7 giàn. Đơn giá cho thuê giàn khoan tự nâng sở hữu giảm gần 15%. Tuy nhiên, do tăng hiệu suất sử dụng giàn khoan tự nâng trong quý 3 năm nay tăng lên 88% (cùng kỳ 55%), cùng việc tiết giảm các khoản chi phí giúp lãi ròng tăng 73% so cùng kỳ, đạt 67 tỷ đồng.
Lãi ròng của PVD và PVS qua 5 quý. Đvt: Tỷ đồng
Nguồn: VietstockFinance
|
Kinh doanh xăng dầu chứng kiến sự phân hóa lớn
Petrolimex (HOSE: PLX) ghi nhận doanh thu quý 3/2021 tăng 26% so cùng kỳ, đạt 34,625 tỷ đồng. Giá vốn tăng nhanh hơn doanh thu khiến lãi gộp quý 3 của PLX giảm 35% so cùng kỳ, đem về 2,036 tỷ đồng. Biên lãi gộp thu hẹp từ mức 11.4% cùng kỳ xuống còn 5.9% trong năm nay. Kết quả là PLX báo lãi ròng 76 tỷ đồng, giảm đến 91% so cùng kỳ.
Khép lại quý 3/2021, PVOil (UPCoM: OIL) ghi nhận doanh thu thuần 12,612 tỷ đồng, tăng 9% so cùng kỳ. Lãi gộp đạt 573 tỷ đồng, tăng 17%. Công ty báo lãi ròng đạt 43 tỷ đồng (cùng kỳ thua lỗ 24 tỷ đồng). Tuy nhiên nếu so với 2 quý đầu năm 2021, kết quả quý 3 của OIL sụt giảm đáng kể.
Lãi ròng của OIL qua 5 quý. Đvt: Tỷ đồng
Nguồn: VietstockFinance
|
Các công ty con của OIL đã ghi nhận quý kinh doanh khó khăn. Điển hình như PV OIL Phú Yên (PPY) giảm 35% lãi ròng, hay Comeco (COM) và Timexco (TMC) thậm chí còn thua lỗ.
Nói về thua lỗ, Thalexim (UPCoM: TLP) đã có quý kinh doanh đi xuống 2 quý liên tiếp. Do giá vốn giảm chậm hơn doanh thu (7% so với 12%), lãi gộp quý 3/2021 của TLP bị thu hẹp đến 66%, đem về 49 tỷ đồng. Dù đã tiết giảm đáng kể các khoản chi phí, TLP vẫn thua lỗ ròng gần 8 tỷ đồng (cùng kỳ có lãi 15 tỷ đồng), cũng là quý thua lỗ thứ 2 liên tiếp.
Trong khi đó, sự phân hóa xảy ra khi nhiều doanh nghiệp khác lại báo lãi tăng trưởng khả quan như PSH, PMG, BSR, SFC hay ABS.
Trường hợp của Lọc hóa Dầu Bình Sơn (UPCoM: BSR), Công ty cho biết, trong quý 3/2021 đã sản xuất 1,452 ngàn tấn sản phẩm, tiêu thụ 1,113 ngàn tấn sản phẩm (cùng kỳ sản xuất 875 ngàn tấn và tiêu thụ 926 ngàn tấn). Doanh thu thuần quý 3/2021 ghi nhận 17,679 tỷ đồng, gấp đôi cùng kỳ. Các khoản chi phí cũng đồng loạt gia tăng. Sau cùng, BSR báo lãi ròng 476 tỷ đồng, tăng 175% (gấp 2.8 lần) cùng kỳ. Như vậy sau 9 tháng đầu năm 2021, BSR đã chuyển lỗ thành có lãi ròng 4,021 tỷ đồng.
Có đà tăng lợi nhuận ấn tượng nhất ngành dầu khí quý 3/2021 chính là Thương mại Đầu tư Dầu khí Nam Sông Hậu (HOSE: PSH). PSH công bố kết quả tích cực với lãi ròng 152 tỷ đồng, gấp 22 lần cùng kỳ. Đây cũng là con số lợi nhuận một quý tốt nhất của doanh nghiệp này.
Trong quý vừa qua, PSH ghi nhận giá vốn thu hẹp phân nửa so cùng kỳ, do giá xăng dầu thế giới tăng liên tục. Nhờ đó, lãi gộp đem về đạt 269 tỷ đồng tăng 37%, bất chấp doanh thu sụt giảm. Năm 2021, PSH đặt kế hoạch lãi sau thuế 162 tỷ đồng. Nhờ kết quả quý 3 tích cực, PSH đã vượt 53% chỉ tiêu lợi nhuận đề ra.
Phân phối khí chưa kinh doanh đột biến nhưng cổ phiếu bất ngờ “phi vun vút”
Ở nhóm phân phối khí, PV GAS (HOSE: GAS) ghi nhận doanh thu thuần 18,543 tỷ đồng, tăng 16% so cùng kỳ. Lãi gộp đạt 3,407 tỷ đồng, tăng 17%; lãi ròng 2,417 tỷ đồng, tăng 19% so cùng kỳ. Khép lại 3 quý đầu năm 2021, GAS báo lãi ròng 6,709 tỷ đồng, tăng 9% so cùng kỳ. Ông lớn lĩnh vực phân phối khí đã thực hiện được 97% kế hoạch đề ra cho năm nay.
Mặc dù các con số tài chính tăng trưởng, GAS cũng ghi nhận nhu cầu khí, sản phẩm khí của các hộ công nghiệp, thị trường trong nước giảm khoảng 35-40% đối với LPG và 30% đối với khí áp, CNG so với thời điểm trước khi dịch Covid-19 bùng phát lần 4. Điều này do nhiều khách hàng dừng/giảm sản xuất, kinh doanh. GAS dự báo thời gian tới, số lượng khách hàng dừng/giảm tiêu thụ khí tiếp tục tăng, dẫn đến sản lượng khí có thể sụt giảm từ 40-50% so với thời điểm trước dịch bùng phát.
Một đại diện khác, CNG Việt Nam (HOSE: CNG) báo lãi ròng quý 3/2021 đạt gần 11 tỷ đồng, gấp 2.3 lần cùng kỳ. Kết quả của CNG nhờ doanh thu, lợi nhuận gộp tăng đồng thời Công ty đã tiết giảm đáng kể các khoản chi phí, nhất là chi phí bán hàng.
Nhìn chung ngoài GAS, các doanh nghiệp thuộc lĩnh vực phân phối khí vẫn chưa để lại dấu ấn kinh doanh đặc sắc. Nhiều doanh nghiệp sụt giảm lợi nhuận so cùng kỳ như PGD, ASP, PGC; thậm chí TDG và PCG còn “bốc hơi” hơn 90% so với quý 3 năm trước.
Điều bất ngờ xảy đến khi cổ phiếu nhóm này vẫn “phi vun vút” từ cuối tháng 9 đến đầu tháng 10/2021. Trong đó, không ít mã đã tăng gấp đôi giá chỉ trong một thời gian ngắn.
Nhiều cổ phiếu lĩnh vực phân phối khí tăng gấp đôi từ cuối tháng 9 đến đầu tháng 10/2021
|
Các chuyên gia phân tích nhận định đà tăng của nhóm cổ phiếu này chủ yếu dựa trên diễn biến giá khí đốt thế giới, tạo ra kỳ vọng về kết quả kinh doanh trong thời gian tới.
Giá khí đốt tăng cao trong giai đoạn vừa qua do tổng hợp của nhiều yếu tố. Đầu tiên là việc kinh tế mở cửa tạo cho các hoạt động kinh tế dần trở lại bình thường khiến nhu cầu tăng cao. Thứ hai, nước tiêu thụ nhiên liệu lớn nhất thế giới là Trung Quốc đang thiếu năng lượng đã tạo ra sốt năng lượng toàn cầu nói chung. Và cuối cùng, các nước châu Âu bước vào mùa đông với lượng tồn kho khí thấp, nhưng lại phụ thuộc vào dòng khí xuất khẩu từ Nga, trong khi tuyến đường ống khí đốt hiện tại gặp nhiều trục trặc, còn tuyến dòng chảy phương Bắc 2 vẫn chưa đi vào hoạt động.
Tuy nhiên, trên thực tế, do mô hình kinh doanh của các công ty khí rất khác nhau giữa các quốc gia nên cơ chế giá cũng khác nhau. Cùng với đó, tiêu thụ khí ở Việt Nam đang giảm so với cùng kỳ, và dự báo cũng chưa tăng mạnh trong năm 2022. Vì vậy, về bản chất, đa phần các doanh nghiệp Việt Nam đều không được hưởng lợi gì từ diễn biến giá khí leo thang.
Duy Na
FILI
|