Thứ Ba, 26/10/2021 08:28

Lo ngại Fed tăng lãi suất và áp lực lên lãi suất trong nước

Gần đây, Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) đã có động thái giảm dần quy mô gói nới lỏng định lượng, qua đó mở ra tín hiệu về việc kết thúc chu kỳ nới lỏng tiền tệ mạnh tay để hỗ trợ kinh tế qua đại dịch. Điều này sẽ tác động như thế nào đến chính sách tiền tệ của Việt Nam?

Giới trader đang kỳ vọng Fed sẽ tăng lãi suất trong nửa cuối năm 2022.

Giới trader đang kỳ vọng Fed sẽ tăng lãi suất trong nửa cuối năm 2022, phản ánh qua lợi suất trái phiếu kho bạc Mỹ tăng ở nhiều kỳ trung, dài hạn. Điều này dẫn đến lo ngại áp lực tăng lên mặt bằng lãi suất toàn cầu, trong đó có cả Việt Nam.

Giới trader đang kỳ vọng Fed tăng lãi suất trong năm 2022

Kỳ vọng này được phản ánh vào lợi suất trái phiếu kho bạc (TPKB) Mỹ các kỳ trung và dài hạn, đặc biệt là kỳ hạn hai năm. Cụ thể, vào ngày 15-10-2021, lợi suất TPKB Mỹ kỳ hạn hai năm đã tăng 4 điểm, lên mức 0,39%, lần đầu kể từ tháng 3-2020.

Điều này nghĩa là lợi suất TPKB Mỹ kỳ hạn hai năm đã tăng trở lại vùng giá của giai đoạn trước “Fed cut emergency” – thời điểm mà Fed giảm mạnh lãi suất khẩn cấp khi dịch Covid-19 bắt đầu bùng phát dẫn tới một cuộc tháo chạy khỏi các kênh tài sản rủi ro, làm gia tăng nguy cơ đổ vỡ hệ thống tài chính hồi tháng 3-2020.

Kỳ vọng này bắt đầu ngay sau những thông điệp giảm dần quy mô nới lỏng định lượng của Fed đưa ra trong cuộc họp Ủy ban Thị trường mở (FOMC) tháng 9 vừa qua. Theo đó, Fed sẽ giảm việc mua trái phiếu trị giá 120 tỉ đô la Mỹ/tháng vào giữa tháng 11 tới và kết thúc dự kiến vào giữa năm 2022.

Đi kèm với động thái này là tin tức về dữ liệu kinh tế phục hồi tốt và thống kê về lạm phát đáng lo ngại.

Cụ thể, lạm phát Mỹ tháng 9 vừa qua đã tăng 5,4% so với cùng kỳ năm ngoái; tăng 0,4% so với tháng 8; trước đó vào tháng 8 cũng tăng 0,3% so với tháng 7. Có thể thấy, lạm phát Mỹ đã tăng mạnh so với năm ngoái và có dấu hiệu cho thấy đà tăng liên tiếp qua các tháng.

Lạm phát tăng cao và duy trì trong thời gian dài sẽ là lo ngại lớn cho Fed khi đã và đang duy trì các gói bơm tiền kỷ lục từ quí 1-2020 đến nay. Dấu hiệu lạm phát tăng liên tục có thể thúc đẩy Fed sớm bước vào chu kỳ thắt chặt tiền tệ.

Chúng ta cần kiểm soát dịch bệnh, mở cửa lại nền kinh tế một cách hợp lý nhất để doanh nghiệp phục hồi sản xuất, kinh doanh sớm nhất có thể. Khi đó, các chủ thể tham gia nền kinh tế có thể sẵn sàng chấp nhận một mức lãi suất cao hơn.

Bên cạnh đó, doanh số bán lẻ tháng 9 tăng vượt kỳ vọng cũng được xem như một dữ liệu cho thấy kinh tế Mỹ đang phục hồi tốt và thúc đẩy Fed sớm tăng lãi suất trở lại. Cụ thể, doanh số bán lẻ (retail sales) Mỹ – mảng trọng yếu của kinh tế Mỹ tháng 9 vừa qua – đã tăng 0,7% so với tháng 8; trong khi kỳ vọng của thị trường là giảm 0,2%.

Những dấu hiệu về lạm phát và kinh tế đang thúc đẩy Fed sớm thay đổi chính sách tiền tệ và giảm dần quy mô gói nới lỏng định lượng là điều đầu tiên sẽ diễn ra trong năm nay.

Dự địa chính sách tiền tệ và áp lực từ Fed

Việt Nam đã duy trì chính sách tiền tệ nới lỏng trong xuyên suốt đại dịch Covid-19, với ba công cụ chính. Đầu tiên là giảm lãi suất điều hành, tác động nhiều nhất tới thị trường là việc giảm trần lãi suất cho vay, huy động, lãi suất thị trường mở. Thứ hai là bơm tiền chủ yếu thông qua kênh mua ngoại tệ. Thứ ba là gia hạn, cơ cấu lại thời gian trả nợ, giữ nguyên nhóm nợ với các đối tượng bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19.

Việt Nam đã giảm lãi suất điều hành 1,5-2 điểm phần trăm trong năm 2020, là một trong những nước giảm lãi suất điều hành lớn nhất trong khu vực. Bên cạnh đó, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN) cũng liên tiếp bơm tiền thông qua kênh mua ngoại tệ.

Đây là kênh bơm tiền đồng chính của NHNN ra thị trường trong những năm qua. Năm nay, NHNN tiếp tục mua vào ngoại tệ và bơm ra thị trường khoảng 140.000 tỉ đồng, làm gia tăng đáng kể thanh khoản hệ thống ngân hàng, góp phần giữ lãi suất liên ngân hàng ở mức rất thấp.

Song hành với những động thái nới lỏng, chính sách tiền tệ vẫn duy trì sự chặt chẽ nhất định, đó là bám sát room tăng trưởng tín dụng đã đặt ra nhằm đảm bảo chất lượng tín dụng và an toàn cho hệ thống ngân hàng, góp phần ổn định vĩ mô, nhất là trong bối cảnh khả năng hoạt động của nhóm doanh nghiệp được cơ cấu lại nợ vẫn là dấu hỏi lớn, nguy cơ tiềm ẩn nợ xấu trong tương lai là không nhỏ.

Nhìn chung, xuyên suốt đại dịch và đến thời điểm này, nền tảng vĩ mô vẫn ổn định: tỷ giá rất ổn định và lạm phát ở mức thấp, dự trữ ngoại hối cao là những tiền đề và dư địa lớn cho chính sách tiền tệ trong thời gian tới. Tháng 9 vừa qua, lạm phát Việt Nam giảm 0,26% so với tháng 8 và bình quân chín tháng đầu năm nay chỉ tăng 1,82% so với cùng kỳ năm ngoái, đây là mức tăng thấp nhất kể từ năm 2016.

Còn nhớ năm 2018, Fed liên tục tăng lãi suất và NHNN cũng liên tiếp tăng lãi suất tín phiếu trong cùng giai đoạn, dẫn dắt lãi suất liên ngân hàng tăng theo.

Fed tăng lãi suất trong tương lai như một điều tất yếu và chắc chắn sẽ gây áp lực lên lãi suất điều hành. Song nếu tăng lãi suất là cần thiết để ổn định vĩ mô, thì việc tăng lãi suất là hợp lý, bởi lẽ nền tảng vĩ mô ổn định tạo điều kiện hoạt động tốt nhất cho toàn bộ nền kinh tế. Fed sẽ tăng lãi suất trở lại, vấn đề chỉ ở thời điểm.

Điều quan trọng lúc này có lẽ là việc chúng ta cần kiểm soát dịch bệnh, mở cửa lại nền kinh tế một cách hợp lý nhất để doanh nghiệp phục hồi sản xuất, kinh doanh sớm nhất có thể. Khi đó, các chủ thể tham gia nền kinh tế có thể sẵn sàng chấp nhận một mức lãi suất cao hơn và NHNN cũng tùy nghi điều hành tiền tệ một cách linh hoạt, phù hợp nhất với diễn biến thị trường tài chính quốc tế và điều kiện vĩ mô trong nước.

Phạm Minh

TBKTSG

Các tin tức khác

>   Lãi suất vay cũ giảm nhỏ giọt (26/10/2021)

>   Làm thế nào để ngân hàng mở "hầu bao" cho dự án BOT giao thông? (25/10/2021)

>   Trích dự phòng gấp 5 lần, ACB báo lãi quý 3 đi ngang (25/10/2021)

>   Tài khóa hay tiền tệ? (25/10/2021)

>   MSB đã phân phối xong 352.5 triệu cp trả cổ tức 2020 cho cổ đông (25/10/2021)

>   Trải nghiệm đỉnh cao với bộ đôi thẻ tín dụng liên kết Sacombank FLC Infinite và Sacombank FLC Platinum (25/10/2021)

>   Vietcombank sắp chia cổ tức bằng cổ phiếu để tăng vốn điều lệ (25/10/2021)

>   Hạn mức tín dụng là gì? (30/10/2021)

>   Quy luật lãi suất (24/10/2021)

>   Ông Nguyễn Chí Thành được bổ nhiệm làm Chủ tịch Hội đồng thành viên SCIC (23/10/2021)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật