Thị trường dịch vụ công nghệ Singapore: Người tài luôn có đất dụng võ
Có quy mô chỉ như một thành phố nhưng Singapore là “đất dụng võ” của 80/100 công ty công nghệ hàng đầu thế giới.
Trận chiến của các tên tuổi lớn
Lần đầu tiên, sau gần 15 năm mở văn phòng tại nền kinh tế cạnh tranh nhất thế giới Singapore, FPT vừa ký kết hợp đồng có quy mô lên tới 40 triệu USD trong vòng 2 năm tới. Hợp đồng này tập trung vào các dự án chuyển đổi số khối Chính phủ nhằm hướng tới mô hình quốc gia số - Smart Nation. Đây cũng là một trong những hợp đồng quan trọng giúp FPT quay lại con số tăng trưởng hai chữ số tại thị trường này sau một năm sụt giảm vì những tác động của đại dịch Covid-19.
Một góc văn phòng FPT Singapore
|
Xét ở góc độ bối cảnh thị trường, FPT dường như đã gặp may mắn khi các doanh nghiệp lớn tại Singapore có xu hướng tối ưu danh sách các đối tác cung cấp dịch vụ công nghệ thông tin, đồng thời đẩy mạnh việc thuê ngoài dịch vụ để tối ưu chi phí và nhanh chóng có thêm nguồn nhân lực dồi dào triển khai các dự án.
Nhưng may mắn không tự nhiên mà có, đặc biệt là ở một thị trường quy tụ toàn các anh tài. Với diện tích chưa đầy 800 km2, chỉ tương đương quy mô của một thành phố, nhưng Singapore lại là “thỏi nam châm” thu hút tới 80 trong số 100 công ty công nghệ hàng đầu thế giới đóng đô tại đây, kể đến một số tên tuổi lớn như Accenture, Capgemini, IBM, Infosys, Wipro, Salesforce, Dell Technologies, Tata Consultancy Services….
Với công nghệ mới, các trung tâm nguồn lực lớn tại Việt Nam, thấu hiểu văn hóa kinh doanh của thị trường và đặc biệt là hệ thống các cơ sở đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao, FPT cũng sở hữu những lợi thế riêng của mình.
Theo đại diện của FPT, với hợp đồng này, Tập đoàn sẽ cùng đối tác phát triển các giải pháp liên quan đến Chính phủ số dựa trên các công nghệ tự động hóa quy trình (RPA), trí tuệ nhân tạo (AI), phân tích dữ liệu lớn (Big Data). Đồng thời, hai bên cũng sẽ hướng tới việc thiết lập và mở rộng các trung tâm nguồn lực lớn tại Việt Nam.
Sau gần 15 năm hoạt động tại thị trường này, FPT có hơn 300 cán bộ nhân viên chính thức và làm việc theo dự án. FPT Singapore đã và đang xây dựng được mạng lưới khách hàng rộng lớn với các doanh nghiệp hàng đầu tại Singapore và các khách hàng trong khối Chính phủ. Trong giai đoạn 5 năm gần đây (2017 – 2021), doanh số của FPT tại thị trường này tăng trưởng trung bình trên 24%.
FPT kỳ vọng cùng với Nhật Bản và Mỹ, Singapore sẽ tạo thế chận kiềng vững chắc đảm bảo tăng trưởng bền vững cho hoạt động kinh doanh của Tập đoàn tại thị trường toàn cầu. Theo đánh giá của Gartner dựa trên quy mô doanh thu, FPT đứng trong Top 60 trong hơn 700 công ty cung cấp dịch vụ công nghệ thông tin lớn tại Singapore.
FPT đứng trong Top 60 trong hơn 700 công ty cung cấp dịch vụ CNTT lớn tại Singapore
|
Miếng bánh tỷ đô
Dự án trên của FPT chỉ là một “miếng bánh nhỏ” so với quy mô thị trường dịch vụ CNTT của Singapore. Thị trường này ước tính có quy mô 12 tỷ USD, trong đó riêng thị trường dịch vụ CNTT cho khối Chính phủ Singapore, trong năm 2021 là 2,8 tỷ USD, tăng 10% so với năm 2020. Chính phủ Singapore quyết chi khoản ngân sách lớn này nhằm tái thiết hạ tầng công nghệ của chính phủ để hỗ trợ phát triển các ứng dụng hiện đại cho người dân và doanh nghiệp.
Trong đó, trên 70% khoản ngân sách này được chi cho 250 dự án chuyển đổi số hướng đến mô hình quốc gia số. Các khoản chi cho các dự án liên quan đến ứng dụng AI phát triển các dịch vụ công cũng sẽ gia tăng nhằm giúp Chính phủ Singapore cung cấp các dịch vụ tốt hơn, đưa ra quyết định nhanh hơn, hiệu quả hơn.
Đất nước đảo quốc này xem đầu tư vào CNTT – TT là động lực phát triển kinh tế xã hội và hướng tới trở thành một quốc gia thông minh (Smart Nation) với 3 trụ cột là xã hội số, kinh tế số và chính phủ số. Hành trình Quốc gia Thông minh của Singapore bắt đầu vào năm 2014 và đã xây dựng được một ngành công nghệ đẳng cấp thế giới, có tính cạnh tranh toàn cầu, đi đầu trong các công nghệ mới điện toán đám mây, trí tuệ nhân tạo, phân tích dữ liệu lớn.
Nền kinh tế cạnh tranh nhất thế giới này đặt ra một số mục tiêu quan trọng đến năm 2023 như tất cả các bộ phải có ít nhất một dự án ứng dụng AI để cung cấp dịch vụ hoặc hoạch định chính sách, mỗi năm hoàn thành ít nhất 10 dự án phân tích dữ liệu có tầm ảnh hưởng sâu rộng liên cơ quan.
FILI
|