Thứ Hai, 08/11/2021 20:00

Làm thế nào để tránh những sai lầm tài chính cố hữu?

Theo một công trình nghiên cứu của trường Đại học California tại Los Angeles, nếu như bạn đang chuẩn bị ly hôn thì danh mục đầu tư của bạn có thể cũng sẽ chuẩn bị đối mặt với một điều không hay.

Các nhà nghiên cứu đã tìm hiểu về thói quen của các nhà đầu tư chứng khoán tại Phần Lan, một quốc gia cung cấp dữ liệu hữu ích cho khía cạnh này bởi vì các cặp vợ chồng ở đây hiếm khi có chung tài khoản đầu tư.

Trong số các nhà đầu tư thường xuyên giao dịch, những ai ly hôn từ năm 2000 đến năm 2014, thì giai đoạn 4-5 năm trước khi chia tay, có kết quả đầu tư khá tốt: Những cổ phiếu mà họ mua tăng trung bình 8.9%, trong khi cổ phiếu họ bán tăng 5.8%.

Nhưng trong vòng 3 năm trước thời điểm ly hôn, lợi nhuận của họ lại tụt dốc, đầu tư cổ phiếu chỉ mang lại lợi nhuận trung bình 0.6% so với lợi nhuận trung bình 2.6% của vốn cổ phần.

Các nhà tâm lý tài chính cho rằng dữ liệu cho thấy những yếu tố gây căng thẳng nghiêm trọng từ bên ngoài có thể tác động tiêu cực đến các quyết định tài chính. Và cho dù bạn không phải là người Phần Lan đang có vấn đề về hôn nhân thì cũng không có nghĩa là điều này không có liên quan gì đến bạn.

“Khi cảm xúc rối bời, chúng ta khó mà suy nghĩ sáng suốt cho được”, chia sẻ của Brad Klontz, nhà hoạch định tài chính và giáo sư tâm lý tài chính của trường Đại học Creighton. “Chúng ta đều từng trải qua cảm giác khi lỡ hét vào mặt người khác rồi sau đó nghĩ lại ‘không ngờ mình lại làm như thế’”. Ly hôn là một trải nghiệm nặng nề về tâm lý.

Để cảm xúc nắm quyền kiểm soát trong những tình huống bạn cần đưa ra những quyết định hợp lý thì về lâu về dài sẽ phương hại đến tài sản của bạn. “Những phản ứng cảm xúc sẽ khiến bạn đưa ra các quyết định mà sau này bạn không thể nào rút lại được. Sự căng thẳng chỉ là tạm thời, đừng để chúng hại bạn cả đời”.

Dưới đây là lời khuyên của chuyên gia giúp bạn làm thế nào tránh được những sai lầm tiền bạc do căng thẳng gây ra, đặc biệt là những sai lầm do yếu tố bên ngoài tác động.

Căng thẳng và thành kiến ảnh hưởng đến quyết định tài chính

Những nhân tố gây căng thẳng nghiêm trọng như ly hôn ảnh hưởng đến việc ra quyết định bằng cách lấn át toàn bộ tâm trí của bạn, chia sẻ của Michael Kothakota, nhà tư vấn tài chính đồng thời cũng là một nhà trị liệu.

“Bạn đưa ra những quyết định tồi tệ khi bạn đang suy sụp. Thậm chí, nghiên cứu còn chỉ ra chỉ cần vào cuối ngày bạn hơi mệt thôi thì cũng đã ăn không ngon miệng rồi. Bạn sẽ không có hứng tập thể dục, nếu như đó là mục tiêu của bạn”, ông nói. “Trong trường hợp chuẩn bị ly hôn thì bạn sẽ liên tục bị suy sụp. Lúc đó cực kỳ khó để phần não logic của bạn đưa ra quyết định chính xác. Thế là bạn có thể phạm một sai lầm khiến bạn mất hàng ngàn đô la”.

Bước đầu tiên để tránh những sai lầm như thế chính là nhận ra bạn đang để cảm xúc ảnh hưởng tới việc ra quyết định của mình, thậm chí đôi khi bạn là người tự cho mình “có cái đầu lạnh” khi đụng tới tiền bạc. “Mọi người đừng nên ỷ y rằng cảm xúc không thể ảnh hưởng đến quyết định đầu tư của họ”. Quan niệm sai lầm này “đã khiến cho các nhà đầu tư tài giỏi nhất cũng phải chịu tổn thất”.

Các chuyên gia nói rằng khi bị căng thẳng, nhà đầu tư thường dễ nảy sinh 2 thành kiến phổ biến sau đây.

1. Cái nhìn tiêu cực

Khi mọi thứ diễn ra không như mong đợi, con người thường có xu hướng nghĩ tới điều xấu nhất. “Chúng ta có xu hướng này bởi vì nó giúp chúng ta sinh tồn”, ông Kothakota nói. “Khi vào rừng bạn thường để ý xem có cọp không bởi vì nó có thể ăn thịt bạn”.

Nếu có quan điểm tiêu cực về một sự kiện xảy ra trong đời, bạn thường cũng sẽ hành sự như thế đối với việc đầu tư. Và bạn cũng dễ có thành kiến tiêu cực với những gì liên quan tới đối tượng đã khiến bạn bị căng thẳng. “Vợ/chồng tôi làm việc cho AT&T, nên giờ tôi có cái nhìn tiêu cực về AT&T. Giờ tôi ít thấy tích cực khi đầu tư vào đấy”, ông Kothakota đưa ví dụ.

Thậm chí đối với những khoản đầu tư mà bạn không có liên hệ trực tiếp về cảm xúc, khi đã tập trung vào điều tiêu cực thì nhìn đâu cũng thấy tiêu cực. “Bởi vì sự kiện đau buồn này, bạn sẽ mất nhiều thời gian để tập trung vào những khía cạnh tiêu cực của những thông tin mà bạn nhận được”, ông Kothakota trình bày. Điều này có thể khiến bạn đưa ra quyết định bán đi những mã cổ phiếu đang tạm thời rớt giá, thay vì cố giữ hoặc mua thêm.

2. Sợ mất mát

Giống như nhiều nhân tố gây căng thẳng khác, ly hôn là một hình thức mất mát, mất đi người bạn đời, mất đi thời gian dành cho con cái, và có thể là mất đi một phần tài sản của bạn. Khi điều này xảy ra, mọi người thường có khuynh hướng cố giữ những gì họ có, rồi từ đó sẽ dẫn đến những sai lầm tài chính.

“Có thể bạn là thành viên của một câu lạc bộ xã hội hay gym mà bạn không còn đủ khả năng theo đuổi nữa, nhưng bạn không muốn thừa nhận với bạn bè hay bản thân rằng sự thật là như thế”, ông Klontz nói. “Tâm lý cố tránh nỗi đau mất mát đó có thể mạnh mẽ đến mức sẽ đẩy bạn vào rủi ro”.

Cùng một dạng thành khiến, trong một tình huống khác, nó có thể khiến bạn cố bám giữ những khoản đầu tư đang thua lỗ, hay nếu bạn vừa mất một khoản tiền tương đối lớn thì bạn sẽ cố dùng những biện pháp mạo hiểm để gỡ lại. “Tôi thường xuyên nhận được những câu hỏi như thế”, ông Klontz chia sẻ. “Họ nói họ mới ly hôn và có ngần ấy tiền. Họ hỏi tôi làm sao để họ tăng gấp đôi số tiền đó trong vòng một năm”?

Làm thế nào để bảo vệ tiền của bạn trong thời khắc khủng hoảng

Nếu như bạn đang trải qua một giai đoạn khó khăn, thì việc tốt nhất bạn có thể làm chính là đừng đưa ra bất kỳ quyết định tài chính nào lớn lao.

“Không làm gì hết. Thông điệp chính xác là như thế”, ông Klontz nói. “Hãy chú ý trong những trường hợp đòi hỏi số tiền lớn. Đừng nghỉ việc, mở công ty hay đầu tư vào công ty của một người bạn nào đó. Hãy dành thời gian để cảm xúc của bạn được xoa dịu trước khi có bất kỳ hành động gì khác”.

Có một số quyết định tài chính không đợi được, đặc biệt nếu như tiền của bạn đang nằm trong một trường hợp rắc rối mà bạn dính phải. Trong những tình huống như thế, rất cần thiết để nói chuyện với một chuyên gia có thể giúp nhìn nhận sự việc một cách khách quan hơn, không có sự can thiệp của cảm xúc.

“Hãy xem xét gặp gỡ một nhà trị liệu đích thực, hay một nhà trị liệu tài chính, người có am hiểu về hành vi tài chính của con người”, ông Kothakota nói. “Nếu như đó là ly hôn, một chuyên gia tài chính về ly hôn có thể giúp được bạn. Sẽ hữu ích khi tìm ai đó có kinh nghiệm để trò chuyện”.

Ông Klontz cũng nói rằng điều này cũng có thể áp dụng với tất cả những tình huống ngoài dự kiến. “Khi bạn đang đối mặt với một sự chuyển đổi lớn lao, rất có ích khi gặp gỡ một ai đó đã trải qua việc tương tự”, ông chia sẻ. “Họ nhìn thấy được đến những thứ mà bạn không thể nghĩ ra, những sai lầm mà bạn có nguy cơ mắc phải. Đó là một cách khác nữa để giúp cho não bộ của bạn có thể bình tĩnh trở lại, giúp kéo dài thời gian giữa thời điểm xảy ra sự cố và hành động của bạn”.

Tuệ Nhiên (Theo CNBC)

FILI

Các tin tức khác

>   Tại sao nhà đầu tư nên sử dụng quy tắc 72? (17/10/2021)

>   Lã Kỳ Anh trộm đồng hồ Rolex giá 2 tỉ đồng: Lần theo những tấm ảnh được khoe trên Facebook (13/10/2021)

>   Thua lỗ do đầu tư tiền ảo, nữ nhân viên ngân hàng lừa chiếm đoạt gần 3 tỷ đồng (13/10/2021)

>   Các địa phương gấp rút chi trả tiền hỗ trợ bảo hiểm thất nghiệp (10/10/2021)

>   Lao động ngành nào không bị giảm lương thưởng, mất việc làm vì đại dịch Covid-19? (07/10/2021)

>   Sập bẫy sàn ảo mùa dịch: Các chủ sàn ảo thách thức cơ quan pháp luật (02/10/2021)

>   Tỷ lệ thất nghiệp và thiếu việc làm trong độ tuổi lao động tăng cao nhất kể từ khi có dịch (30/09/2021)

>   Hôm nay nhiều quận, huyện tại TP.HCM bắt đầu chi hỗ trợ đợt 3 cho người dân (30/09/2021)

>   Bộ Công an đề nghị Công an TP.HCM rà soát hoạt động kêu gọi từ thiện (29/09/2021)

>   Chuyên gia đề xuất nâng mức hỗ trợ cho lao động mất việc (28/09/2021)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật