Đồng Nai, Bình Dương, Tây Ninh cơ bản thống nhất với TP.HCM về đi lại liên tỉnh
3 địa phương Bình Dương, Tây Ninh, Đồng Nai cơ bản thống nhất với phương án người lao động đi lại liên tỉnh giữa TP.HCM và các tỉnh do TP.HCM đề xuất.
Liên quan đến phương án cho người lao động đi lại liên tỉnh giữa TP.HCM với các tỉnh Bình Dương, Long An, Đồng Nai, Tây Ninh mà TP.HCM đề xuất, chiều 6.10, trao đổi với chúng tôi, ông Võ Văn Minh, Chủ tịch UBND tỉnh Bình Dương cho biết địa phương này cơ bản thống nhất. Tuy nhiên, ông Minh cho biết cũng có những vấn đề đi lại như bằng xe máy thì Bình Dương chỉ thu hẹp ở một số huyện, thị giáp ranh TP.HCM.
Lực lượng chức năng Đồng Nai kiểm soát phương tiện từ TP.HCM vào địa bàn tại cầu Đồng Nai. LÊ LÂM
|
Bình Dương yêu cầu hạn chế đi bộ và xe máy liên tỉnh
Cụ thể, theo ông Minh, Bình Dương thống nhất việc đi lại của chuyên gia, người lao động bằng ô tô (đưa rước) lưu thông giữa 4 tỉnh nêu trên. “Xe ô tô (bao gồm cả xe cá nhân) đưa rước chuyên gia, người lao động ở tỉnh thành nào đi đến địa phương nào sẽ đăng ký và được tỉnh, thành đó cấp giấy hoặc mã QR để lưu thông, kiểm soát”, ông Minh nói.
Riêng người lao động đi bộ hoặc đi bằng xe máy, ông Minh cho biết Bình Dương chỉ hạn chế cho người dân ở TP.Thuận An, TP.Dĩ An đi lại với TP.Thủ Đức, chưa cho đi lại trong phạm vi toàn tỉnh do nguy cơ và yếu tố dịch tễ ở các địa phương có sự chênh lệch, khác nhau. Về các điều kiện đi lại theo hướng dẫn của cơ quan chức năng Bình Dương, vẫn cơ bản thống nhất là người tiêm đủ liều vắc xin, hoặc F0 khỏi bệnh dưới 180 ngày được đi lại, làm việc và có giấy xét nghiệm âm tính trong vòng 72 giờ (theo hướng dẫn của Sở Y tế Bình Dương). Đối với TP.Dĩ An, yêu cầu giấy xét nghiệm âm tính trong vòng 14 ngày.
Trả lời câu hỏi của PV về yêu cầu giấy xét nghiệm âm tính Bộ Y tế đã có văn bản cho phép không cần phải xét nghiệm định kỳ nhưng vì sao Bình Dương vẫn yêu cầu? Ông Nguyễn Hồng Chương, Giám đốc Sở Y tế Bình Dương nói: “Nếu không yêu cầu như vậy thì nguy cơ bùng dịch trở lại là có thể vì người đã tiêm vắc xin vẫn có thể mắc bệnh”.
Tây Ninh không quy định số chỗ đối với xe chở chuyên gia, công nhân
Tại Tây Ninh, ông Nguyễn Tấn Tài, Giám đốc Sở GTVT Tây Ninh cho biết đã có phản hồi, cơ bản thống nhất phương án tổ chức cho người lao động di chuyển giữa TP.HCM và 4 tỉnh lân cận gồm Bình Dương, Đồng Nai, Long An, Tây Ninh.
Theo ông Tài, qua nghiên cứu nội dung dự thảo, Sở GTVT Tây Ninh có ý kiến góp ý về thời gian sau khi tiêm vắc xin và thời hạn xét nghiệm Covid-19 âm tính (theo Quyết định số 1740 của Bộ GTVT). Theo đó, đối tượng vận chuyển, người phục vụ, người điều khiển phương tiện, người ngồi trên xe phải đáp ứng các điều kiện như đã tiêm ngừa vắc xin Covid-19 hoặc đã khỏi bệnh Covid-19 trong vòng 6 tháng. Đồng thời, phải có kết quả xét nghiệm âm tính Covid-19 trong vòng 72 giờ.
Đối với hoạt động vận tải hàng hóa, theo ông Tài, các phương tiện lưu thông ngang qua TP.HCM để đi các tỉnh, thành phố khác và ngược lại, nếu có mã QR hoặc không có mã QR thì vẫn được phép lưu thông. Lý do, đây không phải là điều bắt buộc đối với phương tiện theo quy định của pháp luật. Về hoạt động đưa đón công nhân, chuyên gia, Sở GTVT Tây Ninh đề nghị TP.HCM không quy định số chỗ (trọng tải) đối với xe ô tô chở công nhân, chuyên gia.
Lực lượng chức năng Đồng Nai kiểm soát phương tiện từ TP.HCM vào địa bàn tại cầu Đồng Nai. LÊ LÂM
|
Đối với việc tổ chức đi lại, các công ty, doanh nghiệp xây dựng phương án vận chuyển công nhân, chuyên gia cụ thể, thông qua đơn vị đầu mối xác nhận như Ban Quản lý khu kinh tế, khu công nghiệp, khu công nghệ cao hoặc UBND cấp huyện, các hiệp hội. Các đơn vị trên đăng ký phương tiện, lộ trình vận chuyển, thời gian hoạt động gửi đến Sở GTVT (nơi đơn vị có trụ sở) để cấp giấy nhận diện (có mã QR hoặc cấp giấy vận chuyển cho phương tiện. Đối với chiều ngược lại, Sở GTVT tỉnh Tây Ninh cũng đề nghị xem xét bỏ điểm này vì lý do đã được nêu ở trên.
Đồng Nai chưa cho phép đi lại bằng xe cá nhân
Tại Đồng Nai, lãnh đạo Sở GTVT Đồng Nai cho biết các sở, ngành cũng đã thống nhất ý kiến tham mưu cho UBND tỉnh. Theo đó, Đồng Nai cho phép chuyên gia, người lao động từ TP.HCM và các tỉnh đến Đồng Nai nhưng phải đi bằng xe đưa đón, chưa cho phép đi lại bằng xe cá nhân. Theo giải thích của đại diện lãnh đạo Sở GTVT Đồng Nai, hiện tại tình hình dịch bệnh tại địa phương còn phức tạp, đi xe cá nhân thì khó kiểm soát.
Đối với nội dung người lao động đi lại phải tiêm ít nhất 1 mũi vắc xin sau 14 ngày hoặc đã khỏi bệnh trong vòng 6 tháng, có giấy xét nghiệm âm tính trong vòng 7 ngày thì Đồng Nai hoàn toàn thống nhất với TP.HCM. Chiều 6.10, Đồng Nai sẽ có văn bản phản hồi kế hoạch đi lại liên tỉnh do TP.HCM đề xuất.
Lê Lâm
Thanh niên
|