Chính sách hỗ trợ cần ban hành sớm
Tổng cục Thuế (Bộ Tài chính) cho biết sẽ trình cấp có thẩm quyền cho phép tạm thời chưa phạt doanh nghiệp nộp thiếu thuế thu nhập doanh nghiệp tạm nộp 3 quý đầu năm 2021.
Thế nhưng theo các chuyên gia, quy định vô lý này cần phải bỏ và sớm ban hành chính sách hỗ trợ dài hơi cho năm tới để doanh nghiệp (DN) phục hồi.
Chính sách hỗ trợ như miễn giảm thuế cần kéo dài hơn để hỗ trợ doanh nghiệp, qua đó vực dậy nền kinh tế. Ngọc Dương
|
Quy định vô lý sao chưa bỏ?
Theo quy định tại Nghị định 126/2020 hướng dẫn thi hành luật Quản lý thuế, đến ngày 30.10, DN phải nộp đủ 75% tổng tiền thuế thu nhập doanh nghiệp (TNDN) cả năm. Trong trường hợp DN vi phạm sẽ bị phạt chậm nộp. Tổng cục Thuế cho rằng, do tình hình dịch Covid-19 nên hoạt động kinh doanh quý 3/2021 của các DN tại 23 tỉnh thực hiện giãn cách xã hội bị tạm ngừng, không phát sinh thu nhập dẫn đến không phát sinh số thuế TNDN phải tạm nộp. Sau giãn cách, nhà nước cũng có nhiều biện pháp hỗ trợ DN phục hồi hoạt động sản xuất kinh doanh nên chủ yếu số thuế TNDN sẽ phát sinh trong quý 4. Vì vậy, nếu thực hiện tính tiền chậm nộp theo quy định nói trên sẽ gây khó khăn cho DN. Thế nên, đơn vị này sẽ trình cấp có thẩm quyền tạm thời chưa phạt những DN nộp chậm.
Nên kéo dài miễn giảm thuế GTGT sẽ thúc đẩy tiêu dùng, từ đó thúc đẩy DN hoạt động sản xuất kinh doanh, điều này sẽ tác động lại người tiêu dùng có thu nhập. Việc giảm thuế GTGT không ảnh hưởng nhiều đến nguồn thu ngân sách mà có hiệu ứng phục hồi cầu nội địa.
Chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan
|
Không đồng tình, ông Trần Xoa, Giám đốc Công ty luật Minh Đăng Quang, nói thẳng quy định này ban hành cuối năm 2020 đã nhận phải sự phản đối vì sự bất hợp lý, không khuyến khích DN hoạt động sản xuất kinh doanh cuối năm. Thế nhưng đã gần 1 năm mà chưa thấy điều chỉnh sửa đổi cho phù hợp mà nay lại chỉ trình tạm thời chưa phạt DN nộp thiếu thuế là chưa hợp lý. Thực tế, những DN sợ vi phạm đã phải nộp thuế trước hạn 30.10 dù họ đang rất khó khăn vì bị ảnh hưởng của đợt dịch bùng phát lần thứ 4.
Số liệu cho thấy, có tới 90.000 DN tạm ngừng hoạt động hoặc nộp đơn xin phá sản trong 9 tháng đầu năm 2021. Trong bối cảnh đó, nhiều giải pháp tài khóa hỗ trợ DN, người dân gặp khó khăn do ảnh hưởng từ dịch Covid-19 được ban hành vào tháng 10 như 4 nhóm giải pháp miễn, giảm thuế như giảm thuế TNDN phải nộp của năm 2021 đối với DN, tổ chức có doanh thu không quá 200 tỉ đồng và doanh thu năm 2021 giảm so với năm 2019; miễn thuế (thuế thu nhập cá nhân, thuế giá trị gia tăng (GTGT) và các loại thuế khác) trong quý 3 và 4 của năm 2021 đối với hộ kinh doanh, cá nhân kinh doanh có hoạt động sản xuất, kinh doanh tại các địa bàn cấp huyện chịu tác động của dịch trong năm 2021; giảm mức thuế GTGT đối với nhóm hàng hóa, dịch vụ trong các ngành nghề; miễn tiền chậm nộp phát sinh trong các năm 2020, 2021 đối với các DN, tổ chức phát sinh lỗ trong năm 2020.
Thời gian hỗ trợ ngắn, doanh nghiệp khó hưởng
Không chỉ thế, theo ông Trần Xoa, các giải pháp hỗ trợ thuế đối với DN, cá nhân vừa mới đưa ra có hiệu lực quá ngắn, như giảm thuế GTGT chỉ trong 2 tháng cuối năm cho một số ngành nghề đã bị tê liệt; thuế TNDN giảm 30% nhưng cũng đưa ra điều kiện DN có doanh thu thấp 200 tỉ đồng và thấp hơn năm 2019 thì số lượng DN được hưởng không bao nhiêu.
“Bây giờ gần hết năm 2021 rồi nên cần sớm có chính sách cho năm 2022 để DN có kế hoạch đưa vào hoạt động sản xuất kinh doanh”, ông Xoa đề nghị và cho rằng, rút kinh nghiệm chính sách hỗ trợ đưa ra còn chậm thời gian qua, các biện pháp hỗ trợ cần sớm được công bố và thực hiện từ ngày 1.1.2022. Bởi thời điểm hiện nay là lúc DN lên kế hoạch cho hoạt động sản xuất kinh doanh năm 2022 nhưng tâm lý của chủ DN vẫn còn đắn đo không biết có nên mở rộng các hoạt động trở lại sản xuất kinh doanh, đầu tư trong bối cảnh dịch Covid-19 cũng như kinh tế khó dự đoán. Vì thế, các biện pháp hỗ trợ từ nhà nước nếu sớm ban hành sẽ tạo động lực cho họ “khí thế” hơn trong việc hoạch định kế hoạch và sớm trở lại thị trường.
“Các chính sách miễn, giảm thuế cần đi trước mới có hiệu quả phát huy, chứ chờ đánh giá tình hình thực tế rồi lấy ý kiến, ban hành, sợ rằng lúc đó không thể cứu được DN đuối sức”, ông Xoa nhấn mạnh và đề nghị các giải pháp hỗ trợ về thuế trong thời gian tới cần được kéo dài để phát huy hiệu quả. Chẳng hạn cho phép gia hạn thuế đến hết quý 4/2022; kéo dài việc giảm thuế GTGT cho các ngành nghề để kích cầu tiêu dùng từ đó kích cầu sản xuất; việc giảm thuế TNDN cũng nên triển khai cho nhiều lĩnh vực để động viên; đồng thời giảm lệ phí trước bạ ô tô, xe máy. Kinh tế có thể còn gặp khó khăn đến hết năm 2022 nên thời gian thực hiện miễn, giảm, gia hạn thuế nếu kéo dài hết năm 2022 càng tốt, còn không thì 6 tháng đầu năm 2022.
Đồng quan điểm, chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan phân tích, các DN vừa ra khỏi cơn nguy kịch lớn vào tháng 10, mà chính sách miễn giảm thuế 2021 chỉ kéo dài 3 tháng cuối năm là chưa đủ. Thực tế, không mấy DN dám làm nhiều trong khoảng thời gian này. Họ chỉ khởi động từ từ, chưa ai hoạt động 100% công suất, ngoại trừ DN hưởng lợi trong đợt dịch như ngân hàng, y tế, công nghệ thông tin. Còn ngành nghề khác như du lịch, vận tải… bị ảnh hưởng nặng nề nên không có lợi nhuận đóng thuế để được hưởng chính sách. “Ốm nặng mà chỉ vài viên thuốc thông thường thì không thể phục hồi. Qua năm 2022, số lượng DN phục hồi chắc chắn cũng thấp, chỉ khoảng 30 - 50% công suất. Các DN cũng còn dè chừng vì lỡ có gì bất ngờ xảy ra thì khó gượng dậy được nữa vì nguồn lực không còn. Hành động của họ như vậy cũng hợp lý. Do đó cần có chính sách gia hạn và bổ sung lớn hơn trong thời gian tới”, bà Lan nói.
Thanh Xuân
Thanh niên
|