Dầu diễn biến trái chiều sau dữ liệu sản xuất tại Mỹ
Giá dầu giảm sau khi chạm mức đỉnh nhiều năm vào ngày thứ Hai (18/10), dao động trái chiều khi sản lượng công nghiệp của Mỹ trong tháng 9 giảm, ảnh hưởng đến tâm lý tích cực ban đầu về nhu cầu.
Sản lượng tại các nhà máy của Mỹ trong tháng 9 giảm mạnh nhất trong 7 tháng do tình trạng thiếu chất bán dẫn liên tục trên toàn cầu đã làm giảm sản lượng xe hơi có động cơ, thêm bằng chứng cho thấy sự hạn chế về nguồn cung đang cản trở tăng trưởng kinh tế.
Phil Flynn, Chuyên gia phân tích thị trường cấp cao tại Price Futures Group, “Thị trường dầu khởi động tuần mới với khá nhiều hưng phấn, nhưng dữ liệu sản lượng công nghiệp yếu kém của Mỹ đã khiến mọi người mất niềm tin về nhu cầu, và Trung Quốc công bố dữ liệu kinh tế càng làm gia tăng những lo lắng đó”.
Kết thúc phiên giao dịch ngày thứ Hai, hợp đồng dầu Brent lùi 62 xu (tương đương 0.7%) xuống 84.26 USD/thùng, sau khi chạm mức 86.04 USD/thùng – cao nhất kể từ tháng 10/2018.
Hợp đồng dầu WTI nhích 12 xu (tương đương 0.1%) lên 82.40 USD/thùng, sau khi chạm mức 83.87 USD/thùng – mức cao nhất kể từ tháng 10/2014.
Cả 2 hợp đồng dầu đều tăng ít nhất 3% trong tuần trước.
Dữ liệu công nghiệp yếu kém kết hợp với kỳ vọng sản lượng tăng vào ngày thứ Hai, càng gây áp lực lên tâm lý thị trường.
Theo báo cáo định kỳ hàng tháng của Mỹ công bố vào ngày thứ Hai, sản lượng từ các mỏ dầu đá phiến của Mỹ được kỳ vọng sẽ tăng trong tháng 11/2021.
Cơ quan Thông tin Năng lượng Mỹ (EIA) cho biết sản lượng dầu từ lưu vực Permian ở Texas và New Mexico dự kiến sẽ tăng 62,000 thùng/ngày lên 4.8 triệu thùng/ngày trong tháng tới. Tổng sản lượng dầu từ 7 mỏ dầu đá phiến lớn kỳ vọng sẽ tăng 76,000 thùng/ngày lên 8.29 triệu thùng/ngày trong tháng.
Đà tăng giá diễn ra vào đầu phiên ngày thứ Hai khi những người tham gia thị trường nhìn vào những nới lỏng hạn chế sau đại dịch Covid-19 và mùa đông lạnh hơn ở Bắc Bán cầu để thúc đẩy nhu cầu.
Edward Moya, Chuyên gia phân tích cấp cao tại Oanda, nhận định: “Nhiệt độ lạnh ở Bắc Bán cầu cũng được cho là sẽ làm trầm trọng thêm tình trạng thâm hụt nguồn cung dầu”.
“Do thiếu hụt than đá, điện và khí đốt thiên nhiên dẫn đến làm tăng nhu cầu dầu thô, dường như điều này không đi kèm với việc gia tăng sản lượng từ OPEC+ hay Mỹ”, ông Moya nói.
Vào ngày thứ Hai, Thủ tướng Nhật Bản Fumio Kishida cho biết nước này sẽ thúc giục các nhà sản xuất dầu gia tăng sản lượng và thực hiện từng bước để giảm bớt tác động của chi phí năng lượng tăng cao đối với ngành công nghiệp.
Dữ liệu Trung Quốc cho thấy tăng trưởng kinh tế quý 3 giảm xuống mức thấp nhất trong 1 năm, bị ảnh hưởng bởi tình trạng thiếu điện, tắc nghẽn nguồn cung và bùng phát dịch Covid-19 rải rác ở một số khu vực.
Tỷ lệ chế biến dầu thô hàng ngày của Trung Quốc trong tháng 9 cũng giảm xuống mức thấp nhất kể từ tháng 5/2020 do tình trạng thiếu nguyên liệu và các cuộc thanh tra môi trường đã ảnh hưởng tiêu cực hoạt động tại các nhà máy lọc dầu, trong khi các nhà máy lọc dầu độc lập phải đối mặt với việc thắt chặt hạn ngạch dầu thô.
An Trần (Theo CNBC)
FILI
|