Khi rau đắt hơn thịt ở Trung Quốc
Vì giá rau tăng cao, nhiều người phải chuyển sang săn đồ hạ giá buổi tối ở siêu thị hoặc tìm mã giảm trên các trang thương mại điện tử.
"Rau đắt đến nỗi tôi phải ăn thịt: đậu 15 nhân dân tệ/kg, rau chân vịt 12,8 nhân dân tệ/kg, một quả dưa chuột giá 5,5 nhân dân tệ", một người dùng mạng xã hội Weibo viết.
"Hôm nay, tôi mua một bông cải xanh với giá 10 nhân dân tệ. Vài ngày trước nó chỉ khoảng 3,5 nhân dân tệ", một người khác bình luận.
Kể từ tháng 10, những lời phàn nàn về việc giá rau tăng cao đã tràn ngập trên mạng xã hội Trung Quốc, theo Global Times.
Nhiều người dùng Internet thậm chí còn nói rằng rau hiện có giá cao hơn thịt heo, loại thực phẩm với giá bán buôn khoảng 20 nhân dân tệ/kg vào nửa cuối tháng 10.
Giá rau củ tăng mạnh ở Trung Quốc. Ảnh: Business Insider.
|
Khủng hoảng rau củ
Global Times đã khảo sát chợ rau ở Thượng Hải và ghi nhận giá bán lẻ của một số loại rau đã tăng lên đến 20 nhân dân tệ/kg, ngang bằng mức giá các loại thịt.
Nhiều người rời khỏi khu chợ mà không mua bất kỳ loại rau nào sau khi xem bảng giá.
"Giá cần tây đã tăng lên 30 nhân dân tệ/kg trong tuần này. Một ít rau được hái sau khi các cánh đồng bị ngập lụt. Nhiều rau không có sẵn vì thời tiết quá lạnh", chủ cửa hàng họ Huang nói.
Một nông dân ở Shouguang, tỉnh Sơn Đông, miền đông Trung Quốc, cho biết sản lượng rau năm nay rất thấp. Ví dụ, sản lượng cà chua giảm 1/4 so với những năm trước vì mưa lớn bất thường.
Rau củ mất mùa vì lũ lụt, thời tiết khắc nghiệt. Ảnh: Reuters.
|
Theo số liệu gần đây của Bộ Nông nghiệp và Nông thôn (MOA), giá rau trong tháng 10 trên toàn quốc đã tăng 16% so với tháng trước.
Giá 26 loại rau đã tăng từ tháng 9, trong đó dưa chuột và rau chân vịt tăng lần lượt là 80% và 45% trong tháng 10.
Zhang Jing, nhà phân tích của MOA, nói rằng vụ rau rơi vào khoảng thời gian các khu vực sản xuất lớn ở miền Bắc gặp mưa lớn vào tháng 9, đầu tháng 10, dẫn đến lũ lụt trên diện rộng. Điều này ảnh hưởng rất nhiều đến sản lượng và chất lượng nông sản.
Zhou Rui, nông dân canh tác khoảng 7 ha nông sản ở Juancheng, tỉnh Sơn Đông cho hay: "Nhiều loại rau chết úng dưới đất. Chỉ còn lại một ít rau muống, bắp cải và rau mùi. Sau đó, trời trở lạnh quá nhanh chúng tôi không kịp trồng lại".
Thay đổi thói quen
Giá rau tăng đã khiến người tiêu dùng trẻ tìm mọi cách để tiết kiệm tiền.
Một số tìm kiếm mức giá tốt nhất trên các nền tảng thương mại điện tử, trong khi những người khác chuyển sang mua rau giảm giá vào ban đêm.
Liang Yuhao, kỹ sư sống ở Hợp Phì, tỉnh An Huy, miền Đông Trung Quốc, là một trong những người tiêu dùng cảm thấy đau đầu vì giá cả tăng cao trong thời điểm này.
"Giá dưa chuột đã tăng hơn gấp đôi, vọt lên 15 nhân dân tệ/kg. Tốc độ tăng giá thực sự chóng mặt", Liang nói.
Người trẻ chuyển sang mua sắm online hoặc chợ truyền thống. Ảnh: VICE.
|
Thường tự nấu nướng ở nhà, giờ đây Liang phải tính toán giá cả giữa các loại rau trước khi quyết định món ăn trong ngày.
"Đó là một bài toán. Tôi có xu hướng so sánh giá của các nền tảng thương mại điện tử khác nhau và tích trữ rau cho cả tuần để có thể sử dụng càng nhiều phiếu giảm giá càng tốt", Liang nói.
Không giống như Liang, Pan Chao, nhà thiết kế ở Thượng Hải, thích mua sắm tại khu chợ truyền thống.
"So với các loại rau đóng gói được bán trực tuyến, chợ bán rẻ hơn".
Pan chỉ tốn chưa đến 30 nhân dân tệ cho ba bữa ăn trong ngày, thấp hơn 20% so với mua sắm trên các nền tảng thương mại điện tử.
"Chỉ cần theo chân những người đi chợ có kinh nghiệm, bạn sẽ mua được thực phẩm với giá tốt", Pan nói.
Những người khác đã chuyển sang mua sản phẩm giảm giá tại các siêu thị.
"Bắt đầu từ 20h, nhiều thực phẩm tươi sống chưa bán được ở siêu thị sẽ đồng loạt giảm giá. Nếu đến đúng lúc, bạn có thể tìm thấy thực phẩm với mức giảm giá 50%. Đó là lý do tôi thường ghé qua các siêu thị trên đường về nhà vào buổi tối", Chen, nhân viên ngân hàng ở Bắc Kinh, nói.
Lê Vy
ZING
|