Điểm mặt 10 doanh nghiệp lãi lớn nhất trong 9 tháng đầu năm
Trong 10 doanh nghiệp có lãi ròng lớn nhất trên 3 sàn HOSE, HNX và UPCoM, có 2 đơn vị kinh doanh đi lùi so với cùng kỳ năm trước.
Theo dữ liệu từ VietstockFinance, tính đến ngày 11/11/2021 doanh thu thuần và lợi nhuận ròng 9 tháng đầu năm của 1,022 doanh nghiệp (trừ ngân hàng, công ty chứng khoán và bảo hiểm) trên 3 sàn HOSE, HNX, UPCoM đạt lần lượt hơn 2,165 ngàn tỷ đồng và gần 189 ngàn tỷ đồng, tăng 27% và 48% so với cùng kỳ.
Trong đó, 10 doanh nghiệp dẫn đầu về lợi nhuận có tổng doanh thu thuần và lợi nhuận ròng lần lượt đạt hơn 575 tỷ đồng và gần 91 tỷ đồng, chiếm 27% tổng doanh thu và 48% tổng lợi nhuận, tăng 30% và 78% so với 9 tháng cùng kỳ.
Hai doanh nghiệp “họ Vin” là Vinhomes (HOSE: VHM) và Tập đoàn VINGROUP (HOSE: VIC) đều góp mặt trong top 10 doanh nghiệp có lợi nhuận lớn nhất trên cả ba sàn sau 9 tháng đầu năm 2021. Trong đó, lợi nhuận của VHM dẫn đầu top 10 lợi nhuận toàn thị trường.
VHM cho biết, trong năm 2021, ngoài việc tiếp tục mở bán tại 3 Đại đô thị Vinhomes Ocean Park, Vinhomes Smart City, Vinhomes Grand Park và các dự án mới, Công ty sẽ bàn giao những căn hộ đã hoàn thiện ở một số dự án khác tới tay khách hàng. Các đại dự án hiện hữu nói trên tiếp tục đóng góp lớn cho VHM trong năm 2021 cả về doanh số, doanh thu và lợi nhuận.
Bên cạnh các kênh bán hàng truyền thống, VHM còn đẩy mạnh triển khai mô hình O2O (Online to Offline) và ra mắt hoạt động kinh doanh thứ cấp, giúp các sản phẩm của Công ty tiếp cận được nhiều đối tượng khách hàng hơn, thông qua đa dạng các kênh tương tác.
Kết quả, doanh thu thuần và lợi nhuận ròng của VHM sau 9 tháng đạt lần lượt 61,681 tỷ đồng và 27,084 tỷ đồng, tăng 25% và 66% so với cùng kỳ, dẫn đầu sàn chứng khoán về lợi nhuận.
Đối với VIC, hoạt động kinh doanh quý 1 của Công ty ghi nhận kết quả tích cực khi doanh thu và lợi nhuận lần lượt tăng 52% và gấp gần 5 lần cùng kỳ nhờ bàn giao 3 Đại đô thị Vinhomes Ocean Park, Smart City và Grand Park, cộng với việc doanh số bán xe và điện thoại đều tăng trưởng tốt.
Tuy nhiên, kết quả lợi nhuận ròng của VIC vẫn giảm 21% so cùng kỳ, còn hơn 3,193 tỷ đồng.
Lợi nhuận tăng trưởng nhờ hưởng lợi về giá
Trong bối cảnh giá thép thế giới và trong nước “bay cao” suốt thời gian qua, hai “ông lớn” ngành thép Tập đoàn Hòa Phát (HOSE: HPG) và Tập đoàn Hoa Sen (HOSE: HSG) đều đạt được mức lợi nhuận “khổng lồ” trong 9 tháng đầu năm 2021, tăng bằng lần so với kết quả cùng kỳ.
Diễn biến giá thép từ đầu năm 2021 đến nay. Đvt: CNY/tấn
|
Cụ thể, HPG báo doanh thu thuần đạt 104,969 tỷ đồng và lãi ròng đạt 27,051 tỷ đồng sau 9 tháng đầu năm, lần lượt tăng 63% và gấp 3 lần so với cùng kỳ.
Bên cạnh hưởng lợi từ giá thép tăng, sản lượng thép HPG cũng được cải thiện nhờ lò cao thứ 4 tại Khu liên hợp Dung Quất bắt đầu vận hành kể từ tháng 1/2021. Việc nhà máy sản xuất thép của HPG đi vào hoạt động trong bối cảnh thiếu hụt nguồn cung về thép hồi đầu năm đã tạo lợi thế không nhỏ cho HPG. Biên lợi nhuận gộp 9 tháng đầu năm của Công ty được nâng lên 30% từ 20% của cùng kỳ.
Với lợi thế ở mảng tôn mạ, HSG báo ghi nhận mức lãi kỷ lục 3,741 tỷ đồng trong 9 tháng cuối niên độ 2020-2021, gấp gần 4 lần so với cùng kỳ. Theo SSI Research, dù nhu cầu trong nước sụt giảm do ảnh hưởng của dịch Covid-19 nhưng HSG đã có đơn hàng xuất khẩu để hoạt động hết công suất đến hết tháng 11.
HSG cho biết, sản lượng xuất khẩu của Công ty đang tăng trưởng mạnh mẽ ở cả các thị trường truyền thống lẫn các thị trường mới khai thác, đặc biệt, tại các thị trường đang có nhu cầu cao về tôn mạ như Bắc Mỹ và Châu Âu. Công ty dự kiến nâng tỷ trọng xuất khẩu tại hai thị trường này từ 20%-30% lên hơn 50%.
Hạ nguồn là các hoạt động liên quan đến việc chuyển đổi dầu, khí thành sản phẩm hoàn chỉnh. Các hoạt động này bao gồm lọc dầu thô thành xăng, khí lỏng tự nhiên, dầu diesel và nhiều nguồn năng lượng khác. Những doanh nghiệp dầu khí hạ nguồn điển hình là PLX, OIL, BSR, COM…
|
Bên cạnh thép, trong bối cảnh các nền kinh tế trên thế giới dần phục hồi sau đại dịch, nhu cầu sử dụng xăng dầu cho việc đi lại và sản xuất theo đó cũng tăng mạnh. Điều này phần nào giúp giá dầu thế giới tăng trở lại sau đà giảm mạnh trong năm 2020. Nhờ đó, một doanh nghiệp kinh doanh dầu thuộc nhóm hạ nguồn như Lọc hóa Dầu Bình Sơn (UPCoM: BSR) đã chuyển lỗ thành lãi. Cụ thể, lợi nhuận ròng 9 tháng đầu năm 2021 của BSR đạt 4,021 tỷ đồng, bỏ xa mức lỗ 4,063 tỷ đồng trong cùng kỳ.
Diễn biến giá dầu Brent thế giới từ năm 2020 đến nay. Đvt: USD/thùng
|
Không chỉ kết quả kinh doanh, tại ngày 30/09/2021, tổng nợ vay của BSR đã giảm hơn 990 tỷ đồng so với đầu năm, về mức 12,001 tỷ đồng. Mặt khác, hàng tồn kho của Công ty ghi nhận gần 17,522 tỷ đồng, gấp đôi đầu năm.
Trong bối cảnh giá dầu tăng, giá các loại khí đốt cũng sẽ có xu hướng tăng theo. Tuy nhiên, lợi nhuận 9 tháng đầu năm 2021 của Tổng Công ty Khí Việt Nam (HOSE: GAS) chỉ tăng nhẹ 9% so với cùng kỳ, đạt 6,709 tỷ đồng.
GAS cho biết, trong quý 3, nhu cầu khí, sản phẩm khí của các hộ công nghiệp, thị trường trong nước giảm khoảng 35-40% đối với LPG và 30% đối với khí áp, CNG so với thời điểm trước khi dịch Covid-19 bùng phát lần 4. Nguyên nhân chủ yếu do nhiều khách hàng buộc phải dừng hoặc giảm sản xuất, kinh doanh do ảnh hưởng từ đại dịch. Trước đó, sản lượng tiêu thụ của GAS cũng đã có dấu hiệu sụt giảm nhẹ trong quý 1 và quý 2 nhưng nhờ giá dầu hồi phục tích cực nên kết quả kinh doanh của Công ty không bị ảnh hưởng đáng kể.
Dịch Covid-19 làm chững lại đà tăng trưởng
Đối với CTCP Sữa Việt Nam (HOSE: VNM), do ảnh hưởng của dịch Covid-19, doanh thu thuần 9 tháng đầu năm của Công ty gần như đi ngang so với cùng kỳ, duy trì ở mức trên 45 ngàn tỷ đồng. Tuy nhiên, khó khăn của VNM không chỉ nằm ở doanh thu mà còn ở quá trình sản xuất.
Do chi phí nguyên vật liệu đầu vào chịu ảnh hưởng từ việc gián đoạn chuỗi cung ứng toàn cầu và các chính sách thuế chống bán phá giá đối với một số nguyên liệu nhập khẩu, biên lãi gộp của VNM giảm từ 46% xuống còn 43%. Ngoài ra, việc thực hiện “3 tại chỗ” để duy trì hoạt động tại các nhà máy, trang trại và các biện pháp phòng chống dịch cũng phần nào làm tăng chi phí sản xuất của VNM trong quý 3.
Kết quả là VNM báo lãi ròng 9 tháng 8,336 tỷ đồng, giảm 6% so cùng kỳ và đứng thứ 3 trên bảng xếp hạng top 10 doanh nghiệp lãi lớn nhất.
Tình hình dịch bệnh cũng gây ảnh hưởng đáng kể đến hoạt động kinh doanh của CTCP Đầu tư Thế giới Di động (HOSE: MWG). Với việc sở hữu các chuỗi bán lẻ như Thế giới Di động, Điện máy Xanh, Bách Hóa Xanh trải khắp cả nước, lợi nhuận ròng của MWG giảm đến 17% trong quý 3 khi các chuỗi cửa hàng trên phải đóng cửa hoặc hoạt động cầm chừng.
Tuy nhiên, nhờ duy trì hoạt động của chuỗi Bách Hóa Xanh trong thời gian giãn cách xã hội cũng như kết quả tích cực trong nửa đầu năm, lợi nhuận ròng 9 tháng đầu năm của MWG vẫn tăng trưởng 12%, ghi nhận hơn 3,336 tỷ đồng.
Trong bối cảnh hoạt động kinh doanh chính không quá nổi bật, cơ cấu lợi nhuận của Tổng Công ty Máy động lực và Máy nông nghiệp Việt Nam (UPCoM: VEA) những năm gần đây phần lớn đến từ hoạt động liên doanh với 3 hãng xe lớn gồm Honda, Ford và Toyota.
Dù doanh số của các hãng xe này giảm mạnh trong quý 3 nhưng trong nửa đầu năm, kết quả lại hết sức tích cực. Cụ thể, theo Hiệp hội các Nhà sản xuất Ô tô Việt Nam (VAMA), doanh số bán ô tô 5 tháng đầu năm 2021 của Honda đạt 10,134 chiếc, tăng 14.6% so với cùng kỳ, của Ford tăng 57.4%, lên 10,144 chiếc, Toyota tăng 16.4%, đạt mốc 24,122 chiếc. Theo BVSC, thông thường, doanh số bán hàng 5 tháng của các hãng xe này sẽ chiếm 37%-40% doanh số cả năm.
Nhờ động lực từ 3 liên doanh, lợi nhuận ròng 9 tháng đầu năm của VEA đạt 3,874 tỷ đồng, gần như đi ngang so với cùng kỳ.
Kết quả kinh doanh 9 tháng đầu năm của 10 doanh nghiệp có lợi nhuận lớn nhất. Đvt: Tỷ đồng
* 9 tháng cuối năm niên độ 01/10/2020-30/09/2021. Nguồn: VietstockFinance
|
Hà Lễ
FILI
|