Dịch vụ
Phân tích ngân hàng VPBank dưới góc nhìn khung đánh giá CAMELS
Phân tích theo khung đánh giá CAMELS, VPBank xứng đáng được định giá ở mức P/B cao hơn trung bình ngành, điều này hàm ý rằng mức định giá hợp lý của VPB là từ 80,000 đồng/cổ phiếu trở lên. Với thị giá ở mức khoảng 66,000 đồng/ cổ phiếu hiện tại, tiềm năng tăng giá (“upside”) của cổ phiếu VPB là trên 20% cho mục tiêu 3 tháng tới.
Ngân hàng là một loại hình doanh nghiệp đặc thù với lĩnh vực hoạt động chuyên về tài chính với nguồn thu chính là thu nhập từ lãi đến từ hoạt động tín dụng, nói cách khác Ngân hàng có thể xem là một doanh nghiệp trung gian giữa bên cung cấp và bên có nhu cầu về vốn. Do đặc thù khác biệt với doanh nghiệp kinh doanh sản xuất thông thường nên để phân tích những ưu và nhược điểm của một Ngân hàng, các nhà phân tích và cơ quan quản lý thường sử dụng phương pháp phân tích rất riêng cho ngành được biết đến với tên gọi khung đánh giá CAMELS. Phương pháp phân tích này do Cục Quản lý các tổ hợp tín dụng Hoa Kỳ xây dựng và được thông qua năm 1987, CAMELS đã và đang được áp dụng rộng rãi trên toàn thế giới. Ở Việt Nam, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) cũng ban hành thông tư 52/2018/TT-NHNN ngày 31/12/2018 để quy định về việc xếp hạng tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài.
Mô hình đánh giá CAMELS chủ yếu được xây dựng dựa trên các yếu tố tài chính (viết tắt bởi các chữ cái trong CAMELS) qua đó xác định thang điểm cho từng yếu tố nhằm đánh giá tính vững mạnh của tổ chức tài chính nói chung và ngân hàng nói riêng. Những yếu tố cấu thành CAMEL bao gồm:
C – Capital Adequacy – Mức độ an toàn vốn: chỉ số này đánh giá mức độ vững mạnh của nguồn vốn tự có của ngân hàng thương mại (NHTM), ngoài ra nó cũng là cơ sở quan trọng để Ngân hàng Nhà nước (NHNN) xác định các hạn mức hoạt động trong đó có mức cấp tín dụng cho các NHTM. Các chỉ số chính trong tiêu chí này thông thường bao gồm: hệ số an toàn vốn-CAR, tỷ lệ an toàn vốn cấp 1 và có thể thêm một số chỉ tiêu khác liên quan đến tỉ lệ giữa VCSH và tài sản. Chỉ tiêu này càng cao cho thấy độ an toàn về vốn của Ngân hàng càng được đảm bảo.
A – Asset Quality – Chất lượng tài sản có: đây là chỉ tiêu phân tích về quy mô, cơ cấu và chất lượng tài sản của ngân hàng, nó quyết định sự tồn tại và khả năng phát triển của các NHTM. Chỉ tiêu này còn có thể khái quát định hướng chiến lược của ngân hàng, sơ lược về quản trị rủi ro cũng như khả năng sinh lợi cũng như triển vọng của một NHTM. Để đánh giá chất lượng tài sản có ta thường sử dụng các chỉ số như: Danh mục cho vay/Tổng tài sản, Tốc độ tăng trưởng tín dụng; Tỷ lệ nợ xấu/Tổng dư nợ; Tỷ lệ dự phòng/Lợi nhuận trước thuế và một số chỉ số liên quan khác. Chất lượng tài sản được quản trị tốt giúp ngân hàng có được tăng trưởng càng vững vàng cũng như khả năng sinh lợi tốt hơn trong tương lai.
M – Management – Khả năng quản lý: Việc quản lý hiệu quả được thể hiện thông qua việc tạo ra hệ thống thống nhất từ HĐQT đến từng nhân viên của ngân hàng nhằm đạt được mục tiêu kinh doanh đề ra với chi phí thấp nhất trong khi vẫn kiểm soát tốt rủi ro thể hiện qua tỷ lệ Chi phí hoạt động trên tổng thu nhập hoạt động (CIR). Đặc biệt đối với tổ chức tín dụng như NHTM, khả năng quản lý còn được thể hiện ở việc tuân thủ các yêu cầu của pháp luật về hệ thống kiểm soát nội bộ, xác định và quản trị rủi ro. Việc nhận biết sớm được các rủi ro sẽ giúp ngân hàng có thể đửa ra những biện pháp đối phó kịp thời.
E – Earnings – Thu nhập: như bất kỳ các doanh nghiệp khác, các tổ chức tài chính luôn phải chú trọng việc tạo ra dòng thu nhập phù hợp với tỉ suất sinh lợi trên đồng vốn cho các cổ đông. Vì thế chất lượng thu nhập phải được đảm bảo và có xu hướng gia tăng trong dài hạn. Trong đó, lợi nhuận là chỉ số quan trọng nhất để đánh giá công tác quản lý và các hoạt động chiến lược của nhà quản lý. Khi lợi nhuận tốt sẽ thu hút thêm vốn đầu tư và từ đó tạo cơ sở hỗ trợ phát triển trong tương lai. Tiêu chí này được đánh giá dựa trên các chỉ tiêu từ các nguồn thu nhập các mảng kinh doanh của ngân hàng và các chỉ số về hiệu quả sinh lợi ROA, ROE và NIM của ngân hàng. Chỉ số càng cao càng thể hiện sư hoạt động hiệu quả của ngân hàng trong quá khứ và tiềm năng phát triển trong dài hạn.
L – Liquidity – Khả năng thanh khoản: đây là tiêu chí đánh giá chất lượng và sự an toàn trong quá trình hoạt động của ngân hàng. Đây là một trong những tiêu chí đặc biệt quan trọng đánh giá NHTM, với tính chất đặc thù của mình khi NHTM gặp rủi ro về thanh khoản sẽ có rất nhiều nguy cơ gây ảnh hưởng domino đến cả hệ thống tài chính nói riêng và nền kinh tế nói chung. Khả năng thanh khoản được đánh giá dựa trên một số tiêu chí chính như : Tính thanh khoản của tài sản có, dư nợ tín dụng trên vốn huy động (LDR); Nguồn vốn ngắn hạn phục vụ Cho vay trung dài hạn, Tiền gửi KH/Tổng Tài sản và một số chỉ tiêu khác.
S - Sensitivity to Market Risk - Mức độ nhạy cảm với rủi ro thị trường: Tiêu chí này đánh giá liệu rủi ro thị trường sẽ có ảnh hưởng thế nào đến tổ chức tín dụng, cụ thể là rủi ro mà tài sản của ngân hàng hoặc giá trị của khoản đầu tư bị ảnh hưởng do rủi ro thị trường. Theo TT 52/2018/TT-NHNN rủi ro thị trường được xét đến cụ thể bao gồm rủi ro lãi suất và rủi ro tiền tệ.
Các ngân hàng có thứ hạng CAMELS cao hơn xứng đáng được định giá cao hơn so với các ngân hàng còn lại. Các ngân hàng tốt có nhiều khả năng tạo ra giá trị theo thời gian và các nhà đầu tư trong một thị trường hiệu quả sẽ nhận ra điều này và đưa cổ phiếu về đúng giá trị hợp lý như các cổ phiếu ngân hàng khác. Ở đây, áp dụng khung phân tích này vào một ngân hàng được xem là cổ phiếu giá trị và tăng trưởng nổi bật trong ngành - Ngân hàng Việt Nam Thịnh Vượng (VPBank, HOSE: VPB).
C – Capital Adequacy: Trong giai đoạn hơn 10 năm từ 2011-2020, quy mô VCSH VPBank đạt mức tăng trưởng kép hàng năm hơn 26%, đưa VCSH của VPBank tại thời điểm cuối năm 2020 đã lớn hơn 10 lần so với thời điểm đầu năm 2011. So sánh với nhóm 13 ngân hàng có vốn hóa lớn nhất sàn chứng khoán (chiếm 86% vốn hóa toàn ngành), VPBank có tốc độ tăng trưởng VCSH nhanh nhất, điều này cho thấy chiến lược kinh doanh của VPBank đã và đang phát huy được hiệu quả vượt trội. Xét về hệ số an toàn vốn, CAR của ngân hàng đã liên tục ghi nhận sự cải thiện và đạt mức 12.3 % vào cuối quý 2/2021, cao hơn 4% so với yêu cầu của Ngân hàng nhà nước. Với việc dòng tiền từ thương vụ chuyển nhượng 49% vốn điều lệ FE Credit được ghi nhận trực tiếp vào VCSH thì theo tính toán, CAR của VPBank sẽ nhanh chóng đạt mức trên 17% và sẽ trở thành ngân hàng đi đầu về hệ số an toàn vốn. Do đó, xét về chỉ tiêu này, VPBank xứng đáng được xếp hạng an toàn vốn thuộc top cao nhất trong ngành.
A – Asset Quality: VPBank là một trong những ngân hàng đi tiên phong trong việc cho vay phân khúc khách hàng phổ thông và cận phổ thông với chiến lược tập trung khai thác mảng cho vay bán lẻ, đặc biệt là cho vay tiêu dùng đã giúp VPBank với vai trò tiên phong có được vị thế thống trị trong mảng kinh doanh này. Chiến lược này dù có đặc thù sẽ làm tỷ lệ NPL cao hơn nhưng bù lại biên thu nhập thuần từ lãi (NIM - chỉ số đo lường khả năng tạo ra lợi nhuận của ngân hàng đến từ hoạt động cho vay) ngân hàng cũng sẽ cao hơn. Do đó, nếu chỉ đơn thuần nhìn nhận từ góc độ NPL, có thể chúng ta sẽ quan ngại nhưng sự thật tỷ lệ NPL cao là do sự lựa chọn chiến lược kinh doanh khác nhau của mỗi ngân hàng. Với danh mục cho vay trải dài từ cho vay tiêu dùng, hộ kinh doanh, KHCN đến doanh nghiệp vừa và nhỏ hay doanh nghiệp lớn, ghi nhận nỗ lực của VPBank khi luôn duy trì mức tỷ lệ NPL hợp nhất dưới 3% và có xu hướng giảm dần ở Ngân hàng mẹ. Bên cạnh đó, trong bối cảnh hiện nay, ngân hàng đã luôn chủ động trích tăng dự phòng nhằm tạo ra một mức đệm an toàn. Thu hồi nợ vẫn tiếp tục được đẩy mạnh với các biện pháp hỗ trợ thu hồi tiên tiến, trong 6 tháng đầu năm Ngân hàng đã thu được hơn 1,3 nghìn tỷ từ các khoản nợ xấu đã xử lý. Cùng với việc quản trị rủi ro thận trọng và thu hồi nợ hiệu quả, chất lượng tài sản của ngân hàng sẽ càng được nâng cao và do đó kỳ vọng VPBank sẽ có xếp hạng chất lượng tài sản cao hơn trong 2022.
M – Management: ban lãnh đạo VPBank cho thấy sự hiệu quả trong việc kiểm soát chi phí hoạt động thông qua với chỉ số CIR trong quý 2/2021 chỉ còn hơn 23%, trở thành ngân hàng có chỉ số CIR tốt nhất ngành một phần nhờ vào nỗ lực chuyển đổi số/ số hóa toàn ngân hàng. Theo tính toán, VPBank hiện đang dẫn đầu ngành với sự hiệu quả trong việc quản trị cũng như khả năng kiểm soát chi phí.
E – Earnings: xét trong giai đoạn từ quý 2/2017 đến hết quý 2/2021, EPS của VPBank tăng trưởng bình quân 25.8%/năm, đặc biệt trong 3 năm gần đây, EPS của VPBank tăng trưởng trung bình trên 40% . Tại thời điểm cuối quý 2/2021, ROE của Ngân hàng đạt 25.7%, ROA đạt 3.3% thuộc nhóm dẫn đầu thị trường cho thấy hiệu quả của Ngân hàng.
L – Liquidity: ở tiêu chí này, các tỷ lệ an toàn của VPBank luôn duy trì ở mức tốt vừa tuân thủ quy định của NHNN vừa tạo ra bảng cân đối vững mạnh nhằm gia tăng lợi nhuận. Đây là kết quả của việc linh hoạt điều tiết bảng cân đối và cơ cấu nguồn vốn của ngân hàng, cùng với việc nắm bắt yếu tố thanh khoản thuận lợi của thị trường. Tỷ lệ Cho vay trên tổng huy động (LDR) tại cuối quý 2/2021 đạt mức 77% (so với giới hạn 85%) và tỷ lệ nguồn vốn ngắn hạn cho vay trung dài hạn được kiểm soát ở mức 26% (so với yêu cầu 40%).
S - Sensitivity to Market Risk: Theo ước tính dựa trên số liệu báo cáo tài chính quý2/2021 của VPBank, các chỉ tiêu liên quan đến rủi ro thị trường được Ngân hàng kiểm soát tốt, đạt mức điểm cao nhất theo thang điểm của 52/2018/TT-NHNN. Trong đó, tỷ lệ trạng thái ngoại tệ chỉ chiếm khoảng 3% so với vốn tự có (mức điểm tốt nhất từ 0%-10%) và tỷ lệ chênh lệch giữa tài sản và nợ nhạy cảm lãi suất so với vốn tự có cũng được duy trì dưới 50%, tương ứng với thang điểm cao nhất.
Với những phân tích như trên, có thể thấy VPBank đang dẫn đầu 3 chỉ tiêu theo thang đánh giá CAMELS và đang cho thấy sự cải thiện rõ rệt trong 3 chỉ tiêu còn lại trong khi chỉ tiêu S không có tác động trọng yếu tới ngân hàng; từ đó có thể khẳng định VPB là một cổ phiếu giá trị và tăng trưởng điển hình, xứng đáng nằm trong nhóm những ngân hàng được định giá cao nhất trong các ngân hàng niêm yết. Tuy nhiên, quan sát mức thị giá hiện nay chưa phản ánh đúng những giá trị nội tại cũng như tiềm năng tăng trưởng của ngân hàng này. Cụ thể, với dòng tiền gần 1.4 tỷ USD từ thương vụ chuyển nhượng 49% vốn điều lệ FECredit và kế hoạch phát hành riêng lẻ 15% cho đối tác chiến lược mức VCSH của VPB được dự kiến sẽ đạt trên 120 nghìn tỷ đồng. Với mức P/B trung bình toàn ngành vào khoảng 2.2x hiện nay, mức vốn hóa hợp lý của VPB phải đạt khoảng trên 200 nghìn tỷ đồng, tương đương mức định giá trên 80 nghìn đồng/ cổ phiếu.
Ngoài ra, phân tích theo khung đánh giá CAMELS, VPBank xứng đáng được định giá ở mức P/B cao hơn trung bình ngành, điều này hàm ý rằng mức định giá hợp lý của VPB là từ 80,000 đồng/cổ phiếu trở lên. Với thị giá ở mức khoảng 66,000 đồng/ cổ phiếu hiện tại, tiềm năng tăng giá (“upside”) của cổ phiếu VPB là trên 20% cho mục tiêu 3 tháng tới.
FILI
|