Thứ Sáu, 29/10/2021 08:06

Tại sao giá khí đốt tự nhiên ở châu Á cao gấp 5 lần Mỹ?

Giá khí đốt tự nhiên ở châu Á và châu Âu đang cao hơn nhiều so với Mỹ, nguyên nhân là việc Mỹ thiếu năng lực sản xuất khí hóa lỏng đang làm phân mảnh thị trường toàn cầu.

Thị trường hàng hóa đang chứng kiến một hiện tượng hiếm gặp: Trong khi giá khí đốt tự nhiên tăng vọt khắp thế giới, châu Âu và châu Á lúc này đang phải mua khí đốt tự nhiên với mức giá cao hơn gần 6 lần so với Mỹ, theo Nikkei Asia.

Trên thị trường New York ngày 26/10, giá khí đốt Henry Hub (một trung tâm khí đốt lớn ở Mỹ) giao ngay đóng cửa ở mức 5,88 USD/1 triệu đơn vị nhiệt Anh (BTU), tăng hơn gấp đôi tính từ đầu năm đến nay.

Giá khí đốt tự nhiên ở Mỹ còn từng chạm mốc 6,46 USD vào ngày 6/10, đánh dấu mức cao nhất kể từ năm 2014. Nhưng trong khi nhu cầu sử dụng điều hòa tăng cao trong hè, hoạt động sản xuất tại một số nơi ở Mỹ vẫn đình đốn do tác động từ bão để lại.

Và dù đã tăng hơn trước, giá khí tự nhiên của Mỹ vẫn thấp hơn nhiều so với thế giới.

khí đốt ảnh 1

Một tàu chở khí tự nhiên hóa lỏng (LNG). Ảnh: Reuters.

Thị trường Mỹ được “bao bọc”

Tại châu Âu, chỉ số giá khí tự nhiên đã tăng gấp 6 lần trong vòng một năm, chạm mức tương đương 170 USD/thùng, tính theo khung giá dầu thô. Một trong những yếu tố tác động ở đây là nguồn cung trì trệ từ Nga gây ra tình trạng thiếu hụt tồn kho.

Tại châu Á, giá khí đốt hóa lỏng giao ngay ở mức tương đương 200 USD/thùng, tăng gấp 5 lần so với một năm trước. Trong khi đó, khí đốt tự nhiên tại Mỹ vẫn quanh quẩn ở mức khoảng 35 USD/thùng.

Giá khí đốt ở Mỹ tăng tương đối ít là do khối lượng xuất khẩu khí thiên nhiên hóa lỏng (LNG) tại nước này còn hạn chế, nguyên nhân là giới hạn về năng lực sản xuất. Chính điều này bao bọc thị trường của Mỹ trước tác động của nhu cầu từ châu Á và châu Âu.

Tổng công suất các nhà máy hóa lỏng ở Mỹ, nơi khí tự nhiên được chuyển hóa thành chất lỏng để vận chuyển, là hơn 305 triệu m3 mỗi ngày, theo Cơ quan Thông tin Năng lượng Mỹ. Tuy con số này tăng gấp 3 trong 3 năm qua, khí thiên nhiên hóa lỏng chỉ chiếm khoảng 10% tổng sản lượng khí tự nhiên của Mỹ.

khí đốt ảnh 2

Xuất khẩu LNG của Mỹ sắp chạm trần. Đồ họa: Nikkei Asia.

Cơn bùng nổ khai thác dầu khí bằng kỹ thuật thủy lực cắt phá (fracking) đã biến Mỹ trở thành nước xuất siêu LNG trong năm 2016. Xuất khẩu LNG trong 7 tháng đầu năm 2016 của Mỹ tăng 50% so với cùng kỳ năm trước, đạt mức hơn 56 tỷ m3.

Tuy nhiên, xuất khẩu của Mỹ trong tháng 7 đã đạt khoảng 90% công suất hóa lỏng. Nhiều chuyên gia cho rằng các nhà máy hóa lỏng của Mỹ về cơ bản đang hoạt động hết công suất nếu xét đến việc sửa chữa và bảo trì.

“Sẽ rất khó để tăng xuất khẩu từ mức hiện tại”, Toshiyuki Makabe, Giám đốc quản lý kinh doanh hàng hóa tại Goldman Sachs, nhận xét.

Xuất khẩu khí đốt của Mỹ còn hạn chế

Mỗi khi giá cả hàng hóa phát sinh khác biệt giữa các nước, hoạt động giao dịch chênh lệch giá sẽ nhảy vào để điều chỉnh. Cũng vì thế, giá kim loại màu tại sàn giao dịch kim loại London theo sát giá tại sàn giao dịch kỳ hạn Thượng Hải.

Tuy nhiên, vì xuất khẩu LNG của Mỹ còn gặp hạn chế, giao dịch chênh lệch giá quốc tế chưa thể hoạt động một cách trọn vẹn.

khí đốt ảnh 3

Một cơ sở sản xuất LNG của công ty Cheniere Energy tại Texas, Mỹ. Ảnh: Cheniere.

Theo hãng nghiên cứu Wood Mackenzie của Mỹ, công suất hóa lỏng tại nước này ước tính tăng hơn 20% cho tới cuối năm 2022. Sự mở rộng nói trên sẽ bao gồm những cơ sở mới đi vào hoạt động trước cuối năm nay, nhưng việc này dự kiến không làm tăng đáng kể tốc độ xuất khẩu.

Do đó, tình hình khí đốt tự nhiên của Mỹ “đang vận hành riêng rẽ với thị trường toàn cầu, trong khi kết cấu giá cả đang phản ánh cung cầu trong nước”, ông Yutaka Shirakawa thuộc Tập đoàn Dầu, Khí và Kim loại Quốc gia, cho biết.

Vì Mỹ có thể tự đáp ứng mức tiêu thụ khí đốt tự nhiên nội địa bằng sản xuất trong nước, “giá thị trường ít chịu sự biến động so với các khu vực khác”, ông Hiroshi Hashimoto, chuyên gia phân tích cấp cao thuộc Viện Kinh tế Năng lượng (Nhật Bản), nhận định.

Giá năng lượng tăng tại Mỹ đã khiến các hộ gia đình phải chịu hóa đơn điện và khí đốt cao hơn. Tuy nhiên, mức độ tác động chưa nghiêm trọng như tại châu Âu, nơi đang gặp rủi ro hết năng lượng tồn kho, hoặc như Trung Quốc, nước đang gặp tình trạng thiếu hụt điện.

Quốc Đạt

ZING

Các tin tức khác

>   Dầu xuống thấp nhất trong 2 tuần (29/10/2021)

>   Bài toán bình ổn thị trường khi xăng dầu tăng giá (28/10/2021)

>   Dầu giảm mạnh khi dự trữ dầu thô tại Mỹ tăng (28/10/2021)

>   Nguyên liệu đầu vào tăng, hàng loạt doanh nghiệp ximăng chỉnh giá bán (27/10/2021)

>   Áp lực từ giá xăng dầu liên tục tăng (27/10/2021)

>   Dầu lên cao nhất kể từ năm 2014 (27/10/2021)

>   Giá xăng dầu đồng loạt tăng mạnh, RON95 vượt mốc 24,000 đồng/lít (26/10/2021)

>   Dầu tiếp tục nới rộng đà tăng, dầu WTI lên đỉnh 7 năm (26/10/2021)

>   Giá xăng dầu tăng tác động mạnh tới tăng trưởng kinh tế (25/10/2021)

>   Dầu Brent vượt 86 USD sau khi Ả-rập Xê-út tỏ ra cẩn trọng về nguồn cung (25/10/2021)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật