Hai trụ cột tăng trưởng bền vững của chứng khoán Tiên Phong: Ngân hàng đầu tư (IB) và Môi giới
Ông Đỗ Anh Tú, Chủ tịch Hội đồng Quản trị CTCP chứng khoán Tiên Phong - TPS (mã chứng khoán ORS) chia sẻ nhân dịp Lễ niêm yết chính thức 200 triệu cổ phiếu ORS trên sàn HOSE.
Thưa ông, TPS đã trải qua giai đoạn khởi động lại và chạy đà rất thành công, cổ đông có thể tiếp tục kỳ vọng gì ở TPS trong thời gian tới?
Bằng việc vận dụng linh hoạt kinh nghiệm tái cơ cấu của ngân hàng TPBank, áp dụng phù hợp với TPS, giúp công cuộc tái cơ cấu TPS rút ngắn chỉ có 2 năm, đạt tốc độ tăng trưởng nhất định, sở hữu nhiều lợi thế vượt trội bao gồm tiềm lực tài chính lành mạnh, hệ thống bán hàng phong phú, hiệu quả, sản phẩm đa dạng và ưu việt.
Tên tuổi TPS được ghi nhận là một trong những CTCK có dịch vụ tư vấn phát hành trái phiếu Top đầu trên thị trường. Với vinh dự nhận giải thưởng Fastest Growing Investment Bank in Vietnam 2021 do The Global Economics bình chọn, phần nào cho thấy nỗ lực, thành quả cũng như khẳng định được tầm nhìn chiến lược của TPS.
Sự kiện niêm yết cổ phiếu ORS trên sàn HOSE đánh dấu hoàn tất giai đoạn tái cơ cấu, đưa công ty bước sang giai đoạn mới phát triển mạnh mẽ, vượt bậc với những mục tiêu lớn và bền vững hơn. Chúng tôi kì vọng sẽ tiếp tục tạo nên “câu chuyện tái cơ cấu thành công với TPS”, mang lại lợi ích tốt nhất cho cổ đông.
Trong bối cảnh mới, các CTCK để tăng khả năng cạnh tranh cần cải thiện đồng đều về mọi mặt, từ vốn, nhân sự, đến các mảng hoạt động…qua đó tạo nên sức mạnh tổng hợp. Với TPS, cũng tương tự, phải có dịch vụ sản phẩm đầy đủ và sẽ tạo dấu ấn bằng “đặc sản” riêng có. Trong đó, thế mạnh mũi nhọn giúp TPS đột phá là số hoá - vừa là phương tiện, vừa là mục đích được ứng dụng trong quản trị rủi ro, vận hành, thiết kế sản phẩm và gia tăng trải nghiệm khách hàng.
Nếu như trước đây, do chưa có công cụ đầy đủ nên tiếp cận chung chính sách cho khách hàng, nhưng khi số hóa sẽ giúp thu thập dữ liệu tốt hơn và tự động phân tích khẩu vị đầu tư, phân loại nhóm khách hàng, từ đó thiết kế ra các các sản phẩm chuyên biệt. Hay nói cách khác, TPS dùng số hoá để “đo ni đóng giầy” sản phẩm, dịch vụ cho từng khách hàng.
Số hoá là quá trình liên tục, từ những chi tiết rất nhỏ như ứng dụng mượt mà, nhanh, không lỗi, giao diện thân thiện… mang lại sự trải nghiệm tuyệt vời nhất cho khách hàng – thì phải có bí quyết công nghệ. Với lợi thế nằm trong hệ sinh thái TPBank, công ty đã đi tắt đón đầu, ứng dụng công nghệ từ ngân hàng để áp dụng sang cho TPS. Chẳng hạn như Big data, cấu trúc công nghệ Micro service tạo tiền đề trong tương lai để dù có phục vụ gia tăng thêm nhiều khách hàng cũng không lo bị lỗi, bị nghẽn hệ thống.
Chúng tôi đã có kế hoạch thực hiện chi tiết trong từng giai đoạn để đạt được các mục tiêu đề ra... Trong đó, mở rộng quy mô, nâng cao chất lượng tài sản và gia tăng lợi ích cho Cổ đông là mục tiêu luôn được chú trọng.
Nằm trong hệ sinh thái TPBank giúp TPS mang đến dịch vụ, sản phẩm khác biệt gì cho khách hàng, thưa ông?
TPBank là cổ đông lớn nắm 9% vốn TPS, đồng thời là đối tác chiến lược, sẽ tạo nên “cộng hưởng giá trị - cộng hưởng phát triển”.
Với TPBank, vai trò của TPS là mảnh ghép quan trọng trong hệ sinh thái tạo nên chuỗi khép kín cung cấp dịch vụ cho khách hàng của TPBank. Chẳng hạn, khách hàng mở tài khoản giao dịch chứng khoán tại TPS sẽ có ngay tài khoản ngân hàng tại TPBank, qua đó giúp TPBank cũng có thêm khách hàng tiềm năng - góp phần giúp ngân hàng tăng trưởng CASA. Khi các khách hàng của TPBank muốn đa dạng kênh đầu tư, thay vì chỉ gửi tiết kiệm, thì thông qua TPS khách hàng có thể tham gia ngay kênh đầu tư trái phiếu, cổ phiếu,… với lợi suất đầu tư cao hơn.
Ngược lại, nhờ nằm trong hệ sinh thái của TPBank – Ngân hàng số xuất sắc nhất Việt Nam, TPS cũng đã có những sản phẩm công nghệ khác biệt, vượt trội như dịch vụ chuyển tiền nhanh Topup từ tài khoản ngân hàng vào tài khoản chứng khoán với thời gian hoàn tất dưới 5s, khách hàng tự chủ giao dịch chứng khoán trực tiếp từ nguồn tiền tại tài khoản ngân hàng và nền tảng công nghệ tiên tiến trong giao dịch… Những yếu tố đó tạo nên một TPS có những lợi thế cạnh tranh riêng trên thị trường.
Hiện nay, có vô vàn khách hàng TPBank chưa nghĩ đến câu chuyện đầu tư một phần tiền trên TTCK, cho thấy, TPS còn có thể khai thác nguồn khách hàng của TPBank với giỏ sản phẩm đa dạng từ cổ phiếu, trái phiếu, chứng chỉ quỹ, CW, phái sinh….và được tiếp cận dịch vụ tư vấn đầu tư, quản lý tài sản thay vì môi giới chứng khoán đơn thuần. Còn khách hàng của TPS, và nhiều nhà đầu tư khác tham gia TTCK có thể sử dụng dịch vụ của TPBank để cận tiếp được nguồn vốn với chi phí vay rẻ khi có nhu cầu mua nhà, ô tô,...
Có thể thấy đây là mối quan hệ “cộng sinh” – không phải là “mẹ nuôi con”, hỗ trợ lẫn nhau nhưng đảm bảo hoạt động độc lập, đảm bảo lợi ích tối đa cho cổ đông mỗi bên.
Trong chiến lược phát triển, trụ cột tăng trưởng của TPS là gì?
Cả mảng ngân hàng đầu tư - IB (trọng tâm là Tư vấn phát hành trái phiếu) và môi giới cổ phiếu đều là các trụ cột quan trọng. Ở giai đoạn tái cấu trúc, tiền thân là một ORS đang bị kiểm soát đặc biệt, thương hiệu giảm sút, TPS chưa thể phát triển ngay mảng môi giới chứng khoán, nhưng lại có lợi thế ở mảng khách hàng tổ chức để phát triển mảng trái phiếu và đạt được những thành quả nhất định.
Việc tư vấn phát hành trái phiếu, TPS luôn chú trọng nâng cao hệ thống quản trị rủi ro, không chỉ là rủi ro vận hành (tác nghiệp) mà còn là rủi ro pháp lý, rủi ro thanh khoản, rủi ro danh tiếng và rủi ro thị trường.
Sắp tới, TPS tiếp tục cố vị thế TOP 2 ở mảng trái phiếu, đồng thời mở rộng các mảng nghiệp vụ đang có tiềm lực khai thác lớn như tư vấn niêm yết, tư vấn tái cấu trúc tài chính (thoái vốn, thu xếp vốn, sáp nhập), tư vấn mua bán nợ, các nghiệp vụ bảo lãnh phát hành, …
Song song đó, các sản phẩm, dịch vụ, tiện ích liên quan đến giao dịch cổ phiếu của khách hàng cũng đang được TPS đẩy mạnh. TPS đã đủ điều kiện và chuẩn bị việc tham gia thị trường Chứng khoán phái sinh, chứng quyền. Mục tiêu của chúng tôi là top 10 về thị phần môi giới cổ phiếu trong 3-5 năm tới.
Với sự phát triển đồng bộ về mọi mặt bao gồm cả mảng trái phiếu và môi giới chứng khoán, TPS có mục tiêu nằm trong Top 10 trong thị trường chứng khoán Việt Nam, cả về quy mô vốn, cả về thị phần giao dịch, cả về doanh thu, lợi nhuận để đảm bảo hiệu quả hoạt động và đem lại lợi ích cao nhất cho cổ đông.
Ông có đánh giá về tiềm năng thị trường trái phiếu và kế hoạch phát triển mảng kinh doanh này của TPS trong thời gian tới?
Thị trường trái phiếu Việt Nam còn nhiều dư địa tăng trưởng trong thời gian tới và quy mô sẽ dần tiệm cận thị trường cổ phiếu nhờ 4 yếu tố chính, gồm:
Nhiều ngành nghề tiếp tục chịu ảnh hưởng từ dịch Covid - 19 và cần vốn để hoạt động sản xuất trở lại bình thường.
Năng lực đáp ứng vốn trung và dài hạn của Ngân hàng Thương mại chưa đủ và chủ trương chung của các cơ quan chính sách, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) vẫn ưu tiên kênh huy động vốn trung dài hạn thông qua kênh trái phiếu doanh nghiệp (TPDN) và thị trường cổ phiếu.
Môi trường lãi suất thấp và kì vọng lãi suất tiếp tục duy trì ở mức thấp trong thời gian tới sẽ giúp nhu cầu đầu tư và sở hữu TPDN gia tăng.
Và hiện quy mô thị trường trái phiếu Việt Nam vẫn còn ở mức thấp so với các nước trong khu vực, cho thấy còn nhiều dư địa để phát triển.
TPS đã xây dựng được lợi thế và khẳng định được năng lực tư vấn trong thời gian, nên sẽ có nhiều cơ hội để phát triển kinh doanh ở mảng trái phiếu trong thời gian tới. TPS luôn kiên định với mục tiêu phát triển bền vững, lựa chọn tổ chức phát hành có tên tuổi, uy tín và có năng lực thực sự để tư vấn và phân phối đến các nhà đầu tư.
Vậy còn kế hoạch của TPS với mảng môi giới cổ phiếu?
Như đã nói, Môi Giới là một trong các trụ cột trong hoạt động kinh doanh của TPS, sẽ được chú trọng để phát triển cân bằng, không thiên lệch mảng nào. Bởi mục tiêu của TPS hướng đến công ty chứng khoán cung cấp đầy đủ các dịch vụ cho nhà đầu tư, dựa trên công nghệ số - là thế mạnh mũi nhọn để TPS mang đến trải nghiệm tốt nhất cho khách hàng, qua đó cũng mang lại lợi ích cho NĐT.
Cạnh tranh ở mảng môi giới chưa bao giờ khốc liệt như lúc này, các cơ chế, chương trình ưu đãi được khai thác triệt để, từ miễn phí giao dịch, chính sách hoa hồng cho môi giới hấp dẫn, cạnh tranh cho vay margin… trong khi đó chi phí công nghệ, nhân lực không hề rẻ. Trước thực tế như vậy, TPS đã phải chuẩn bị rất nhiều thứ từ con người đến công nghệ, sản phẩm, nguồn vốn... để phát triển mảng hoạt động này.
TPS có đội ngũ kết hợp với ứng dụng công nghệ, số hoá trong hoạt động nên nắm bắt, hiểu rõ thị trường, hiểu rõ khách hàng, từ đó có các quyết sách, hành động nhanh nhạy. Các sản phẩm được thiết kế theo từng KH/nhóm KH phù hợp năng lực tài chính, từ đó đảm bảo được sự cạnh tranh với thị trường và duy trì doanh thu ổn định.
Theo tôi, có sản phẩm sẽ có thị phần, có thị phần sẽ có doanh thu, và ngược lại. Tùy theo từng giai đoạn chúng tôi sẽ có chiến lược khác nhau để đạt được mục tiêu của mình. Phát triển nhanh, nắm bắt cơ hội của thị trường nhưng đồng thời chúng tôi luôn vẫn đặt việc phát triển bền vững, tuân thủ quy định của pháp luật lên hàng đầu.
TPS rất vinh dự, tự hào khi được niêm yết và chính thức được giao dịch trên Sở Giao dịch Chứng khoán TP.HCM, đồng nghĩa với việc chúng tôi được đứng vào đội ngũ các doanh nghiệp có năng lực và nghiêm túc phát triển, góp phần xây dựng một thị trường chứng khoán minh bạch cho các nhà đầu tư trong nước và quốc tế.
FILI
|