VPB - Cổ phiếu phù hợp chiến lược “Đầu tư ngược dòng”
Dù được gọi bằng cái tên nào, triết lý đầu tư “mua 1 đồng với giá 50 xu” vẫn không đổi và hứa hẹn một mức sinh lời ấn tượng cho các nhà đầu tư dám theo đuổi sự khác biệt - ở đây là trường hợp cổ phiếu ngân hàng VPB.
Thị trường chứng khoán với sự năng động và đa dạng của mình tồn tại nhiều trường phái đầu tư khác nhau với những lý luận và dấu ấn riêng. Cùng trên một thị trường và cùng trong một thời điểm, nhà đầu tư thuộc các trường phái đầu tư khác nhau sẽ nhìn thấy những cơ hội khác nhau và hành động hoàn toàn khác nhau để tạo ra lợi nhuận. Điển hình trong số đó có thể kể đến trường phái Đầu tư giá trị phát kiến bởi Benjamin Graham và được phát triển rực rỡ bởi nhà đầu tư vĩ đại Warren Buffett, hay trường phái Đầu tư tăng trưởng với đại diện là Philip Fisher và Peter Lynch. Trong số đó, có một chiến lược đầu tư khá đặc biệt có tên “Đầu tư ngược dòng” (“Contrarian investment strategy”) được phát kiến bởi huyền thoại đầu tư David Dreman và chiến lược này đã được ông xuất bản lần đầu tiên vào năm 1980 trong cuốn “Contrarian Investment Strategy: The Psychology of Stock Market Success” (tạm dịch “Chiến lược đầu tư ngược dòng: Tâm lý để thành công trên thị trường chứng khoán”). Nguyên lý đầu tư của ông được tóm tắt dựa trên 3 điểm sau:
Thứ nhất, đầu tư ngược xu thế khi thị trường đang định giá sai hoặc cổ phiếu đang bị “lãng quên” hay nói cách khác cổ phiếu chưa được đánh giá đúng giá trị do các thông tin thiếu tích cực từ kinh tế vĩ mô và ngành. Theo ông, đầu tư ngược xu thế là khi nhà đầu tư có thể tìm kiếm được lợi nhuận bằng cách đi theo hướng khác hẳn với những suy nghĩ thông thường của số đông hay của thị trường.
Thứ hai, tiến hành mua cổ phiếu đang bị định giá thấp, kết hợp với việc phân tích tâm lý thị trường. Yếu tố này dựa trên việc khi thị trường đang có các thông tin tốt hỗ trợ cho việc tăng giá hoặc những thông tin này đem đến cho nhà đầu tư hiểu thêm về tiềm năng tăng trưởng mạnh của một cổ phiếu, tuy nhiên diễn biến trên thị trường lại đi theo chiều hướng tiêu cực.
Thứ ba, dùng kinh tế học hành vi để phân tích tâm lý và hành vi của các nhà đầu tư khác và cả thị trường. Theo đó, các nhà đầu tư thường có xu hướng bị dẫn dắt bởi đám đông dẫn đến việc sẽ luôn tồn tại những cổ phiếu bị định giá quá cao một cách vô lý và những cổ phiếu bị định giá thấp một cách ngạc nhiên, và đó là lúc tiến hành đầu tư ngược dòng.
Với việc làn sóng dịch Covid-19 lần thứ 4 bùng phát vào cuối quý 2/2021 và kéo dài đến hết quý 3/2021 đã khiến cho nền kinh tế Việt Nam bị ảnh hưởng, điều đó dẫn đến những lo ngại của giới đầu tư liệu thị trường có thể phục hồi về vượt qua mức đỉnh cũ. Ngành ngân hàng là một trong những ngành bị ảnh hưởng do vai trò đầu tàu kinh tế, đồng thời là ngành dẫn dắt chỉ số nên việc giới đầu tư có thái độ thận trọng đối với ngành này là chuyện dễ hiểu. Tuy nhiên, câu hỏi đặt ra là thái độ này có đang phản ánh đúng bản chất cũng như triển vọng dài hạn của ngành? Câu trả lời là không, khi mà hầu hết các chuyên gia và nhà phân tích trên thị trường đều cho rằng, ngành ngân hàng và TTCK sẽ lấy lại đà tăng trong quý cuối năm 2021 và đầu năm 2022 với việc mở cửa trở lại giúp đẩy nhanh nhu cầu chi tiêu và gia tăng năng lực sản xuất.
Như phân tích ở trên, khi tâm lý thị trường đang không nhìn nhận đúng bản chất của ngành ngân hàng và nền kinh tế, đây được xem là thời điểm tuyệt vời để tiến hành “Đầu tư ngược dòng” theo nguyên lý của David Dreman. Câu hỏi được đặt ra là liệu ngân hàng nào sẽ được đưa vào danh sách ưu tiên xét theo những tiêu chí của chiến lược đầu tư ngược dòng? Một trong những cơ hội đầu tư hiếm hoi trong nhóm cổ phiếu bluechips có thể đáp ứng được các tiêu chí theo chiến lược “Đầu tư ngược dòng” là VPB, một ngân hàng đã cho thấy những dấu ấn đậm nét trong quá trình tăng trưởng hơn 10 năm qua nhưng đang bị “lãng quên” bởi những khó khăn chung của ngành ngân hàng.
Với những động thái nâng giá mục tiêu của hàng loạt các công ty chứng khoán trong hàng loạt các báo cáo, khuyến nghị đầu tư đã cho thấy cổ phiếu VPB đang bị định giá thấp hơn nhiều so với giá trị nội tại. Ngoài ra, từ đầu năm đến nay, hàng loạt các thông tin tích cực đến từ hoạt động kinh doanh cũng như việc không ngừng gia tăng vốn chủ sở hữu và tỷ lệ an toàn vốn (CAR) qua việc chuyển nhượng vốn ở công ty con, chia tách hay phát hành thêm cho cổ đông chiến lược của VPBank đã và đang hỗ trợ tích cực cho tiềm năng tăng trưởng to lớn của ngân hàng. Tuy nhiên, việc thị trường phản ứng thận trọng đã khiến cho thị giá VPB chưa phản ánh hợp lý giá trị nội tại của cổ phiếu. Tiếp tục phân tích sâu hơn đối với ngân hàng VPBank thông qua một số các chỉ tiêu trọng yếu để thấy được cổ phiếu VPB đang giao dịch dưới giá trị thực bởi các yếu tố tâm lý thị trường hơn là bởi nội tại của chính ngân hàng.
Thứ nhất, những ước tính và dự đoán của các chuyên gia đều cho rằng kết quả kinh doanh chung của ngành ngân hàng và nền kinh tế sẽ có sự sụt giảm do đại dịch. Tuy nhiên, những tác động không tích cực đối với VPBank nhìn chung sẽ không quá lớn và kỳ vọng kết quả kinh doanh quý 3 của ngân hàng dù có thể không đạt mức tăng trưởng cao như các kỳ trước, vẫn là một bất ngờ tích cực (“positive surprise”) với nhiều bên khi dự kiến vẫn nằm trong top các ngân hàng về lợi nhuận. Với sự tăng trưởng thần tốc về quy mô cũng như hiệu quả hoạt động đã được chứng minh trong giai đoạn 10 năm trước từ một ngân hàng nhỏ trở thành một trong những ngân hàng lớn nhất Việt Nam, vốn chủ sở hữu năm 2020 cũng gia tăng hơn 10 lần so với đầu năm 2011 cho thấy được VPBank đã trải qua nhiều điều kiện thị trường khác nhau và vẫn giữ vững đà tăng trưởng của mình. Điều này cho phép kỳ vọng VPBank vẫn sẽ giữ vững và tiếp tục phát triển mạnh mẽ hơn khi nền kinh tế phục hồi trong giai đoạn cuối năm 2021 và thời gian sắp tới dù nền kinh tế có bị ảnh hưởng bởi đại dịch trong quý 2 và quý 3/2021.
Thứ hai, VPBank luôn cho thấy những chỉ tiêu tăng trưởng vượt trội so mức trung bình ngành, cụ thể VPBank đạt tăng trưởng lợi nhuận trung bình trên 27% (2016-2020) và tốc độ tăng trưởng EPS là trên 40% (2018-2020). ROE của VPBank đạt 25.7% tại thời điểm cuối quý 2/2021 và luôn đạt mức trên 20%, nằm trong nhóm cao nhất ngành kể từ năm 2017. Điều này cho thấy được rằng ngân hàng luôn thể hiện tốt hơn mặt bằng chung và dĩ nhiên xứng đáng có được mức định giá cao hơn so với trung bình ngành.
Tuy nhiên, trong bối cảnh hiện nay, khi ngành ngân hàng đang được xem là có mức tăng trưởng thấp do đại dịch, cụ thể tốc độ tăng trưởng lợi nhuận của ngành ngân hàng có thể chỉ đạt mức 12%-15% dẫn đến các chỉ số định giá P/B và P/E trung bình ngành đang ở mức thấp so với lịch sử thì cổ phiếu VPB cũng đang phải chịu mức định giá ở mức trung bình ngành, và điều này chính là quan niệm về giá trị sai của thị trường, tạo cơ hội cho các nhà đầu tư thực hiện chiến lược “Đầu tư ngược dòng” nhằm tìm kiếm tỷ suất sinh lợi vượt trội. Các chuyên gia ước tính mức VCSH của VPB sẽ rơi vào khoảng hơn 120 ngàn tỷ vào đầu 2022 sau khi hoàn tất các kế hoạch tăng vốn, tương đương với mức P/B hiện tại vào khoảng 1.5x, thấp hơn rất nhiều so với mức trung bình ngành 2.2x. Mức định giá này hàm ý tiềm năng tăng giá của cổ phiếu VPB là từ 30% trở lên khi VPB được định giá từ mức trung bình ngành.
Với thành tích tăng trưởng và tạo ra giá trị ấn tượng trong giai đoạn hơn 10 năm qua, cùng với hàng loạt các thông tin liên quan hỗ trợ đến việc tăng vốn chủ sở hữu hứa hẹn mức tăng trưởng thậm chí ấn tượng hơn trong tương lai nhằm giữ vững vị thế hàng đầu trong ngành nhưng cổ phiếu lại đang giao dịch dưới giá trị thực do các yếu tố tâm lý và ngoại cảnh mang tính tạm thời. Có thể kết luận VPB xứng đáng trở thành một khoản đầu tư hấp dẫn theo chiến lược đầu tư ngược dòng của nhà đầu tư vĩ đại David Dreman. Qua đây, có thể thấy dù được gọi bằng cái tên nào, triết lý đầu tư “mua 1 đồng với giá 50 xu” vẫn không đổi và hứa hẹn một mức sinh lời ấn tượng cho các nhà đầu tư dám theo đuổi sự khác biệt - ở đây là trường hợp cổ phiếu ngân hàng VPB.
FILI
|