Theo các chuyên gia, giá vàng trong nước và thế giới tăng liên tục gần đây chủ yếu do tâm lý lo ngại lạm phát. Ngoài ra, vàng miếng SJC còn được bổ trợ khi nguồn cung hạn chế.
“Cơn sốt vàng đang diễn ra” là khẳng định của ông Todd Horwitz, chuyên gia thị trường trưởng tại BubbaTrading.com, khi nói về diễn biến giá kim loại quý từ cuối tháng 9 đến nay.
Theo ông Horwitz, khối lượng giao dịch của cả vàng vật chất và vàng tương lai đã tăng mạnh trong 2 tuần gần đây, đẩy giá mặt hàng này tăng liên tục qua từng phiên. Hiện tại, các mốc giá cần quan sát với vàng sẽ là 1.880 USD và 1.900 USD/ounce.
Thực tế, giá vàng thế giới giao ngay phiên 16/11 (giờ Mỹ) có thời điểm đã tăng lên mức 1.871,9 USD/ounce, cao hơn gần 10 USD so với phiên liền trước và đang trong xu hướng tăng 6 tuần liên tiếp.
Tính từ cuối tháng 9 đến nay, kim loại quý đã gần 150 USD, tương đương hơn 8,6% giá trị và đang giao dịch ở vùng giá cao nhất kể từ tháng 6.
Cơn sốt vàng đang diễn ra trên thị trường thế giới khi lạm phát tăng cao kỷ lục. Ảnh: Bloomberg.
|
Cơn sốt vàng đang diễn ra
Theo các chuyên gia, toàn bộ đà tăng của vàng trong hơn một tháng rưỡi gần đây đều đến từ tâm lý lo ngại lạm phát tăng cao của nhà đầu tư.
Tại Mỹ, lạm phát đã tăng thêm 0,9% trong tháng 10 vừa qua, đưa tổng lạm phát từ đầu năm lên mức 6,2%, cao nhất trong hơn 3 thập niên trở lại đây.
Bên cạnh đó, thị trường vàng còn nhận được trợ lực từ các thông tin liên quan chính sách tiền tệ và lãi suất của các ngân hàng trung ương lớn trên thế giới.
Theo đó, cả Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED), Ngân hàng Trung ương Châu Âu (ECB) và Ngân hàng Trung ương Anh đều cho rằng còn quá sớm để tăng lãi suất. Điều này khiến chỉ số lạm phát chưa thể giảm ngay, qua đó tác động tích cực tới giá vàng.
Động thái duy nhất của FED hiện nay là cắt giảm 15 tỷ USD lượng mua tài sản hàng tháng, kéo dài từ nay đến tháng 6/2022. Tuy nhiên, động thái này không đủ để kìm hãm đà tăng của lạm phát.
Vàng thế giới đang giao dịch ở vùng giá cao nhất kể từ tháng 6/2021. Nguồn: Tradingview.
|
Theo ông EB Tucker, Giám đốc tại Metalla Royal, lạm phát đang ở mức cao nhất kể từ năm 1990 và sẽ không dừng lại ở mức 6,2%. Bên cạnh đó, lạm phát hiện nay không mang tính nhất thời mà sẽ còn kéo dài sang năm 2022.
“Trong bối cảnh lạm phát còn gia tăng, những tài sản mang tính trú ẩn an toàn như vàng sẽ còn được hưởng lợi”, vị chuyên gia nhấn mạnh.
Trong bối cảnh giá vàng thế giới tăng nhanh, vàng trong nước cũng ghi nhận mức tăng nhiều triệu đồng/lượng chỉ trong nửa đầu tháng 11 đã qua, đặc biệt là mặt hàng vàng miếng.
Vàng trong nước tăng nóng
Hiện tại, giá bán ra vàng miếng tại hầu hết doanh nghiệp đã lên gần 62 triệu đồng/lượng, cao hơn 3,5 triệu so với đầu tháng 11. Giá mua vào cũng được đẩy lên trên mức 61 triệu đồng.
Trong khi đó, giá vàng nhẫn chủ yếu được bán ra quanh mốc 54 triệu/lượng, cũng cao hơn gần 2 triệu đồng so với đầu tháng.
Ông Trần Thanh Hải, Chủ tịch HĐQT Công ty Vàng bạc Đá quý SJC Phú Thọ, cho biết giá vàng tăng mạnh gần đây chủ yếu đến từ tâm lý lo ngại lạm phát tăng trên toàn cầu.
Trên thị trường thế giới, lạm phát tại Mỹ đã tăng lên mức 6,2% với nguyên nhân chính là sự đứt gãy của chuỗi cung ứng và thiếu hụt lao động.
Tương tự, tại Việt Nam, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước mới đây cũng cảnh báo nguy cơ lạm phát có thể tăng cao trong năm 2022 khi các gói hỗ trợ kinh tế được đưa ra.
Ngoài ra, Việt Nam còn đối mặt với áp lực lạm phát nhập khẩu khi giá các mặt hàng nhập khẩu nhiều đang tăng mạnh trên thế giới.
“Nhà đầu tư khi nghe các thông tin này đã có tâm lý lo ngại và tìm đến vàng để trú ẩn. Điều này khiến giá vàng miếng SJC tăng cao, hiện đã chênh 10 triệu đồng so với thế giới”, ông Hải chia sẻ.
Bên cạnh yếu tố tâm lý, ông Hải cho rằng vàng miếng SJC tăng mạnh còn có nguyên nhân từ việc mặt hàng này hiện không còn thuộc quyền quản lý của Công ty TNHH MTV Vàng bạc Đá quý Sài Gòn (SJC) mà đi theo cung - cầu của thị trường. Trong đó, NHNN là bên quản lý hoạt động sản xuất và quyết định số lượng.
Theo đó, số lượng vàng miếng giao dịch trên thị trường hạn chế, dẫn tới việc các doanh nghiệp buộc phải mua vào được mới có vàng để bán ra.
“Doanh nghiệp phải chấp nhận chi ra gần 61 triệu đồng để mua 1 lượng vàng rồi bán ra thu lời 600.000-700.000 đồng/lượng. Như vậy, tỷ suất lợi nhuận chỉ hơn 1%. Điều này cho thấy giá vàng SJC tăng nóng do không còn thuộc quyền kiểm soát của ông lớn nào”, ông Hải nhấn mạnh.
Đại diện một doanh nghiệp vàng lớn cũng cho biết giá vàng miếng SJC tăng mạnh hơn nhiều so với thế giới chủ yếu do nguồn cung trong nước rất hạn chế.
Trong khi diễn biến thị trường khiến nhu cầu mua xuất hiện, tuy số lượng mua không lớn nhưng do các doanh nghiệp không có sẵn nhiều vàng miếng nên buộc phải nâng giá mua - bán để có thể đáp ứng nhu cầu giao dịch này.
Có nên mua vàng lúc này?
Ông Trần Thanh Hải cho rằng do không được tự quyết định về số lượng sản xuất, nên vàng miếng chỉ còn tuân theo quy luật cung - cầu, cộng thêm hiệu ứng tâm lý lo sợ lạm phát đã đẩy giá mặt hàng này tăng nóng.
Chủ tịch Công ty Vàng SJC Phú Thọ cho biết sau khi Nghị định 24/2012 được ban hành, số lượng điểm được phép kinh doanh vàng miếng đã giảm từ 12.000 xuống 2.000 điểm.
“Với một mặt hàng bị Nhà nước quản lý số lượng sản xuất, giới hạn địa điểm kinh doanh và không đi theo diễn biến thị trường, nếu lựa chọn để đầu tư là không phù hợp”, ông Hải nhấn mạnh.
Trong khi giá vàng nhẫn trong nước chỉ cao hơn thế giới khoảng 2-3 triệu/lượng, giá vàng miếng SJC đắt hơn tới 10 triệu đồng. Ảnh: Chí Hùng.
|
Thay vào đó, nhà đầu tư có thể quan tâm tới mặt hàng vàng nhẫn, vàng 9999, các sản phẩm mà doanh nghiệp có thể tự chủ về nguồn cung và giá đi sát so với thế giới, được giao dịch tại bất kỳ cửa hàng vàng nào trên cả nước.
Ngoài ra, nếu mua vàng miếng SJC giai đoạn này sẽ chịu mức giá đắt hơn 10 triệu đồng so với thế giới. Trong khi đó, giá vàng nhẫn chỉ chênh khoảng 2-3 triệu đồng.
Bên cạnh đó, ông Hải cũng cho rằng hiện tại chưa phải thời điểm thích hợp để mua vàng vì giá thế giới đang kiểm tra vùng 1.900 USD/ounce.
Trường hợp giá vượt qua mốc này thì có thể mua vào. Tuy nhiên, nếu cuối tuần giá vàng giảm xuống, khi đó nhu cầu mua vàng SJC giảm, nhà đầu tư đổ tiền vào chứng khoán, bất động sản, thì giá có thể lại giảm về 57-58 triệu đồng/lượng rất nhanh.
Để đưa ra quyết định đầu tư, nhà đầu tư cần phải nắm bắt được mức độ lạm phát thời gian tới. Hiện nhiều quốc gia đã bắt đầu ngưng các gói kích cầu, ngân hàng trung ương một số nước đã nâng lãi suất điều hành.
“Đặc biệt, Mỹ bắt đầu hạn chế các gói kích cầu, giảm lượng bơm tiền ra thị trường thì chỉ số lạm phát sẽ được kìm hãm, khi đó, yếu tố để vàng tăng giá sẽ không còn nữa”, ông Hải nhấn mạnh.