Thứ Bảy, 06/11/2021 10:17

Giá xăng và gas lên cao, hàng ăn đồng loạt tăng giá

Trước áp lực từ giá xăng, gas đẩy chi phí đầu vào tăng cao, nhiều nhà hàng, quán ăn tại TP.HCM phải đồng loạt tăng giá hoặc tìm phương án bớt phần ăn.

Từ 16h chiều 26/10, giá xăng E5 RON 92 tăng lên mức 23.110 đồng/lít, xăng RON 95 lên 24.338 đồng/lít. Hiện, giá xăng trong nước đã tăng 65% giá trị so với đầu năm và hiện chỉ còn kém đỉnh lịch sử hồi tháng 7/2014. Trong vòng một năm qua, giá các mặt hàng xăng đã tăng tới 17 lần, giữ nguyên 3 lần và chỉ giảm 3 lần.

Tương tự, thời điểm tháng 5 giá gas bán lẻ chỉ ở mức hơn 300.000 đồng/bình 12 kg thì từ ngày 1/11, giá gas bán lẻ tăng mạnh lên mức tối đa là hơn 500.000 đồng/bình 12 kg, 536.000 đồng bình nhựa VIP/12 kg và 1.877.500 đồng/bình 45 kg.

Thực tế, hiện nay việc giá xăng, gas đồng loạt tăng giá sốc tác động trực tiếp tới các doanh nghiệp, nhà hàng, quán ăn và người dân, nhất là trong bối cảnh trên đà phục hồi kinh tế sau thời gian dài giãn cách xã hội.

hàng ăn tăng giá ảnh 1

Các chủ quán ăn lo lắng vì nhiều mặt hàng thiết yếu ngày càng đắt. Ảnh: Phương Lâm.

"Đau đầu" vì xăng, gas đều tăng giá sốc

Hiện tại, nhiều cửa hàng chuyên kinh doanh đồ ăn trên địa bàn TP.HCM như bánh xèo, bánh mỳ, bún bò, bún chả, cơm tấm... đều thông báo tăng giá bán, mức tăng phổ biến vào khoảng 5.000-10.000 đồng/suất. Đơn cử, bánh mỳ chả 20.000/chiếc nay tăng lên mức 30.000 đồng/chiếc; bún đậu mắm tôm tăng 10.000-15.000 đồng/suất; bánh xèo 60.000 đồng/suất 10 cái thì nay tăng lên 70.000 đồng; bún bò 35.000 suất nay cũng thông báo tăng giá 5.000 đồng/suất...

Giá nguyên liệu tăng mạnh, đặc biệt là giá gas lên tới hơn 500.000 đồng/bình nên tôi không thể giữ giá như trước. "So với thời điểm tháng 5 trước đợt giãn cách, mỗi bình gas đã tăng thêm khoảng 130.000 đồng", chị Nguyễn Thị Vân, chủ quán bánh xèo ở quận 7 tính toán.

Chưa kể các loại rau, củ quả cũng đang ở mức giá rất cao, đặc biệt là các loại rau thơm. "Tôi mới nâng giá lên từ cuối tháng 10 thôi khi xăng thông báo tăng giá mạnh. Cũng không muốn tăng giá vì dịch bệnh ai cũng khó khăn nhưng không tăng thì lỗ mất", chị nói.

Tương tự, quán bún đậu mắm tôm tại quận 7 và huyện Nhà Bè cũng thông báo tăng giá bán một số món lên so với ngày thường 10.000-15.000 đồng vì giá nguyên liệu tăng, có những món không thể đặt được. "Rau có loại tăng giá 3-4 lần, có những ngày mua còn không có hàng, do đó quán cũng để rau ít hơn ngày thường", chủ quán cho biết.

Không chỉ các hàng quán mà nhiều hộ gia đình sử dụng gas cũng “than trời” vì chi phí ngày càng đắt đỏ. Gia đình 3 người nên 3 tháng tôi mới phải thay bình gas một lần. "Hồi tháng 4 tôi gọi gas chỉ khoảng 380.000-400.000 đồng nay giật mình vì báo giá lên 501.000 đồng. Sau dịch, thu nhập khó khăn, trong khi cái gì cũng thấy tăng giá", chị Thương (quận 8, TP.HCM) thở dài.

Trong khi đó, phía các nhà hàng cho biết giá xăng, gas tăng gây ảnh hưởng rất lớn đến các đơn vị vì khi giá tăng, không chỉ ảnh hưởng trực tiếp mà các đơn vị cung ứng thực phẩm, nguyên liệu đầu vào cũng thông báo tăng giá. Tuy nhiên, đa số cho biết vẫn cố gắng giữ nguyên giá để thu hút khách hàng.

Ông Hoàng Văn Thuận - chủ nhà hàng Nga Thịnh 5 ở quận Gò Vấp - cho biết việc giá gas tăng làm ảnh hưởng trực tiếp đến chi phí của nhà hàng. "Nhà hàng đang sử dụng bình gas loại 45 kg, mỗi tháng hết khoảng 3 bình. Trước đây, tôi mua mỗi bình gas loại 45 kg chỉ khoảng 1,1 triệu đồng thì nay phải mua với giá hơn 1,4 triệu đồng/bình, mỗi bình gas này đã tăng thêm khoảng hơn 300.000 đồng", ông tính toán.

Theo ông Thuận, chỉ tính riêng tiền gas chênh lên so với trước giãn cách đã là gần 1 triệu đồng/tháng. "Chưa kể, giá rau, củ quả tăng mạnh vì chợ đầu mối mở cửa chưa ổn định, chợ tự phát lợi dụng bán giá cao. Tuy nhiên, nhà hàng vẫn phải giữ nguyên giá bán vì nếu tăng giá sẽ mất khách", ông chia sẻ.

Tương tự, ông Lý Nhất Hiếu chủ chuỗi hệ thống nhà hàng Hàng Dương Quán cũng cho biết giá gas, giá xăng đang tăng cao ảnh hưởng trầm trọng đến chi phí của các nhà hàng. "Việc gas, xăng tăng kéo theo nhiều chi phí khác cũng tăng theo. Một số đơn vị cung cấp hàng hóa cho nhà hàng cũng mượn cớ để thông báo tăng giá, họ lý giải rằng chi phí vận chuyển, giao nhận tăng vì xăng tăng", chủ chuỗi nhà hàng này lo lắng.

Ngoài ra, ông Hiếu cho biết các nhà hàng của ông chủ yếu sử dụng bếp gas để nấu nướng do đó khi giá gas tăng mạnh lên mức hơn 500.000 đồng/bình 12 kg và 1,8 triệu đồng/bình 45 kg cũng khiến doanh nghiệp ảnh hưởng nặng nề.

"Tuy nhiên tôi cũng chưa thể tăng giá bán hàng vì vừa mới mở cửa phục hồi sau dịch. Vẫn phải chấp nhận mức giá cũ để theo dõi tình hình, nếu giá tăng quá mới tính đến chuyện tăng giá bán", ông chia sẻ.

hàng ăn tăng giá ảnh 2

Nhà hàng, quán ăn gặp nhiều khó khăn khi giá gas, xăng và nguyên liệu tăng cao trong khi lượng khách giảm mạnh. Ảnh: Duy Hiệu.

Giá gas tiếp tục tăng?

Kể từ khi dịch bệnh bùng phát, giá gas liên tiếp tăng do gián đoạn nguồn cung sản phẩm khiến chi phí giao nhận hàng lên cao. Trong khi đó, nguồn gas trong nước đang nhập khẩu khoảng 60% nên giá gas bị chi phối và ảnh hưởng bởi giá gas thế giới. Đây là tháng thứ 9 trong năm 2021 giá gas duy trì xu hướng tăng với tổng mức 164.000 đồng/bình 12 kg.

Theo phân tích của các doanh nghiệp phân phối gas, giá nhiên liệu trên thế giới tăng bởi nhu cầu sử dụng gas sưởi ấm mùa đông tăng mạnh. Trong khi đó, các mỏ khí trên thế giới đang chịu nhiều áp lực do thiên tai, dịch bệnh dẫn đến sản lượng khai thác chỉ đạt 70% so với trước, nguồn cung trở nên khan hiếm.

Theo Cục Quản lý giá (Bộ Tài chính), bình quân 10 tháng năm 2021, lạm phát cơ bản tăng 0,84% so với cùng kỳ năm 2020, thấp hơn mức chỉ số giá tiêu dùng (CPI) bình quân chung (tăng 1,81%). Điều này phản ánh biến động giá tiêu dùng chủ yếu do giá lương thực, giá xăng, dầu, điện và giá gas tăng.

hàng ăn tăng giá ảnh 3

Gas là mặt hàng tăng giá mạnh nhất trong thời gian qua, lên mức hơn 500.000 đồng/bình. Ảnh: Hiếu Công.

Giá nhiên liệu (xăng dầu, gas) trong nước dự báo tăng do chịu tác động từ giá thế giới tăng khi nhu cầu tiêu dùng và đầu cơ mặt hàng chiến lược của các nước vẫn ở mức cao. Giá một số mặt hàng nguyên liệu cho sản xuất kinh doanh tiếp tục ở mức cao như sắt thép, phân bón, thức ăn chăn nuôi do nhu cầu thế giới ở mức cao. Nguyên nhân do ảnh hưởng của thời tiết mưa lũ có thể tác động tăng giá cục bộ tại một số địa phương...

Chỉ đạo công tác điều hành giá quý IV trong cuộc họp mới đây, Phó thủ tướng Lê Minh Khái giao các bộ ngành, địa phương cần tổ chức theo dõi sát diễn biến cung cầu của thị trường các mặt hàng quan trọng, thiết yếu để chuẩn bị nguồn dự trữ, bình ổn giá, nhất là trong những tháng cuối năm, Tết Nguyên đán và đầu năm 2022.

“Đây là những việc Ban chỉ đạo điều hành giá đã làm hàng năm, nhưng năm nay có đặc thù là nền kinh tế bị tác động nặng nề của dịch bệnh cho nên cần lưu ý để tổ chức công tác dự trữ, bình ổn hợp lý”, Phó thủ tướng nhấn mạnh.

Thanh Thương

ZING

Các tin tức khác

>   Cấp lại mật khẩu VssID qua nhắn tin đến đầu số 8079, phí 1.000 đồng/lần (06/11/2021)

>   Ngày 5.11 có 7.487 ca mắc Covid-19 tại 60 tỉnh, thành (05/11/2021)

>   Tiêm nhầm vaccine COVID-19 cho 18 trẻ sơ sinh: Đình chỉ các cán bộ y tế (05/11/2021)

>   Giá ăn uống, dịch vụ có giảm theo thuế GTGT? (05/11/2021)

>   Đường sắt Sài Gòn nhận đăng ký vé tết (05/11/2021)

>   Nghiện tiền ảo: Cơn đại dịch giấu mặt? (05/11/2021)

>   Giá hàng hóa thiết yếu vẫn cao ngất ngưởng (05/11/2021)

>   Người trẻ Trung Quốc bị trói chặt vào các khoản vay (04/11/2021)

>   Ngày 4/11 ghi nhận 6.580 ca mắc COVID-19, nhiều địa phương đổi màu cấp độ dịch (04/11/2021)

>   Việt Nam sẽ có 53 triệu người tiêu dùng số, giá trị thương mại điện tử đạt 56 tỷ USD trong 5 năm tới (04/11/2021)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật