Thứ Hai, 29/11/2021 06:56

Giảm giá mạnh vẫn khó kích cầu

Thói quen lội khắp các cửa hiệu, đổ ùn ùn về các trung tâm thương mại hay ngồi căng mắt trước máy vi tính để canh giảm giá của nhiều người dường như bị quên trong dịp Black Friday năm nay.

Mùa Black Friday vắng hoe

Tối 26.11, đúng ngày Black Friday (Thứ sáu đen), trên đường đi làm về, chị H.N ghé cửa hàng thời trang Elise trên đường Ông Ích Khiêm (Q.11, TP.HCM) để lấy chiếc đầm được gửi sửa bóp eo từ hơn tháng trước.

Mùa Black Friday tại TP.HCM năm nay giảm giá đến 70% nhưng vắng hoe người mua. Ảnh: Ng.Ng

Đây là 1 trong 3 chiếc áo đầm chị đã mua hồi tháng 10, sau khi các cửa tiệm thời trang mở cửa hoạt động trở lại. Chị H.N cho biết: “Vào tiệm đúng ngày Black Friday nên nhiều áo đầm dùng cho mùa thu và cả áo vest, khoác mùa đông đang được giảm giá lên đến 70 - 80%, khá hấp dẫn; nhưng giờ vẫn làm việc ở nhà là chính nên nhu cầu quần áo không còn nhiều. Hồi mới mở cửa, mình cũng hào hứng mua đồ để đi làm trở lại. Nhưng dịch vẫn diễn biến phức tạp, công việc chưa khởi sắc và cơ quan vẫn làm giãn cách như trước nên mua sắm cũng phải cân nhắc”.

Chị Q.Khánh, kế toán của một công ty logistics có văn phòng trên đường Hai Bà Trưng (Q.1, TP.HCM), cũng chia sẻ mọi năm, trưa ngày Black Friday là nguyên văn phòng 6 người vào các trung tâm thương mại “quét” hàng. Ra về ai cũng lỉnh kỉnh túi giày bốt, áo đầm, quần jeans, nước hoa, son phấn… với “tổng thiệt hại” từ 3 - 5 triệu đồng mỗi người. Nhưng năm nay không ai còn mặn mà vì vào trung tâm thương mại phải xếp hàng, khai báo y tế và ngại đông người. “Mua thì phải dùng, nay có đi du lịch được đâu mà dùng, rồi tết chưa chắc về quê được, nên nói chung thói quen mua sắm bất chấp lý do cũng bỏ luôn”, chị Khánh nói.

Quan sát của chúng tôi trong ngày chủ nhật (28.11), một số tuyến đường tại TP.HCM vốn dày đặc các cửa hiệu thời trang như Lê Văn Sỹ (Q.3), Nguyễn Trãi (Q.1 và Q.5), Âu Cơ (Q.Tân Bình), Ba Tháng Hai (Q.10)…, không khí ngày Black Friday khá yếu ớt, thậm chí không có. Rất nhiều cửa hàng thời trang nay đã đóng cửa. Chị Thùy Trang, chủ cửa hàng thời trang D.T trên đường Âu Cơ (Q.Tân Bình), cho hay mọi năm cũng trưng bảng giảm giá đến 70%, năm nay chị “làm biếng” quá vì sức mua rất yếu. Từ ngày 1.10 đến nay, doanh số bán ra chưa bằng 10% trước dịch bùng phát đợt 4.

Ngày 27.11 vừa qua, siêu thị mỹ phẩm AB Beauty World khai trương cơ sở thứ 11 trên đường Nguyễn Trãi, loạt sản phẩm chăm sóc gia đình như dầu gội, bột giặt, nước rửa chén… đang được bán giá không lợi nhuận. Riêng sản phẩm chống dịch đang bán lỗ với giá 1.000 đồng/khẩu trang N95 và 47.000 đồng/bộ test nhanh Covid-19, các mặt hàng còn lại giảm giá từ 10 - 80%. Thế nhưng, mãi lực sau 2 tháng hoạt động của siêu thị chỉ đạt 60% so với ngày thường.

Một lý do khác khiến mùa Black Friday năm nay vắng, theo một số nhà kinh doanh, do trong bối cảnh thế giới lại công bố có biến chủng vi rút Covid-19 mới, khiến nhu cầu mua sắm bị ảnh hưởng lớn.

Kích cầu từ hỗ trợ doanh nghiệp

Theo Cục Xúc tiến thương mại (Bộ Công thương), từ ngày 1.12.2021 - 1.1.2022, chương trình “Tháng khuyến mại tập trung quốc gia 2021” sẽ được tổ chức trên toàn quốc. Đặc biệt năm nay, doanh nghiệp sản xuất kinh doanh trên mọi lĩnh vực có thể giảm giá tối đa cho hàng hóa, dịch vụ lên đến 100% giá trị.

Tại TP.HCM, từ ngày 2 - 5.12 tới, Hội nghị kết nối cung - cầu lớn sẽ được tổ chức tại Nhà thi đấu thể dục thể thao Phú Thọ (Q.11), mục đích kết nối nhà sản xuất và tiêu dùng với các chương trình và mức khuyến mại được phép của doanh nghiệp cũng sẽ lên đến 100% giá trị. Hưởng ứng chương trình khuyến mại này, tại các siêu thị trong tuần qua đã triển khai loạt chương trình “đón sóng” khuyến mại tập trung từ ngày 26.11. Theo quan sát của PV Thanh Niên, chưa có mặt hàng nào giảm giá đến mức 80% hay 100%. Mức giảm phổ biến từ 20 - 50% cho rất nhiều mặt hàng gia dụng tại siêu thị MM Mega Market, siêu thị LotteMart, Co.opMart, BigC… Đại diện siêu thị MM Mega Market cho hay mức giảm cao nhất lên đến 50%, tuy nhiên đến nay sức mua chưa tăng đột biến. 50% cũng là mức giảm của siêu thị LotteMart hoặc một số sản phẩm mua 1 tặng 1.

Chuyên gia marketing Vũ Quốc Chinh (Đại học Kinh tế TP.HCM) cho rằng giảm giá để kích cầu là cách làm truyền thống mà toàn thế giới áp dụng và luôn có hiệu quả vào những mùa mua sắm, đặc biệt dịp Black Friday. Tuy nhiên, năm nay trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19, không chỉ tại VN mà nhiều nước trên thế giới đều ghi nhận doanh thu từ ngày Black Friday giảm mạnh.

“Trong tình hình mới này, giảm giá chỉ mới là điều kiện cần. Điều kiện đủ là ưu đãi giao hàng miễn phí, nhanh, thuận lợi và an toàn mới hiệu quả. Thời nay không phải ai bán rẻ cũng thắng mà là rẻ và nhanh mới thắng nổi”, ông Chinh nói và phân tích, việc không giới hạn tỷ lệ phần trăm giá hàng hóa bán ra và cho giảm đến 100%, chứng tỏ nhà nước muốn “mở bung” sức mua trong tháng cuối năm. Nhưng điều này chỉ đạt hiệu ứng marketing chứ không thể có nhà sản xuất nào lúc này đi phát không hàng hóa nếu không đi kèm một vài điều kiện. Chẳng hạn, đơn hàng đạt mức bao nhiêu sẽ được tặng kèm miễn phí cái nồi, bao gạo, ký thịt… Có cách kích cầu mà nhà nước và doanh nghiệp có thể cùng áp dụng, chẳng hạn chương trình đổi xe máy cũ lấy xe mới, bù cho người mua mấy triệu đồng mà Hà Nội đang áp dụng. “Tôi không rõ 4 triệu đồng đó là doanh nghiệp chi ra hay nhà nước hỗ trợ, nhưng thực tế muốn kích cầu, tăng sản xuất, nên áp dụng mô hình này cho một số mặt hàng tiêu dùng trong gia đình”, ông Chinh nhấn mạnh.

Đồng quan điểm, PGS-TS Đinh Trọng Thịnh (Học viện Tài chính) cho rằng giải pháp lâu dài là cần tạo điều kiện tối đa cho doanh nghiệp sản xuất, tạo nhiều công ăn việc làm, người làm công lương có tăng thì mới tăng chi tiêu được. Kích cầu lúc này là kích cầu cho người thu nhập thấp có thu nhập tăng thêm để tăng mua thì mới hiệu quả. Chứ chỉ giảm giá mà thu nhập không có thì cũng khó kích thích sức mua trong dân chúng.

Chính sách kích cầu tốt nhất là hỗ trợ doanh nghiệp ổn định sản xuất, tăng thu nhập cho người lao động đồng nghĩa gắn chi tiêu nội địa tăng. Có những hỗ trợ mà nhà nước không tốn tiền nhưng với doanh nghiệp rất hiệu quả như tháo gỡ chính sách, rút ngắn thời hạn xin giấy phép đầu tư kinh doanh, khoanh nợ, giãn nợ và nới dư nợ cho vay cho tài sản doanh nghiệp đã thế chấp trước đó lên 20 - 25%. Nếu doanh nghiệp không xoay xở sản xuất, tăng việc làm cho người lao động được, rất khó để kích cầu năm thành công

Ông Lê Hữu Nghĩa, Chủ tịch Hội doanh nghiệp Q.Bình Tân, TP.HCM

Nguyên Nga

Thanh niên

Các tin tức khác

>   Đường dây 200 triệu lít xăng giả: Bắt thêm 1 chủ cây xăng ở Gò Vấp, TP.HCM (27/11/2021)

>   Vụ buôn lậu, vận chuyển 53 triệu USD ra nước ngoài: Hơn 70 doanh nghiệp liên quan (27/11/2021)

>   Cước vận chuyển tăng, doanh nghiệp xuất khẩu điêu đứng (27/11/2021)

>   Thụy Sĩ hỗ trợ 75 triệu USD vốn ODA cho Việt Nam trong 3 năm tới (27/11/2021)

>   Doanh nghiệp gặp phiền hà với thủ tục hành chính nào nhất? (26/11/2021)

>   Hơn 46.400 vị trí việc làm đang cần người lao động miền Tây (26/11/2021)

>   Vinamilk và Vilico ký biên bản ghi nhớ với Tập đoàn Sojitz về Dự án chăn nuôi và kinh doanh thịt bò  (26/11/2021)

>   TS. Phan Hữu Thắng: Nhân lực yếu là thất bại của cả Việt Nam, không riêng gì Bắc Ninh! (26/11/2021)

>   Doanh nghiệp không "mặn mà" đầu tư tiện ích trong khu công nghiệp (26/11/2021)

>   Giá vé bay TP.HCM - Hà Nội rẻ nhất 2,6 triệu đồng khứ hồi (26/11/2021)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật