Dự án bất động sản phải làm theo quy trình 5 bước
Mới đây Sở Kế hoạch và Đầu tư đã có tờ trình lấy ý kiến các sở ngành, quận huyện về quy định nhiệm vụ, quyền hạn của các cơ quan trong thực hiện các dự án có sử dụng đất trên địa bàn TP.HCM.
Lấy ý kiến trong 15 ngày
Theo đó, trình tự thực hiện dự án đầu tư có sử dụng đất gồm 5 bước. Bước 1 thực hiện thủ tục chấp thuận chủ trương đầu tư và lựa chọn nhà đầu tư. Bước 2 thủ tục lập quy hoạch chi tiết tỷ lệ 1/500. Bước 3 thủ tục lập và thẩm định báo cáo nghiên cứu khả thi. Bước 4 thực hiện song song các thủ tục hành chính sau đây: thực hiện thủ tục giao thuê đất hoặc cho thuê đất và/hoặc cho phép chuyển mục đích sử dụng đất theo quy định của luật Đất đai, thẩm định thiết kế cơ sở theo quy định của luật Xây dựng, thủ tục xác định nghĩa vụ tài chính. Bước 5 thực hiện song song và nối tiếp các thủ tục hành chính như thủ tục cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho chủ đầu tư, thủ tục cấp giấy phép xây dựng và được khởi công xây dựng công trình.
Các doanh nghiệp xin được hỗ trợ cơ chế để đẩy nhanh tiến độ các dự án. ĐÌNH SƠN
|
Cũng trong dự thảo gửi đi lấy ý kiến của các sở ngành và địa phương, Sở Kế hoạch và Đầu tư nêu rõ, trong thời hạn 15 ngày kể từ ngày nhận được đề nghị của Sở Kế hoạch và Đầu tư, cơ quan lấy ý kiến thẩm định về nội dung thuộc phạm vi quản lý nhà nước của mình, phải gửi phản hồi về Sở Kế hoạch và Đầu tư, trong đó có ý kiến rõ về việc thống nhất hay không thống nhất đối với nội dung được hỏi ý kiến. Quá thời hạn quy định mà cơ quan được lấy ý kiến không có phản hồi thì cơ quan đầu mối được tổng hợp, báo cáo UBND TP trong đó xác định cơ quan không có ý kiến đã đồng ý với nội dung thuộc phạm vi quản lý của mình và cơ quan không có ý kiến chịu trách nhiệm với nội dung liên quan tới dự án thuộc chức năng, nhiệm vụ của mình.
Rút ngắn quy trình
Ngay sau khi nhận được dự thảo này, ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp Bất động sản TP.HCM (HoREA) đã phản đối quy trình 5 bước vì nó quá dài và không phù hợp với quy định của pháp luật. Theo đó, HoREA thống nhất trình tự bước 1, bước 2 của dự thảo. Kể từ bước 3 có thể thực hiện song song và nối tiếp các thủ tục hành chính trên cơ sở tích hợp thủ tục thẩm định thiết kế cơ sở vào thủ tục thẩm định báo cáo nghiên cứu khả thi. Đồng thời “tích hợp” thủ tục thẩm định thiết kế xây dựng triển khai sau thiết kế cơ sở vào thủ tục cấp phép xây dựng theo quy định của luật Xây dựng. Thực hiện song song thủ tục xác định nghĩa vụ tài chính thành một chuỗi thủ tục hành chính đồng bộ, liên thông.
Dự thảo quy định đang tách thủ tục thẩm định thiết kế cơ sở ra khỏi thủ tục thẩm định báo cáo nghiên cứu khả thi và quy định thủ tục sau cùng là cấp phép xây dựng là không phù hợp với các quy định của pháp luật về xây dựng và cũng không phù hợp với thực tiễn vận hành dự án đầu tư xây dựng.
Hiện nay thủ tục đầu tư các dự án bất động sản đang kéo dài. ĐÌNH SƠN
|
Lãnh đạo một công ty bất động sản cho biết để làm được một dự án bất động sản thường mất ít nhất 5 - 7 năm với chi phí rất lớn. Trong đó, để làm một dự án chỉ riêng quy trình thủ tục xác định giá đất (Sở Tài nguyên - Môi trường), thẩm định giá đất, xác định tiền sử dụng đất (Sở Tài chính, Sở Tài nguyên - Môi trường, Hội đồng Thẩm định giá đất TP) mất khoảng 3 năm nên doanh nghiệp phải chờ đợi rất lâu mới nộp được tiền sử dụng đất, dẫn đến dự án nhà ở chậm được triển khai thực hiện.
Do đó, rút ngắn được các thủ tục hành chính xem như đã cứu doanh nghiệp, cứu thị trường bất động sản, giúp giảm giá nhà đất, từ đó tạo cơ hội cho người dân dễ dàng mua được nhà. “Sau mấy tháng dịch cả người dân, doanh nghiệp và nhà nước đều khó khăn. Do đó, lúc này cách hỗ trợ người dân, doanh nghiệp tốt nhất là rút ngắn các thủ tục hành chính không cần thiết. Các sở ngành cần đẩy nhanh việc ký, giải quyết hồ sơ. Khi dự án thực hiện được, nhà nước cũng thu được các loại tiền sử dụng đất, thuế phí…”, vị này kiến nghị.
Trước đó, vào đầu năm 2020, Sở Xây dựng TP.HCM cũng đã ban hành quy trình thực hiện dự án nhà ở thương mại theo 5 bước. Theo đó, bước 1 thực hiện thủ tục quyết định chủ trương đầu tư; bước 2 phê duyệt quy hoạch chi tiết tỷ lệ 1/500; bước 3 giao thuê đất, chuyển mục đích sử dụng đất; bước 4 xác định nghĩa vụ tài chính, nộp tiền sử dụng đất; bước 5 cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất ở, công nhận chủ đầu tư, chấp thuận đầu tư, cấp giấy phép xây dựng và triển khai đầu tư xây dựng. Tuy nhiên giữa năm 2021, UBND TP.HCM đã chỉ đạo giao cho Sở Kế hoạch và Đầu tư chủ trì ban hành quy định này.
|
Đình Sơn
Thanh niên
|