Thứ Sáu, 15/10/2021 08:36

Mở cửa hàng không, sao bỏ lại trẻ em?

Di chuyển liên tỉnh bằng đường bộ, đường sắt đều mở cửa với những đối tượng chưa được tiêm vắc xin phòng Covid-19, trong đó có trẻ em. Chỉ riêng hàng không vẫn “lắc đầu”!

Máy bay an toàn nhất, nhưng từ chối trẻ em

Những ngày qua, câu chuyện mở cửa đi lại bình thường mới “bỏ quên” trẻ em mà Thanh Niên đã phản ánh nhận được rất nhiều sự quan tâm từ các gia đình có con nhỏ đang bị kẹt ở địa phương khác. Những thông tin về tình hình dịch bệnh ở các địa phương đang được kiểm soát tốt, quy định về cách ly y tế ngày càng được nới lỏng lại càng khiến các bậc phụ huynh thêm lo lắng vì ngày đến trường của con đã rất gần nhưng vẫn chưa biết con sẽ về nhà bằng cách nào. Đại diện các hãng hàng không cho biết theo quy định hiện hành, chỉ những trẻ em đã mắc Covid-19 khỏi bệnh (không quá 6 tháng) và xét nghiệm âm tính mới đáp ứng đủ điều kiện để bay.

Hình ảnh chuyến bay đầu tiên từ TP.HCM đi Hà Nội sau khi khôi phục bay nội địa. VNA

Đáng nói, trong khi đường hàng không vẫn nhất quyết không “mở cửa” với trẻ em cùng các đối tượng chưa được tiêm vắc xin theo quy định của Bộ Y tế thì cả đường sắt và đường bộ đều đã mạnh dạn thí điểm, sẵn sàng đón các em trở về.

Cụ thể, phương án thí điểm tổ chức hoạt động vận tải hành khách theo tuyến cố định bằng ô tô đến và đi từ TP.HCM mà Sở GTVT TP.HCM xây dựng nêu rõ: Hành khách đi từ TP.HCM, nếu thuộc trường hợp chưa đủ điều kiện tiêm chủng vắc xin theo quy định của Bộ Y tế khi đi cùng người thân trên chuyến xe thì chỉ cần có kết quả xét nghiệm âm tính với SARS-CoV-2 trong vòng 72 giờ trước khi lên xe, tuân thủ “Thông điệp 5K” và khai báo y tế theo quy định của Bộ Y tế. Người dân muốn đi xe khách liên tỉnh tới TP.HCM cũng chỉ yêu cầu đáp ứng các điều kiện nêu trên, không cần đảm bảo điều kiện đã tiêm vắc xin phòng Covid-19.

Tương tự, quyết định thí điểm khôi phục vận tải đường sắt, giai đoạn từ ngày 13 - 20.10 mà Bộ GTVT mới ban hành cũng quy định trường hợp hành khách chưa đủ điều kiện tiêm vắc xin theo quy định của Bộ Y tế, khi đi cùng người thân trên tàu yêu cầu có xét nghiệm âm tính, thực hiện các biện pháp phòng dịch đầy đủ.

Việc xe khách, tàu hỏa cho phép trẻ em âm tính với Covid-19 được mua vé di chuyển liên tỉnh, trong khi hàng không vẫn “lắc đầu” đặt ra dấu hỏi lớn bởi ngay từ những ngày đầu tiên dịch bệnh bùng phát, máy bay vẫn luôn được nhận định là phương tiện công cộng an toàn nhất mùa dịch. Nguyên nhân, bên cạnh việc luôn duy trì vệ sinh, trên mỗi máy bay đều trang bị hệ thống màng lọc không khí HEPA (High Efficiency Particulate Air). Theo Hiệp hội Vận tải hàng không quốc tế (IATA), hệ thống màng lọc HEPA trên máy bay hoạt động tương tự hệ thống làm sạch không khí trong phòng phẫu thuật, do đó nguy cơ lây nhiễm các bệnh do vi khuẩn, vi rút trên máy bay thấp hơn nhiều so với các không gian khép kín khác.

Tổ chức Y tế thế giới (WHO) cũng khẳng định việc trang bị hệ thống màng lọc HEPA trên các tàu bay thương mại giúp giảm tối thiểu sự lan truyền vi sinh vật trong khoang máy bay. Ngoài ra, bầu không khí trong khoang máy bay được liên tục làm mới sau mỗi 3 phút; các luồng khí được thiết kế để đưa vào tàu bay theo chiều thẳng đứng từ trên xuống dưới và lưu thông theo chiều ngang, góp phần hạn chế lan truyền phần tử ô nhiễm dọc theo khoang máy bay.

Đừng “trói” người dân và Doanh nghiệp bằng hàng rào quy định

PGS-TS Đỗ Văn Dũng, Trưởng khoa Y tế công cộng - Đại học Y Dược TP.HCM, phân tích đã có rất nhiều nghiên cứu khoa học chứng minh rằng rủi ro lây nhiễm bệnh Covid-19 ở trẻ em thấp hơn nhiều so với người lớn do hệ miễn dịch bẩm sinh của trẻ tốt hơn rất nhiều. Điều này hiện nay vẫn đúng với chủng Delta. Ngay cả khi nhiễm bệnh, tỷ lệ biến chứng nặng dẫn đến tử vong của trẻ em cũng “hiếm đến mức độ khó tin”. Nếu so sánh với các nguy cơ tử vong khác như cúm thì nguy cơ tử vong do Covid-19 là thấp hơn.

“Đặc biệt, nguy cơ tử vong do Covid-19 ở trẻ em thấp hơn so tai nạn giao thông. Chưa kể, nếu đi phương tiện giao thông chung thì có lẽ trên khoang máy bay là an toàn nhất vì có hệ thống lọc. Đi tàu hỏa và xe khách không gian rủi ro cao hơn, thời gian di chuyển lâu hơn, khả năng lây nhiễm bệnh lớn hơn mà trẻ em được đi, trong khi hàng không an toàn hơn lại không cho trẻ em bay, điều này quá bất hợp lý”, ông Dũng nhận định.

Thông lệ quốc tế, trẻ em hay những người chưa đủ tiêu chuẩn tiêm chủng sẽ được xem là đối tượng miễn trừ. VN cũng cần xây dựng bộ tiêu chuẩn, quy định riêng đối với trẻ em để đảm bảo trẻ cũng được tham gia vào các hoạt động xã hội, trở lại cuộc sống bình thường.

PGS-TS Đỗ Văn Dũng, Trưởng khoa Y tế công cộng - Đại học Y Dược TP.HCM

Cũng theo PGS-TS Đỗ Văn Dũng, do khả năng miễn dịch của trẻ em cao hơn nên các cấp quản lý y tế trên thế giới đều có quy định riêng cho trẻ theo định hướng vừa xét đến chống dịch lây lan vừa quan tâm đến yếu tố con người. Đơn cử, ở châu Âu, dù đã tiêm chủng cho trẻ 12 - 17 tuổi nhưng trường hợp nếu cha mẹ đã tiêm vắc xin, khi di chuyển không bị cách ly thì những đứa trẻ đi cùng dù chưa tiêm vắc xin vẫn được miễn cách ly như bố mẹ. Thậm chí, EU còn đề nghị không cần xét nghiệm Covid-19 ở trẻ em. “Thông lệ quốc tế, trẻ em hay những người chưa đủ tiêu chuẩn tiêm chủng sẽ được xem là đối tượng miễn trừ. VN cũng cần xây dựng bộ tiêu chuẩn, quy định riêng đối với trẻ em để đảm bảo trẻ cũng được tham gia vào các hoạt động xã hội, trở lại cuộc sống bình thường”, vị này đề xuất.

Dưới góc nhìn kinh tế, TS Đinh Thế Hiển, Giám đốc Viện Nghiên cứu tin học và kinh tế ứng dụng, khẳng định kế hoạch tổ chức hoạt động vận tải hành khách, quan trọng nhất là tính đồng bộ. Các quy định, ứng xử, lộ trình mở cửa không chỉ cần đồng bộ giữa các địa phương mà còn cần sự thống nhất về đối tượng. Nếu những quy định về đối tượng, điều kiện di chuyển của hành khách không được thống nhất, không gắn với tiến độ mở cửa của các địa phương thì không thể mở cửa bình thường mới trở lại. Thực tế cho thấy những quy định ngặt nghèo, yêu cầu giãn cách quá thận trọng khiến hoạt động của các doanh nghiệp rất khó khăn. Trong ngày đầu mở cửa, các hãng vận chuyển ít khách do số chỗ trên máy bay bị hạn chế; hàng chục chuyến bay bị hủy do trục trặc vì thiếu phối hợp giữa hãng với địa phương. Chi phí đội lên lớn, giá thành sẽ tăng, chịu thiệt cuối cùng là người dân. TS Đinh Thế Hiển nói: “Khi đã thống nhất mở cửa di chuyển cho người dân thì cũng phải thật sự tạo điều kiện cho các doanh nghiệp vận tải hoạt động thuận lợi. Mở cửa an toàn nhưng phải đảm bảo tính kinh tế. Nếu tiếp tục áp dụng những điều kiện giãn cách theo hướng phòng thủ nhiều như vậy thì không gọi là mở cửa”.

Hà Mai

Thanh niên

Các tin tức khác

>   Khi nào người giữ lại tiền từ thiện bị truy cứu trách nhiệm hình sự? (14/10/2021)

>   Ngày 14/10: Có 3,092 ca mắc COVID-19, riêng TP HCM 909 ca (14/10/2021)

>   Bộ Y tế: Tiêm vaccine Covid-19 cho trẻ em từ 16-17 tuổi trước và hạ dần độ tuổi (14/10/2021)

>   Người lao động được di chuyển giữa TP.HCM và Đồng Nai bằng ô tô cá nhân (14/10/2021)

>   TP.HCM sẽ thí điểm kinh doanh ăn uống tại chỗ (14/10/2021)

>   Bảng hiệu karaoke ở TP.HCM đang dần biến mất (14/10/2021)

>   Bộ Y tế hướng dẫn cụ thể về 4 cấp độ dịch (14/10/2021)

>   Bộ Công an cập nhật thông tin đối tượng được hỗ trợ do Covid-19 vào căn cước công dân (13/10/2021)

>   Ngày 13/10, thêm 3.461 ca mắc mới COVID-19, điều trị khỏi 787.286 trường hợp (13/10/2021)

>   Quy tắc 'mỗi người một túi Chanel' tại Hàn Quốc (13/10/2021)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật