[Longform] “Nữ hoàng cá tra” và hành trình vượt sóng
VHC tiền thân là Công ty tư nhân chỉ với một phân xưởng nhỏ tại Thị xã Sa Đéc, tỉnh Đồng Tháp (được thành lập ngày 29/12/1997). Ngày 17/04/2007, Công ty này chuyển đổi thành CTCP với số vốn điều lệ ban đầu là 17 tỷ đồng. Trải qua 7 lần tăng vốn, hiện vốn điều lệ của VHC đã cán mốc 1,834 tỷ đồng.
Cổ phiếu VHC được niêm yết trên Sở Giao dịch Chứng khoán TP.HCM (HOSE) vào ngày 24/12/2007. Hoạt động kinh doanh chính của VHC và các Công ty con trong Tập đoàn là nuôi trồng thủy sản nội địa (mặt hàng cá tra), chế biến, bảo quản thủy sản và các sản phẩm thủy sản, chiết xuất và sản xuất gelatin, collagen thủy phân dùng cho dược phẩm, mỹ phẩm…
Tính đến ngày 31/03/2021, VHC hiện đang sở hữu 7 Công ty con và 1 Công ty liên kết. Trong đó, CTCP Xuất nhập khẩu Sa Giang (HNX: SGC) vừa trở thành đơn vị thành viên của VHC vào hồi đầu năm 2021 (VHC sở hữu 51% vốn tại đây). Theo VHC, bên cạnh việc mở rộng vào thị trường bánh phồng tôm, động thái thâu tóm tiềm năng này sẽ hỗ trợ các sản phẩm phi lê cá tra của Công ty thâm nhập tốt hơn đến các kênh bán lẻ tại thị trường nước ngoài, thông qua tận dụng mạng lưới phân phối hiện hữu của SGC.
Từ một cơ sở sản xuất nhỏ, vị thế thấp, nhờ bản lĩnh tài ba của Chủ tịch Trương Thị Lệ Khanh, Vĩnh Hoàn đã từng bước vươn lên dẫn đầu ngành cá tra về nuôi trồng, sản xuất và xuất khẩu.
Bà Trương Thị Lệ Khanh, sinh năm 1961 tại An Giang. Sau khi tốt nghiệp Cử nhân Kinh tế tại Đại học Tài chính Kinh tế TP.HCM, “nữ hoàng cá tra” đã được giao nhiều trọng trách lớn trong các công ty xuất nhập khẩu, các doanh nghiệp thương mại. Năm 23 tuổi, bà đã được bổ nhiệm vào Sở Tài chính tỉnh An Giang. Chỉ 2 năm sau, bà đã trở thành kế toán trưởng Công ty Xuất nhập khẩu Châu Thành An Giang.
Tiếp theo, bà nắm giữ loạt chức vụ như Phó Giám đốc, Trợ lý Tổng Giám đốc của các Công ty Xuất nhập khẩu Châu Thành An Giang, Công ty Thương nghiệp tổng hợp An Giang, TGĐ Công ty FIDECO.
Việc trải qua loạt các vị trí quan trọng đã giúp bà có nhiều kinh nghiệm để khởi nghiệp với Vĩnh Hoàn và đưa doanh nghiệp gặt hái nhiều thành công.
Là người sáng lập và dẫn dắt VHC phát triển từ một cơ sở chế biến nhỏ, đến nay VHC đã trở thành công ty phát triển vượt bậc trong ngành thủy sản bằng mô hình sản xuất khép kín từ khâu sản xuất thức ăn chăn nuôi, nuôi trồng và sản xuất xuất khẩu.
Với sự đóng góp không thể phủ nhận này, nữ thuyền trưởng VHC liên tục nhận được nhiều danh hiệu khen thưởng cao quý và các giải thưởng lớn trong một thập niên trở lại đây như Nữ doanh nhân Việt Nam, top 20 Người phụ nữ có ảnh hưởng nhất Việt Nam, Huân chương Lao động hạng nhì, top 25 Nữ doanh nhân quyền lực nhất Châu Á…
Bà Khanh hiện sở hữu 43.16% vốn tại Vĩnh Hoàn, tương đương hơn 79 triệu cp. Qua đó, giá trị tài sản tính đến 13/07 của vị Chủ tịch này đã cán mốc 3,095 tỷ đồng và là nữ doanh nhân duy nhất đại diện ngành thủy sản lọt top 10 phụ nữ giàu nhất Việt Nam trên sàn chứng khoán.
Kể từ khi chào sàn, “đứa con tinh thần” mà nữ hoàng cá tra dìu dắt đã thể hiện rõ phong độ. Giai đoạn đầu 2007-2008, VHC đứng vị trí thứ 3 về xuất khẩu cá tra. Chỉ sau đó 1 năm (2009), VHC đã vươn lên vị trí thứ 2, sau “Vua cá tra” một thời Hùng Vương. Ấy thế mà, ngôi vương đã bị hoán đổi liền sau đó và kể từ năm 2010 đến nay, vị trí đầu bảng luôn thuộc về VHC.
Năm 2011, ngành cá tra Việt Nam phải đối mặt với những biến động như tình hình diễn biến phức tạp, dịch bệnh liên tục xảy ra. Không chỉ vậy, các doanh nghiệp thủy sản còn bị ảnh hưởng nặng nề khi nguồn đầu ra bấp bênh trong khi tín dụng ngân hàng bị hạn chế, giá cá tra thời điểm đó cũng bắt đầu giảm mạnh xuống mức xấp xỉ giá thành sản xuất. VHC cũng không ngoại lệ, mặc dù doanh thu có xu hướng tăng so với năm trước nhưng lợi nhuận năm 2012-2013 lại sụt giảm.
Giai đoạn 2013-2018, doanh thu VHC tiếp tục ghi nhận sự tăng trưởng liên tục. Năm 2018 cũng là năm ghi nhận doanh thu và lãi ròng kỷ lục kể từ khi niêm yết nhờ mức giá bán được cải thiện từ thị trường xuất khẩu.
Song song đó, còn có sự đóng góp từ việc mở rộng sản xuất giúp gia tăng lợi nhuận, tiết giảm chi phí cố định.
Tuy nhiên, 2 năm sau đó, doanh thu và lợi nhuận cùng dắt tay nhau đi lùi do giá cá tra ở mức thấp, sản lượng giảm, hoạt động xuất khẩu của VHC sụt giảm mạnh bởi ảnh hưởng từ đại dịch toàn cầu, đặc biệt là thị trường Mỹ.
Xét về cơ cấu tài sản, VHC đảm bảo được nợ ở mức thấp trong 3 năm trở lại đây, chủ yếu tài sản của Công ty được tài trợ bởi vốn chủ sở hữu cho thấy cơ cấu tài chính của doanh nghiệp cá tra khá vững chắc.
Tính đến cuối năm 2020, vốn chủ sở hữu của VHC ghi nhận 5,176 tỷ đồng (tăng 6% so với đầu năm), chiếm 72% tổng tài sản. Nguồn vốn chủ sở hữu dồi dào sẽ giúp doanh nghiệp mở rộng hoạt động kinh doanh, đầu tư sản xuất hay triển khai các dự án nhưng không cần dùng đến quá nhiều nợ vay.
Nợ vay tại thời điểm cuối năm 2020 ghi nhận gần 1,175 tỷ đồng (tăng 36% so với hồi đầu năm), chiếm 58% tổng nợ. Trong đó, dư nợ vay ngắn hạn gần 1,106 tỷ đồng và dư nợ vay dài hạn hơn 69 tỷ đồng. Được biết, khoản vay lớn nhất đến từ Ngân hàng TNHH MTV HSBC Việt Nam gần 345 tỷ đồng. Đây là khoản vay với lãi suất được quy định theo từng lần nhận nợ để bổ sung nhu cầu vốn lưu động, được đảm bảo bằng việc thế chấp khoản phải thu ngắn hạn của khách hàng.
Tỷ lệ nợ vay/vốn chủ sở hữu của VHC trong 2 năm gần đây chỉ ghi nhận 18% và 23% trong khi các năm trước đó luôn ở mức trên 30%.
Mặc dù vốn chủ sở hữu tăng nhưng lợi nhuận 2 năm 2019 - 2020 suy giảm đã kéo tỷ suất sinh lời của VHC giảm theo.
Năm 2021, VHC đặt kế hoạch doanh thu thuần và lợi nhuận lần lượt đạt 8.6 ngàn tỷ đồng (tăng 22% so với năm trước) và 700 tỷ đồng (giảm 3%).
Ngoài ra, Công ty sẽ đầu tư vào 3 dự án chính là xây dựng nhà máy thức ăn chăn nuôi, trại giống Vĩnh Hoàn và sở hữu đất cho khu liên hợp, với tổng số vốn đầu tư khoảng 1,900 tỷ đồng, dự kiến ngân sách chi trong năm 2021 là 700 tỷ đồng. Ngoài ra, VHC còn dành 200 tỷ đồng cho việc cải tạo nhà máy tại Thanh Bình và Thực phẩm Vĩnh Phước. Những khoản đầu tư khác khoảng 400 tỷ đồng. Tổng vốn đầu tư cần chi cho năm 2021 khoảng 1,300 tỷ đồng.
Trong năm 2021, VHC được hưởng lợi từ nhiều yếu tố như tiềm năng phát triển sản phẩm mới (hàng chế biến sẵn cho kênh bán hàng trực tuyến), nhận thức người tiêu dùng và một số hiệp định EVFTA ký kết có hiệu lực…
Đáng chú ý, một thông tin mới đây lại rất có lợi cho VHC. Theo đó, ngày 28/06/2021, Bộ Thương mại Mỹ (DOC) đã ban hành kết luận cuối cùng đợt rà soát hành chính thuế chống bán phá giá lần thứ 16 (POR16) cho giai đoạn rà soát từ ngày 01/08/2018-31/07/2019 đối với cá tra-basa của Việt Nam. Trong kết luận cuối cùng, DOC xác định mức thuế CBPG đối với CTCP Vĩnh Hoàn và CTCP Nam Việt trong đợt rà soát này là 0 USD/kg. Đối với các nhà sản xuất, xuất khẩu cá tra-basa khác của Việt Nam, mức thuế CBPG không thay đổi, vẫn ở mức 2.39 USD/kg. Nhìn chung, đây là kết quả tích cực đối với VHC khi xuất khẩu sang Mỹ bởi thị trường này đang chiếm tỷ trọng chủ đạo trong cơ cấu doanh thu của VHC.
Như vậy, kể từ đợt POR 9 (2011-2012) đến nay, VHC là doanh nghiệp xuất khẩu cá tra duy nhất tại Việt Nam liên tục được hưởng mức thuế 0 USD/kg.
Bên cạnh những cơ hội thuận lợi đó, VHC còn phải đối mặt với khá nhiều thách thức như dịch bệnh Covid-19 ảnh hưởng nhu cầu nhập khẩu của các thị trường trọng điểm. Chi phí vận chuyển hàng hải tăng từ quý 4/2020 và chưa có dấu hiệu hạ nhiệt.
Ngoài ra, VHC luôn đối mặt với các rào cản về thương mại và kỹ thuật ở các nước nhập khẩu như Trung Quốc gia tăng các biện pháp kiểm soát Covid trên bao bì hàng đông lạnh và kéo dài thời gian thông quan…
VHC đã cho khởi động xây dựng trại cá giống ở cồn Vĩnh Hòa - An Giang, mở rộng dây chuyền sản xuất ở nhà máy Vĩnh Hoàn Collagen, xây dựng 2 kho lạnh với sức chứa 20,000 pallet và nhà máy tinh luyện dầu cá, mua lại 51% cổ phần CTCP Xuất nhập khẩu Sa Giang (SGC). Trong năm 2021, VHC cũng có kế hoạch hỗ trợ tăng trưởng doanh số tại Sa Giang, kết hợp mạng lưới bán hàng hiện có của VHC và SGC, từ đó gia tăng thêm doanh thu từ việc kinh doanh bánh phồng tôm và sản phẩm từ gạo cho cả thị trường nội địa và xuất khẩu.
Bên cạnh đó, Vĩnh Hoàn còn bắt đầu quay lại ngành hàng sản xuất thức ăn thủy sản thông qua việc thành lập Công ty TNHH Thức ăn Thủy sản FEED ONE và sẽ xây dựng nhà máy chế biến thức ăn thủy sản hoàn thành vào cuối năm 2021.
Cuối năm 2020, HĐQT VHC cũng đã thống nhất thông qua việc thành lập Công ty Vinh Technology tại Singapore tập trung đầu tư và mở rộng cơ hội phát triển ở mảng công nghệ thực phẩm và thực phẩm chức năng.
Bước qua năm 2021, VHC tập trung đầu tư vào công nghệ số hóa hệ thống quản lý sản xuất. Chuyển đổi số và số hóa sẽ là một trong những chiến lược quan trọng ưu tiên của Vĩnh Hoàn để bắt kịp xu thế. Song song đó, VHC cũng xây dựng các dòng sản phẩm phù hợp với việc bán hàng qua kênh Home Delivery để mở rộng thị trường. Về nuôi trồng, VHC hoạch định phát triển theo mô hình kinh tế tuần hoàn (tối đa hóa giá trị phụ phẩm, nuôi cá theo tiêu chuẩn chứng nhận quốc tế với truy xuất nguồn gốc xuất xứ từ vùng nuôi đến xuất khẩu và giảm thiểu chất thải) hướng đến mô hình nuôi trồng bền vững thân thiện với môi trường và tạo ra chuỗi giá trị cho nhiều sản phẩm nông nghiệp khác.
Vĩnh Hoàn cho biết mô hình sẽ trở nên hoàn chỉnh khi những dự án mới của VHC đi vào vận hành đầy đủ.
Song song với tình hình kinh doanh sụt giảm từ cuối năm 2018, đầu năm 2019, giá cổ phiếu của doanh nghiệp này dường như đã thể hiện rõ theo hoạt động kinh doanh. Sau khi thiết lập đỉnh cuối năm 2018 tại vùng giá hơn 50,000 đồng/cp, giá cổ phiếu đã lao dốc về mức 20,000 đồng/cp (đầu tháng 4/2020).
Liền sau đó, giá đã vực dậy và tăng tốc. Điểm đáng chú ý là kể từ cuối tháng 5/2021, cổ phiếu VHC thu hút khá lớn sự quan tâm của giới đầu tư. Thanh khoản được cải thiện rõ rệt, ghi nhận khối lượng kỷ lục so với các năm trước đó.
Hiện tại, giá cổ phiếu VHC đã vượt đỉnh cũ và chốt phiên 13/09 tại mức giá cao kỷ lục 53,000 đồng/cp, khối lượng giao dịch bình quân 1 quý trở lại đây hơn 2 triệu cp/phiên (trong đó có phiên lên tới 5 triệu cp/phiên).
Đáng lưu ý, gần đây, nhiều nhà đầu tư lan truyền thông tin về việc có hay không xung đột lợi ích ngay tại Vĩnh Hoàn? Nguyên do khởi nguồn từ việc xuất hiện tên bà Trương Thị Lệ Khanh là Chủ tịch Công ty TNHH Chế Biến Thực Phẩm Xuất Khẩu Vạn Đức Tiền Giang, trùng với tên Chủ tịch của VHC. Liệu rằng 2 cái tên này có phải là 1 người? Đó là câu hỏi mà rất nhiều nhà đầu tư luôn đặt ra.
Điều đáng nói, Công TNHH Chế Biến TPXK Vạn Đức Tiền Giang có cái tên gần giống với tên Công ty con của VHC là CTCP Thực phẩm Xuất nhập khẩu Vạn Đức Tiền Giang. Được biết, VHC đã chuyển nhượng 35% vốn còn lại tại Công ty con này hồi giữa năm 2019. Bên mua cổ phần còn lại là cổ đông sở hữu cổ phần kiểm soát của Công ty (trước đó nhà đầu tư này đã mua 65% cổ phần Vạn Đức Tiền Giang từ VHC). Theo VHC, việc thoái vốn lần này được cho là giảm áp lực nợ vay, có thêm nguồn tài chính để mở rộng vùng nuôi. Ngoài ra, vùng nuôi của Vạn Đức Tiền Giang có vị trí không thuận lợi khi xa nhà máy của VHC và do nằm gần biển nên bị xâm nhập mặn khiến giới hạn hiệu quả hoạt động. Tuy nhiên, vào thời điểm lúc bấy giờ, nhà đầu tư không được biết bên mua bí ẩn là ai và tại sao VHC lại bán đi một doanh nghiệp vốn đem lại nguồn thu lớn cho VHC.
Tại BCTC hợp nhất năm 2020 của VHC thể hiện rõ VHC vẫn thực hiện một loạt giao dịch với Công ty TNHH Chế Biến Thực Phẩm Xuất Khẩu Vạn Đức Tiền Giang (Công ty liên quan của Chủ tịch HĐQT). Nên khả năng rất lớn, Chủ tịch VHC chính là Chủ tịch của Công ty TNHH Chế Biến TPXK Vạn Đức Tiền Giang.
Tuy nhiên, nếu thực chất Công TNHH Chế Biến TPXK Vạn Đức Tiền Giang là Công ty con mà VHC từng bán và bên mua nếu đúng là Chủ tịch Trương Thị Lệ Khanh thì câu chuyện này lại khiến nhà đầu tư quan ngại. Bởi lẽ nếu mọi chuyện trùng khớp, tại sao bà Khanh lại mua lại doanh nghiệp được VHC cho là không hiệu quả nên mới thoái vốn? Liệu rằng thương vụ này có gì đó mập mờ đằng sau mà chỉ ban quản trị của VHC mới giải đáp được? Và có hay không chính Chủ tịch VHC là người biến Công ty TNHH Chế Biến TPXK Vạn Đức Tiền Giang trở thành Công ty “sân sau” cho VHC?
|
Tiên Tiên
FILI
|